Bài viết mới

Một nửa tâm hồn ở lại Oxford

Một nửa tâm hồn ở lại Oxford

Oxford chắc chắn không phải là cái tên xa lạ gì với mọi người. Nhưng giới thiệu với các bạn Oxford theo cảm nhận riêng của mình. Dù đã đi gần 30 nước trước khi đến với Chevening, nhưng cảm giác lần đầu đặt chân 

CHEVENING, HÀNH TRÌNH CẢI THIỆN BẢN THÂN KHÔNG NGỪNG NGHỈ

CHEVENING, HÀNH TRÌNH CẢI THIỆN BẢN THÂN KHÔNG NGỪNG NGHỈ

Chào các bạn, mình là Hạnh, sinh năm 1989. Mình đã may mắn nhận học bổng Chevening khóa 2021-2022 sau 4 năm apply. Thực sự nhiều người hỏi tại sao mình lại kiên trì apply suốt 4 năm như vậy? Mình xin chia sẻ hơi 

NORWICH – BÀ GIÀ XỨ SƯƠNG MÙ

NORWICH – BÀ GIÀ XỨ SƯƠNG MÙ

Norwich – trước khi đến với UEA (University of East Anglia), đến với nước Anh thì Norwich với mình là một cái tên đầy xa lạ. Trớ trêu thay mình còn phát hiện ra có 1 nơi cũng mang tên Norwich nhưng ở tận nước Mỹ xa xôi. Khác với chốn đô hội tráng lệ London, nơi đa dạng văn hoá Birmingham, nơi cái mơi lan toả khắp nơi như Brighton, Norwich như bà cụ già ẩn mình giữa con sông uốn lượn cạnh bờ biển. Có lẽ Norwich có thể được xem là một trong những nơi ít người nước ngoài đến ở nhất, ngoại trừ bọn du học sinh như chúng mình. Thế đấy, Norwich chẳng gì đặc biệt thế mà sao cứ đi vào lòng mình, làm cho những kẻ lữ hành lỡ xa chân vào nơi ẩn dật này thì mãi nhớ về chốn ấy.

Đến Norwich thì cứ đến Liverpool Street Station bắt chuyến tàu, 2 tiếng sau lã sẽ có mặt ở Norwich. Bọn du học sinh như mình, nghèo thì chỉ thích đi xe đò vì rẻ hơn và dĩ nhiên lâu hơn. Nhưng đặng đừng gì cứ lên xe ngủ 1 mạch là sẽ tới ấy mà. Nếu nói về địa lý thì Norwich nằm chếch về hướng Đông Bắc từ London lên, lọt thỏm trong vùng Norfolk cạnh vùng Suffolk, cạnh nhau vậy chứ là 2 đối thủ bóng đá – Norwich và Ipswich – luôn kình nhau ở mỗi trận đấu.

Dân số Norwich thì chắc tương đương một cái làng, xấp xỉ tầm 138 ngàn người tính hồi năm 2014, mà chủ yếu đông vì học sinh trường UEA còn lại chắc ông già bà cả. Ngoài giờ đến trường và tan học, nếu đi xe buýt vào các giờ khác chỉ còn thấy các ông bà chầm chậm, bước lên bước xuống xe buýt hay tản bộ đến chợ và trung tâm mua sắm. Nói đến du lịch, chắc mất tầm 1, 2 ngày là chẳng còn chỗ nào để tham quan. Đâu đó dăm ba cái tên như Norwich Cathedral, Norwich Castle, Elm Hill, Sainsury Centre of Visual Arts toạ lạc trong trường UEA, đến Riverside Walk, Eaton Park, Noriwch Theater Royal, the Forum và vài chỗ nữa. Nhưng với mình, một đứa ăn dằm nằm dề ở đấy 1 năm thì Norwich như một bà già đầy khôn lỏi trao hết những kẻ muốn học những bài học về đời về người.

DSCF4035
Elm Hill – con đường ngày xưa là nơi buôn bán sầm uất được coi nhất nhì Norwich.
DSCF6994
Tòa thị chính thành phố
DSCF3744
Norwich Castle

Norwich chậm lắm. Ngày mình đặt chân tới Norwich, sốc lắm, sao mọi thứ nó quá chậm. Có lẽ vì mình đã ở Sài Gòn náo nhiệt suốt hơn 25 năm cuộc đời. Này nhé các ông các bà các bác anh chị em cứ từ tốn lên buýt, không ai hối, không ai vội. Xuống buýt là luôn ngoái đầu lại nói “thanh you”, “cheers” với chú tài xế.

