Tag: United Kingdom

Chọn theo đuổi Kinh doanh tạo tác động, chọn học bổng Chevening

Chọn theo đuổi Kinh doanh tạo tác động, chọn học bổng Chevening

Xin chào, Mind the Gap xin gửi tới bạn những chia sẻ của bạn Mè Quốc Lương, học giả Chevening 2023/2024 về lý do bạn chọn học bổng Chevening và thông điệp ban muốn gửi gắm tới độc giả của Mind the gap. Hiện Lương 

CHEVENING CHINWAG #9: Chevening – My beautiful journey in Wales

CHEVENING CHINWAG #9: Chevening – My beautiful journey in Wales

I am utterly grateful for everything I have learned and seen during my Chevening journey, which has proved invaluable for my life. My Chevening Journey is a mysterious book I could uncover through my lens daily. I thoroughly immersed myself in the vast abundance of 

Đi tìm “Home Sweet home” khi đi du học ở UK

Đi tìm “Home Sweet home” khi đi du học ở UK

Tìm nhà là một vấn đề khá nan giải trước khi đi du học. Nhiều học giả Chevening cũng công nhận rằng, sau khi nhận kết quả thì niềm vui tột cùng nhưng nỗi lo bỗng chốc lại ập tới, có thể gầy cả người. “Tôi sẽ ở đâu” là một trong những nỗi băn khoăn đó.

Kinh phí thuê nhà

Kinh nghiệm khi mới đi du học là đừng nhân tiền bảng với tỷ giả để xem thuê nhà mất bao nhiên tiền một tháng, không thì lòng sẽ thấy bồn chồn bâng khuâng. Tiền thuê nhà chiếm khoảng 50% chi phí sinh hoạt/ tháng của bạn cho một căn nhà hết sức cơ bản: 1 giường đơn, 1 tủ, 1 bàn học 1 giá sách xinh xinh, phòng có sẵn đèn và lò sưởi. Phòng ensuit (nhà tắm riêng) sẽ đắt hơn một chút, và phòng studio (bếp riêng trong phòng) thì đắt hơn. Càng chia sẻ không gian chung nhiều thì lại càng rẻ.

Nhà ở London trung bình sẽ giao động từ 600-1500 bảng tùy thuộc vào vùng bạn ở (gọi là Zone). London được chia thành 09 zone. Zone 1, 2 là trung tâm nên chi phí thuê sẽ đắt hơn các zone còn lại. Bên cạnh đó, underground chỉ thuận tiện khi ở Zone 1,2,3 còn các khu vực ngoài giao thông chủ yếu đi lại bằng DLR, Overground, xe bus và rail.

Các thành phố khác London chi phí sẽ rẻ hơn, tầm 400 bảng/ tháng trở lên là bạn đã có thể tìm được nhà.

Giá nhà trên các trang tìm nhà thường để theo tuần. Ví di: 155pw, bạn nhớ nhân với 52 tuần (nếu hợp đồng nhà 52 tuần) rồi chia 12 để biết mỗi tháng mình cần trả bao nhiêu tiền nhé. Trước mình đọc qua cứ nghĩ 155 bảng/tháng thì rẻ quá mà lại mừng hụt.

Những kiểu nhà cho sinh viên ở UK

Mỗi loại hình nhà thuê đều có ưu nhược điểm khác nhau, và “tiền nào của nấy”.

  • Ký túc xá của trường /flat

Đây là lựa chọn an toàn và là phương án chúng ta nghĩ đến đầu tiên, phù hợp khi mình không có nhiều kinh nghiệm thuê nhà, không muốn suy nghĩ nhiều.

Ưu điểm của ký túc xá trường là thường nằm ngay trong khuôn viên trường, xuống tầng là thư viện, hợp đồng rõ ràng, môi trường an toàn, lành mạnh, nội thất, dịch vụ đầy đủ, có thể chọn giữa ký túc xá tự nấu ăn hoặc có bữa ăn sẵn. Ngoài ra, đi du học thì giao lưu cũng là một phần quan trọng. Do đó, ở ký túc xá là môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế đồng trang lứa.

Nhược điểm của ký túc xá là đắt hơn so với thuê ngoài và diện tích phòng thường rất nhỏ chỉ từ 9-12m2/phòng đơn. Nếu bạn muốn ở ký túc xá trường cần lưu ý hạn nộp đơn xin xét duyệt. Vì quá thời hạn, bạn sẽ không được xét duyệt vào ở vì họ đã phân hết phòng cho sinh viên. 

