Every day immersing in knowledge, in the friendliness of people around, and in the beautiful nature of Wales, I see myself growing and being fulfilled. I am Kelly (Linh Nguyen), Chevening scholar 2020/2021. I am studying a Master course majoring in PR & Communication Management …
Những ngày ở UK, không chỉ là chuyện bài vở và những chuyến đi khám phá những vùng đất mới, mà ở đó còn có những người bạn thú vị cùng những câu chuyện về sự da dạng văn hóa. Dưới đây là những kỷ …
Trong cuộc trò chuyện với Mind the gap lần này, Phan Triệu Phú, học giả Chevening 2020-2021 chia sẻ lý do lựa chọn ngành Y tế công cộng tại trường đại học Nottingham và quyết định đến Anh trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phú còn chia sẻ về cơ hội được tham gia trao đổi với Phó Giám đốc Cơ quan Y tế Anh và Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cũng như hoạt động tình nguyện hỗ trợ y tế địa phương lấy mẫu Covid-19 để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Q: Chào Phú, vì sao Phú lại chọn theo học thạc sĩ y tế công cộng tại Anh và đặc biệt là quyết định đến Anh trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như vậy?
A: Xin chào Mind the gap! Mình có may mắn được cùng làm việc và tiếp xúc với một số nhà khoa học Anh tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) có trụ sở tại Bệnh viện Nhiệt Đới Hồ Chí Minh. Kiến thức nghiên cứu chuyên sâu và phong cách làm việc khoa học của họ là động lực chính khiến mình cố gắng nuôi dưỡng ước mơ được trải nghiệm nền giáo dục Vương quốc Anh cho chương trình sau đại học.
Hầu hết các trường đào tạo mảng y tế công cộng tại Anh đều có những dự án nghiên cứu y tế mang tính toàn cầu, các giảng viên cũng có nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại các quốc gia đang phát triển. Do vậy, những bài giảng và chương trình học của họ được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của nhiều đối tượng học viên khác nhau trên thế giới. Chính điều này thu hút đã rất nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt là các sinh viên đến từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ngoài ra, lớp thạc sĩ thường quy tụ học viên có background khác nhau, quốc tịch khác nhau nên học viên có thể học hỏi và chia sẻ kiến thức với nhiều góc nhìn khác nhau về một vấn đề sức khoẻ.
Nếu một số người xem việc đi du học trong thời điểm COVID-19 đang lây lan toàn cầu là một bất lợi thì đối với một người làm về mảng sức khoẻ cộng đồng như mình thì đó lại là một cơ hội vô cùng quý giá. Mình sẽ có cơ hội quan sát xem các quốc gia tiên tiến trên thế giới chống dịch thế nào, những yếu tố nào là rào cản chính trong công tác chống dịch của họ, những tiến bộ khoa học kĩ thuật và cách triển khai nó một cách hiệu quả để giám sát và phòng chống dịch. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để mình nhìn về hệ thống y tế của Việt Nam xem quốc gia của mình đang làm tốt những khía cạnh nào và cần phải phát triển ở đâu để có thể khống chế đại dịch và chuẩn bị cho những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai. Lúc mình lên đường sang Anh là khoảng 9 tháng sau khi đại dịch xảy ra, vì vậy mình đã chuẩn bị tâm lý cũng như những kiến thức dự phòng cá nhân tốt nhất để sớm thích nghi và chủ động trong mọi tình huống trong quá trình học tập tại Anh.
Khi đến Nottingham, có một điều làm mình choáng ngợp chính là khuôn viên của trường rất rộng, có cả hồ, mảng cây xanh, công viên, chim chóc, sóc và thỏ. Khi tìm hiểu thì mình mới biết là University Park Campus của trường Đại học Nottingham đã giành được rất nhiều giải thưởng về kiến trúc, cảnh quan và còn được vinh danh là khuôn viên xanh nhất nước Anh với giải thưởng Flag Award. Đó cũng là một trong những điều mình rất tự hào mỗi khi khoe về trường Nottingham.
