Tag: life in the UK

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Tết xa nhà, tạm xa không khí  sum họp gia đình như ở Việt Nam, những buổi học vẫn diễn ra, những bài luận vẫn cần phải nộp, nhưng không vì thế mà ở UK không có Tết. Hãy cùng xem các học giả Chevening 

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Bất chấp deadline ngập đầu (còn 2 tuần nữa phải xong dissertation project) mình cũng phải tìm Tour Isle of Skye để đi cho trọn trải nghiệm ở Scotland. Hỏi: Có đáng không? Xin trả lời: CỰC KỲ XỨNG ĐÁNG!!! Trước khi đi chỉ biết 

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Gregory dẫn chúng tôi đi dọc con đường Thame River từ Tower Bridge đến Greenwick Park vừa đi vừa giới thiệu về lịch sử của từng địa điểm và hỏi thăm về kỳ nghỉ Giáng sinh của chúng tôi. Đó là vào một ngày cuối năm 2019, thầy giáo của chúng tôi- Gregrory Thompson, cũng là trưởng bộ môn, gửi mail cho cả lớp để ‘rủ’ những ai đang ở London dịp nghỉ lễ tham gia đi bộ từ Tháp London đến Công viên Greenwich. Chặng đường cũng ngót ghét hơn 8 km trong thời tiết 4-5 độ ở London.

Đến ngày khởi hành, có 10 người xuất hiện ở điểm hẹn. Thầy giáo của chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì có đông người tham gia hơn ông nghĩ. Chúng tôi bắt đầu đi từ 10:30 AM và vừa đi vừa trò chuyện về đủ thứ trên đời. Chúng tôi nghĩ Gregory sẽ hỏi cảm nhận của mọi người về khóa học, nhưng không, ông chỉ hỏi chúng tôi đang cảm thấy như thế nào, có ổn không, Giáng sinh đã đi những đâu. Cảm giác thân quen như những người bạn đang nói chuyện với nhau vậy. Nếu gặp Gregory ngoài đời chắc chắn không ai nghĩ ông từng là Giám đốc của một nhà hát, và là trưởng bộ môn của một trường đại học, là một người sinh ra và lớn lên ở London. Ông luôn xuất hiện với mới tóc xoăn rối điểm vài sợi bạc, với chiếc áo gió thể thao màu nõn chuối và đôi giày cũ kỹ. Nhưng ông luôn khiến chúng tôi thấy thoải mái trong lớp với những trò đùa hay câu nói hài hước làm cả lớp cười phá lên.

Lớp chúng tôi đã có những ngày khởi đầu không mấy suôn sẻ khi một số sinh viên không nhận được thông báo về thay đổi của môn học trước khi nhập học. Cụ thể là hai bộ môn của khoa Nhân học sẽ thay thế cho hai môn được dạy bởi Khoa Kinh doanh. Nói chính xác là chúng tôi không hiểu tại sao một khóa học về Doanh nghiệp lại được dạy đa phần bởi Khoa Nhân học. Những sinh viên không hài lòng hoặc là sẽ chuyển sang khóa học khác hoặc sẽ khiếu nại nên khoa. Tôi nằm trong số những sinh viên được thông báo từ trước về những thay đổi này và tôi đồng ý với những thay đổi đó. Bởi theo tôi, ngành của chúng tôi là Doanh nghiệp sáng tạo, sản phẩm sẽ rất khác với các lĩnh vực kinh doanh khác và những môn học mới được đưa vào đã được thông báo rất rõ là dựa trên góp ý của sinh viên khóa trước. Vậy đương nhiên nó sẽ phù hợp hơn với lĩnh vực của chúng tôi. Thế nhưng năng lượng trong lớp những tuần đầu khiến tiến độ lớp học thật trì trệ. Gregory đã gặp rắc rối với khoa về đơn khiếu nại. Ông đã có một buổi ngồi nói chuyện với cả lớp sau đó để xin lỗi và giải thích kỹ hơn về những môn học mới được đưa vào.

Nhưng có lẽ phải đến tận hôm nay, chúng tôi mới thực sự hiểu mục đích của Gregory khi đưa hai bộ môn mới đó. Nó thực sự khiến chúng tôi suy nghĩ về việc kinh doanh với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một khóa học đầy nhân văn và cách tiếp cận cũng thực sự sáng tạo.

