Trong số CHEVENING CHINWAG #10 lần này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Sơn Nguyễn, Chevening Scholar 2021/2022. Thạc sĩ khoa học về Đầu tư và Tài chính (MSc in Investment & Finance) tại trường Queen Mary University of London. Xin chào các độc …
Xin chào mọi người, Mình là Ngọc Anh – học giả Chevening 2023/2024. Sắp tới đây mình sẽ sang Anh học thạc sĩ ngành Management tại đại học Warwick. Nhân dịp học bổng Chevening dành cho khoá 2024/2025 sắp mở đơn, mình xin được chia …
Có nhiều bạn inbox cho mình hỏi rằng “Bằng tốt nghiệp loại Khá có đỗ Chevening được không?”. Mà câu này năm nào cũng nhiều người thắc mắc.
Có kết quả học tập tốt, điểm tiếng Anh tốt là một điểm cộng lớn. Nói đi nói lại thì chị vẫn khuyên em nào chưa tốt nghiệp đại học, thì hãy cố gắng có bảng điểm càng đẹp càng tốt. Bởi vì, thực sự là có bảng điểm đẹp con đường đi du học rộng mở hơn rất nhiều.
Nhưng nếu, không có những điểm cộng trên, dù không tốt nghiệp loại giỏi, bạn vẫn giành học bổng Chevening được. Nếu bạn chưa thấy thuyết phục với thì đây là câu chuyện của mình.
—–
Giới thiệu qua về bản thân mình thời điểm apply. (Tự nhiên lại tự thú về quá khứ “không mấy sáng láng” của bản thân, hơi “ngại” nhưng mình ngại quen rồi):
Mình tốt nghiệp đại học Ngoại Thương bằng Khá. (Mình nghĩ cái này rất hiếm ở Chùa Láng nha).
Điểm IELTS nộp cho trường và cho Chevening 6.5.
Mình đỗ Chevening khóa 2018/2019 ngay lần đầu apply, khi mình vừa đủ 2 năm kinh nghiệm làm việc. Lúc đấy mình chỉ là chuyên viên trẻ chưa phải là “Sếp” của ai.
Mình tự apply không có sự trợ giúp của mentor nào cả.
Nhìn chung mình chỉ có những điều kiện vừa đủ, đúng yêu cầu của học bổng, không hơn, không kém. Mình học ngành MSc. Air Transport Planning àn Management, đại học Westminster. Hiện mình đang làm PhD tại EPSRC Horizon Centre for Doctoral Training (funded by UK Research & Innovation), đại học Nottingham. Vậy là với chiếc bằng đại học trên, mình nhận học bổng toàn phần đi học ở UK 2 lần. Lần 1 có thể ăn may, nhưng đến lần 2 thì không biết kiếp trước mình làm gì mà kiếp này may thế.
Vậy, không có bảng điểm đẹp hay IELTS 8.0, điều gì có thể giúp hồ sơ của bạn nổi bật?
1 – Tư duy: Chúng ta không thể thay đổi quá khứ thì hà cớ gì cứ suy tư về nó. Sao không tập trung vào hiện tại để trở thành phiên bản tốt hơn, bạn có thể những kỹ năng mà không có con số, hay giấy tờ, bằng cấp nào có thể ghi lại được. Chevening tìm kiếm người có tiềm năng lãnh đạo, có networking skill, có kế hoạch tương lai rõ ràng, bảng điểm của bạn có thể hiện được những kỹ năng này không? Nếu chỉ cần nhìn bảng điểm bằng cấp thì Chevening yêu cầu 2 năm kinh nghiệm làm gì? Bạn trưởng thành và thay đổi rất nhiều từ môi trường làm việc.
