Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn cuối nộp hồ sơ Chevening rồi. Nếu bạn đã hoàn thành 4 bài luận thì xin chúc mừng bạn. Nếu chưa cũng không sao cả, bình tĩnh viết nốt nhé! Mình có một vài gợi ý để …
Còn chưa đầy 1 tháng nữa, học bổng Chevening 2025/2026 sẽ chính thức đóng đơn, mong các bạn sớm hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển. bạn dám theo đuổi và đi đến cuối hành trình của mình. Nhiều bạn hỏi làm thế nào để hồ …
Xin chào, Mind the Gap xin gửi tới bạn những chia sẻ của bạn Mẫn Thu Trang, học giả Chevening 2023/2024 về hành trình chinh phục học bổng Chevening và thông điệp ban muốn gửi gắm tới độc giả của Mind the gap. Hiện Trang đang theo học chương trình Thạc sĩ về Quản lý kinh doanh (Msc Business Management ) tại Trường Cardiff University.
Chào các độc giả thân mến của Mind the Gap,
Vào lúc viết những dòng này, mình đang ngồi ngắm hoàng hôn trên đảo Barry trong làn gió se lạnh của mùa hè châu Âu, trong lòng cảm thấy biết ơn sâu sắc với quỹ học bổng của chính phủ Anh đã cho mình hành trình tuyệt vời này.
Mình vốn là một người yêu thiên nhiên, thích bảo vệ môi trường và có niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ. Sau 4 năm theo học ngành Thương mại quốc tế tại ĐH Ngoại Thương Hà Nội, mình ra trường đi làm mảng logistics và quản lý dự án tại các công ty sản xuất thiết bị điện tử của Trung và Hàn. Công việc của mình suốt mấy năm đó khá thuận lợi và nhàn nhã nhưng mình luôn cảm thấy cuộc sống và sự nghiệp đang đi vào lối mòn. Mình bắt đầu tự đặt những câu hỏi cho bản thân, rằng “ Mình có đang thực sự theo đuổi đam mê của mình không?”, hay “ Vì sao mình lại làm công việc mình đang làm?”.
Đam mê kinh doanh một ngày bỗng chốc quay trở lại khi mình gặp lại một người bạn cũ hồi đại học. Cậu ấy muốn mình trở thành Co-founder cho dự án kinh doanh mặt hàng mây tre đan của quê hương cậu ấy. Vốn là người yêu thích các sản phẩm thân thiện với môi trường và mong muốn tạo dựng nhiều cơ hội việc làm cho bà con nông thôn, mình chẳng cần suy nghĩ nhiều mà ngay lập tức đồng ý lời mời của bạn. Thế rồi, khi bắt tay vào công việc kinh doanh, chúng mình phát hiện ra, để vận hành tốt một công ty sản xuất và thương mại, mình cần nhiều kỹ năng và kiến thức hơn những gì mình đã biết trước đây. Các vấn đề về quản lý nhân sự, vấn đề về marketing và bán hàng ngày càng trở nên căng thẳng. Mình đã nghĩ đến việc đi học 1 khóa thạc sỹ quản trị kinh doanh để nâng cao kiến thức, phục vụ đam mê kinh doanh nhưng tài chính cũng là một trở ngại với mình vào thời điểm ấy.
Và rồi, mùa xuân năm 2022, mình vô tình đọc được 1 bài viết của một cựu học giả Chevening, chia sẻ về một chương trình đặc biệt của chính phủ vương quốc Anh dành tặng cho những công dân Việt Nam có tiềm năng lãnh đạo và khả năng tạo ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Mình tò mò bấm vào đường link website mà cựu học giả trích dẫn, và hành trình chinh phục học bổng của mình bắt đầu từ đó. Ban đầu mình cũng nghi ngờ về năng lực bản thân nên hơi chần chừ chưa dám nộp, và cũng vì bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền chẳng có nhiều thời gian tìm hiểu về cách viết bài luận săn học bổng. Tuy nhiên, sau đó mình nhận được sự động viên từ các co-founders và từ chồng mình nên mỗi tối sau khi đi làm về mình lại cặm cụi nghiên cứu về du học Anh, về các chương trình dạy kinh doanh của các trường ĐH bên này. Thật may mắn mình đã tìm được khóa học Business Management của ĐH Cardiff, thực sự đây đúng là những gì mình cần bồi đắp cho sự nghiệp của mình. Các modules được thiết kế vô cùng bài bản và chất lượng, mỗi giờ giảng của giáo sư đều được ghi hình lại và up lên hệ thống học tập để sinh viên dễ dàng nghe lại bài giảng khi cần thiết. Ở UK, thật dễ dàng bắt gặp các thư viện và bảo tàng miễn phí rải rác khắp các thành phố, điều mà mình chưa từng thấy trước đây. Môi trường quốc tế năng động và đa văn hóa nơi đây cũng đã cho mình nhiều trải nghiệm thú vị và những mối quan hệ tuyệt vời.