Họ không dạy chúng tôi cách làm sao để chạy quảng cáo hiệu quả và tiết kiệm. Họ muốn chúng tôi hãy quên việc đó đi và bắt đầu xây dựng một cộng đồng và chi 0 đồng cho việc quảng cáo.

Họ không dạy chúng tôi làm sao để ‘thắng’ trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt mà lại dạy chúng tôi hợp tác với nhau như thế nào trong một tương lại đang thay đổi liên tục.

Họ không dạy chúng tôi làm sao để trở thành những doanh nhân thành công mà lại muốn chúng tôi đi sâu vào bên trong để tìm giá trị cốt lõi của chính mình. Tại sao chúng tôi lại muốn làm điều mà chúng tôi đang làm?

Họ không dạy chúng tôi làm sao để trở thành những người lãnh đạo quản trị tốt mà lại dạy chúng tôi cách quan sát, cách kết nối không dùng lời nói (leader without leading), cách điều tiết nội lực ở bên trong, cách ứng tác (body improvisation)  để luôn thấy mình tự tin và tràn đầy năng lượng.

Và ‘lạ’ hơn, thay vì muốn chúng tôi hãy tạo ra một doanh nghiệp triệu đô, họ lại khuyến khích chúng tôi xây dựng một doanh nghiệp, một tổ chức khiến chúng tôi luôn tự hào.

Buổi đi bộ của chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc lúc 3 giờ chiều nhưng phải đến 6 giờ tối chúng tôi mới đến được Greenwich Park. Lúc này chỉ còn lại 4 đến 5 người, một số bạn khác có việc bận nên đã xin phép rời đi trước. Chúng tôi ghé vào một quán Pub mà theo như Gregory thì đó là một quán pub lâu đời ở London. Tôi kể về Giáng sinh của mình với một gia đình người Anh, về chuyến thăm quan quê hương Shakespeare với cô bạn cùng lớp, về những kỳ vọng ở học kỳ tới, về bài luận, vv. Nhưng cho dù là chủ đề gì, thì giữa chúng tôi không còn khoảng cách của một trưởng bộ môn và sinh viên nữa mà giống như một người thầy giàu kinh nghiệm đang cố gắng giúp đỡ sinh viên sắp xếp lại những ý tưởng còn đang hỗn độn của mình.

Nhờ có buổi đi bộ ngày hôm đó, tôi mới nhận ra hoàng hôn ở London thật đẹp. Nếu có một ngày tôi không còn ở đây nữa, điều tôi nhớ nhất về London sẽ là bầu trời, người thầy đáng kính và những người bạn.

Ảnh minh họa: Hoàng hôn ở phía bên kia bờ London.

Bài viết: Linh Luyện – Chevening 2019/2020
Hình ảnh: Linh Luyện – Chevening 2019/2020
Có một London rất xanh

Có một London rất xanh

Tôi đặt chân xuống London vào đầu tháng 9, khi cái nắng hè đã bớt chói chang nhưng vẫn đủ tỏa sáng một bầu trời xanh trong. Khi còn ở nhà với vô vàn những tưởng tượng về nước Anh và thủ đô London, tôi 

KỲ GIÁNG SINH CUỐI CÙNG Ở ANH

KỲ GIÁNG SINH CUỐI CÙNG Ở ANH

Vào những ngày tháng 12 ở bên Anh, trời lúc nào cũng đã buông màn đêm từ tầm 4 giờ chiều, mọi người chỉ mong được về nhà sớm, chui vô chăn, nhâm nhi tách trà bên quyển sách yêu thích hay đơn giản cùng 

Nước Anh có gì: The best of Sheldon’s obsession

Nước Anh có gì: The best of Sheldon’s obsession

Disclaimer: Các thông tin chính xác về lịch sử phát triển và nguồn gốc của ngành đường sắt, ở UK và trên thế giới, có tương đối đầy đủ trên cả Wikipedia & Quora. Nội dung bài này hoàn toàn là quan điểm chủ quan của người viết (do lười đi đối chiếu). Còn Sheldon là nhân vật chính của series phim truyền hình The Big Bang Theory (CBS) – ai chưa có dịp xem thì xem cho biết cũng được.