2 – Kế hoạch rõ ràng: 4 từ này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra lại khá phức tạp. Mình từng hỏi một bạn đam mê của họ là gì, thì bạn ấy nói làm ngành A, đóng góp cho xã hội. Nhưng khi hỏi, nếu giờ đi làm không vì tiền thì bạn làm nghề gì, bạn lại nói là làm Travel Blogger. Vậy đam mê của bạn lớn bằng đâu, có to bằng tờ vé số không? Ý mình là nếu đam mê trong bạn là thật, thì từng câu từng chữ, từng lời bạn nói, từng việc bạn làm cũng thể hiện điều đó thôi. Ai hỏi vặn vẹo, hay thậm chí bị đả kích thì bạn vẫn làm điều mình đam mê. Và bài luận có thể thể hiện điều này qua ngành bạn chọn, bạn muốn học điều gì, học để làm gì, điều bạn làm có ý nghĩa gì.
3 – Sự liên quan giữa kinh nghiệm làm việc, ngành học và kế hoạch tương lai: Điều này cũng vẫn thể hiện kế hoạch rõ ràng. Bạn thấy vấn đề gì trong công việc của mình, động lực nào khiến bạn muốn đi học, bạn muốn học điều gì, điều bạn học góp phần thay đổi vấn đề bạn đã thấy thế nào? Ngành bạn học đại học với ngành muốn apply khác nhau, cũng không sao (mình học đại học, master và PhD 3 ngành khác nhau nhưng nói liên quan. Sự kiện A dẫn đến sự kiện B, dẫn đến quyết đinhk C). Sự liên quan ở đây là liên kết về logic chứ không phải 1 đường thẳng tuột. Hãy kể về trải nghiệm và những bước ngoặt trong cuộc đời bạn. (Bạn có thấy drama thường nhiều người thích xem không? Chúng hấp dẫn mà).
4 – Câu chuyện mang màu sắc cá nhân: Mình từng đọc bài cho một số bạn từ năm 2019 đến nay thì mình thấy ở một số bài (đặc biệt ở những bạn apply ngành học khá phổ biến như Business, Economics), các ý trong bài của các bạn rất giống nhau. Nên mình hay comment là “bài này thay tên người khác vào cũng được”. Ngoài ra, có các câu văn bài luận nào cũng có. Ví dụ: Em mong muốn được học hỏi nhiều điều và mở rộng network. Câu này không sai nhưng nó khiến bạn “chìm trong biển người”. Bạn nên nói rõ “muốn học cái gì, mở rộng network với đối tượng nào, để làm gì?”. Sự khác biệt rất quan trọng, hãy đi con đường của riêng mình và viết ra những câu chuyện mà chỉ có bạn mới viết được thôi. Người giỏi trong thiên hạ không thiếu, nhưng bạn thì là duy nhất.
5 – Tập trung chất lượng không phải hình thức: Nội dung bạn viết là những gì trải nghiệm của bạn, có sẵn trong bạn rồi. Chẳng có văn vở nào biến bạn thành con người khác được đâu. Nếu bạn sợ sai ngữ pháp thì đầu tư gói Grammarly Premium. Bạn có phô diễn từ vựng phức tạp đi nữa, nhưng cuối cùng người đọc chỉ muốn xem bạn viết nội dung gì, con người bạn ra sao. Hãy nêu những ví dụ cụ thể, đừng viết chung chung, câu đao to búa lớn, màu mè mà không có kết luận gì.
6 – Chọn ngành học “lạ và hẹp”: Lạ hay quen thì quan trọng là lý do tại sao chọn nha. Lúc mình chuẩn bị đi du học, nhiều người nói với mình là học ngành đó thì về khó xin việc, vì ít cơ hội. Nhưng, ngành càng hẹp càng thể hiện mục tiêu đi học của bạn cụ thể ra sao, và kế hoạch tương lai của bạn rõ ràng thế nào. 1 năm học có 6 modules thôi, không thể học hết “cả vũ trụ” được. Có thể về xin việc khó nhưng “Bạn tự tin là mình làm được không?”. Ngoài ra, trong cả ngàn hồ sơ chọn ngành giống nhau mà mình lại khác thì tự nhiên mình cũng nổi lên.