Tóm lại, mình cho rằng mỗi quyết định đều có thể đưa ta đến những thách thức và cơ hội mới, nếu đủ sự chuẩn bị sẵn sàng và luôn trong tâm thế học hỏi và phát triển bản thân thì đó là một chặng đường quý giá trong cuộc đời. Và quyết định apply học bổng Chevening của mình cũng đã đưa mình đến một bước ngoặc khá quan trọng trong cuộc đời.
Q: Có điều gì thú vị về lớp học, những buổi học tại trường Nottingham mà Phú muốn chia sẻ với các bạn độc giả của Mind the gap không?
A: Ngay từ đầu năm học, khoá mình đã bắt đầu học online, nội dung chương trình học online đã được nhà trường chuẩn bị trước 6 tháng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học. Mặc dù học online nhưng chương trình học vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung kiến thức và tương tác giữa học viên với nhau, và với thầy cô. Sinh viên tương tác với thầy cô thông qua việc phát biểu hoặc bình luận trên mục chat của ứng dụng giảng dạy online, việc này tiết kiệm thời gian và nhiều câu hỏi được nêu ra trong lớp học hơn. Tất cả các bài giảng đều được thu âm nên sinh viên có thể xem lại nếu chưa hiểu và dùng để ôn tập cho thi cuối kì. Học viên thạc sĩ luôn được yêu cầu đọc nhiều tài liệu là những bài báo khoa học trước khi đến lớp. Cách học này giúp sinh viên chủ động tìm kiếm thông tin và trau dồi kĩ năng đọc báo khoa học. Hầu như đề thi không tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức mà chủ yếu là ứng dụng nó như thế vào vào những bài tập thực tiễn, chính vì vậy việc thi cử đối với mình không quá nhiều áp lực. Cả quá trình học và thi đều nhằm mục đích nâng cao tư duy phản biện, cải thiện việc tìm kiếm và tổng hợp thông tin một cách có hệ thống. Hầu như các môn học kết thúc bằng những bài luận dài từ 2.500 đến 3.000 từ, hình thức kiểm tra thế này giúp kĩ năng viết tiếng anh của mình được cải thiện khá nhiều. Lớp thạc sĩ của mình có những người đã đi làm 20 năm, thậm chí có những người đang làm ở mảng báo chí hoặc lĩnh vực khoa học xã hội, điều này giúp những câu trả lời trong lớp học mang góc nhìn khác nhau và qua đó mình cũng được học từ họ rất nhiều. Điều quan trọng đối với mình khi lựa chọn khoá học là không quá tập trung vào xếp hạng của trường nhưng phải xem xét sự phù hợp của chương trình với nguyện vọng của bản thân là chính, và mình khá hài lòng với chương trình Thạc sĩ Y tế công cộng tại trường Đại học Nottingham.
Q: Phú đánh giá thế nào về phản ứng đối với đại dịch COVID-19 của nước Anh, chính phủ cũng như nhà trường có những hỗ trợ gì đặc biệt là cho sinh viên?
A: Với một quốc gia luôn dựa vào các bằng chứng khoa học để đưa ra các quyết sách thì chúng ta có thể dễ hiểu vì sao lúc đầu nước Anh khá lúng túng trong việc triển khai các biện pháp can thiệp, lúc đó cả thế giới và nhiều nhà khoa học còn chưa hiểu hết về hành vi của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên với một nền khoa học tiên tiến, nơi có nhiều giáo sư hàng đầu trên thế giới thì sau đó với những việc tìm ra những bằng chứng khoa học cụ thể, chính phủ Anh đã có những chính sách quyết liệt và hiệu quả, ngoài ra một thành tựu phải kể đến là việc tạo ra vắc xin của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford.