Một trong những lý do mình tận hưởng khoảng thời gian tại UK một cách hết sức thoải mái chính là nhờ hệ thống đường sắt & ngành đường sắt ở đây. Ý kiến của mình chắc chắn có phần thiên lệch, do những tìm hiểu đều xuất phát từ sở thích cá nhân. Nhưng dưới đây là những điểm cộng to đùng mà UK đã ghi được trong lòng mình chỉ với một đống sắt (và mấy trăm năm đầu tư vận hành).

  • Đường sắt UK bao phủ gần như từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, nối liền các thành phố, thị trấn cũng như phần lớn các địa điểm du lịch khác.
  • Người Anh thường hay than phiền việc tư nhân hóa ngành công nghiệp đường sắt, nhưng chỉ cần đi tàu hỏa ở “phần còn lại của châu Âu” nhiều một xíu, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thấy được những lợi ích của dịch vụ do tư nhân (thay vì nhà nước/ nhà nước trợ giá) cung cấp.
  • Nói thế vẫn phải thừa nhận là vé tàu ở UK đắt khủng khiếp: một vé đi về giữa Birmingham & London rẻ nhất tầm 11-12 bảng, phải đặt trước & phải đi đúng những chuyến tàu mình đã đặt. Nếu cần phải đi gấp, thì quãng đường xấp xỉ 180km đó có giá trị 30-80 bảng (một chiều) cũng là chuyện bình thường. Trước tình cảnh này, nhằm mục đích không phải đau bao tử lúc đi chơi, sinh viên nghèo vượt khó đã tập được sự ngăn nắp, khả năng lên kế hoạch và sự kiên nhẫn lục lọi các hãng tàu, các ưu đãi giảm giá và các tuyến đường khác nhau để mua vé vừa tiết kiệm tiền, vừa đến được nơi cần phải đến trong khoảng thời gian “chấp nhận được”.
  • Phong cảnh ở UK ngắm từ trong xe lửa đẹp hơn ngắm từ xe hơi và xe buýt. Lý do là đường ray đặt tách khỏi khu dân cư hơn một tý, đồng không mông quạnh, không bị nhà cửa che đi nhiều, thế là tầm nhìn tốt hơn. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa thể hiện sự khác nhau rõ mồn một ngoài đồng. Mình cứ ngồi trên tàu mà ngắm cho sung sướng.
  • Một từ thôi: viaducts (cầu cạn đường sắt).
Ga York
  • Nhà ga ở UK rất hay. Không phải chỉ những cái to hoành tráng như King’s Cross, Waverley hay vừa được đầu tư lại bộn tiền như New Street mới đáng được nhắc đến. Từng nhà ga, cả lớn cả nhỏ, đều một cách riêng để thể hiện cá tính và đặc trưng của vùng/ thành phố/ thị trấn mình. Cái hoa hồng gắn lên vách lên cột, cầu thang nối giữa các sân ga, cũng rất riêng (xấu đẹp đủ hết nha). Nhà ga mình thích nhất vẫn là Moor Street ở Birmingham và lý do chính là nó chỉ có 4 sân ga, vừa đủ “đa dạng”, nhưng bảo đảm có đi nhầm cũng hiếm khi trễ tàu được.
  • National Railway Museum, York: bảo tàng miễn phí vé vào & như nhiều nhiều bảo tàng khác ở UK, cung cấp vô vàn thông tin hay ho (ví dụ như tuyến tàu chạy từ London lên Edinburgh đã phát triển như thế nào, những đầu tàu nào đã chạy tuyến đó) & các hiện vật trưng bày thì … <nhớ lại vẫn thèm thuồng>.
  • Xe lửa hơi nước: được sử dụng chủ yếu để phục vụ du lịch; mọi người có thể thử ở Lake District hoặc North Yorkshire đều có nhiều tuyến rất đẹp. Việc họ giữ lại được những thứ hay và đẹp của lịch sử, quá khứ và quá trình phát triển, cho nó một vị trí phù hợp, hiệu quả trong xã hội và môi trường hiện tại, theo mình là hết sức đáng học hỏi và trân trọng.

P.s: Mọi người đi chơi bằng tàu đừng quên mang theo railcard nhé; không thì lại phải ngậm ngùi mua thêm một vé giá chuẩn trong trường hợp bạn soát vé nghiêm túc làm đúng luật. Nhớ lại vẫn xót xa mấy chục đồng vé từ Edinburgh về Brum năm đấy quá.

Ảnh đại diện: Ga Stratford-upon-Avon.

Bài và ảnh: Khanh Nguyễn

Học giả Chevening 2015-2016