7 – Chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc: sự chuẩn bị ở đây bao gồm việc bạn tìm hiểu thông tin thế nào, và bạn dành bao nhiêu tâm trí để thực sự làm việc mình cần làm. Mình nói dành tâm trí không phải dành thời gian nhé, vì dành thời gian mà tâm trí ở chỗ khác thì cũng không được. Như mình đã nói ở trên, bạn đam mê bao nhiêu thì hành động cũng đi theo đam mê đó. Do đó, mình rất “cạn lời” mỗi lần ai đó inbox hỏi “Hồ sơ có gì? Có phải viết luận không?”. Tìm hiểu thông tin, mình nhớ hồi apply, chắc Google từ khóa Chevening, có bao kết quả chắc mình đọc hết. Chứ mình chẳng có ai để hỏi lại những câu hỏi đã ghi rất rõ trong Q&A trên trang www.chevening.org cả. Mình cũng cày hết các bài trên Mindthegap.vn (mà không ngờ một ngày mình làm admin của trang luôn nè). Nhưng việc cần làm nhất ở đây là viết luận và chuẩn bị các thủ tục được yêu cầu, không chỉ đi học kinh nghiệm của người khác cùng các tin đồn và “thuyết âm mưu” trên mạng rồi không làm gì cả. Quy trình của mình: Viết, đọc lại, sửa, viết lại – nghỉ ngơi để refresh đầu óc, đọc lại, sửa – gửi cho bạn đọc, bị nó chê te tua mất hết cả tự tin – lại sửa – Đến deadline, vẫn chưa tự tin lắm, nhưng vẫn nộp.
8 – Nộp bài: Ước mơ lâu, đọc tin này nọ, lập account trên web, chuẩn bị hồ sơ, mà không nộp đúng hạn thì tất cả vô nghĩa. Mình rất thích một câu chuyện trong bộ phim Ăn, cầu nguyện, và yêu. Chuyện kể rằng “Có một người ngày ngày đến ngôi đền thiêng, quỳ dưới tượng Thượng đế và xin – Xin ngài hãy cho con trúng xổ số. Anh ta quỳ và cầu nguyện mỗi ngày từ năm này qua năm khác. Đến mức, một ngày Thượng Đế bực mình hiện hình và nói – Con ta, làm ơn hãy đi mua vé số”. Bạn có nghĩ bạn cũng cần “cho mình 1 tấm vé” không? Khi bạn nộp hồ sơ, bạn cho bản thân cơ hội và để hội đồng biết bạn là ai. Ít nhất, bạn có 50% cơ hội. Còn bạn không nộp thì bạn biết trước kết quả rồi.
Bạn có thể không tự tin. Mình biết ngày trước mình mà post lên group kiểu “hồ sơ em thế này, làm thế nào để đỗ” thì chắc nhiều người sẽ bảo “không có khả năng”, có khi còn chẳng có mentor nào dám nhận. Khi ấy, mình còn vừa trượt học bổng trường nên mình càng không tự tin. Nhưng mình muốn đi du học lắm, phải làm thế nào? Chỉ có cách là apply tiếp thôi còn biết làm sao nữa. Khi bạn thích bạn tìm cách, không thích bạn tìm lý do.
Nếu bạn nghĩ bạn có những khả năng không thể đong đến bằng con số, bạn có những câu chuyện không thể ghi lại trên giấy tờ, hãy thể hiện điều đó và hãy để người khác được đọc câu chuyện của bạn. Cuộc sống muôn màu, nên không thể đánh giá hết con người qua vài tờ A4. Lúc mình nộp xong mình thấy nhẹ cả người, mình còn chả dám đợi kết quả. Nhưng cuộc đời đôi khi cũng khó tin.
Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện apply học bổng Chevening của mình tại blog cá nhân của mình:
Mình chia sẻ những điều này, mong bạn hãy tự tin lên, đừng để quá khứ ảnh hưởng đến bạn, tập trung vào hiện tại, cải thiện bản thân. Khi bạn thực sự mong muốn điều gì, thì cả vũ trụ sẽ giúp bạn thực hiện điều đó (phải là thực sự mong muốn nha).