  • Student hall, ký túc xá tư nhân

Ký túc xá tư nhân là loại nhà trọ xây dành riêng cho sinh viên, nhưng không thuộc quản lý của trường đại học nào. Do đó, bạn cùng nhà của bạn có thể học bất cứ trường nào loanh quanh. Hồi đi du học, mình thuê nhà loại hình này. Ở đây cung cấp đầy đủ mọi trang thiết bị cần thiết, nhà đẹp, mới, thậm chí ban quản lý còn tổ chức các hoạt động chung cho mọi cư dân nữa. Dù không nằm ngay trong khuôn viên trường, nhưng các khu ký túc xá này cũng ở vị trí thuận tiện đi lại.

Nhược điểm lớn nhất của ký túc xá, như đã nói ở trên, tiền nào của nấy, ở ký túc xá (student hall) sẽ có giá cao hơn so với những loại hình khác. Bù lại, bạn có thể tìm nhà một cách nhanh chóng, an toàn và sống tương đối thoải mái để tập trung vào việc học. Ngoài ra, những khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, hành lang luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

  • Thuê nhà từ người bản xứ/ homestay

Thuê nhà từ người bản xứ cũng là một lựa chọn với chi phí tiết kiệm hơn. Chủ nhà cũng là thể là người Anh, người nước ngoài hay thậm chí người Việt đã ở UK lâu năm. Tùy theo tình trạng căn nhà thì bạn có thể ở chung với chủ hoặc không. Trong thời gian ở London, sau khi ký túc xá hết hợp đồng thì mình cũng ở ngắn hạn 2 nhà, một nhà ở chung với chủ và một nhà chủ không ở cùng. Nhìn chung, ở UK cuộc sống riêng tư được coi trọng và mọi thứ được ghi rõ ràng trong hợp đồng nên không cần lo lắng nhiều.

Ở nhà người bản xứ cũng là cơ hội để tìm hiểu và trao đổi văn hóa, nên cũng là một trải nghiệm đăng cân nhắc. Ở UK, có chương trình HostUK dành cho sinh viên quốc tế trải nghiệm cuộc sống văn hóa phong cách sống người dân bản địa, đặc biệt trong các mùa lễ hội. Tuy nhiên, bạn mình ở cùng host cả năm, nên chị ấy nói chắc cũng không cần đăng ký HostUK nữa.

  • Thuê nhà nguyên căn và ở chung một nhóm

Mình thấy đây là lựa chọn phổ biến nhất. Có thể là một căn nhà đã thuê trước, vừa có người chuyển đi còn trống một phòng, hoặc bạn chủ động tìm một căn nhà nguyên căn và tìm người ở cùng. Với cách chủ động thuê nguyên căn nhà, bạn có một đặc quyền mà 3 lựa chọn trên không có là được chọn người mình muốn ở cùng và chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên, để có được những đặc quyền đó thì bạn cũng phải tự mình “gánh vác” những nỗi lo khác như tiền điện nước, internet, tự mình dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, nếu như ở một nhóm người Việt Nam trong cùng một nhà, dù có nhiều cái tiện, nhưng bạn cũng sẽ bỏ lỡ một cơ hội của cuộc sống du học đó là được đắm mình hoàn toàn trong môi trường quốc tế.

Chales Dicken

Một số điều cần cân nhắc

Theo kinh nghiệm của mình, một đứa con gái chưa bao giờ đi thuê nhà khi ở Việt Nam, và cũng sợ đủ thứ, không muốn suy nghĩ nhiều thì mình rút ra được chút kinh nghiệm thế này:

  • Bill included hay excluded

Phần này cần xác định rõ khi bạn thuê nhà. Bill included thì mọi chi phí điện nước, ga, internet đã bao gồm. Bạn chỉ cần trả tiền nhà hàng tháng đúng ngày là xong. Nếu bạn nghĩ mình có thể tiết kiệm điện, nước, không nấu cơm nhiều thì có thể cân nhắc tiết kiệm chi phí này. Hãy cân nhắc kỹ vì giá năng lượng ở Châu Âu cũng đang là điều nhức nhối.

