NHỮNG ĐIỀU MÌNH GÓP NHẶT ĐƯỢC KHI ĐI HỌC THẠC SĨ Ở NƯỚC NGOÀI (UK)

NHỮNG ĐIỀU MÌNH GÓP NHẶT ĐƯỢC KHI ĐI HỌC THẠC SĨ Ở NƯỚC NGOÀI (UK)

Nhân dịp mình chính thức nhận được bằng thạc sĩ dạo gần đây (sau 8 tháng chờ đợi, finally) thì mình xin chia sẻ một bài viết về những điều mình góp nhặt được khi đi học thạc sĩ ở nước ngoài, trong trường hợp của mình là ở Vương quốc Anh (UK), theo học bổng Chevening. Hi vọng có thể chia sẻ thêm thông tin bổ ích cho mọi người (biết đâu có thể cung cấp thêm thông tin cho những ai cần nó).

Disclaimer: bài viết chỉ mang tính cá nhân dựa vào trải nghiệm của bản thân tác giả. Bài viết này dựa trên bối cảnh tác giả học 4 năm đại học ở Việt Nam, có 5 năm kinh nghiệm đi làm trước khi đi học. Bên cạnh đó, tác giả đi du học bởi học bổng toàn phần của chính phủ (không phải đi làm thêm, chỉ tập trung vào công việc học thuật, trải nghiệm văn hóa và tích lũy kinh nghiệm trong ngành). Đồng thời, bài viết sẽ không phù hợp cho chương trình thạc sĩ học online hoặc chương trình liên kết học trong nước.

Ngày đầu đi học - với Chevener cùng lớp - hình 2

1. Kiến thức

• Bản chất chương trình thạc sĩ (đặc biệt là Master of Science – MSc hay Master of Arts – MA) là một loại bằng cấp sau đại học để đào tạo chuyên sâu vào 1 mảng nhất định, bổ trợ và nâng cao hơn kiến thức ngành so với bậc đại học. Mục tiêu để tạo ra các chuyên gia (specialist/expert) ở cái ngành mà chương trình thạc sĩ đó đào tạo và chuẩn bị cho sinh viên tiến triển lên bậc học cao hơn (PhD). Ví dụ: thời đại học mình học BSc in Finance and Banking, lên thạc sĩ mình học MSc in Investment and Finance, tuy có khác về chuyên ngành hẹp nhưng đều tiếp nối lên bậc học cao hơn cho ngành tài chính.

• Việc nhận được kiến thức như thế nào phụ thuộc khá nhiều vào 1/Thời điểm (timing) bạn chọn đi học thạc sĩ và 2/Chương trình học (curriculum) ở từng trường ĐH khác nhau.

• Mình có 5 năm kinh nghiệm thực tế trong ngành trước khi học thạc sĩ nên có thể tiếp thu kiến thức được tốt và sâu hơn. Đồng thời chương trình mình học vừa mang tính chất nghiên cứu, vừa mang tính chất ứng dụng/professional practice nên mình học được thêm khá nhiều kiến thức mới về tài chính doanh nghiệp và đầu tư. Việc đọc nhiều nghiên cứu học thuật trong ngành và các bài báo/articles chuyên môn giúp mình hiểu gốc rễ của từng khái niệm/chủ đề chính trong ngành. Việc làm việc qua các bài tập tình huống và gặp gỡ các chuyên gia/thầy cô thỉnh giảng giúp mình liên hệ được kiến thức học thuật với ứng dụng thực tế, nhận ra những mối tương quan, một số lỗ hổng và làm như thế nào để mình có thể rút ngắn được khoảng cách đó.

• P/s: Mình từng xin tài liệu của một người bạn học chương trình thạc sĩ tài chính MSc in Finance tại London Business School (chương trình này xếp hạng #1 trên thế giới theo bảng xếp hạng Financial Times nhiều năm liên tiếp) để so sánh với chương trình của mình. Kết quả so sánh: đa số các môn bọn mình đều dùng chung giáo trình, nhưng cách tiếp cận môn học và cách giảng dạy rất khác nhau. Lý do là 2 trường của bọn mình tập trung theo 2 hướng với chiến lược khác nhau nên các nguồn lực của trường (từ nghiên cứu học thuật, đến quan hệ với doanh nghiệp và chuyên môn của các giáo sư) cũng phải được phân bổ cho hợp lý. Cụ thể khác nhau như thế nào là một câu chuyện dài ở 1 chủ đề khác.

