Kinh nghiệm dành học bổng Chevening để học thạc sĩ tại đại học Cambridge
Mind the Gap chia sẻ lại kinh nghiệm dành học bổng Chevening của bạn Lương Thu Giang – Học giả Chevening 2023/2024.
>>>>>
Nhân dịp Chevening 2024 sắp mở vòng đơn vào tháng 8 này và vì nhiều người nhắn tin cho mình hỏi kinh nghiệm, mình xin phép chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của mình về quá trình nộp đơn và phỏng vấn học bổng Chevening và chương trình bậc thạc sĩ tại Cambridge.
Disclaimer: Các thông tin dưới đây được viết từ góc nhìn cá nhân. Để tìm hiểu rõ hơn về Chevening và Cambridge, hãy truy cập trang web chính thức.
1. Học bổng Chevening là gì và đại học Cambridge là trường gì? Acceptance rate là bao nhiêu?
Học bổng Chevening là học bổng chính phủ Anh, đài thọ 100% học phí, chi phí sinh hoạt, vé máy bay, v.v. cho các học giả trên toàn thế giới mà muốn theo học chương trình thạc sĩ tại Vương Quốc Anh. Chevening là một trong những học bổng chính phủ danh giá nhất và cạnh trạnh nhất vì sau khi trải qua vòng đơn và vòng phỏng vấn thì chỉ có khoảng 2% các ứng cử viên sẽ được chọn.
Cambridge được thành lập vào năm 1209, là một trong ba trường lâu đời nhất trên thế giới mà vẫn còn đang hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, Cambridge xếp thứ 1 ở Anh (Complete University Guide 2024) và xếp thứ 2 trên thế giới (QS World Ranking 2024). Acceptance rate ở bậc thạc sĩ thì sẽ khoảng 20% nhưng một số ngành như STEM thì cạnh tranh hơn. Mình chọn học MPhil Educational Leadership & Improvement vì khớp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Ban đầu mình định nộp Oxford nhưng không có khoá học nào mình thực sự thích và mình ở Oxford rồi nên cũng muốn sống ở nơi khác.
2. Quá trình tuyển chọn học bổng Chevening diễn ra như thế nào?
Sơ qua một chút về profile của mình thì mình từng học 1 năm ở học viện Ngoại giao trước khi đi du học và tốt nghiệp bằng danh dự loại giỏi (First Class with honours) ngành văn học Anh tại đại học Buckingham. Hiện mình là senior teacher/junior manager tại ACET (trung tâm tiếng Anh trực thuộc IDP – đồng đơn vị tổ chức IELTS và là partner của UTS College) và là giảng viên khoa Tiếng Anh tại học viện Ngoại giao. Với kinh nghiệm 5 năm trong ngành giáo dục, mình cũng đã tham gia nhiều dự án kết hợp với nhà nước như với VP165 hay đào tạo tiếng Anh cho các bác sĩ quân y tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan.
Bằng cấp và kinh nghiệm làm việc là hai tiêu chí ‘cứng’ của Chevening vì Chevening yêu cầu tối thiểu bằng cử nhân 2:1 (Upper Second Class) và 2 năm kinh nghiệm làm việc. Nếu không đạt được hai tiêu chí này thì đơn sẽ bị loại ở vòng screening trước khi lập reading committee. Hội đồng này sẽ chấm điểm hồ sơ và xếp hạng từ trên xuống dưới và cá nhân mình nghĩ tiêu chí quyết định chính là 4 bài luận.
Chủ đề của 4 bài luận này dựa trên 4 điều Chevening tìm kiếm ở các học giả (1 lãnh đạo tương lai, 1 người có sức ảnh hưởng đến xã hội, 1 người muốn theo học ở Anh và là 1 người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng sau khi về Việt Nam) và luôn được giữ nguyên nên các bạn nên chuẩn bị sớm nhất có thể vì thực ra mỗi bài viết tối đa 500 từ nhưng cũng cần viết đi viết lại. 1/11 là hạn nộp đơn nhưng cuối tháng 9 mình mới bắt đầu viết sau khi mentor mình giục là cẩn thận viết sửa lại 10 lần nhưng rất may là chỉ có 1 bài mình phải viết đến lần thứ 3 chứ còn lại mình được duyệt bài sau 1-2 lần. Trong 4 bài luận, mình cần thể hiện mình đáp ứng 4 tiêu chí nêu trên như thế nào.
