Viết về câu chuyện của mình trong hồ sơ ứng tuyển học bổng Chevening
Còn chưa đầy 1 tháng nữa, học bổng Chevening 2025/2026 sẽ chính thức đóng đơn, mong các bạn sớm hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển. bạn dám theo đuổi và đi đến cuối hành trình của mình.
Nhiều bạn hỏi làm thế nào để hồ sơ của mình trở nên nổi bật. Theo mình, hồ sơ nổi bật thuờng đến từ câu chuyện của cá nhân bạn. Tuy vậy, Kể gì? Kể bao nhiêu? Kể sao cho liên quan? Kể thế có thừa không? Kể nhiều quá có bị đánh giá là overqualified không? Kể ít thì có bị kém không? Theo mình thì sẽ không có phiên bản hoàn hảo ngay lập tức nên chúng ta có thể áp dụng design thinking vào việc kể câu chuyện của mình.
Xây dựng story banks – kho chuyện:
Một cái kho tất cả các trải nghiệm của bạn, có thể từ lúc bé tý cho tới hiện tại. Khi có cái kho đó rồi chúng ta sẽ có một cái nhìn rất tổng thể để kết nối các sự kiện – connect the dots. Mình thấy có 1 vài sự kiện chung mà các bạn có thể nhớ tới nhất:
- Sự kiện khiến mình quan tâm/yêu thích ngành của mình
- Sự kiện khiến mình quyết tâm theo đuổi bằng Master tại Anh
- Sự kiện chứng minh khả năng của mình trong ngành
Nếu không có nhiều câu chuyện thì sao? Thì hãy sống tiếp và tạo thêm những câu chuyện. Xin đừng bịa, giờ camera phố rất nhiều các bạn rất dễ bị fact check cái một. Mình tin là nhưng người đạt được Chevening họ chưa bao giờ coi Chevening là đích đến, mà là bệ phóng. Nên bên cạnh việc apply Chevening họ vẫn xây dựng sự nghiệp như bình thường. Có nhưng case nghỉ làm để apply hb thì mình khuyên không nên. Sáng tác hồ sơ văn vẻ đến mấy cũng không bằng những trải nghiệm có thật. Phải sống để có thêm input cho story bank của mình.
2. Kết nối các câu chuyện
Sau khi chọn được các câu chuyện có liên quan tới ngành và định hướng tương lai thì bạn bắt đầu viết được rồi đó. Mình có 1 số tips cho từng bài như sau:
Bài luận Leadership:
Định nghĩa về leadership của Chevening cũng rất rộng. Bạn có thể bắt đầu từ việc mình đã từng lãnh đạo bản thân như thế nào. Leadership cũng không nhất thiết phải ở vị trí cao như quản lý, Bạn có thể là người khởi xướng điều gì đó trong tổ chức. Những câu chuyện như vậy điều chứng minh cho khả năng Leadership của bạn.
Bài luận Networking:
Đoạn này dành cho những người hướng nội nhiều hơn. Networking không hẳn cần là người quảng giao và nói nhiều. Mình thích cách xây dựng mối quan hệ chất lượng hơn. Bạn đẫ từng được ai nhờ giúp đỡ chưa? Bạn đã giúp đỡ ai bao giờ chưa? Mối quan hệ nào trong công việc mà bạn thấy mình được tin tưởng và tin tưởng đồng nghiệp. Những câu chuyện bạn chọn cần chứng tỏ được bạn là người có khả năng xây dựng mạng lưới, kết nối cho ngành của mình trong tương lai.
Bài luận Study in UK
Bạn có câu chuyện chứng minh mình rất có hiểu biết về ngành của mình không? Bạn đã từng tham gia nghiên cứu những đề tài tương tự chưa? Bạn mong muốn học thêm điều gì, nhằm mục đích gì và đã chuẩn bị gì cho để có thể hoàn thành tốt chương trình học bạn chọn.
Kế hoạch tương lai
Nghĩ về kế hoạch tương lai luôn khó, nhiều khi nghĩ mai ăn gì cũng đau đầu lắm. Vậy làm thế nào để viết môt bài Future plan xuất sắc?
“Shoot for the moon and if you miss you will still be among the stars”
Mình rất thích mindset này trong việc lập kế hoạch tương lai. Mình học được điều này từ cuốn tự chuyện của phi hành gia Chris Hadfield. Ông ước mơ bay vào vũ trụ từ bé và để lên được vũ trụ thì ông biết chỉ có thể bằng cách trở thành phi công lái tàu hoặc nhà khoa học. Ông đã chọn làm phi công thử nghiệm và quan trong nhất dù ông có không trở thành phi hành gia, lựa chọn còn lại cũng không tệ vì ông rất thích bay.