Cùng các Cheveners thăm Swansea

2. Kỹ năng

Trong quá trình học thạc sĩ, mình có cơ hội rèn luyện rất nhiều kỹ năng, tiêu biểu như sau:

• Kỹ năng tự học: chương trình thạc sĩ đòi hỏi mọi người phải tự nghiên cứu, tự đọc tài liệu để hiểu, để làm assignments, thảo luận trên lớp và làm kiểm tra (nếu có). Cường độ học tập sẽ khác nhau giữa các trường, một số trường thuần về nghiên cứu và đặc biệt chú trọng vào học thuật thì kỹ năng tự học của bạn sẽ lên một level mới 😃. Ví dụ: mình biết một số bạn học giả Chevening học ở trường ĐH A (Top 10 QS World Universities Ranking), ở ngành B, sinh viên phải đọc mấy trăm trang tài liệu trước khi lên lớp để có thể thảo luận và trả lời các câu hỏi của giáo sư, thi cuối kỳ là thi tập trung mấy tiếng đồng hồ rất căng (một số bạn vì quá áp lực nên có giai đoạn bị khủng hoảng tinh thần) => kỹ năng tự học, quản lý thời gian, hợp tác và học nhóm tăng lên chóng mặt nếu như bạn có thể handle được.

• Kỹ năng nghiên cứu: cái này mình thật sự rất trân trọng vì lần đầu tiên mình cực kỳ nghiêm túc với từng bước của việc làm nghiên cứu học thuật, từ làm literature review, đến thu thập dữ liệu đến việc phát triển các luận điểm và cách trích dẫn cho đúng chuẩn. Kỹ năng này giúp mình biết cách đọc và phân tích các research papers trong ngành sau này, và là một phép thử cho những ai vẫn còn xem xét lựa chọn học lên bậc tiến sĩ.

• Kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, networking và các kỹ năng mềm khác: cái này nhiều người đề cập lắm rồi nên mình không thêm nữa.

Với các Cheveners tại ĐH Cambridge

3. Mối quan hệ

• Việc xây dựng mối quan hệ này khá đặc biệt khi bạn ở bậc sau đại học, trong môi trường học thuật ở một quốc gia mới với giả định là mọi người sẽ mất thời gian đầu để ổn định cuộc sống, thích nghi và làm quen với nền văn hóa mới.

• Bạn sẽ có thêm những người bạn ở các quốc gia mà có thể bạn chưa bao giờ đặt chân đến, có thể cùng lớp, cùng khoa, cùng hội sinh viên hoặc tổ chức trao học bổng (trường hợp của mình là cộng đồng Chevening – một cộng đồng tuyệt vời).

• Bạn cũng có thể xây dựng được mối quan hệ với thầy cô dạy mình, các chuyên gia ngoài industry và những đồng nghiệp, sếp của các bạn tại nơi thực tập/làm việc.

• Những mối quan hệ này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức, thông tin và các cơ hội trong tương lai.

Họp mặt Cheveners ở Regents Park (1st meeting)
Họp mặt Cheveners ở Regents Park (1st meeting)

4. Mở rộng thế giới quan

• Do lớp học bao gồm các bạn đến từ các quốc gia khác nhau nên bạn hoàn toàn có thể trò chuyện để hiểu về ngành của bạn diễn ra như thế nào ở các nước khác nhau. VD: trước đây mình chỉ biết về ngành tài chính ở Việt Nam thôi, do đi học nên tiếp xúc mấy bạn ở London-Anh, Luxembourg, Frankfurt-Đức, Zurich-Thụy Sĩ, Mỹ Latinh, Hong Kong, Trung Quốc, Đông Nam Á nên cũng được khai sáng ra được vài thứ, đặc biệt là bạn thấy rằng mình từ từ bước ra khỏi cái giếng của ao làng 😃

• Chưa kể ngoài việc học ở trường, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp đi du lịch để trải nghiệm văn hóa và cũng để “kiểm chứng” những hiểu biết của bạn về quốc gia đó. Phần này mình kể lể cũng nhiều rồi nên ngắn gọn vậy thôi.

• Bên cạnh đó, tham gia những sự kiện trong ngành, câu lạc bộ sinh viên hoặc trong trường hợp của mình là cộng đồng học giả Chevening khiến mình tiếp xúc với nhiều quan điểm và lối sống rất mới, từ đó bạn sẽ trở nên hiểu biết và cởi mở hơn.

Cùng các Cheveners thăm Greenwich
Cùng các Cheveners thăm Greenwich

5. Tăng thêm sự tự tin

• Bằng thạc sĩ là chứng nhận cho sự hiểu biết chuyên sâu của bạn vào một ngành nào đó. Hãy làm một phép tính đơn giản sau đây: bằng thạc sĩ 1 năm ở UK phần lớn sẽ tương đương với 180 UK credits, mỗi UK credit sẽ mất tầm 10 giờ học, vậy bạn đã phải bỏ ra 1800 giờ để học cái chuyên ngành hẹp đó.

• Dù mọi người sẽ cần thêm rất nhiều giờ nữa để có thể thành thạo cái ngành đó trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng 1800 giờ bạn bỏ ra để tập trung vào một mảng cụ thể nào đó does say something về khả năng của bạn.