DSCF7021
Điều lạ lùng là xe buýt 2 tầng chứ chỉ có 1 cửa ra vào đối diện chỗ tài xế ngồi

Norwich đi ngủ sớm lắm. Ngoại trừ thứ 5 là đa số các cửa hàng hay trung tâm mua sắm Chaperfield mở cửa tới 20:30 còn lại cứ 5, 6 giờ chiều đi dọc các con đường mang tiếng mua sắm mà đã thấy đóng cửa im ỉm. Không còn những lần la cà, cà phê cà pháo ban đêm nữa. Chỉ còn các quán bar, pub và nhà hàng là còn mở cửa, chắc đặng chỉ cho tụi trẻ. Hồi mới qua Anh, mình cứ nghĩ Pub như mấy quán bar bên VN ấy, mọi người đến chỉ để xỉn, nhưng thực ra sau nay mình mới biết nơi đó nhạc thì nhẹ lại còn có đồ ăn mà đặc biệt đó là nơi hiếm hoi người Anh chịu tiếp nhận và mở lời với người ngoài vòng tròn xã hội của họ. Còn muốn quẫy thì cứ đến bar thôi, tầm 5, 6h sáng mọi người mới về.

DSCF3691
Điểm đến của những bữa ăn English Breakfast mang đậm phong cách Anh
DSCF7006
Góc chợ Norwick vào một chủ nhật nắng đẹp

Norwich bé lắm. Nếu đã muốn thưởng thức afternoon tea là mọi người kháo nhau tới Biddy’s Tea Room mà quán chỉ có dăm chỗ, đến trễ là hết bàn ngay. Muốn Fish and Chip thì cứ thẳng tiến tới Grosvenor Fish Bar, ngon nhất khi dùng tay bẻ từng miếng cá nóng, chấm chấm vào sốt, vắt miếng chanh và tận hưởng vị cá, vị béo của sốt, vị chua của chanh dưới không khí ấm cùng ngay dưới tầng hầm của quán. Và muốn ăn cá đã được muối lên thì hãy đến chợ ngay giữa thành phố, nơi đó mình còn tìm thấy mì Tàu, Fish anh Chip với một mức giá rất bình dân, cả mì Hảo Hảo nữa. Còn muốn tìm mua trà về pha thì phải ghé Wilkinson’s of Norwich, một cửa hàng trà nhỏ xinh giấu mình lấp ló trên con đường Lobster. Còn mình thì mình ghiền latte ở Strangers Coffee ngay trên triền dốc từ Tesco về kí túc xá nơi mình ở, mùi cà phê cứ gọi là gây nghiện ngay khi bước chân vào quán. Lại thèm 1 cái bánh crepe Nutty Monkey đầy chuối, nutella và chút dâu trên chiếc xe tải vàng nhìn thẳng ra lâu đài. Điều mình cũng rất thích ở Noriwich là những Vintage Fair tổ chức ở nhà thờ và hội chợ tại công viên gần Chaperfield.

DSCF0851
Những con đường nhỏ dành cho khách đi bộ
IMG_4628
Một góc Vintage fair

Vì có lẽ chính những sự thân quen, chắc nhà người này biết nhà người kia, thói quen tập tục cứ diễn ra đều đặn theo mùa theo năm mà vì thế con người nơi đây có lẽ không cần phải vội vã. Dễ dàng bắt gặp nhiều người tản bộ ở công viên, đi dạo trên các con đường vắng. Mà lạ lắm công viên ở khắp nơi, to nhỏ từ trong đến rìa thành phố. Norwich cho mình những khoảnh khắc, chỉ cần khoác vội áo khoác lên, băng qua đường là đến ngay công viên, cứ chầm chậm đi ngó nghiêng và hít thở. Norwich cho mình yêu những ngày nắng lên, chỉ muốn bay ra ngoài để tản bộ dọc theo bờ sông, ngồi ngó chú mèo đang canh bắt con chuột. Để mới thấy yêu những điều bình dị mà vốn lẽ mình đã bỏ qua ở Sài Gòn.

Norwich-bà-già-xứ-sương-mù
Norwich đã dạy cho mình một lối sống mới – lối sống thức tỉnh ở hiện tại, trân quý những gì vốn có để tiến lên phía trước.