- Leadership: mình đưa ra 2 định nghĩa leadership là gì đối với mình và lấy ví dụ thực tế để chứng minh. Thời điểm này mình đã lên vị trí quản lý rồi nên mình minh hoạ cho luận điểm của mình thông qua các vấn đề mình đã gặp phải và cách mình giải quyết vấn đề như 1 người lãnh đạo. Các bạn không nhất thiết phải từng làm vị trí quản lý thì mới có ví dụ để viết, quan trọng là mình thể hiện mình có tố chất như thế nào thôi.
- Relationship-building: mình chia thành internal và external networking. Về internal thì mình đưa ra các ví dụ cho thấy mình là cầu nối giữa giáo viên và upper management với cương vị là senior teacher ở ACET như thế nào còn về external thì mình nói về partnership với UTS College (mình là point of contact giữa Úc và Việt Nam) và các dự án với chính phủ cùng việc giảng dạy ở Ngoại giao giúp mình xây dựng các mối quan hệ.
- Study in the UK: bài luận này yêu cầu người viết thể hiện được tại sao mình muốn học thạc sĩ ở Anh và lí do tại sao chọn khoá học và trường như vậy. Tuy mình chọn 3 chương trình học ở 3 trường khác nhau như Chevening yêu cầu, ngay từ đầu mình đã xác định mình all in Cambridge và mình cũng chỉ nộp hồ sơ ở Cambridge thôi (mình không khuyên các bạn làm giống mình, có phương án dự phòng vẫn hơn). Vì thế, bài luận của mình tập trung chứng minh mình đủ năng lực học tập và kinh nghiệm dày dặn để theo học ở Cambridge, và mình cũng trình bày lí do vì sao mình chọn khoá học này. Mình chỉ dành 1 đoạn ngắn để nói vì sao mình chọn 2 khoá còn lại ở UCL và KCL.
- Career plan: đây là bài khó nhất với mình vì phải viết rất cụ thể kế hoạch và định hướng tương lai sau khi về Việt Nam. Nhìn chung thì mình chia thành 3 mốc thời gian và với mỗi mốc thì mình nói rõ vị trí mình muốn đạt được và mình sẽ có những hành động cụ thể như thế nào để đóng góp cho xã hội và quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh ở mảng giáo dục.
Sau khoảng 4 tháng chờ đợi thì đến tháng 2 mình nhận được email mời phỏng vấn ở đại sứ quán Anh và mình chọn đầu tháng 3 để phỏng vấn luôn. Trước hôm phỏng vấn khoảng 3 ngày thì mình prep trước hướng trả lời các câu hỏi, ngày hôm sau thì mentor của mình gọi điện để hướng dẫn qua cách trả lời và một ngày trước ngày phỏng vấn thì mình tự luyện tập. Trong buổi phỏng vấn thì sẽ có 3 giám khảo và thời gian sẽ kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng. Các câu hỏi hầu hết đều xoay quanh 4 bài luận kèm theo một số câu hỏi tình huống cũng khá hóc búa. Cá nhân mình nghĩ buổi phỏng vấn là để kiểm tra xem mình có phải người viết ra 4 bài luận kia không và mình có thú vị hơn những gì mình viết không nên các bạn nên xem lại kĩ mình đã viết những gì và nếu không tự tin vào khả năng phỏng vấn thì nên làm mock interview nhưng tránh học thuộc câu trả lời. Nếu tính từ mốc tháng 11 đóng đơn đến tháng 6 có kết quả thì mình phải chờ trong khoảng 8 tháng.