  • Thuê nhà qua agent hay không

Agent cũng là một kênh an toàn để tìm nhà. Có 2 kiểu agent: 1) agent là chủ bất động sản. Ví dụ các ký túc xá tư nhân, họ xây với mục đích kinh doanh, có website, địa chỉ liên lạc và bộ phận marketing, quản lý riêng; 2) agent chỉ là bên trung gian kết nối người thuê và người cho thuê. Tuy nhiên, qua agent kiểu này sẽ mất thêm một khoản phí hoa hồng nhưng kênh của họ nhiều thông tin, và nếu bạn có vấn đề gì với chủ nhà, ví dụ như chủ nhà không chịu trả tiền cọc thì bạn cũng sẽ có một liên hệ để đòi. 

  • Thời gian thuê nhà

Có loại hợp đồng là 44 tuần hoặc 51 tuần. Mình nghĩ hợp đồng 51 tuần sẽ tốt hơn vì nếu bạn bắt đầu từ kỳ tháng 9, mà ở 44 tuần thì trả nhà tầm tháng 7. Đây là mùa thi, mùa khóa luận mà lại quay lại nỗi lo tìm nhà thì hơi vất vả.

  • Đọc kỹ hợp đồng và kiểm tra tình trạng nhà

Trước khi thuê nhà bạn sẽ phải đặt cọc 1 khoản từ 300 bảng. Bạn có thể chuyển tiền từ Việt Nam qua các ngân hàng, hoặc nhờ người quen ở UK chuyển khoản giúp.

Khi đến nhận phòng, quản lý nhà sẽ phát 1 danh sách các đồ đạc được cung cấp (tủ,  bàn, ghế, chăn ga…) và đề nghị xem xét tình trạng phòng. Đoạn này với mình cũng có khá nhiều từ tiếng Anh lạ lạ nên phải search Google hình ảnh. Hãy kiểm tra kỹ xem đồ đạc có thiếu, hỏng hóc, tường bong tróc, nứt hay bẩn gì không rồi hãng hoàn tất nhận nhà, để tránh trường hợp bị trừ tiền đặt cọc.

  • Riêng hay chung

Shared-kitchen, shared-bathroom, ensuit hay studio? Tùy vào điều kiện, nhu cầu và tính cách cá nhân bạn có thể cân nhắc kiểu nhà sẽ thuê. Như đã nói ở trên, càng chung nhiều không gian, giá thuê nhà càng rẻ. Tất nhiên là có không gian riêng thì tốt nhưng đôi khi cũng không tuyệt vời cho lắm.

Với cá nhân mình, mình không thích ở phòng studio (nhà bếp, nhà tắm riêng trong phòng), vì studio tầm 1000 bảng/tháng trở xuống diện tích khá nhỏ. Ngoài ra, mình không thích mùi đồ ăn ở chỗ học và phòng ngủ. Dùng chung là bếp là lựa chọn tốt, vì nhà bếp chung thường rất rộng, tủ lanh to. Hơn nữa, các bạn nước ngoài cũng không nấu ăn nhiều đâu, hoặc các bạn ấy thường ăn bánh mì cũng không dùng nhiều đến bếp. Bạn có thể mời bạn bè đến ăn uống thoải mái sau khi nói trước với bạn cùng nhà.

Trước khi đi du học, mình cũng ngại dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh khi ký túc xá chung cả nam nữ. Ký túc xá mình ở có 10 người, chung 2 nhà tắm, 2 nhà vệ sinh, nhưng sau khi ở thì mình thấy không có vấn đề gì cả. Đừng lo chuyện xếp hàng đi tắm mỗi ngày vì mình nhận ra là giờ tắm của các bạn nước ngoài thường là sáng sớm hoặc trưa, hoặc tối muộn cũng không trùng giờ với mình. Bên cạnh đó, ở ký túc xá có người dọn dẹp không gian chung hàng tuần, refill nước rửa bát, giấy vệ sinh thường xuyên. Dọn dẹp cũng là một lợi thế cần cân nhắc, vì mình biết rất nhiều trước hợp, “tình bạn đổ vỡ” vì chuyện chia nhau đánh rửa nhà tắm.

  • Nên ở nhà gần trường

Gần ở đây có nghĩa là bạn có thể đi bộ đến trường nếu như hôm đó phương tiện công cộng có vấn đề. Trong bán kính 2km quanh trường, đi bộ khoảng 30 phút mình nghĩ là ổn. Mình nghĩ đi học vẫn là việc chính nên chúng ta thường xuyên lên lớp và đến thư viện. Do đó, ở gần trường là một lợi thế, cũng là động lực để chăm chỉ đi học hơn. Ngoài ra, bạn có muốn một buổi sáng thanh thản, không cần phải chen qua tàu địa ngầm, xe bus giờ đi làm và giờ tan tầm, không phải chờ xe bus. Chưa kể, cũng có những ngày đình công cũng chẳng bắt được tàu. Đi xa vừa tốn thời gian, và cũng tốn chi phí tàu xe. Khu quanh trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn.