Ở Norwich, mình đã từng trải nghiệm làm công việc chăm sóc người già. Đó là một công việc vất vả nhưng trên hết mình đã gặp và nói chuyện với biết bao nhiêu cụ ông cụ bà. Có những người đã bước sang tuổi 60 nhưng chỉ đặt chân đến London được dăm lần, có những người là phú ông nhưng cuối đời chỉ còn mình trong căn nhà to nhưng mình cũng gặp những cặp vợ chồng yêu thương chăm sóc nhau từng bữa ăn. Họ đã kể cho mình nghe những câu chuyện về Anh thời mình chưa sinh ra, họ kể mình nghe về văn hoá Norfolk, họ kể về gia đình họ và nhiều lắm. Nhưng đâu đó họ đã dạy mình rằng dù giàu hay nghèo, hãy cố gắng mỗi ngày phấn đấu làm điều mình muốn vì đừng để nỗi đau “giá như…” giằng xé khi mình đã về già.

Norwich với mình như một nốt nhạc trầm sau những tháng năm vội vã từ khi tốt nghiệp và đi làm. Và Chevening đã mang mình đến Norwich để mình được học, được khám phá và được sống chậm. Và có lẽ cho dù chỉ một năm ngắn ngủi ở Norwich, nhưng nó không chỉ giúp mình thu nạp kiến thức, lận lưng một tấm bằng thạc sĩ mà trên hết là thì thầm với mình về một lối sống mới – lối sống thức tỉnh ở hiện tại, trân quý những gì vốn có để tiến lên phía trước.


Tác giả: Trần Nguyễn Kim Ngân – Chevening 2016 – 2017

Khi ở Rome, hãy làm điều người Rome làm

Khi ở Rome, hãy làm điều người Rome làm

Có 3 cuốn du ký về nước Anh có tác giả là học giả Chevening, đó là cuốn “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” của chị Ngô Thị Giáng Uyên (Chevening 2004/2005), “Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh” của chị Minh Thi 

Studying and living in Wales – beautiful combination of city life and nature beauty

Studying and living in Wales – beautiful combination of city life and nature beauty

Every day immersing in knowledge, in the friendliness of people around, and in the beautiful nature of Wales, I see myself growing and being fulfilled.   I am Kelly (Linh Nguyen), Chevening scholar 2020/2021. I am studying a Master course majoring in PR & Communication Management 

Anh chàng phớt Ăng-lê và những bài học về sự khác biệt văn hóa

Anh chàng phớt Ăng-lê và những bài học về sự khác biệt văn hóa

Những ngày ở UK, không chỉ là chuyện bài vở và những chuyến đi khám phá những vùng đất mới, mà ở đó còn có những người bạn thú vị cùng những câu chuyện về sự da dạng văn hóa. Dưới đây là những kỷ niệm của chị Ngọc Nguyễn, học giả Chevening 2015/2016 về một người bạn của mình, hi vọng bạn sẽ thấy trong đó hình ảnh của một chàng trai với vẻ ngoài phớt Ăng lê lại vô cùng ấm áp. 

 

Jake là một trong số những người bạn bản xứ mà tôi từng thân trong thời gian đầu ở Anh. Chúng tôi gặp nhau hằng tuần vào những sáng Chủ Nhật đi lễ nhà thờ, và sau đó là trong chương trình iConnect (Chương trình ăn tối kết nối sinh viên quốc tế và người bản xứ).

Ấn tượng ban đầu Jake để lại cho tôi là một chàng trai lặng lẽ, ít nói, vẻ ngoài lạnh lùng, có chút kiêu ngạo. Tôi thấy điều qua thông qua việc anh chỉ trả lời câu hỏi một cách ngắn gọn và không bao giờ duy trì cuộc hội thoại với người khác bằng câu hỏi của chính mình. Lúc nói chuyện với tôi cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, ngoài những câu nói xã giao mỗi lần gặp, chúng tôi hầu như không chia sẻ gì thêm. Có một lý do nữa là tính cách của tôi và anh hoàn toàn trái ngược nhau: một đứa thì tíu ta tíu tít bắt chuyện nhiều người để kết bạn làm quen, một đứa thì lầm lầm lì lì, chỉ suốt ngày dán mắt vào cái điện thoại bấm bấm lướt lướt. Mà tôi là loại chúa ghét dạng người này.