Giờ đây, khi đang ngồi tại Barry và viết những dòng này, mình nhận ra có 3 bài học lớn mà mình đã chiêm nghiệm trong quá trình theo đuổi Chevening
– Thứ nhất là : Hành động bất chấp sự không hoàn hảo và bất chấp sự không thoải mái. Đừng nghi ngờ bản thân, đừng chờ đợi đến khi “hồ sơ đẹp hơn”, hay chờ tới lúc “sẵn sàng hơn” thì mới apply học bổng. Thời điểm tốt nhất để theo đuổi những gì bạn muốn chính là “ ngay bây giờ”. Nếu bạn chưa làm thì sẽ chẳng có kết quả gì xảy ra cả.
– Thứ hai là: Rõ ràng về mục tiêu và tiến thẳng tới mục tiêu của mình, đừng sao nhãng phân tán nguồn lực cho quá nhiều việc trong cùng 1 thời điểm. Chinh phục học bổng cũng giống như chinh phục 1 ngọn núi cao. Khi đứng ở chân núi, chúng ta không nhìn thấy đỉnh núi và tất nhiên là cũng không thấy hết được toàn bộ đường đi. Nhưng cứ mạnh mẽ tiến về phía mục tiêu và con đường sẽ dần dần xuất hiện. Những hành động nào không góp phần giúp mình đạt được mục tiêu thì phải mạnh mẽ nói KHÔNG. Khi bắt đầu bước vào viết luận và sau đó là tập phỏng vấn, mình đã từ chối rất nhiều cuộc giao lưu vô bổ để dành trọn vẹn tâm huyết cho mục tiêu ngắn hạn lúc đó là theo đuổi học bổng này.
– Thứ ba, tinh thần sẵn sàng đón nhận sự từ chối cũng rất quan trọng. Khi mới đọc đề bài của 4 bài luận mà Chevening yêu cầu, mình đã từng nản lòng, nghĩ rằng “ôi mình chẳng đủ tốt để được chọn đâu”, hay “ nhỡ bị loại thì buồn lắm”. Nhưng khi nghiêm túc ngồi suy ngẫm về Career Plan để viết bài luận số 4, mình lại thấy rằng, nếu bị loại thì cũng chẳng sao vì mình xác định vẫn sẽ theo đuổi plan này dù nhận được học bổng hay không. Thế là mình tự tin nộp, tự tin đi phỏng vấn mà không đặt nặng vấn đề nhất định phải thi đỗ. Hy vọng những chia sẻ này của mình sẽ phần nào tiếp thêm động lực cho các thí sinh năm nay, và chúc mọi người muôn điều tốt đẹp!
Nội dung và ảnh: Mẫn Thu Trang, học giả Chevening 2023/2024
Xin chào, Mind the Gap xin gửi tới bạn những chia sẻ của bạn Mè Quốc Lương, học giả Chevening 2023/2024 về lý do bạn chọn học bổng Chevening và thông điệp ban muốn gửi gắm tới độc giả của Mind the gap. Hiện Lương …
Các bạn chuẩn bị hồ sơ apply #Chevening 2024/2025 đến đâu rồi? Mấy tuần trước mình đã giải quyết trăn trở về chuyện bằng đại học không lung linh long lánh lắm thì có sao không? Bài viết ở đây: Mình lại thấy một vài …
Trong số CHEVENING CHINWAG #10 lần này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Sơn Nguyễn, Chevening Scholar 2021/2022. Thạc sĩ khoa học về Đầu tư và Tài chính (MSc in Investment & Finance) tại trường Queen Mary University of London.
