Tag: living in the UK

Chevening Chinwag #05: Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Bristol – Đà Nẵng, triển khai dự án dạy học cho nạn nhân buôn người ở Anh và cái duyên với học bổng Chevening

Chevening Chinwag #05: Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Bristol – Đà Nẵng, triển khai dự án dạy học cho nạn nhân buôn người ở Anh và cái duyên với học bổng Chevening

Chevening Chinwag* là một chuỗi những buổi trò chuyện với các học giả Chevening Việt Nam. Các Cheveners sẽ chia sẻ về chặng đường Chevening sinh động, thách thức và đáng nhớ của họ. Theo dõi series bài viết này, bạn sẽ nhận được: Chia sẻ 

Chevening Chinwag #03: Integrating Software Developing with Journalism, Building a Sustainability Game, and the AGENDA TikTok challenge!

Chevening Chinwag #03: Integrating Software Developing with Journalism, Building a Sustainability Game, and the AGENDA TikTok challenge!

Chevening Chinwag* is a series of informal pleasant conversations with our Vietnamese Chevening scholars, who are currently experiencing their exciting, challenging, and life-changing Chevening journeys. Read along and you will gain insights into: Personal reviews of UK universities: in-class learning method, university facilities, available support 

CHEVENING CHINWAG #01: HỌC TẬP VÀ DỰ DẠ TIỆC “KIỂU HARRY POTTER” TẠI CAMBRIDGE, YOGA VỚI CHEVENING, VÀ “GẶP GỠ MÙA COVID” CÙNG GIA ĐÌNH CHEVENING VIỆT NAM

CHEVENING CHINWAG #01: HỌC TẬP VÀ DỰ DẠ TIỆC “KIỂU HARRY POTTER” TẠI CAMBRIDGE, YOGA VỚI CHEVENING, VÀ “GẶP GỠ MÙA COVID” CÙNG GIA ĐÌNH CHEVENING VIỆT NAM

Chevening Chinwag* là một chuỗi những buổi trò chuyện với các học giả Chevening Việt Nam. Các Cheveners sẽ chia sẻ về chặng đường Chevening sinh động, thách thức và đáng nhớ của họ.

Theo dõi series bài viết này, bạn sẽ nhận được:

  • Chia sẻ cá nhân của từng học giả về Trường/Khóa học tại UK: phương thức học tập; cơ sở vật chất, và sự hỗ trợ giành cho sinh viên quốc tế…
  • Tips để tận dụng tối đa trải nghiệm tại UK: tham dự sự kiện của Chevening, workshops tại Trường, thực tập, tình nguyện, và du lịch…
  • Lời khuyên về việc làm thế nào và tại sao bạn nên ứng tuyển cho học bổng Chevening.

Hãy đặt câu hỏi của bạn ở comments ở dưới, và theo dõi những số tiếp theo của CheveningChinwag và rất có thể, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho thắc mắc của bạn!

 

Trong buổi CheveningChinwag lần này, hãy cùng chúng tôi nói chuyện với Nguyễn Thị Phương Nghi, học giả Chevening tài năng hiện đang theo học ngành Khoa học Trị liệu (Therapeutic Sciences) tại trường Đại học Cambridge danh giá. Qua những chia sẻ của Nghi, các bạn sẽ biết thêm những điều thú vị về mô hình trường học đặc biệt của Cambridge, về những nguyên tắc truyền thống khi tham dự một buổi tiệc Formal, cũng như những lời khuyên về việc ứng tuyển cho học bổng Chevening và học tập tại Vương Quốc Anh.

[*] Chinwag (n.) /ˈtʃɪn.wæɡ/:  một buổi nói chuyện vui vẻ giữa những người bạn.

===

Không phải trường Đại học nào tại Vương Quốc Anh cũng có một hệ thống đặc biệt như Cambridge, Nghi có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô hình trường học tại đây không?

Cambridge là một trong số ít những trường đại học tại UK có hệ thống các trường thành viên trực thuộc (gọi là college). Cụ thể mỗi sinh viên ngoài việc học ở Department của mình, sẽ còn là thành viên của 1 trong 31 college ở đại học Cambridge. College chính là “ngôi nhà thứ hai” của sinh viên, là nơi các bạn ăn ngủ, sinh hoạt và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đối với mình, đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở Cambridge khi mình luôn nhận được sự “chăm sóc tận răng” đến từ hai phía: một là từ hai thầy cô Course Directors, những người theo sát quá trình học tập của mình tại lớp, và từ thầy Tutor ở St Catharine’s College, thầy cũng là một giảng viên ở trường có hướng nghiên cứu gần với ngành học của mình và thầy sẽ chia sẻ, hỗ trợ mình những vấn đề hay khó khăn không chỉ trong học tập mà còn trong đời sống, sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, mình còn có “college parent” là một sinh viên khóa trên sẽ kết nối và hướng dẫn mình làm quen và hòa nhập với cuộc sống ở college và môi trường học tập ở Cambridge.