Nếu như không có dịp ngồi chung một bàn vào một buổi tối đầu tháng 12, khi được tôi chia sẻ rằng mình đang viết một bài cảm nhận về văn hóa đón Giáng sinh tại Anh Quốc, chắc có lẽ chúng tôi sẽ chẳng thể nào thân nhau được. Tôi nhớ lúc đấy, Jake tỏ ra rất hứng thú một cách kỳ lạ khi nghe tôi nói thế.

Càng tiếp xúc, tôi lại càng cảm thấy kinh ngạc bởi kiến thức uyên bác của anh. Jake có thể thao thao bất tuyệt từ chính trị nước Anh đến địa lý thế giới. Tôi không bao giờ có thể đánh bại anh trong trò chơi nhìn cờ đoán tên nước vì Jake nhớ cờ của các quốc gia trên khắp mọi châu lục. Anh ta còn là kho tàng kiến thức về lịch sử chiến tranh thế giới, một điều đáng ngạc nhiên đến nể phục mà tôi không thể nào đoán được khi nhìn ngoại hình gầy gầy, dáng đi lững thững, có vẻ khá lông bông của anh ấy.

Chúng tôi thân nhau trong dịp Giáng Sinh 2015 khi cùng san sẻ về cuộc sống xa gia đình, về nỗi đau đớn mất mát người thân và niềm vui vỡ òa trong quá khứ. Tôi nhận ra ở anh là một chàng trai có đôi tai rất biết lắng nghe. Tôi quý Jake vì anh giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu về văn hóa nước Anh. Anh ta còn dành thời gian để giúp tôi chỉnh sửa một số bài viết ban đầu, không ngần ngại lục tung đống phim cũ ở nhà để cho tôi mượn những bộ phim mà người dân bản xứ hay xem: Pride and Prejudice – phiên bản BBC (Niềm kiêu hãnh và Định kiến), Pirates of the Caribbean (Cướp biển vùng Ca-ri-bê). Phải nói rằng tôi cảm thấy khá may mắn khi làm bạn với chàng trai đặc biệt này. Nhờ Jake mà tôi có được cái nhìn đa chiều hơn về nước Anh.

Trong thời gian về Luân Đôn đón Giáng sinh và năm mới cùng gia đình, Jake chụp hình thức ăn và đồ vật trang trí để giúp tôi làm tư liệu cho các bài viết của mình. Để cảm ơn anh ấy, có lần tôi mời Jake đến nhà thưởng thức món phở bò cổ truyền cùng cô bạn thân. Nhìn cách Jake thưởng thức tô phở húp lấy húp để, trong lòng cảm thấy vui vui pha lẫn chút tự hào. Lần khác, Jake đến nấu cho tôi món xoài nướng cá hồi, rau chiên “asparagus tips” khá ngon và khoai tây nấu với hành tím trộn mù tạc. Đây là món ăn anh ta tự chế, do tôi không ăn được mù tạc nên tiếc là không cảm nhận được hết vị ngon của món ăn. Kỷ niệm vui nhất là sau khi hai đứa xem đoạn phim hướng dẫn làm salad trái cây trong vòng năm nốt nhạc, tôi và anh xắn tay làm ngay và luôn, và đương nhiên, thực tế thì khác xa với phim ảnh, lâu hơn rất nhiều, chưa kể bày bừa dọn phát mệt.

Jake ga lăng nhiệt tình nhưng vẫn cư xử lịch thiệp đúng kiểu chuẩn mực của trai Anh Quốc. Một tối anh hộ tống tôi đi siêu thị, do mải mua sắm nên sau khi giúp tôi xách đồ về tận nhà, Jake lỡ mất chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày. Lúc đó đêm đã khuya, dù tôi có nhã ý mời ở lại vì tôi có thể sang phòng của cô bạn thân để ngủ, anh vẫn quyết định đi bộ về nhà. Từ chỗ tôi sang nhà Jake, chim bay khoảng năm phút, đi xe buýt thì tầm hai mươi phút, còn đi bộ thì mất đến hơn một tiếng, ngoài trời mưa to gió rét, răng va lập cập, miệng thở phì phèo nghi ngút khói, làm tôi cảm thấy thương anh hết sức. Anh cười, bảo chỉ có tôi mới thấy lạnh chứ anh đã quá quen với thời tiết ẩm ương thế này rồi.