Chào Sơn, bạn có thể giới thiệu qua về bản thân và chương trình học Thạc sĩ của Bạn tại Anh được không?
Xin chào các độc giả Mind The Gap. Mình là Nguyễn Tùng Sơn – học giả Chevening năm 2021/2022 theo học và tốt nghiệp Xuất sắc chương trình Thạc sĩ khoa học về Đầu tư và Tài chính (MSc in Investment & Finance) tại trường Queen Mary University of London. Mình có 5 năm kinh nghiệm trong mảng tài chính và tư vấn quản trị trước khi sang Anh. Sau khi kết thúc chương trình thạc sĩ, mình có khoảng thời gian thực tập ở một công ty tư vấn và quản lý quỹ đầu ngành tại London và hiện tại đang công tác trong lĩnh vực đầu tư tạo tác động.
Chương trình Thạc sĩ khoa học về Đầu tư và Tài chính tại ĐH Queen Mary bao gồm 2 cấu phần kiến thức chính là Tài chính doanh nghiệp (30%) và Đầu tư tài chính (70%). Sự phân bổ này rất phù hợp với background của mình vì mình đã có khá nhiều năm kinh nghiệm về mảng Tài chính doanh nghiệp. Với chương trình này, mình sẽ vừa củng cố thêm kiến thức học thuật về ngành, đồng thời bổ sung thêm cấu phần kiến thức về mảng đầu tư. Chương trình thạc sĩ của mình cũng được thiết kế khá linh hoạt với 4 môn học bắt buộc, 4 môn học tự chọn và một khóa luận tốt nghiệp.
2. Bạn thấy môi trường và cường độ học thạc sĩ tại UK như thế nào?
Việc học thạc sĩ ở Anh là một quá trình đòi hỏi sinh viên phải có khả năng học tập độc lập và chủ động cao. Đa số học kỳ 1 mình học các môn học bắt buộc và cách học của những môn học cơ sở ngành này sẽ rất hàn lâm khi mình phải đọc sách và xem pre-recordings trước khi đến lớp, những chủ đề quan trọng ở từng chương sẽ phải đọc và nghiên cứu thêm research paper/academic articles để có thể hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề. Việc chuẩn bị này là một quy trình tối quan trọng để mình có thể theo kịp tiến độ và để có thể nắm bắt tốt hơn bài giảng của giáo sư, hay để thảo luận với các bạn trên lớp.
Học kỳ 2 mình được tùy chọn môn học nên mình chọn 3 môn học theo hướng thực hành chuyên nghiệp (professional practice) cho học kỳ 2. Điều đó đồng nghĩa với việc giảng viên dạy các môn học này là những người có dày dặn kinh nghiệm trong ngành tại London (visiting lecturer), không phải là full-time academic của trường. Điều này giúp mình có thêm góc nhìn mới về ngành theo quan điểm của người làm ngoài industry nên cách học ở học kỳ 2 cũng sẽ khác với học kỳ 1. Mình làm project work và làm việc nhóm nhiều hơn là đọc các academic paper hay research work nên cả năm học của mình diễn ra mới nhiều màu sắc khá thú vị.
Về cường độ học tập, thông thường với mỗi học kỳ mình sẽ có 3-4 sessions bài giảng với giáo sư và 3-4 sessions khác để gặp tutor giải bài tập hay để thảo luận thêm về các chủ đề mà trên lớp giáo sư không có thời gian đi sâu hơn. Đồng thời, mình cũng có lựa chọn đặt lịch office hour với các giáo sư để hỏi bài, trò chuyện về các vấn đề học thuật khác hoặc đơn giản là để gặp trực tiếp giáo sư.
Về thi cử, đa số các môn trong ngành của mình sẽ có 1 bài mid-term test hoặc assignment giữa kỳ (hình thức assignment có thể là essay, independent research, project work, group work, group presentation, etc…) chiếm 20% tổng điểm. Phần còn lại là kiểm tra cuối kỳ tập trung chiếm 80% tổng điểm.
