Ở UK, làm gì khi tàu bị hủy?
Hành trình của một du học sinh không phải lúc nào cũng toàn “màu hồng”. Tuy vậy, những khó khăn, thử thách cũng là một bài toán để giúp mỗi du học sinh trưởng thành hơn và quãng thởi gian du học trở nên đáng nhớ hơn. Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Giang, Chevening Scholar 2022/2023, về cách giải quyết một trong những bài toán nan giải khi khám phá nước Anh.
Tàu là phương tiện đi lại rất phổ biến ở Anh, bên cạnh những phương tiện khác như xe bus hay xe khách. Phương tiện công cộng bên này thường chạy rất đúng giờ, nhưng nhiều khi cũng bị huỷ rất bất ngờ 😖. Vậy cần làm gì khi phát hiện ra tàu của mình đã bị huỷ? Mình sẽ chia sẻ với các bạn những cách đối phó khi tàu bị huỷ nhé, bài viết dựa trên kinh nghiệm thực tế thương đau của mình 😭
Nguyên nhân huỷ tàu
Có rất nhiều các nguyên nhân khiến tàu bị huỷ, mình tạm chia làm hai nhóm:
- Có kế hoạch: ví dụ như đình công. Nước Anh đang chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong một thập kỷ khi những người lao động, từ tài xế tàu hỏa đến giáo viên, công chức, đồng loạt nghỉ việc trong ngày.
- Bất ngờ: thiên tai, ví dụ như có cảnh báo sạt lở nên tàu dừng hoạt động. Mình hay gặp nhất là huỷ tàu không có báo trước, ví dụ lúc ra sân ga đi tìm mới biết tàu mình bị huỷ rồi.
Xử lí khi tàu huỷ theo “kế hoạch”
Trường hợp này khá đơn giản, bạn chỉ cần chuyển sang các phương tiện khác như xe khách. Trang web mình hay dùng để check là https://www.checkmybus.co.uk/, ở đây sẽ tổng hợp các chuyến của ba hãng lớn trong UK là National Express, Flixbus, Megabus. Nếu hay đi lại thì bạn có thể mua coachcard của hãng National Express, mỗi lần đặt vé sẽ được giảm 30% đó.
Nếu bạn đã mua vé trước khi có lịch đình công, bạn có thể Refund trên ứng dụng bạn mua (trainpal, trainline…) hoặc trực tiếp tại website của các hãng
Ví dụ một số trang của các hãng:
GWR: https://www.gwr.com/help-and-support/refunds-and-compensation
Northern: https://www.northernrailway.co.uk/travel/train-ticket-refunds
Transpennine: https://www.tpexpress.co.uk/help/refunds
Xử lí khi tàu huỷ bất ngờ
Khi bạn ra tới nhà ga mà phát hiện tàu mình đã bị huỷ, bạn sẽ làm như sau:
Xem hãng có bố trí xe bus thay thế không, bạn có thể kiểm tra điều này trên ứng dụng, trên bảng tại sân ga, hoặc nhanh nhất là hỏi nhân viên sân ga xem xe bus lúc ấy nằm tại đâu.
Trường hợp mà hãng không có xe bus thay thế thì bạn có thể làm theo 1 trong 2 cách sau
Cách 1: mua vé mới + refund vé cũ
- Bạn cứ search trên ứng dụng đặt vé (trainpal, trainline…) rồi chọn thời gian khởi hành là Now, hoặc thời gian khởi hành tại lúc đó để xem có những vé nào còn lại rồi mua luôn.
- Lưu ý: chọn điểm đi là ga bạn đang đứng nhé. Ví dụ Manchester có mấy cái ga to như Manchester Piccadilly, Manchester Oxford road, Manchester Victora. Hay như Canterbury có ga East và West. Giả sử như bạn đang đứng ở ga này mà bạn mua vé ở ga kia là không kịp chạy sang đâu. Nên nhớ là lúc này bấm chọn đúng ga mình đang đứng nhé
- Sau khi mua vé mới xong xuôi, lên tàu rồi thì bạn có thể đòi hoàn tiền cái vé cũ của mình. Bạn có thể mở app mình mua vé, tìm mục Refund; còn nếu không có thì bạn phải xem vé của mình mua do hãng nào vận hành, sau đó lên trang web của hãng để đòi hoàn tiền (danh sách trên). Lưu ý là kể cả khi tàu đến trễ bạn cũng có thể được hoàn một số tiền đó (mình đã được hoàn 1/3 tiền vé trong một lần tàu trễ ở Canterbury)
- Ưu điểm: nhanh, gọn.
- Nhược điểm: vì mua sát giờ nên giá vé mới có thể cao hơn cũ.
Cách 2: dành cho người đã bị huỷ tàu chuyên nghiệp :))
Cách này có thể giúp bạn tận dụng được vé đã bị huỷ. Có hai điểm cần quan tâm là (1) hãng vé bạn là gì, (2) các điểm transit cần thiết. Để mình giải thích bằng hai cái ảnh sau (phần khoanh đỏ).
Bạn có thể thấy trong vé có ghi là chỉ được sử dụng trên tàu của hãng tương ứng. Vậy thì bạn chỉ cần tra lại trên app xem cung đường đó, của hãng đó thì tàu gần nhất là mấy giờ thì bạn có thể lên mà không cần mua lại vé. Nhưng nhớ là phải tìm xem hãng vận hành đúng là hãng của bạn đó nhé, nếu không thì bạn có thể bị phạt vì không mua vé đó.
Một cách nữa là dựa theo các điểm transit. Mình lấy ví dụ như này, sau một ngày đi chơi dài mệt mỏi, 7 giờ tối bạn ra ga tàu để đi về thì phát hiện là không có tàu và cũng không có bus thay thế. Vé bạn mua ban đầu là đi qua Doncaster để về nhà. Nhưng với kinh nghiệm đi nhiều lần (và bị huỷ nhiều lần), bạn biết rằng đi qua Leeds vẫn có thể về nhà mình. Và bạn cũng biết rằng ga Leeds lớn hơn ga của Doncaster rất nhiều, vậy nên khả năng nhiều tàu sẽ transit qua chỗ này, vậy thì bạn đoán rằng bạn có thể về nhà nhanh hơn và dễ hơn nếu bạn chọn đi qua Leeds rồi mới về nhà. Hoặc như mình biết rằng trong Manchester thì ga Piccadilly là cái to nhất, vậy khi mua vé mình sẽ chọn tới đó, rồi từ đây tìm tiếp đường về nhà (chọn các điểm lớn để có nhiều lựa chọn đi về hơn). Đây là những thông tin thêm và giúp bạn đưa ra quyết định thôi, cơ bản thì bạn có thể search trên app thì hiện tại mọi thứ cũng cập nhật rất nhanh và chính xác.
Lần 1 bị tàu huỷ lúc 9pm, mình rất lo lắng làm sao để về tới nhà. Tới lần 2, 3 lần thì dần dần mình cũng quen và không còn lo gì nữa. Chúc các bạn có những trải nghiệm khám phá nước Anh xinh đẹp mà không bị quạu mỗi khi huỷ tàu 😀
Tác giả bài viết và ảnh: Phạm Đức Giang – Chevening Scholar 2022/2023.