Đi siêu thị với Jake, tôi học được khá nhiều cách hành xử. Điển hình như không được chạm tay vào cá nhấn nhấn như cách tôi thường hay làm ở Việt Nam để biết thịt cá còn tươi hay không, mà phải yêu cầu người bán hàng cầm miếng cá mình chọn bỏ vào bịch.  Việc này giúp cá ở trong siêu thị luôn đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, anh chỉ tôi cách tự tính tiền ở quầy “self-checkout” sau khi mua xong hàng. Jake còn hướng dẫn tôi qua đường khi không có đèn tín hiệu giao thông, lần nào cũng là người thúc để đôi chân ngắn của tôi sải bước thật nhanh. Anh hay nhắc nhở tôi khi vào nhà hàng không được tự ý tiến thẳng vào chọn chỗ ngồi mà phải đứng xếp hàng chờ người phục vụ sắp xếp chỗ. Những luật lệ luôn luôn tuân thủ như không bao giờ đi bộ trên lòng lề đường, luôn xếp hàng, làm gì cũng theo thứ tự, đúng giờ, và lúc nào cũng ‘đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng’  là những điều tôi quan sát và học được ở Jake.

Người Anh khá quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ chỉ ăn những món ăn do chính họ nấu hoặc trong nhà hàng. Có một lần đang dạo chơi ở trung tâm thành phố, chúng tôi gặp một nhóm sinh viên tình nguyện nấu bữa ăn miễn phí phục vụ cho tất cả người qua đường. Đối với nơi mà mọi thứ đều đắt đỏ như nơi đây, cái gì miễn phí cũng có sức hút mãnh liệt với tôi. Thế mà dù sáng đến giờ không có gì vào bụng, Jake từ chối, chỉ đứng nhìn tôi nhận món ăn. Lý do anh đưa ra là nếu có việc gì xảy ra sau khi ăn, vì bữa ăn miễn phí nên tôi sẽ không có quyền kiện người bán và đòi bồi thường. Tôi cười, nói với Jake ở Việt Nam, thức ăn đường phố hay ở nhà hàng dù trả tiền, nếu có bị làm sao cũng phải tự lo cho thân phận của mình. Cũng chẳng dám nói anh là trên báo nhà nhan nhản tin tức về ngộ độc và vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một đứa con gái bướng bỉnh phương Đông, một chàng trai lạnh lùng phương Tây, tôi và anh không tránh khỏi nhiều lần gây lộn kịch liệt, cãi nhau chí choé do những bất đồng về văn hóa ở cả cá nhân lẫn cộng đồng. (văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng – individualism vs. communitarianism). Chính sự hiểu lầm này làm khiến hai đứa đều nghĩ đối phương là một người khá bất lịch sự lúc ban đầu. Ví dụ như kết thúc cuộc điện thoại, người Anh luôn sử dụng ‘Goodbye, see you later – Chào tạm biệt, hẹn gặp lại bạn trong khi tôi chỉ thường đáp lại ‘Okay’ hoặc ‘Uhm, bái bai’, hay ban đầu tôi chưa có thói quen sử dụng từ ‘please – vui lòng’, ‘would you mind – bạn có thể’, ‘excuse me – thứ lỗi cho tôi, xin phép trong câu nói, khiến mấy phen anh ta cảm nhận tôi là một đứa con gái chẳng lịch sự chút nào.

Chưa kể, dù thân đến cỡ nào cũng không thể có chuyện ‘có việc đi qua đây nhân tiện ghé qua coi bồ sống chết ra sao…’, Jake nói với tôi rằng ở đây mọi người tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, không bao giờ tự ý qua nhà nhau nếu không điện thoại báo trước. Trong trường hợp bị ai đó làm phiền quá mức, có thể còn xin lệnh bất khả xâm phạm, cấm một người tìm cách liên lạc hay tiếp xúc với người kia. Điều này nghe thật buồn cười nếu áp dụng ở Việt Nam. Ngược lại, tôi hay sôi máu điên tiết bởi những trò đùa khó đỡ đậm chất Anh Quốc của Jake hay cái câu cửa miệng thể hiện lòng tự tôn văn hóa cao ngun ngút trời xanh ‘Ở nước Anh tụi tao làm vậy đó’ It’s England, we act like that” – “Ở Anh tụi tao làm vậy đó!”). Lắm lúc tôi còn chỉ muốn dội nguyên gáo nước lạnh vào mặt anh ta rồi la lên rằng “Ở Việt Nam, tao làm vậy đó   – “ In Vietnam, we do like this”.