Trở lại việc viết future plan thì các bạn cần tìm ra được mission của mình, rồi tất cả các plan nhỏ nó sẽ theo sau, bằng cách này hay cách khác. Ví dụ mission của mình là: “Đem lại giáo dục STEM chất lượng tới nhiều học sinh, nhiều trường học trên Việt Nam nhất có thể”.
Từ đó mình có thể nghĩ ngay ra các plan loại sau
- Kế hoạch ngay lập tức sau khi học từ UK về: những việc mà rất dễ thực hiện trong tầm tay bạn, những việc mà không cần thêm điều kiện gì mà bạn thực hiện được ngay. Ví dụ mình ngay khi về có thể làm các khóa học MOOCs cho cả GV lầ HS Việt Nam bằng những nguồn lực mà mình có được khi học UK.
- Kế hoạch ngắn hạn 1-2 năm: Những thứ mà bạn có thể bắt đầu rục rịch làm trong 1-2 mớ trở về: Chia nhỏ ra thì bạn có thể trả lời những câu hỏi: Bạn muốn làm cho những tổ chức nào? Bạn muốn làm gì phi lợi nhuận cho cộng đồng? Bạn pay it forward thế nào với cộng đồng Chevening?
- Kế hoạch dài hạn: Mục tiêu sự nghiệp dài hạn của bạn là gì, phiên bản tốt nhất mà bạn nghĩ bạn đạt được để phục vụ mission trên là gì?
Plan B: Cái này mình thấy ít ai làm, nhưng mình có làm, và mình thấy ai suy nghĩ thấu đáo sẽ có. Bạn cần trả lời những câu hỏi như:
- Nếu trượt Chevening năm nay bạn định thế nào?
- Nếu plan khi về không như kỳ vọng thì sao?
- Nếu có những offer hấp dẫn ngoài VN thì bạn làm gì?
- Nếu không được mục tiêu lớn, như bác Chris Hadfield thì bạn sẽ làm gì?
Như câu mở đầu của bài thì việc chúng ta định hướng được mission lớn rất quan trọng còn ở giữa thì còn là biến số nhiều, vậy nên ta hãy tập tư duy cuộc đời là % và các khả năng, dù có kết ở đâu ta cũng happy vì các lựa chọn của mình. Dịp viết bài luận Chevening cũng là dịp mình phản tư rất nhiều. Dù không được Chevening mình cũng thấy có cái nhìn về sự nghiệp rất rõ nét.
Sự nhất quán – Consistency
Yếu tố mình thấy quan trọng nhất đó chính là sự thống nhất trong các bài viết. Các bạn apply Chevening thường có rất nhiều câu chuyện về: yếu tố lãnh đạo của mình, một dịp mình thể hiện khả năng networking, hay mình từng đi tình nguyện đâu đó etc. Tuy nhiên mỗi câu chuyện lại thể hiện một mảng rất khác nhau có thể là leader trong các hoạt động tại trường về kinh doanh nhưng ngành học dự kiến lại về giáo dục chẳng hạn. Hay thành tích bạn đạt giải này kia về các cuộc thi tranh biện nhưng ngành bạn hướng tới là fintech.
Đọc một bài rất nhiều các thành tích nhưng không có sự kết nối với nhau như vậy bản thân mình thì thấy ứng viên đó rất giỏi nhưng chưa tự định hướng được hành trình bản thân sau này là gì. Bạn đó sau này vẫn có thể rất thành công trong bất kỳ công việc nào vì nhiều thành tích như vậy chứng tỏ rất năng động, nhưng cái nhìn kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai chưa rõ ràng.
Vì số lượng từ rất giới hạn của mỗi bài luận nên ta không thể kể cả câu chuyện đời ta ra hết được. Vậy nên cần có cách chọn kể gì, và kể như thế nào để giám khảo thấy mạch lạc, xứng đáng cho đi học về ngành mình đề xuất chứ không bị đi học một đằng về VN lại làm một nẻo.