• Ví dụ: khi có thêm nhiều kiến thức và học được phương pháp luận của các hoạt động trong ngành, bạn sẽ biết điểm quan trọng của từng công việc nằm ở đâu để sắp xếp, ưu tiên tốt hơn, có cuộc trò chuyện ý nghĩa hơn với đồng nghiệp và đối tác từ đó sự tự tin của bạn tăng lên đáng kể.

Hoạt động dọn rác ở bãi biển Liverpool cùng với các Cheveners
Hoạt động dọn rác ở bãi biển Liverpool cùng với các Cheveners

6. Giúp định hình mục tiêu nghề nghiệp

• Khi đi học thạc sĩ bạn sẽ có thêm hiểu biết về các ngành nghề khác nhau qua kiến thức học thuật, các hội thảo với doanh nghiệp, thầy cô thỉnh giảng và các sự kiện networking ngoài industry. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH còn có những môn học không bắt buộc (optional module) hoặc những phiên giả lập để các bạn có thể thử những mảng công việc mới để kiểm tra xem mình có phù hợp hay thích nó không trước khi bạn có thể sẵn sàng cho thị trường lao động.

• Đồng thời, qua việc trao đổi mục tiêu nghề nghiệp với các bạn học, việc gặp nhiều người khác nhau ở thành phố bạn học tập cũng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin và đưa ra được những quyết định phù hợp cho bản thân.

• Ví dụ: trước khi đi du học thạc sĩ mình có thành kiến không được tốt về ngành investment banking, sau khi có thêm nhiều kiến thức và thông tin thì mình thấy ngành này thật sự thú vị. Hay trước đây mình cho rằng một số công việc thật là hào nhoáng nhưng sau khi tìm hiểu được bản chất và biết được nhiều người trong ngành thì mình thấy cũng không đến nỗi ngầu như thế. Do đó, việc đi học và có thêm nhiều thông tin sẽ giúp bạn lí giải vì sao bạn chọn con đường A mà không phải là con đường B, C, D như những người khác.

Sự kiện technology showcase với Chevener tại London
Sự kiện technology showcase tại London

7. Chuẩn bị cho bậc học cao hơn và một số dự định cá nhân khác

• Với phần lớn các quốc gia, để được lên bậc học PhD cần bạn phải hoàn thành xong bậc học thạc sĩ (mình biết ở Mỹ thì bạn có thể apply thẳng lên PhD từ bậc đại học, nhưng đó là câu chuyện dài ở một chủ đề khác).

• Mình có gặp một bác C-executive trong 1 cái ngành hẹp tại Anh, bác ấy học PhD vào lúc 43 tuổi khi chỉ có bằng ĐH mà chưa có bằng thạc sĩ. Lý do vì bác là một nhân vật rất có tiếng tăm trong cái ngành hẹp đó nên kinh nghiệm của bác hoàn toàn có thể bổ sung được cho cái yêu cầu về bằng thạc sĩ. Những trường hợp này là outlier nhưng vẫn có khả năng xảy ra.

• Nếu không đi theo con đường học thuật/nghiên cứu/giảng dạy thì học thạc sĩ sẽ giúp mọi người có kiến thức chuyên môn sâu để làm việc được hiệu quả và có phương pháp hơn, đồng thời phục vụ một số dự định cá nhân khác (chuyển ngành, thăng chức, tăng lương, ứng tuyển vào những công việc yêu cầu bằng thạc sĩ, làm đẹp hồ sơ cá nhân, làm tăng điểm cho hồ sơ định cư, nhận được thị thực tìm việc ở các nước khác, học theo vợ/chồng v…v…). Mình không có dự định này nhưng mình biết có nhiều bạn đi học thạc sĩ xong tìm được người yêu và gắn bó luôn tại đất nước đó 😃.

Hình tốt nghiệp thạc sĩ với bạn bè ở ĐH Queen Mary London
Lễ tốt nghiệp đại học Queen Marry

Kết luận

Thật ra cũng có một số bất lợi khi đi học thạc sĩ như tạm thời dừng lại sự nghiệp có lương bổng cao, xa gia đình, tốn học phí và chi phí ăn ở, v…v… nhưng nếu sau khi phân tích mà thấy đi học sẽ mang cho bạn nhiều lợi ích hơn thì nên xem xét phương án này 🙂.

Hi vọng bài viết này sẽ mang lại thêm nhiều thông tin cho mọi người, đặc biệt là những bạn có dự định học thạc sĩ hoặc chuẩn bị ứng tuyển cho những học bổng cực kỳ cạnh tranh sắp tới, để không phải “chán công việc hiện tại thì đi học thạc sĩ” theo xu hướng dạo gần đây. Thật sự đi học thạc sĩ sẽ mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội mới nhưng hãy tìm hiểu nghiêm túc và nắm bắt nó.


Tác giả: Nguyễn Tùng Sơn – Học giả Chevening 2021/2022