Cuối cùng kết thúc khóa học sẽ là một khóa luận tốt nghiệp thạc sĩ để tổng hợp các kiến thức mình học được thành một công trình nghiên cứu độc lập. Một lần nữa trường mình rất linh hoạt cho sinh viên lựa chọn 1 trong 2 hướng: khóa luận theo hướng nghiên cứu-học thuật hoặc khóa luận theo hướng thực hành chuyên nghiệp. Tùy vào định hướng và thế mạnh của từng sinh viên mà mọi người sẽ chọn hướng phù hợp cho mình. Mình tham vấn giáo sư hướng dẫn rất kỹ và 2 hướng này và đã chọn hướng phù hợp cho khóa luận, mình nộp khóa luận đúng hạn, được điểm tốt và rất vui mừng được tốt nghiệp loại xuất sắc :)))))
3. Lý do bạn chọn Queens Marry University cho 1 năm trải nghiệm của mình là gì?
Logic chọn trường của mình đi từ một quy trình đơn giản như sau:
Ngành học => Vị trí (Location) => Chương trình học (Curriculum) => Trường học và ranking => Apply và nhận offer tùy vào sự phù hợp và điều kiện mà các trường đưa ra
Về ngành học + Vị trí: Mình muốn học ngành tài chính đầu tư và muốn tìm hiểu kinh nghiệm thực tế trong một lĩnh vực khá hẹp ở Anh. Sau nhiều giờ tìm hiểu thì chỉ có London phù hợp với các tiêu chí của mình nên mình chọn thành phố London.
Chương trình học: Mình muốn chương trình học của mình có cả hai cấu phần về tài chính doanh nghiệp và cấu phần về đầu tư, trong đó cấu phần học về đầu tư sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn với các môn tùy chọn phù hợp với hướng mình đi. Sau khi tìm hiểu hàng trăm chương trình thạc sĩ tài chính – đầu tư ở Anh và tìm hiểu về điều kiện ở các trường thì mình thấy chương trình ở trường ĐH X và Queen Mary University of London là phù hợp nhất.
Apply và nhận offer: Lúc đó mình chưa kịp ôn và thi GMAT nên mình không apply được trường ĐH X, mình apply Queen Mary University of London rất sớm, được offer và khi có tin đậu học bổng Chevening là mình accept offer luôn. Chương trình thạc sĩ về tài chính ở London còn có những trường ranking cao khác như LSE, UCL, KCL nhưng nội dung chương trình học không hợp với hướng mình đi và mình cũng không cần signaling effect nên mình đi thẳng Queen Mary University of London :)))
Sau khi học ở Queen Mary thì mình thấy cực kỳ phù hợp và hạnh phúc với sự lựa chọn này. Chẳng những mình học được những môn cần học, với cách học phù hợp với mình và các hoạt động của trường cũng giúp mình có kinh nghiệm thực tế trong cái ngành hẹp mà mình đi. Từ việc học tốt chương trình thạc sĩ, tốt nghiệp xuất sắc tại Queen Mary và có kinh nghiệm thực tế về một cái ngành hẹp tại trường đã giúp mình có một suất thực tập tại một công ty quản lý quỹ và tư vấn đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực của mình tại London.
4. Học Tài Chính ở UK khác gì so với khi bạn còn học ở Việt Nam
Nó khác nhiều lắm :D. Nói một cách khách quan thì thời điểm mình học thạc sĩ là lúc mình đã có 5 năm kinh nghiệm đi làm nên mình biết mình muốn gì, mình cần học cái gì và nên tập trung vào những gì. Do đó, mình học rất có chủ đích và với sự thích thú tìm hiểu kiến thức học thuật và chuyên sâu về ngành. Mình thấy khi qua Anh thì mình có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với tài nguyên học thuật và các công trình nghiên cứu đồ sộ về ngành, thông qua các tài nguyên của Queen Mary, của hệ thống University of London và các liên minh học thuật khác mà trường mình có network. Với điểm này, mình khó có cơ hội tiếp cận được khi học ngành tài chính ở Việt Nam. Ví dụ, thời điểm mình làm khóa luận thì mình có thể vào thư viện của các trường ĐH khác như UCL, LSE, KCL, SOAS, City University of London, Imperial College London để tìm tài liệu và sử dụng các trang thiết bị ở những trường ĐH này cho công trình nghiên cứu/khóa luận của mình. Cái này còn chưa kể bạn có thể đăng kí làm thành viên của các thư viện tốt ở London, nơi bạn có thể tìm thêm các tài liệu thú vị khác cho ngành của bạn.