 

Ngành học ‘Khoa học Trị Liệu’ thực sự là một khóa học có một không hai trên thế giới. Ngoài việc đây là một lĩnh vực mới với những kiến thức và phương pháp tiên tiến, liệu Nghi có thể chia sẻ thêm về những điểm khác biệt và tân tiến khác của khóa học này không?

Về phần khóa học, những tiết học của mình không phải là hình thức ngồi nghe giảng trên giảng đường mấy trăm người mà theo dạng những buổi chuyên đề và trao đổi thảo luận. Vì ngành học của mình (Therapeutic Sciences) là về những lĩnh vực mới trong khoa học y sinh và chữa trị các loại bệnh bằng những phương pháp tiên tiến trên thế giới nên những tiết học trên lớp được dạy không chỉ bởi giảng viên của trường mà còn bởi những diễn giả đến từ các công ty dược, công nghệ sinh học, AI hay các bác sĩ và luật sư về luật sở hữu trí tuệ hay những nhà đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực khoa học và sức khỏe. Nhờ đó ngoài việc được tìm hiểu thêm về các kĩ thuật chữa bệnh tân tiến đang được áp dụng tại Anh và các quốc gia khác, mình còn có thêm được những góc nhìn mới cho hướng thương mại hóa các sản phẩm từ phòng lab và những vấn đề liên quan. Đây cũng là cơ hội để mình có được những kết nối quý giá cho công việc tương lai; cụ thể, mình đã được nhận làm thực tập sinh cho một công ty tư vấn thương mại về lĩnh vực trị liệu bằng tế bào và gen của một diễn giả trong lớp sau 2 kì học.

Ngoài ra thì trong quá trình học, các giảng viên cũng tạo một môi trường học tập có tính tương tác cao và khuyến khích các bạn sinh viên trong lớp đóng góp vào bài học bằng cách nêu ý kiến hay đặt câu hỏi và đòi hỏi mỗi sinh viên trước khi đến lớp phải tự đọc và chuẩn bị trước ở nhà. Mình thấy cách học này tuy ban đầu tạo cho mình những áp lực rất lớn và khối lượng công việc đồ sộ nhưng về lâu dài thì rất tích cực, hiệu quả mà tiết học lại không bị nhàm chán.

 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những xáo trộn rất lớn đối với tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt với việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Nghi đánh giá như thế nào về phản ứng của trường đối với việc hỗ trợ sinh viên trong thời gian này?

Đối với đại dịch COVID-19 thì trường mình ngay từ tháng 3 đã có những email thông báo rõ ràng và khá quy củ, nêu ra những tình huống cụ thể sẽ xảy ra với code màu Amber và Red tương ứng để dễ nhận diện. Tuy nhiên do trường và các tòa nhà, phòng lab đều phải ngừng hoạt động nên các lớp học của mình đều được chuyển sang học online, internship của mình ở kì học cuối bị hủy và thay bằng việc viết bài luận, ngoài ra thì trước đó mình cũng có tham gia làm nghiên cứu ở lab nhưng do phòng lab đóng cửa nên cũng phải ngưng. Tuy nhiên, trường và college cũng đưa ra nhiều hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất cho sinh viên như college của mình có cung cấp tiền phụ cấp cho những bạn gặp khó khăn, hay những buổi seminar online về sức khỏe tinh thần, yoga, rumba. Ngoài ra, mỗi tuần thầy Phó Hiệu trưởng cũng gửi email cập nhật tình hình về những thông báo mới, những nghiên cứu về COVID-19 đang được thực hiện tại trường, hay có khi đơn giản là một mẩu chuyện nhỏ về lịch sử Cambridge trong những trận đại dịch mấy trăm năm trước mà Issac Newton cũng phải làm việc ở nhà do trường đóng cửa hay video tham quan Botanic Garden của trường đang tưng bừng nở rộ hoa xuân để mọi người có thể thư giãn tại nhà.

 

Thời điểm hiện tại là lúc rất nhiều sinh viên đang hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Nghi có thể bật mí một chút về đề tài của mình không?

Đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình là thảo luận và đánh giá các loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cũng như những vấn đề liên quan về hình thức triển khai xét nghiệm của các quốc gia và ảnh hưởng của chúng lên các chính sách giãn cách xã hội. Mình cũng so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới và tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó. Trước đó, lớp mình đã có những bài giảng về dịch tễ học hay các phương pháp chẩn đoán virus cũng như cách mà thế giới đã kiểm soát những chủng virus gây bệnh truyền nhiễm khác như influenza, hay là các mô hình mô phỏng cách một trận đại dịch lây lan như thế nào cũng như giả lập các yếu tố để có thể hạn chế sự lây lan đó. Mình cũng được tham gia những buổi thảo luận với những nhà nghiên cứu dịch tễ học đã tham gia vào quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi hay làm việc ở trung tâm nghiên cứu vaccine của WHO chịu trách nhiệm chế tạo vaccine cúm mùa influenza cho cả thế giới hằng năm (seasonal flu shot). Những kiến thức khoa học bài bản lẫn trải nghiệm thực tiễn trong những tiết học này là những nguồn thông tin quý giá để mình có thể hoàn thành bài luận. Sau khi nộp thì dữ liệu sẽ được lưu vào thư viện của trường và khoa mình sẽ tổng hợp lại để có thể xuất bản trên những tạp chí khoa học để có thể đóng góp nhiều góc nhìn đa dạng cho tình hình đại dịch COVID-19.

 

Ngoài việc học tập, mỗi học giả Chevening đều tận dụng thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong những sự kiện và câu lạc bộ tại Cambridge, Nghi có thể chia sẻ với mọi người về một vài kỷ niệm đáng nhớ không?

Tại Cambridge, đầu năm mình có tham gia câu lạc bộ chèo thuyền (rowing) của college nhưng sau này do việc học cũng khá nhiều mà thời tiết vào mùa đông thì lạnh và hay mưa nên sau một học kì thì mình không tham gia nữa. Sang học kì thứ hai thì mình có xin thực tập tại phòng lab về 3D bioprinting của trường với đề tài in 3D ốc tai người từ mực sinh học bioink và cấy tế bào.

 

Hình áo chùng (gown), bàn tiệc formal dinner Giáng Sinh và mình cùng các bạn chụp hình sau khi tham gia buổi tiệc

Ở Cambridge có một hoạt động truyền thống khá thú vị mà mình cũng rất hay tham gia đó là các buổi tiệc “Formal Dinner” tại college. Những buổi tiệc này thì thường bắt đầu sau 7h tối và sẽ kéo dài tới khoảng 9h-9h30, các thành viên tham gia phải mặc theo quy tắc smart dress code: nam mặc suit, giày tây và đeo nơ/cà vạt, nữ mặc đầm dài và mang giày bít mũi, và đặc biệt là sinh viên phải khoác áo chùng (gown) bên ngoài. Đúng 7h30 thì sẽ có một tiếng chiêng mời những người tham dự, trước đó sẽ dự pre-drink ở phòng chờ, vào trong phòng ăn có những dãy bàn dài với các bộ dao nĩa dĩa thìa được xếp gọn gàng và nến thắp lung linh (giống như Đại Sảnh Đường trong Harry Potter vậy) rồi đứng sau ghế của mình đã được ghi sẵn tên. Trước khi nhập tiệc, Master của college sẽ đọc một lời tạ ơn (College Grace) bằng tiếng Latin và mỗi college sẽ có một phiên bản khác nhau. Và vì đây là một bữa ăn đặc biệt hơn bình thường nên cũng sẽ có những quy tắc ứng xử mà mọi người phải tuân theo để đảm bảo tính trang trọng và không làm phiền người khác như không được rời khỏi chỗ ngồi suốt thời gian diễn ra formal dinner, không được chạy qua chạy lại giữa các bàn, không được sử dụng điện thoại, và nói chuyện vừa đủ nghe. Bật mí là lần đầu tiên tham dự formal dinner, mình phải ráng nhớ hết những quy tắc này cũng như học cách sử dụng dao muỗng nĩa, ly tách trong và sau khi ăn cho chuẩn để không bị “lạc quẻ” với mọi người. Tới giờ tàn tiệc thì sẽ lại có một tiếng chiêng và một đoạn college grace kết thúc, sau đó sẽ có phần tiệc đứng với rượu vang và phô mai để mọi người có để tán gẫu với nhau trước khi ai về nhà nấy (… hoặc là tiến thẳng tới college bar)

 

Ngoài ra thì trong mùa dịch, mình cũng đã tham gia một số workshop online của Chevening như “Yoga, meditation and mindfulness for wellbeing”, “Embracing Failure” hay “Staying positive”. Bên cạnh đó thì gia đình Chevening Việt Nam luôn luôn đồng hành sát cánh bên nhau trên mọi nẻo đường từ cùng nhau tổ chức ăn Tết cổ truyền tại London hay là gọi Zoom tám chuyện mùa giãn cách xã hội. Mình luôn cảm giác được mình là một phần trong gia đình nho nhỏ của Cheveners Việt Nam và trong gia đình Chevening to to trên toàn nước Anh nên không bao giờ cảm thấy cô đơn cả.