Ngoài ra, Anh cũng là một trong những nước đang làm tốt công tác triển khai vắc xin và chứng minh giãn thời gian hai mũi tiêm vừa tăng hiệu quả bảo vệ và vừa cứu được nhiều người. Với một quốc gia không có thói quen đeo khẩu trang thì việc áp dụng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang và lệnh phong toả nghiêm ngặt trong nhiều tháng là một nỗ lực rất lớn của chính phủ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, nhà trường có những gói hỗ trợ cho sinh viên nếu họ bị nhiễm virus và bắt buộc phải tự cách ly tại phòng. Tất cả viên quốc tế đều được tiếp cận xét nghiệm COVID-19 và vắc xin một cách dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, trường có những hotline hỗ trợ tư vấn về sức khoẻ tâm thần, những buổi hướng dẫn yoga online miễn phí. Những lúc gặp một số vấn đề trong vấn đề học tập hay cuộc sống mình sẽ liên hệ với tutor riêng, đôi khi cô ngồi cả tiếng để nghe mình chia sẻ những khó khăn và dự định tương lai, và đưa cho mình những lời khuyên bổ ích. Đó là những điểm nổi bật nhất mà mình cảm thấy biết ơn trong quá trình học tập tại đây.
Q: Được biết Phú đã tham gia một số buổi hội thảo riêng với những nhân vật có tên tuổi về mảng y tế như Giáo sư Jonathan Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Cơ quan Y tế Anh và Tiến sĩ Tedros, Giám đốc Tố chức y tế thế giới. Phú có thể chia sẻ đôi chút về những trải nghiệm về những cơ hội này được không?
A: Giáo sư Jonathan Nguyễn Văn Tâm là một trong những chuyên gia về cúm hàng đầu của thế giới, ông còn là giáo sư của khoa mình về mảng bệnh truyền nhiễm. Ông được nhiều người gọi với biệt danh khá thân mật là JVT. Hằng tuần, ông cùng chính phủ Anh xuất hiện trước màn hình để cung cấp các kiến chuyên môn và giải đáp thắc mắc về vấn đề vắc xin và phòng chống dịch của Anh. Nhiều người dân nước Anh còn lập trang fanpage riêng trên facebook để tỏ lòng ngưỡng mộ về những đóng góp của ông và khả năng truyền tải kiến thức khoa học đến nhiều đối tượng trong xã hội một cách dí dỏm và dễ hiểu. Trong buổi trao đổi với lớp mình, Giáo sư JVT đã lý giải nhiều vấn đề liên quan đến những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch của một quốc gia, quy trình rút ngắn việc sản xuất vắc xin COVID-19 của đại học Oxford và công ty dược AstraZeneca, và những bài học mà một nhà y tế công cộng tương lại như mình cần phải trau dồi và lưu ý.
Khách mời đặc biệt tiếp theo của lớp thạc sĩ mình là Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros. Ông là cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ và hiện tại là giáo sư danh dự của trường mình. Tiến sĩ Tedros đã cung cấp cho tụi mình một góc nhìn cụ thể về vai trò của WHO trong đại dịch, những khó khăn khi WHO chỉ là một tổ chức điều phối về y tế và mọi quyết định chống dịch đều phụ thuộc vào mỗi quốc gia, và hơn hết WHO đang đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự công bằng trong tiêm chủng toàn cầu để sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19. Ngoài ra Tiến sĩ còn chia sẻ những kĩ năng cần thiết của một chuyên gia về y tế công cộng và những lời khuyên hữu ích liên quan đến việc tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm việc tại tổ chức Y tế thế giới. Nếu không có đại dịch, sinh viên thạc sĩ y tế công cộng sẽ có cơ hội tham dự nhiều buổi hội thảo và sẽ có cơ hội tiếp xúc với những chuyên gia y tế công cộng hàng đầu thế giới. Mình cho rằng việc có cơ hội tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình là một động lực khá lớn để mình có thể tiếp tục theo đổi những dự định và ước mơ, góp phần cải thiện sức khoẻ của cộng đồng.
Q: Ngoài ra Phú còn tham gia tình nguyện hỗ trợ y tế địa phương lấy mẫu COVID-19 để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Bạn có thể chia sẻ thêm được không?