Về cách học thì việc học ở Anh đòi hỏi bạn phải chủ động và tự giác cao hơn so với việc được thầy cô giảng bài cặn kẽ khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên, bạn luôn luôn được hỗ trợ từ các tutor, các bạn học cùng lớp và từ giáo sư bằng việc đặt lịch office hour.
Về chương trình học thì mình có cơ hội học rất bài bản những môn học và ở Việt Nam mình không có cơ hội được tiếp cận (ví dụ như đầu tư mạo hiểm, công nghệ tài chính, etc.). Đồng thời, các hoạt động sinh viên cũng phong phú và mối quan hệ với doanh nghiệp bên ngoài cũng giúp đỡ mình nhiều hơn trong việc học hỏi kinh nghiệm tại một thị trường tài chính phát triển như ở London – Anh.
Một điểm quan trọng nữa là học tài chính ở London cho bạn cơ hội tiếp xúc với nhiều người hành nghề này ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, bạn được tiếp xúc và tìm hiểu kinh nghiệm hành nghề ở các nước khác nhau. Việc học ở London cho phép bạn có thể network với những làm trong ngành tại London và tìm hiểu thị trường tài chính ở đây hoạt động như thế nào (trường mình tọa lạc ở phía Đông London và chỉ cách trung tâm tài chính mới – Canary Wharf tầm 15 phút đi xe đạp :D). Với kiến thức học thuật và kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ giúp bạn tìm thấy được những lỗ hổng và cách để rút ngắn được những khoảng cách ấy.
5. Khóa học Thạc sĩ Tài Chính – Đầu tư tại London đã thay đổi con người bạn như thế nào?
Mình thay đổi theo hướng tích cực hơn. Kỹ năng tự học, tư duy độc lập và kỹ năng nghiên cứu của mình được cải thiện hẳn lên. Việc học ngành tài chính ở London chuẩn bị cho mình một nền tảng học thuật vững chắc để nghiên cứu độc lập ngành này trong tương lai. Khi học xong khóa học thạc sĩ thì mình cũng nhận ra rằng những việc mình làm trong ngành luôn luôn sẽ có một nền tảng lý thuyết/học thuật vững chắc làm tiền đề cho mỗi công việc. Nếu như mình có thể nắm bắt được các tiền đề lý thuyết, cơ sở lý luận và có khả năng thực hành thì công việc sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Các môn học tùy chọn và các hoạt động sinh viên ở trường giúp mình định hình vững chắc về mục tiêu nghề nghiệp và cho mình thêm nhiều thông tin xác thực về các lựa chọn mình sẽ có được trong tương lai về ngành. Việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau cũng giúp mình có thêm nhiều quan điểm sống để tư duy trở nên cởi mở hơn.
6. Mình cũng học ở London, và rất yêu thành phố này. Bạn thì sao? London có khiến bạn thương nhớ khi trở về?
Mình yêu thành phố London vì nó phù hợp với mục tiêu về học thuật, chuyên nghiệp, tính cách và sở thích của mình. Ngoài việc là một thành phố rất tốt cho việc học thuật, hoạt động tài chính – kinh doanh, truyền thông, chính trị, v…v… thì London còn là một trung tâm văn hóa và xã hội quan trọng. Mình sẽ nhớ London nhất về các hoạt động nghệ thuật và văn hóa cực kỳ nhiều và đa dạng. Ngoài việc học ra thì mình có sắp xếp tham gia các buổi triển lãm nghệ thuật, đi bảo tàng tại London (các bảo tàng nổi tiếng ở London đa phần là miễn phí, nếu có phải mua vé thì bạn sẽ được giảm giá vì là sinh viên), mình còn sắp xếp đi xem nhạc kịch, ballet, opera, BBC Prom (lễ hội âm nhạc cổ điển lớn nhất thế giới), nghe concert của Ed Sheeran, Adele, Andrea Bocelli, Sierra Boggess, các hoạt động lễ hội mừng Giánh sinh ở London và một số sự kiện đặc sắc khác (như London Pride, Lord Mayor’s Show, London Tech Show, v…v…).