3. Quá trình nộp đơn và phỏng vấn bậc thạc sĩ ở Cambridge diễn ra như thế nào?
Thực ra mình thấy nộp Cambridge đỡ mệt hơn Chevening vì ngoài việc nộp CV và trả lời 3 câu hỏi ngắn ra thì mình chỉ cần viết một bài critique dài 1000 từ cho 1 cái original research. Mình biết điểm yếu duy nhất trong hồ sơ của mình là mình chưa có kinh nghiệm tự làm research nên bài này chính là cơ hội để mình thể hiện mình đã có sẵn research skills rất tốt rồi và việc theo học tại Cambridge sẽ giúp mình phát triển thêm. Mình đọc sách và nghiên cứu trong khoảng 2 tuần và sau đó dành 2 tuần tiếp để viết. Mình có nhờ mentor của mình và 1 người chị thân thiết cũng làm lĩnh vực giáo dục xem giúp mình thì rất may cả 2 đều duyệt bài mình luôn nên mình không sửa gì mấy.
Sau khoảng 1 tháng thì mình nhận được email của khoa về việc sắp xếp buổi phỏng vấn online với thầy điều phối chương trình của mình. Về cơ bản thì buổi phỏng vấn rất informal, chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút. Thầy chỉ hỏi vì sao mình chọn trường (ngoại trừ bởi vì đây là Cambridge) và tại sao chọn chương trình này. Thầy hỏi thêm 1 câu là lúc làm bài critique kia mình thấy sao, xong thầy bảo đi học phải viết nhiều lắm đó nha. Sau đó thì thầy giới thiệu về khoá học và về trường là chủ yếu còn mình chỉ nghe thôi, mà thực ra sau khi thầy bảo thứ 4 hằng tuần học từ 9h đến 7h tối thì nụ cười mình tắt luôn 1 hồ sơ nộp vào Cambridge thì phải đi qua tới 3 hội đồng nên mất khá nhiều thời gian, mình chờ khoảng 2 tháng còn mọi người có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn.
4. Điều gì giúp mình đỗ cả Chevening và Cambridge ngay từ lần nộp đầu tiên?
Mình nghĩ điều đầu tiên là ngoài profile mạnh ra, mình biết rõ mình là ai, mình muốn gì và điểm mạnh của mình là gì để phát huy chúng. Điểm mạnh lớn nhất của mình là tiếng Anh của mình tốt (8.5 IELTS từ lần đầu thi cách đây gần 10 năm) nên mình thể hiện ý tưởng cả trong bài viết và phần phỏng vấn trôi chảy và mạch lạc. Kĩ năng viết và trả lời ứng biến của mình cũng tốt nên mình không phải dành quá nhiều thời gian chuẩn bị, lúc phỏng vấn mình cũng chia sẻ cả những câu chuyện mình đi dạy khiến panel bật cười luôn :)) Cũng nhờ việc đi làm cô giáo giúp mình master kĩ năng thoát pressing và cũng có 1 cái moment khá là mic drop =))
Điều thứ hai là mình có mentor định hướng và giúp đỡ mình rất nhiều. Đây là một người bạn gần 10 năm của mình và cũng là người động viên mình nộp Oxbridge và Chevening từ đầu. Lúc chưa chuẩn bị gì mình cứ lo lắng và stressed nhưng bạn mình cứ bảo là yên tâm kiểu gì cũng đỗ nên mình cũng đỡ sợ (mãi iu xx). Đến lúc bắt tay vào làm thì mình cũng bắt đầu tự tin là mình đỗ.
5. Kết
Để trả lời câu hỏi rằng Chevening và Cambridge có khó hay không thì chắc chắn là có, nhưng cũng không nên để cái khó ngăn cản vì quan niệm của mình là cứ phải thử thì mới biết. Lời khuyên của mình là trau dồi cho hồ sơ thật đẹp và tạo networking để có mentor tốt. Hi vọng bài chia sẻ của mình giúp ích phần nào còn flexing thì chỉ là vô tình thôi nhó.
Tác giả: Lương Thu Giang – Học giả Chevening 2023/2024