Những người “Con gái bà triệu thế kỷ 21”* đưa hình ảnh việt nam ra thế giới
Một năm sống ở London – đối với nhiều người, sẽ là cơ hội để được gặp gỡ với rất nhiều người nổi tiếng, những chính trị gia, những nhà khoa học, những ngôi sao điện ảnh, thời trang… hàng đầu thế giới. Còn đối với tôi, một trong những trải nghiệm đầu tiên và vô cùng đáng nhớ tại đây lại là được gặp gỡ, được lắng nghe câu chuyện và chia sẻ của những người “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21” – những người phụ nữ đã có nhiều đóng góp cho xã hội, cũng như đã góp phần quảng bá hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Họ là những người trực tiếp tham gia và làm nên thành công cho buổi “Panel Discussion: Vietnam – A story of Opportunity, Development and Potential “ (tạm dịch là buổi thảo luận về chủ đề “Việt Nam – Câu chuyện về Cơ hội, Phát triển và Tiềm năng”), tổ chức vào ngày 02/10/2019 tại The South Bank Center. Sự kiện do Mạng lưới hữu nghị Việt Anh tổ chức với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau như tài chính, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, y tế, giáo dục… đến từ cả 2 nước, Anh và Việt Nam.
(Ảnh minh họa 1: Sự kiện được tổ chức ngày 02/10/2019 cạnh London Eye)
Nếu không tham gia sự kiện này chắc tôi sẽ không thể nào biết được có những người phụ nữ vẫn đang miệt mài quảng bá nền kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chị Phạm Bảo Hà, thành viên Ủy Ban Việt Nam-UK đã có phần mở màn ấn tượng với những hình ảnh, con số thống kê, thực tế và cơ hội của nền kinh tế Việt Nam khiến bạn bè quốc tế phải thán phục. Tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam thuộc một trong những nước cao nhất thế giới với 73%. Với tăng trưởng GDP tăng 7.1% so với năm trước, nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực. Và một trong những đóng góp quan trọng đó, không thể không kể đến vai trò của những người phụ nữ.
Hai diễn giả chính của buổi tọa đàm hôm đó là bà Irene Ohler, đồng tác giả cuốn sách “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21”*phác họa về 20 người phụ nữ Việt Nam với những dấu ấn riêng biệt, cùng với chị Thao Griffith hiện đang là Cố vấn chính sách cho Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hà Nội. Hiếm có người phụ nữ nước ngoài nào lại có góc nhìn mới mẻ và ấn tượng sâu sắc về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam như bà Irene Ohler. Theo bà, điều ấn tượng nhất về những người phụ nữ Việt là nghị lực, và sự cố gắng không mệt mỏi trong cuộc sống cũng như trong con đường tìm kiếm hạnh phúc của bản thân mình.
Chị Thao Griffith- cũng là một nhân vật tiêu biểu trong cuốn sách của Irene Ohler. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự tự tin trong cách chị trình bày và câu chuyện mà chị chia sẻ. Sinh ra ở tỉnh miền núi Hà Giang, tuy nhiên điều đó không làm cản trở khao khát được học tập và phát triển quê hương của chị. Chị đã giành được học bổng Fulbright và đảm nhận những vị trí đầy thách thức ở độ tuổi còn rất trẻ. Ở chị, tôi tìm thấy một niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể làm được những điều mà bản thân tưởng chừng như không thể.
“Think bigger themselves” là cụm từ được nhắc đến trong buổi tọa đàm ngày hôm đó khi nói về những người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Tôi trở về nhà với niềm tự hào và một niềm hy vọng rằng một ngày nào đó mình cũng có thể đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như những thế hệ đi trước đã làm.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác rưng rưng khi bài hát “Hello Việt Nam”, cùng với hình ảnh của những người lao động, nụ cười và vẻ đẹp Việt Nam, hiện lên bên cạnh London Eye – biểu tượng của London, một trong những trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu.
Tâm Bùi & Linh Luyện
London, 18/10/2019
*“Con gái Bà Triệu thế kỷ 21” là tiêu đề cuốn sách cùng tên phác họa về 20 người phụ nữ Việt Nam với những dấu ấn riêng biệt của tác giả Irene Ohler và Đỗ Thùy Dương, được xuất bản cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tâm Bùi là học giả Chevening khóa 2019/2020, ngành Thạc sĩ Khoa học Phát triển tại SOAS, University of London.
Linh Luyện là học giả Chevening khóa 2019/2020, ngành Thạc sĩ về Doanh Nghiệp Hợp Tác và Sáng Tạo tại University College London.