A: Khoảng đầu tháng 5/2020, khi nước Anh phát hiện sự gia tăng của một số biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao, ngay lập tức nhiều toà nhà dân sự có ca nhiễm với biến thể này đều được nhanh chóng thực hiện xét nghiệm COVID-19 kịp thời kiểm soát sự lây lan. Vì nguồn nhân lực tại chỗ không đủ nên thành phố Nottingham đã huy động thêm sinh viên Y để hỗ trợ lấy mẫu cho người dân ở một số toà nhà có ca nhiễm. Sau khi nhận được email kêu gọi tình nguyện viên, mình đã không ngần ngại đăng kí và tham gia tập huấn để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Nếu như ở Việt Nam thì mọi người được yêu cầu tập trung một nơi để thực hiện lấy mẫu thì lúc này nhiệm của tụi mình là đi đến gõ cữa từng phòng, giải thích và khuyên họ sử dụng bộ xét nghiệm cá nhân để kiểm tra xem mình có bị nhiễm virus hay không. Điều này giúp mình có những góc nhìn khác hơn về phương pháp khống chế dịch của Anh. Sức khoẻ là quyền của con người nên nhiệm vụ của cán bộ y tế là giải thích về quy trình và mục đích của chương trình, còn quyết định tham gia là nằm ở mỗi cá nhân. Công việc không quá khó nhưng cơ hội này đã giúp mình làm quen được với một số nhân viên y tế địa phương và mình cũng đã được chia sẻ nhiều thông tin y tế khá hữu ích từ kinh nghiệm làm việc của họ. Mình cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để có thể cập nhật tình dịch dịch bệnh trên thế giới, chia sẻ những nghiên cứu khoa học, cập nhật hướng dẫn y tế để góp phần đẩy lùi dịch bệnh và đó cũng chính là trách nhiệm của một người làm y tế công cộng như mình.
Q: Mặc dù đây là một năm học khó khăn của các Cheveners nhưng Phú vẫn có những trải nghiệm thú vị ở nước Anh với những chuyến du lịch cùng các bạn Cheveners khác trên thế giới. Cảm nghĩ của bạn như thế nào về những hoạt động này?
A: Một trong những điều làm nên thương hiệu Chevening là bạn sẽ có cơ hội mở rộng network với các Cheveners không những đến từ Việt Nam mà từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Mình chơi thân với một bạn Chevener người Syria và bạn ấy cũng học cùng lớp với mình. Ngoài việc được trải nghiệm ẩm thực của khu vực Trung Đông mình còn được nghe những câu chuyện đau thương từ cuộc chiến tranh tại Syria, nơi mà gia đình bạn ấy phải ra đi và tị nạn tại Thổ Nhĩ Kì. Bên cạnh đó mình còn có cơ hội cùng các bạn Chevening khác lập nhóm đi du lịch cùng nhau sau khi lệnh phong toả kết thúc. Tụi mình đã cùng nhau khám phá những khu vườn quốc gia đẹp tuyệt vời cũng như ghé thăm những thành phố cổ như Edinburgh. Tranh thủ những buổi cuối tuần, mình cũng hay mang chiếc xe đạp cũ lên tàu để tiếp tục hành trình trải nghiệm về những miền quê yên bình của nước Anh với những đồng cỏ xanh mướt và những trang trại chăn nuôi cừu rộng. Mùa đông thì vừa học vừa ngắm tuyết rơi ngoài cửa sổ, mùa hè thì đến gần 10h tối mới được ngắm hoàng hôn. Quả thật đó là những trải nghiệm mới lạ đầu tiên trong đời của mình. Đi học xa nhà và đặc biệt trong mùa dịch còn giúp mình sống chậm lại hơn, tập thể dục, chăm sóc bản thân và dành thời gian nhiều hơn để gọi điện về tâm sự với gia đình. Chevening là một hành trình nên mỗi kỉ niệm mình đều sẽ lưu giữ để sau có thể chia sẻ lại cho nhiều bạn trẻ có ước mơ đi du học tại xứ sở sương mù.
Q: Bạn có những chia sẻ gì hữu ích cho các bạn Chevening sắp lên đường sang Anh không?