 

Nhiều bạn còn do dự trong việc ứng tuyển cho học bổng Chevening vì nghĩ rằng Chevening quá khó, hoặc lo sợ về COVID-19, Nghi có lời khuyên gì cho những ứng viên tương lai của Chevening?

Mình có một câu nói nằm lòng đó là: “The longest journey starts with a single foot step”. Chevening và Cambridge nhiều năm về trước cũng đã từng là mộng tưởng hão huyền mà mình nghĩ chỉ có nằm mơ mới thấy, nhưng may mắn là mình đã kịp thức tỉnh và bắt đầu hành động từng bước, leo từng bậc thang nhỏ, có gắng nỗ lực từng bước một để có thể chạm được ước mơ của mình. Và Chevening cũng không tìm kiếm những ứng viên siêu nhân hay học giỏi toàn diện mà cần những nhân tố phù hợp, thể hiện được tinh thần lãnh đạo vì sự phát triển của cộng đồng, của đất nước. Vậy nên, nếu bạn đã yêu quý và muốn trở thành một phần của đại gia đình Chevening thì hãy bắt đầu từ bây giờ. Không có điều gì là không thể làm được nếu bạn có được một sự chuẩn bị chu đáo và nỗ lực ko ngừng nghỉ vì mục tiêu của mình.

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Tết xa nhà, tạm xa không khí  sum họp gia đình như ở Việt Nam, những buổi học vẫn diễn ra, những bài luận vẫn cần phải nộp, nhưng không vì thế mà ở UK không có Tết. Hãy cùng xem các học giả Chevening 

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Bất chấp deadline ngập đầu (còn 2 tuần nữa phải xong dissertation project) mình cũng phải tìm Tour Isle of Skye để đi cho trọn trải nghiệm ở Scotland. Hỏi: Có đáng không? Xin trả lời: CỰC KỲ XỨNG ĐÁNG!!! Trước khi đi chỉ biết 

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Gregory dẫn chúng tôi đi dọc con đường Thame River từ Tower Bridge đến Greenwick Park vừa đi vừa giới thiệu về lịch sử của từng địa điểm và hỏi thăm về kỳ nghỉ Giáng sinh của chúng tôi. Đó là vào một ngày cuối năm 2019, thầy giáo của chúng tôi- Gregrory Thompson, cũng là trưởng bộ môn, gửi mail cho cả lớp để ‘rủ’ những ai đang ở London dịp nghỉ lễ tham gia đi bộ từ Tháp London đến Công viên Greenwich. Chặng đường cũng ngót ghét hơn 8 km trong thời tiết 4-5 độ ở London.

Đến ngày khởi hành, có 10 người xuất hiện ở điểm hẹn. Thầy giáo của chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì có đông người tham gia hơn ông nghĩ. Chúng tôi bắt đầu đi từ 10:30 AM và vừa đi vừa trò chuyện về đủ thứ trên đời. Chúng tôi nghĩ Gregory sẽ hỏi cảm nhận của mọi người về khóa học, nhưng không, ông chỉ hỏi chúng tôi đang cảm thấy như thế nào, có ổn không, Giáng sinh đã đi những đâu. Cảm giác thân quen như những người bạn đang nói chuyện với nhau vậy. Nếu gặp Gregory ngoài đời chắc chắn không ai nghĩ ông từng là Giám đốc của một nhà hát, và là trưởng bộ môn của một trường đại học, là một người sinh ra và lớn lên ở London. Ông luôn xuất hiện với mới tóc xoăn rối điểm vài sợi bạc, với chiếc áo gió thể thao màu nõn chuối và đôi giày cũ kỹ. Nhưng ông luôn khiến chúng tôi thấy thoải mái trong lớp với những trò đùa hay câu nói hài hước làm cả lớp cười phá lên.