Kinh nghiệm của mình ở London, thực sự là có những hôm mùa đông, mình chuẩn bị sẵn sàng sách vở, cơm trưa để lên trường nhưng mở cửa ra, tuyết rơi, lạnh quá, thế là cơn lười cũng lên cao, và mình ở nhà. Mà ở nhà dù thế nào cũng không thể tiện bằng lên thư viện được.

  • Cân nhắc ở gần ga tàu

Để tiết kiệm thời gian, và cũng để hạn chế việc phải đi bộ một mình đoạn quá dài nếu về muộn buổi tối thì nhà gần bến tàu cũng là điểu cần cân nhắc. Ở đây, mình bao gồm bến xe/ tàu đi lại trong thành phố và bến tàu (rail) để đi sang thành phố khác.

Một số nguồn tìm nhà cho sinh viên

Các nguồn tìm nhà bao gồm:

  • Trang web chính thức của trường, nếu bạn ở ký túc xá trường
  • Website của các agent, ký túc xá tư nhân
  • Lên hội nhóm sinh viên tại thành phố bạn học, cũng có nhiều bạn share phòng trống
  • Nhờ người quen đã ở UK giới thiệu. Ví dụ, bạn có thể liên hệ với một bạn Chevening khóa trước giới thiệu, hoặc đi xem nhà giúp. Đây là lúc khả năng networking được phát huy tác dụng.

Các trang web tìm nhà phổ biến:

Một cách khác, cũng nhiều bạn làm đó là bạn đặt Airbnb ở 1 tuần đầu tiên khi sang UK, rồi sau đó đến tìm và xem trực tiếp căn nhà. Mình cũng nghe nhiều chuyện drama với chủ nhà. Nhưng cũng may, mình chỉ nghe thôi chứ chưa bao giờ gặp. Theo kinh nghiệm của mình, hãy tìm một nơi mà bạn cảm thấy yên tâm, ở những nguồn uy tín.

Kinh nghiệm cá nhân và chút nhắn nhủ

Sống trong môi trường tập thể không chỉ cho mình thêm nhiều người bạn, cuộc sống ấy cũng cho mình nhiều bài học, là một lần khiến mình soi chiếu lại bản thân mình. Ở nhà, mình là đứa rất hay than và kêu ca. Mình cũng không phải đứa ngăn nắp lắm. Khi đến London, ở chung phòng đôi, tự nhiên mình nhận ra sự than thở thật thừa thãi và mình cũng không muốn lan tỏa sự tiêu cực. Mình đã học được cách kiềm chế cảm xúc, chia sẻ những điều tích cực với một người mà mình mới chỉ quen 1 tuần trước khi quyết định ở chung.

Chuyện bạn cùng nhà cũng đủ chuyện drama mình từng nghe: ồn ào, mất vệ sinh, xấu tính này nọ. Cũng có hôm bọn mình phát dồ cả lên vì xoong nồi ai dùng xong chưa rửa, hay ai đó nhét vải vào bồn cầu nước lênh láng hành lang. Nhưng rồi, mình nhận ra đó cũng chẳng phải vấn đề lớn để mình than vãn khi mình học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo của người khác và của chính mình.  Mình chỉ cần làm tốt phần của mình thôi, cuộc sống sẽ đáp lại bạn những gì bạn trao đi, trao đi chân thành bạn sẽ nhận lại những chân thành. Giờ mình chỉ nhớ, những người bạn tíu tít trong bếp những ngày cả nhà nấu ăn chung, hay những hôm cậu bạn cùng tầng tìm được deal trên “Too Good Too Go” và mang về nhà một cái bánh socola gọi cả nhà ra xử lý. Mình chỉ nhớ những điều tốt đẹp ở căn nhà đó thôi.