Ngoài ra, đừng tin vào những “tin đồn” trên mạng, rằng học bổng ưu tiên nọ kia, rồi phải thế này phải thế nọ mới đỗ, rồi bắt đầu với những tiêu cực, bàn lùi. Khi tập trung vào những điều tiêu cực bạn đã tự đẩy những điều tốt đẹp ra xa. Mình tin vào sự công bằng, cơ hội dành cho người xứng đáng. Đọc kỹ yêu cầu của học bổng trên trang web chính thức (http://www.chevening.org) và hãy để Hội đồng giám khảo Chevening quyết định có nên đầu tư cho bạn không.
Học bổng Chevening 2024/2025 sẽ chính thức mở đơn vào ngày 12/9/2023. Đừng chờ đợi mà hãy tự tạo ra may mắn cho mình nhé!
Câu kết quen thuộc, mình chờ đợi chia sẻ của bạn trên http://mindthegap.vn năm tới nha.
Mind the Gap chia sẻ lại kinh nghiệm dành học bổng Chevening của bạn Lương Thu Giang – Học giả Chevening 2023/2024. >>>>> Nhân dịp Chevening 2024 sắp mở vòng đơn vào tháng 8 này và vì nhiều người nhắn tin cho mình hỏi kinh …
Nhân dịp mình chính thức nhận được bằng thạc sĩ dạo gần đây (sau 8 tháng chờ đợi, finally) thì mình xin chia sẻ một bài viết về những điều mình góp nhặt được khi đi học thạc sĩ ở nước ngoài, trong trường hợp …
Hành trình của một du học sinh không phải lúc nào cũng toàn “màu hồng”. Tuy vậy, những khó khăn, thử thách cũng là một bài toán để giúp mỗi du học sinh trưởng thành hơn và quãng thởi gian du học trở nên đáng nhớ hơn. Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Giang, Chevening Scholar 2022/2023, về cách giải quyết một trong những bài toán nan giải khi khám phá nước Anh.
Tàu là phương tiện đi lại rất phổ biến ở Anh, bên cạnh những phương tiện khác như xe bus hay xe khách. Phương tiện công cộng bên này thường chạy rất đúng giờ, nhưng nhiều khi cũng bị huỷ rất bất ngờ 😖. Vậy cần làm gì khi phát hiện ra tàu của mình đã bị huỷ? Mình sẽ chia sẻ với các bạn những cách đối phó khi tàu bị huỷ nhé, bài viết dựa trên kinh nghiệm thực tế thương đau của mình 😭
Nguyên nhân huỷ tàu
Có rất nhiều các nguyên nhân khiến tàu bị huỷ, mình tạm chia làm hai nhóm:
Có kế hoạch: ví dụ như đình công. Nước Anh đang chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong một thập kỷ khi những người lao động, từ tài xế tàu hỏa đến giáo viên, công chức, đồng loạt nghỉ việc trong ngày.
Bất ngờ: thiên tai, ví dụ như có cảnh báo sạt lở nên tàu dừng hoạt động. Mình hay gặp nhất là huỷ tàu không có báo trước, ví dụ lúc ra sân ga đi tìm mới biết tàu mình bị huỷ rồi.
Xử lí khi tàu huỷ theo “kế hoạch”
Trường hợp này khá đơn giản, bạn chỉ cần chuyển sang các phương tiện khác như xe khách. Trang web mình hay dùng để check là https://www.checkmybus.co.uk/, ở đây sẽ tổng hợp các chuyến của ba hãng lớn trong UK là National Express, Flixbus, Megabus. Nếu hay đi lại thì bạn có thể mua coachcard của hãng National Express, mỗi lần đặt vé sẽ được giảm 30% đó.
Nếu bạn đã mua vé trước khi có lịch đình công, bạn có thể Refund trên ứng dụng bạn mua (trainpal, trainline…) hoặc trực tiếp tại website của các hãng
Khi bạn ra tới nhà ga mà phát hiện tàu mình đã bị huỷ, bạn sẽ làm như sau:
Xem hãng có bố trí xe bus thay thế không, bạn có thể kiểm tra điều này trên ứng dụng, trên bảng tại sân ga, hoặc nhanh nhất là hỏi nhân viên sân ga xem xe bus lúc ấy nằm tại đâu.