Tôi thích nhìn Jake cười, vì rất hiếm nhìn thấy nụ cười ấy trên gương mặt đầy vẻ khắc khổ của anh, giọng cười anh cũng là lạ một cách ngộ nghĩnh, không lẫn vào đâu được, tôi luôn bật cười khi nghe nó.

Càng thân, Jake càng khiến tôi ngưỡng mộ khi chia sẻ về cuộc sống living-paycheck-by-paycheck lifestyle của anh ấy, tức sống tháng này bằng tiền lương của tháng tới, cuộc sống đặc trưng của sinh viên Anh Quốc, có những hôm Jake chỉ đủ tiền ăn một bữa qua loa cho ấm bụng. Không may mắn như một số sinh viên ở Việt Nam và các sinh viên quốc tế, vẫn được bố mẹ chu cấp tiền đến khi học đại học, Jake tự lập từ lúc anh chỉ mới 16 tuổi. Anh bươn chải với cuộc sống của mình từ những đêm làm ca tối sắp xếp hàng hóa ở Sainsbury’s, lại còn làm trong khu thực phẩm đông lạnh. Do thấm thía cái lạnh nước Anh, nghĩ đến điều kiện làm việc của Jake cũng khiến tôi rùng mình. Anh đi làm dành dụm đủ tiền để đóng tiền học đại học thứ hai và tự trả tiền ăn ở cho bản thân. Có lẽ vì vậy mà khi tiếp xúc với Jake, tôi cảm nhận được sự chín chắn của một người đàn ông trưởng thành so với tuổi thật của anh ấy. Nhất là mỗi lần nhìn vào hốc mắt sâu thâm quầng, tôi nể phục nghị lực sống ẩn sau tấm thân gầy còm của chàng trai này, tôi tự cảm thấy mình may mắn quá.

Jake cũng là người cho tôi thấy được mặt trái của cuộc sống sinh viên nói riêng và cuộc sống của người địa phương nói chung. Nó không hoàn toàn màu hồng giống như cách tôi luôn cảm nhận, đúng là ở trong chăn mới biết chăn có rận. Khu ký túc xá mà anh đang ở, không tối nào là không có những cuộc ồn ào nhậu nhẹt, đặc biệt là những hôm cuối tuần. Bọn sinh viên lê lết từ phòng riêng đến những dãy hành làng chung, có cả những cuộc tình chóng vánh, hay những cuộc cãi lộn đập phá vỡ cả kính cửa sổ.

Jake luôn cẩn thận khóa cửa dù ở trong phòng vì thỉnh thoảng, nhất là những dịp nghỉ lễ dài như Giáng sinh hay Phục Sinh, thường có một nhóm người tự ý vào phòng của người khác. Anh bảo có lần anh đang ngồi học bài trong phòng, cửa phòng bật mở, thấy anh ở trong người đó nhanh chóng đóng lại, không nói năng gì. Hay khu công viên gần chỗ anh ở là nơi mọi thứ có thể xảy ra, đánh nhau, đâm chém, anh luôn khuyên tôi không bao giờ được đi công viên hay bất cứ nơi nào vào buổi tối một mình. Nước Anh trong mắt Jake hoàn toàn khác với nước Anh trong mắt tôi là thế.

Dẫu biết rằng một năm nữa hai đứa mỗi đứa một phương trời, không biết có còn gặp được nhau, những kỷ niệm hỉ nộ ái ố rồi cũng sẽ chỉ còn trong ký ức của mỗi người, hay chỉ đọng lại vấn vương trên những trang giấy trắng, nhưng tôi vẫn luôn thầm cảm ơn Đấng Chúa Trời đã mang đến tôi một người bạn tuyệt vời như Jake. Anh đã tô điểm cho cuộc sống du học của tôi thêm chan chứa sắc màu và đong đầy xúc cảm. Hy vọng tôi và anh sẽ còn được gặp lại nhau trong một dịp không xa. Trái đất này vốn dĩ nhỏ và tròn, tôi tin vậy.

‘Nếu có ước muốn trong cuộc đời này…hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…’

SOTON, ngày 31 tháng 01 năm 2016

Tác giả: Ngọc Nguyễn – Học giả Chevening 2015/2016