Một lời nhắn nhủ khi bạn tìm nhà hay trong bất cứ một quyết định nào khi đến một đất nước xa lạ là “Cứ gõ, cửa sẽ mở, đừng sợ”. Trong 15 tháng ở UK, mình ở tất cả 5 chỗ, ngắn hạn thì 1 tuần đến 1 tháng, dài hạn thì 2 tháng đến 1 năm. Và mỗi lần, đi trên con đường đến ngôi nhà mới mình đều sợ, sợ rất nhiều thứ: bắt cóc, cướp giật, bạo hành, lừa đảo, buôn người… Có lần mình trả phòng ký túc xá zone 1, để thuê nhà người bản địa ở khu Hackney, bạn mình dọa “Khu đó là khu nhiều trộm cắp và các anh liều nhất London”. Lúc đó, mình đã trả tiền nhà 1 tháng và cũng lo. Tuy vậy, bước qua cánh cửa một ngôi nhà trước đây hoàn toàn xa lạ ấy là một thế giới rất ấm áp. Tất cả mọi chủ nhà, các cô chú quản lý ký túc xá, hay các bạn cùng nhà đều tốt với mình hơn cả những gì mình kỳ vọng.

Người ta nói “Home is not a place, that’s a feeling”. Mình nghĩ cảm giác về nơi mình ở rất quan trọng bởi đó là nơi bạn có thể ngủ ngon giấc sau những ngày dài, nơi bạn sẽ gắn bó trong một quãng đời sau khi bạn đã phải cố gắng rất nhiều để có thể đi du học.  Chúc bạn tìm được một nơi khiến bạn thấy ấm áp và bình an để những tháng ngày du học thêm trọn vẹn những niềm vui và bài học ý nghĩa.

My room
Đây là căn phòng ký túc xá của mình

Bài viết: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019.

Chi tiết hơn về căn nhà mình từng sống khi ở London, bạn có thể xem trên blog cá nhân của mình dưới đây: Ngôi nhà của tôi ở London

Những ngày đầu tiên đi học ở UK

Những ngày đầu tiên đi học ở UK

Đã gần 3 tháng kể từ khi khóa Chevening 2021/2022 bắt đầu năm học mới. Nước Anh bắt đầu đón những đợt tuyết trắng đầu tiên, cũng là lúc các bạn chuẩn bị kết thúc học kỳ 1 và chuẩn bị nghỉ lễ giáng sinh. 

KINH NGHIỆM CHỌN TRƯỜNG DU HỌC UK

KINH NGHIỆM CHỌN TRƯỜNG DU HỌC UK

XSự đa dạng về ngành học chính là điểm mình thích nhất ở học bổng Chevening. Các ứng viên có thể lựa chọn bất cứ ngành học nào được cung cấp bởi các trường Đại học ở UK, chỉ cần đó khóa học full-time, bắt 

Gợi ý viết bài luận Career Plan apply học bổng Chevening

Gợi ý viết bài luận Career Plan apply học bổng Chevening

Xin chào các bạn, mình là Micheal Hoang, Chevening Scholar khoá 21/22 và sẽ học Thạc sỹ Luật Sở hữu trí tuệ tại Đại học Queen Mary, London vào tháng 9 này.

Hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm viết bài luận Career Plan trong bộ hồ sơ xin học bổng Chevening. Xin lưu ý với các bạn rằng bài viết này không nhằm mục đích chia sẻ về cách thức định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, mà là làm thế nào để Hội đồng đánh giá thấy được sự trưởng thành và xứng đáng của các bạn thông qua bản kế hoạch nghề nghiệp của mình.

1. Vị trí của Career Plan Essay

Như các bạn đã tìm hiểu, hồ sơ xin học bổng Chevening luôn bao gồm 04 bài luận: (1) Leadership; (2) Networking; (3) Studying in the UK; and (4) Career Plan. Vậy là theo thứ tự hoàn thiện hồ sơ online, Career Plan được coi là bài luận cuối cùng mà ứng viên Chevening phải hoàn thành. Tuy nhiên, ngay từ khi nộp hồ sơ, mình nhận thức rằng Career Plan là bài luận cơ sở để phát triển các bài luận còn lại. Ví dụ như, khoá học mình lựa chọn phải có mối liên hệ mật thiết với nghề nghiệp và sự phát triển của bản thân trong tương lai; và mình có rất nhiều ví dụ thực tế để chứng tỏ khả năng lãnh đạo và kết nối mạng lưới, nhưng chỉ lựa chọn các ví dụ có liên quan nhiều và trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Cuối cùng, mình dành thời gian để hoàn thiện bài luận về Career Plan trước tiên; điều này giúp mình hoàn thiện các bài luận còn lại rất dễ dàng và có tính thuyết phục cao. Mình tin rằng khi các bạn suy nghĩ về Career Plan càng nhiều, sự liên kết giữa 04 bài luận của các bạn càng cao và sẽ càng dễ thuyết phục Hội đồng đánh giá.