Lớp chúng tôi đã có những ngày khởi đầu không mấy suôn sẻ khi một số sinh viên không nhận được thông báo về thay đổi của môn học trước khi nhập học. Cụ thể là hai bộ môn của khoa Nhân học sẽ thay thế cho hai môn được dạy bởi Khoa Kinh doanh. Nói chính xác là chúng tôi không hiểu tại sao một khóa học về Doanh nghiệp lại được dạy đa phần bởi Khoa Nhân học. Những sinh viên không hài lòng hoặc là sẽ chuyển sang khóa học khác hoặc sẽ khiếu nại nên khoa. Tôi nằm trong số những sinh viên được thông báo từ trước về những thay đổi này và tôi đồng ý với những thay đổi đó. Bởi theo tôi, ngành của chúng tôi là Doanh nghiệp sáng tạo, sản phẩm sẽ rất khác với các lĩnh vực kinh doanh khác và những môn học mới được đưa vào đã được thông báo rất rõ là dựa trên góp ý của sinh viên khóa trước. Vậy đương nhiên nó sẽ phù hợp hơn với lĩnh vực của chúng tôi. Thế nhưng năng lượng trong lớp những tuần đầu khiến tiến độ lớp học thật trì trệ. Gregory đã gặp rắc rối với khoa về đơn khiếu nại. Ông đã có một buổi ngồi nói chuyện với cả lớp sau đó để xin lỗi và giải thích kỹ hơn về những môn học mới được đưa vào.

Nhưng có lẽ phải đến tận hôm nay, chúng tôi mới thực sự hiểu mục đích của Gregory khi đưa hai bộ môn mới đó. Nó thực sự khiến chúng tôi suy nghĩ về việc kinh doanh với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một khóa học đầy nhân văn và cách tiếp cận cũng thực sự sáng tạo.

Họ không dạy chúng tôi cách làm sao để chạy quảng cáo hiệu quả và tiết kiệm. Họ muốn chúng tôi hãy quên việc đó đi và bắt đầu xây dựng một cộng đồng và chi 0 đồng cho việc quảng cáo.

Họ không dạy chúng tôi làm sao để ‘thắng’ trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt mà lại dạy chúng tôi hợp tác với nhau như thế nào trong một tương lại đang thay đổi liên tục.

Họ không dạy chúng tôi làm sao để trở thành những doanh nhân thành công mà lại muốn chúng tôi đi sâu vào bên trong để tìm giá trị cốt lõi của chính mình. Tại sao chúng tôi lại muốn làm điều mà chúng tôi đang làm?

Họ không dạy chúng tôi làm sao để trở thành những người lãnh đạo quản trị tốt mà lại dạy chúng tôi cách quan sát, cách kết nối không dùng lời nói (leader without leading), cách điều tiết nội lực ở bên trong, cách ứng tác (body improvisation)  để luôn thấy mình tự tin và tràn đầy năng lượng.

Và ‘lạ’ hơn, thay vì muốn chúng tôi hãy tạo ra một doanh nghiệp triệu đô, họ lại khuyến khích chúng tôi xây dựng một doanh nghiệp, một tổ chức khiến chúng tôi luôn tự hào.

Buổi đi bộ của chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc lúc 3 giờ chiều nhưng phải đến 6 giờ tối chúng tôi mới đến được Greenwich Park. Lúc này chỉ còn lại 4 đến 5 người, một số bạn khác có việc bận nên đã xin phép rời đi trước. Chúng tôi ghé vào một quán Pub mà theo như Gregory thì đó là một quán pub lâu đời ở London. Tôi kể về Giáng sinh của mình với một gia đình người Anh, về chuyến thăm quan quê hương Shakespeare với cô bạn cùng lớp, về những kỳ vọng ở học kỳ tới, về bài luận, vv. Nhưng cho dù là chủ đề gì, thì giữa chúng tôi không còn khoảng cách của một trưởng bộ môn và sinh viên nữa mà giống như một người thầy giàu kinh nghiệm đang cố gắng giúp đỡ sinh viên sắp xếp lại những ý tưởng còn đang hỗn độn của mình.

Nhờ có buổi đi bộ ngày hôm đó, tôi mới nhận ra hoàng hôn ở London thật đẹp. Nếu có một ngày tôi không còn ở đây nữa, điều tôi nhớ nhất về London sẽ là bầu trời, người thầy đáng kính và những người bạn.

Ảnh minh họa: Hoàng hôn ở phía bên kia bờ London.

Bài viết: Linh Luyện – Chevening 2019/2020
Hình ảnh: Linh Luyện – Chevening 2019/2020