Trường hợp mà hãng không có xe bus thay thế thì bạn có thể làm theo 1 trong 2 cách sau
Cách 1: mua vé mới + refund vé cũ
Bạn cứ search trên ứng dụng đặt vé (trainpal, trainline…) rồi chọn thời gian khởi hành là Now, hoặc thời gian khởi hành tại lúc đó để xem có những vé nào còn lại rồi mua luôn.
Lưu ý: chọn điểm đi là ga bạn đang đứng nhé. Ví dụ Manchester có mấy cái ga to như Manchester Piccadilly, Manchester Oxford road, Manchester Victora. Hay như Canterbury có ga East và West. Giả sử như bạn đang đứng ở ga này mà bạn mua vé ở ga kia là không kịp chạy sang đâu. Nên nhớ là lúc này bấm chọn đúng ga mình đang đứng nhé
Sau khi mua vé mới xong xuôi, lên tàu rồi thì bạn có thể đòi hoàn tiền cái vé cũ của mình. Bạn có thể mở app mình mua vé, tìm mục Refund; còn nếu không có thì bạn phải xem vé của mình mua do hãng nào vận hành, sau đó lên trang web của hãng để đòi hoàn tiền (danh sách trên). Lưu ý là kể cả khi tàu đến trễ bạn cũng có thể được hoàn một số tiền đó (mình đã được hoàn 1/3 tiền vé trong một lần tàu trễ ở Canterbury)
Ưu điểm: nhanh, gọn.
Nhược điểm: vì mua sát giờ nên giá vé mới có thể cao hơn cũ.
Cách 2: dành cho người đã bị huỷ tàu chuyên nghiệp :))
Cách này có thể giúp bạn tận dụng được vé đã bị huỷ. Có hai điểm cần quan tâm là (1) hãng vé bạn là gì, (2) các điểm transit cần thiết. Để mình giải thích bằng hai cái ảnh sau (phần khoanh đỏ).
Bạn có thể thấy trong vé có ghi là chỉ được sử dụng trên tàu của hãng tương ứng. Vậy thì bạn chỉ cần tra lại trên app xem cung đường đó, của hãng đó thì tàu gần nhất là mấy giờ thì bạn có thể lên mà không cần mua lại vé. Nhưng nhớ là phải tìm xem hãng vận hành đúng là hãng của bạn đó nhé, nếu không thì bạn có thể bị phạt vì không mua vé đó.
Một cách nữa là dựa theo các điểm transit. Mình lấy ví dụ như này, sau một ngày đi chơi dài mệt mỏi, 7 giờ tối bạn ra ga tàu để đi về thì phát hiện là không có tàu và cũng không có bus thay thế. Vé bạn mua ban đầu là đi qua Doncaster để về nhà. Nhưng với kinh nghiệm đi nhiều lần (và bị huỷ nhiều lần), bạn biết rằng đi qua Leeds vẫn có thể về nhà mình. Và bạn cũng biết rằng ga Leeds lớn hơn ga của Doncaster rất nhiều, vậy nên khả năng nhiều tàu sẽ transit qua chỗ này, vậy thì bạn đoán rằng bạn có thể về nhà nhanh hơn và dễ hơn nếu bạn chọn đi qua Leeds rồi mới về nhà. Hoặc như mình biết rằng trong Manchester thì ga Piccadilly là cái to nhất, vậy khi mua vé mình sẽ chọn tới đó, rồi từ đây tìm tiếp đường về nhà (chọn các điểm lớn để có nhiều lựa chọn đi về hơn). Đây là những thông tin thêm và giúp bạn đưa ra quyết định thôi, cơ bản thì bạn có thể search trên app thì hiện tại mọi thứ cũng cập nhật rất nhanh và chính xác.
Lần 1 bị tàu huỷ lúc 9pm, mình rất lo lắng làm sao để về tới nhà. Tới lần 2, 3 lần thì dần dần mình cũng quen và không còn lo gì nữa. Chúc các bạn có những trải nghiệm khám phá nước Anh xinh đẹp mà không bị quạu mỗi khi huỷ tàu 😀