2. Thể hiện niềm đam mê với nghề nghiệp tương lai

Phải thừa nhận rằng, công việc với nhiều người hiện nay chỉ là để có chỗ sáng đi, tối về, có một nguồn thu nhập nhất định; nói cách khác, niềm đam mê công việc là một thứ xa xỉ đối với họ ^ ^ Tuy nhiên, là một ứng viên Chevening, các bạn cần, thông qua bài luận của mình, chứng tỏ rằng bản thân thực sự đam mê với nghề nghiệp tương lai và sẽ còn tiếp tục nhiệt tình với công việc đó sau 10-20 năm nữa. Mình đặt tiêu chí này lên đầu tiên bởi theo kinh nghiệm của bản thân, mình tin rằng chỉ khi có niềm đam mê và thích thú với công việc thì chúng ta mới thực sự dành đủ thời gian và tâm trí cho nó, khi đó mới có thể phát huy hết năng lực của bản thân để đóng góp cho xã hội ở mức tối đa; và cũng chỉ có đam mê mới có thể giúp chúng ta vượt qua được những chao đảo trong công việc và tiếp tục trên con đường mà mình lựa chọn. Chevening cấp học bổng để nuôi dưỡng những niềm đam mê như thế! Bản thân mình tin rằng đã chiếm trọn tình cảm của Hội đồng đánh giá bằng chính niềm đam mê đối với lĩnh vực pháp luật và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

3. Rõ ràng trong định hướng nghề nghiệp tương lai

Niềm đam mê được đề cập ở trên không có nghĩa là mơ hồ, hão huyền, mà cần phải rõ ràng và thực tế. Chevening tìm trao học bổng cho các ứng viên có định hướng rõ ràng “mình là ai trong khoảng thời gian ít nhất là 05-10 năm tới”. Tính rõ ràng không chỉ được thể hiện qua việc điểm tên từng mục tiêu cụ thể, mà còn qua việc đưa ra và phân tích các cơ sở hợp lý để đạt được những mục tiêu đó, cho Hội đồng đánh giá thấy được kế hoạch nghề nghiệp đó là khả thi.  

Bạn không thể dành được học bổng nếu định hướng nghề nghiệp còn mơ hồ theo kiểu “vừa đi vừa dò”. Chevening không giới hạn tuổi của ứng viên; do vậy, hàng năm đều có sự đa dạng về tuổi tác của các ứng viên nộp học bổng. Có người vừa đủ 02 năm kinh nghiệm làm việc, nhưng cũng nhiều người có tới chục năm kinh nghiệm, thậm chí là hơn thế. Mỗi người có một kế hoạch nghề nghiệp riêng cho tương lai. Điều quan trọng là các bạn cần hiểu rằng kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng là một thứ vũ khí không thể thiếu, thậm chí là mang tính quyết định để chiếm được tình cảm và lòng tin từ Hội đồng đánh giá.

4. Khả năng đóng góp cho xã hội thông qua kế hoạch nghề nghiệp tương lai

Khả năng đóng góp cho xã hội của ứng viên là một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa ứng viên này với ứng viên khác. Chevening tìm kiếm những ứng viên có khả năng mang lại giá trị lợi ích cho xã hội bằng chính kiến thức và đam mê của mình. Do vậy, lợi thế sẽ thuộc về những bạn hiểu rõ khả năng đóng góp cho xã hội của bản thân thông qua con người và vị trí mà mình hướng tới trong tương lai. Là một ứng viên Việt Nam, các bạn cần hiểu rằng những giá trị đóng góp cho xã hội cần gắn liền với sự phát triển của Việt Nam, với sự gắn kết và phát triển trong mối quan hệ giữa Việt Nam và UK, đồng thời, gắn liền với các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phát triển của UK tại Việt Nam và khu vực mà Việt Nam là thành viên như ASEAN, Asia-Pacific,…. Những giá trị này có thể được đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng điều quan trọng là các bạn cần cho Hội đồng đánh giá thấy được bản thân mình có giá trị cho xã hội và cộng đồng thông qua kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai.