A: Nhất định rồi 🙂
Về học tập
Mình không ngần ngại hỏi bài trong lớp mặc dù mình biết kĩ năng đặt câu hỏi bằng tiếng Anh của mình chưa được tốt lắm. Tuy nhiên thầy cô mình rất cởi mở và thân thiện, lúc nào họ cũng động viên tụi mình bằng câu: “Những câu hỏi của các em chúng tôi đã nghe trên dưới 100 lần nên các em đừng nghĩ đó là những câu ngớ ngẩn, hãy cứ thoải mái hỏi đi”. Nghe xong mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi muốn đặt câu hỏi gì đó. Mình cũng luôn xem đó là cơ hội để mình hoàn thiện bản thân hơn. Sau mỗi học kỳ thường có khoảng thời gian nghỉ kha khá, mình thường dành một nửa thời gian này để bắt đầu hệ thống hoá lại kiến thức và bắt tay vào viết luận. Kĩ năng viết mình không tốt nên mình cũng thường xuất phát sớm để có thời gian kiểm tra lại vài lần nữa trước khi nộp bài. Cô giáo hướng dẫn luận văn của mình khá bận, điều này giúp mình cố gắng tìm hiểu và đọc nhiều tài liệu trước khi đặt câu hỏi cũng như thảo luận với cô một vấn đề nào đó. Đây là một trong những kĩ năng mình cho rằng cần phát huy để luôn chủ động trong việc học. Mình không phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo nên mình nhìn nhận việc học luôn là một quá trình để hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy nếu được điểm khá mình vẫn rất vui vì trong feedback của thầy cô mình đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản thân hơn. Một trong những điểm mình luôn chia sẻ với các bạn vì sao phải cố gắng tìm đường đến Anh để du học một phần là vì chương trình học và kiểm tra đều luôn khuyến khích sinh viên nâng cao kĩ năng tự học và tư duy phản biện. Thay vì việc kiểm tra trí nhớ đơn thuần thì những bài kiểm tra chương trình thạc sĩ của mình cần đầu tư việc tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu, chắt lọc thông tin, tổng hợp chúng và sử dụng kĩ năng lập luận và tư duy phản biện để có một sản phẩm là bài luận 2500-3000 từ. Những kĩ năng này hầu như sinh viên Việt Nam còn lạ lẫm nhưng trong thời đại kiến thức liên tục được cập nhập, việc chúng ta cần là phải có kĩ năng để đọc, sàng lọc, nghiên cứu và tổng hợp thông tin là vô cùng quan trọng.
Về trải nghiệm cuộc sống
Áo quần bên Anh cũng có nhiều nơi bán với giá cả phải chăng nên các bạn nên dành những khoảng trống còn lại của vali để mang thật nhiều đồ ăn vặt và những gia vị đặc trưng của Việt Nam nếu là một người ghiền đồ Việt Nam như mình. Ở Anh có những Charity Shops với nhiều vật dụng gia đình và áo quần secondhand khá rẻ. Mình thấy tất cả đều dùng với chất lượng khá ổn mà lại tiết kiệm tiền. Tiền để dành mình có thể dùng để đi du lịch nhiều nơi. Lúc mới sang mình có mua thẻ railcard nên được giảm giá 30% mỗi lần đi tàu. Vì vậy nên mình khá siêng đi du lịch. Nếu nghỉ lễ dài thì mình đi xa hơn một chút, còn lại cứ một hai tuần là mình lại lên tàu và phượt đến một thành phố hoặc thị trấn nào đó xung quanh khu vực mình sống. Đó cũng là một cách khám phá nước Anh riêng của mình. Phương tiện công cộng ở Anh khá phổ biến nên việc đi lại ở Anh cũng khá thuận tiện. Nếu các bạn sắm cho mình một chiếc xe đạp nữa thì trải nghiệm về miền quê nước Anh càng tuyệt vời hơn. Lời cuối cùng mình muốn gửi gắm đến các bạn rằng: hãy luôn mang trong mình sự tò mò, tâm hồn cởi mở và một năng lượng tích cực, chắn chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thật đáng nhớ tại nước Anh.