Cách mà mình kết nối tất cả đó là tập trung vào: Giá trị cốt lõi bản thân – Core values. Từ trước đến nay mình làm nhiều hoạt động không liên quan đến nhau lắm: Làm kit thí nghiệm, làm video YouTube, dẫn chương trình khoa học trên truyền hình, đào tạo giáo viên STEM, dạy học sinh. Mình dành thời gian để phản tư và thấy rằng cái giá trị cốt lõi xuyên suốt tất cả các hoạt động đó là: “Tình yêu khoa học” và “giáo dục” tới mọi người xung quanh bằng kênh này hay kênh khác. Mở bài mình đã phủ đầu luôn giá trị của tôi là 2 cái như vậy và sau đó giá trị đó thể hiện qua các câu chuyện về leadership, networking, hay kế hoạch học tập và tương lai. Hãy chọn ra 02-03 core values mà bạn thấy phù hợp với bản thân nhất.Các bạn đừng ngại nhắc đi nhắc lại giá trị cốt lỗi của mình. Mình xin nhắc là học Thạc Sĩ cũng là nghiên cứu sâu về một ngành nên khi câu chuyện của các bạn thống nhất và xuyên suốt chứng tỏ bạn là người có quyết tâm, ý chí, động lực theo đuổi ngành.
Lúc nào thì nên buông?
Hôm qua ngồi nói chuyện với bạn, và bạn ấy bảo cố gắng đạt học bổng mệt mỏi quá, vậy liệu chúng mìhh có nên nghĩ đến việc từ bỏ hay không, cố gắng thì đến khi nào.
Đầu tiên chúng ta cùng nhìn nhận một số sự thật sau:
- Tỉ lệ chọi của các học bổng chính phủ siêu cạnh tranh 2-5%
- Các ứng viên trẻ siêu giỏi có, lớn tuổi thâm niên nhiều kinh nghiệm có
- Khi bạn bước vào hành trình săn hb thì tâm lý sẽ rất nhấp nhổm. Bạn có thể muốn lập một công ty riêng, bắt đầu một mối quan hệ, kết hôn nhưng vì không chắc năm nay có đi học không nên không dám bắt đầu điều gì.
- Đỗ học bổng chính phủ còn có phần lớn là may mắn khi năm đó lượng ứng viên chất lượng cùng ngành với bạn ít, hoặc bạn ở ghế dự bị sau đó có người rút thì bạn được lên.
- Khi trượt bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thứ: nghi ngờ bản thân, áp lực thăng tiến công việc, tramcam…
Vậy nên khi nào thì nên thôi không theo học bổng chính phủ nữa? Câu trả lời đó là:
Khi bạn không có thái độ nghiên cứu và chuẩn bị nghiêm túc. Mình có tiếp xúc với những người thái độ hời hợt với chuyện đi du học và học bổng với tâm lý là thử cho có, chỉ biết tên ngành và còn chưa xem kỹ các module học. Bạn không cần phải bỏ việc để all in cho học bổng nhưng vẫn phải dành phần không nhỏ (với mình là như một công việc part-time) để nghiên cứu và chuẩn bị, tập rượt. Như anh Hoàng đi trước có nói “Sự tự tin không đến từ không khí”.
Khi bạn chưa có định hướng cụ thể cho sự nghiệp. Mình đi hội thảo học bổng có người hỏi là đang phân vân giữa 2 ngành (2 ngành ko liên quan đến nhau lắm) và không biết chọn ngành nào để apply. Case này chắc chắn không được nhé.
Coi học bổng là đích đến thay vì bệ phóng. Cái nè ai hiểu sẽ rất hiểu. Ví dụ: Nếu bạn đang làm rất tốt trong mảng của mình và cần sự hỗ trợ cảu các học bổng để nâng tầm việc mình đang làm đó gọi là bệ phóng. Đích đến tức là bạn tập trung nhiều vào việc đạt học bổng hơn là sự nghiệp sau này.
Khi trượt vòng đơn vài năm liên tiếp. Bạn nên ạn nên dành thời gian để xem xét những điều mình còn thiếu sót, quay lại trau dồi bản thân và phát triển sự nghiệp vì vòng phỏng vấn còn khó nữa cơ.
Fake hồ sơ để apply. Sớm muộn các bạn này sẽ lòi ra thôi vì camera phố rất nhiều, không fake it till you make it được đâu
Đó là những chia sẻ của mình sau một hành trình đã trải qua. Rất hy vọng các bạn đang chuẩn bị hồ sơ Chevening vẫn vững tin để nộp học bổng Chevening năm nay.
Tác giả: Tiến Lương – Học giả 2024/2025
- Tham gia group Facebook chính thức của Học bổng Chevening Việt Nam để thảo luận và hỏi đáp: https://www.facebook.com/groups/cheveningvn
- Apply học bổng Chevening – https://www.chevening.org/apply/