5. Mục tiêu như thế nào thì được đánh giá cao?

Như đã nói ở trên, trong phạm vi bài viết này, mình không có tham vọng định hướng nghề nghiệp cho bất kỳ ai bởi chính các bạn mới là người hiểu mình muốn gì và có khả năng làm gì nhất! Mình nhận thấy rất nhiều bạn cho rằng cần phải đặt ra mục tiêu trở thành người giữ vị trí rất cao trong hệ thống chính trị hoặc trong xã hội để gây ấn tượng mạnh với Hội đồng đánh giá. Tuy nhiên, mình cho rằng đó là một suy nghĩ không hoàn toàn hợp lý.

Mỗi người có một mục tiêu nghề nghiệp riêng. Các bạn có thể định hướng mong muốn trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực công hoặc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình, các bạn cũng có thể lựa chọn trở thành người phục vụ cộng đồng, chăm sóc con người, bảo vệ môi trường hoặc tiếp tục học lên PhD và phấn đấu trở thành Phó Giáo sư, Giáo sư,…. Không ai có quyền đánh thuế giấc mơ và mọi ước mơ đều được tôn trọng và đánh giá cao như nhau. Với kinh nghiệm xin học bổng của bản thân, mình cho rằng điều quan trọng khi nộp hồ sơ xin học bổng Chevening hay bất cứ học bổng nào khác là các bạn cần hiểu rõ bản chất công việc và mục tiêu mà các bạn đang hướng tới và chứng minh cho Hội đồng đánh giá thấy được kế hoạch nghề nghiệp đó có sự gắn kết chặt chẽ với công việc mà các bạn đang làm, với những gì mà các bạn sẽ học ở UK và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực của mỗi người.

6. Cách tiếp cận phù hợp  

Chevening giới hạn mỗi bài luận chỉ được viết trong phạm vi tối đa 500 từ, tức là các bạn chỉ được phép viết từ 500 từ trở xuống cho mỗi bài luận; quá 01 từ cũng đủ khiến hồ sơ của bạn không hợp lệ ^ ^ Mình cho rằng, với số lượng cho phép tối đa 500 từ cho mỗi bài luận, các bạn cần có cách tiếp cận trực tiếp, vừa phản ánh được khía cạnh xã hội, vừa phản ánh được khía cạnh chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình.

Trước khi viết, nhiều bạn có thể cho rằng 500 từ là quá nhiều và việc viết 04 bài luận với 500 từ mỗi bài quả là cơn ác mộng ^ ^ Một số bạn đặt câu hỏi có thể viết bài luận với 250, 300 hoặc bất cứ số lượng nào ít hơn 500 từ không? Câu trả lời là tất nhiên là có bởi Chevening cho phép như vậy. Tuy nhiên, mình cho rằng Chevening có lý do phù hợp để đưa ra quy định về số từ tối đa; do đó, mình luôn tận dụng tối đa số từ cho phép khi nói về kỹ năng, kinh nghiệm và kế hoạch nghề nghiệp của bản thân. Với mình, việc gọt rũa bài luận để chỉ còn tối đa 499-500 từ là cả một quá trình cân đo, đong đếm, “so ni, đóng dày” thực sự vất vả, đôi lúc còn rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” kiểu “bỏ thì thương, mà vương thì tội”! Kết quả là trong số 04 bài luận trong bộ hồ sơ xin học bổng Chevening, có 02 bài luận 499 từ và 02 bài còn lại là 500 từ (trong đó có bài luận về Career Plan). Sau bao nỗ lực, mình cho rằng những nỗ lực đó hoàn toàn xứng đáng! Xin lưu ý các bạn về vấn đề này và mong các bạn cũng tận dụng để thể hiện tốt nhất bản thân mình với Hội đồng đánh giá.

Trên đây là một số kinh nghiệm viết bài luận Career Plan mình muốn chia sẻ với các bạn có ý định xin học bổng Chevening. Bài chia sẻ chỉ phân tích các khía cạnh chung và những điều cần đặc biệt lưu ý khi viết Career Plan Essay. Mỗi người trong số các bạn đều có một chiến lược chuẩn bị và viết bài khác nhau dựa trên câu chuyện của riêng mình. Đồng thời, xin học bổng là một quá trình đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị và thực hiện.

Chúc các bạn vững bước trên con đường chinh phục Chevening và sớm đạt thành công!


Tác giả: Micheal Hoang, Chevening Scholar khoá 2021/2022

Photo by Christin Hume on Unsplash