Một điểm mình nhớ nữa là các công viên ở thành phố. Rất ít thành phố lớn nào mà có nhiều công viên và mảng xanh như London, hầu như mỗi khu vực sẽ có một công viên nhỏ, hoặc to đến mức có thể tổ chức hòa nhạc hoặc các sự kiện lớn. Lý do London có nhiều công viên liên quan nhiều đến yếu tố lịch sử, văn hóa, chính sách quy hoạch đô thị và nhiều lý do khác :)))
Cuối cùng là sự đa văn hóa ở một thành phố lớn. Mỗi khu vực ở London sẽ có một nền văn hóa khác biệt với thành phần người dân sinh sống cũng khác nhau. Ví dụ như khu vực City of London tập trung nhiều giới làm việc trong ngành tài chính, cổ cồn trắng, khu Richmond tập trung nhiều gia đình trung lưu và thích chơi thể thao ở công viên Richmond của thành phố, khu vực Bloomsbury tập trung nhiều giới học thuật, South Kensington là khu vực nhiều bảo tàng nghệ thuật và các sự kiện hòa nhạc lớn, Covent Garden và Soho thì có nhiều nhà hàng ăn uống và các quán bar/pub.
Một người từng nói: “When a man is tired of London, he is tired of life”. Mình thấy điều này rất đúng vì cho dù bạn sống ở đây nhiều năm thì bạn vẫn tìm thấy được những điểm mới từ thành phố này mỗi ngày. It’s a happening city in the end.
7. Chúng ta hãy nói một chút vể những “nốt trầm” đi, một năm sống ở nước ngoài bạn có gặp khó khăn gì không? Và bạn đã vượt qua thế nào? Bạn có gặp “cú sốc” nào khi mới sang Anh không?
Để trả lời ngắn gọn thì mình sốc liên tục 1 tháng khi mới sang Anh. Phải lưu ý thêm cho mọi người hiểu là trải nghiệm du học Anh của mọi người sẽ rất khác nhau tùy vào thành phố và khu vực mà bạn học/sinh sống. Với trường hợp của mình là ở thành phố nhộn nhịp London, mình học và sinh sống ở phía Đông London và sau đó chuyển vào sinh sống ở phía Tây London trong những tháng còn lại trước khi về nước (có thể nói nôm na là mình trải nghiệm cả 2 thế giới ở London – experience the best of both worlds như mọi người thường bảo:)))
Cú sốc đầu tiên là về các thủ tục hành chính ở Anh. Các thủ tục hành chính ở trường, đăng ký các dịch vụ công (NHS – Dịch vụ Y Tế Quốc gia của chính phủ Anh, đăng ký khám bệnh với bác sĩ GP, làm thẻ ngân hàng, etc.) rất là quy củ và có hệ thống. Đa số mọi người ở Anh đã quen với việc mọi thứ theo quy trình rõ ràng và cụ thể được liệt kê rõ trên các trang web của chính phủ hay các cơ quan dịch vụ công nên cứ thế mà làm theo và không cần phải hỏi nhiều. Tuy nhiên, do mình sống trên 20 năm ở Việt Nam nên quen với sự linh hoạt của các thủ tục hành chính (về mặt thời gian, sự lựa chọn) nên lúc sang Anh còn khá sốc. Một số ví dụ có thể kể đến như việc đặt lịch hẹn với bác sĩ GP có thể phải xếp hang rất lâu qua điện thoại, nếu đặt được thì phải chờ đến vài tháng. Hay việc bạn phải chờ đến vài tháng mới có một cuộc hẹn làm thẻ ngân hàng (đặc biệt vào những cao điểm như tháng 9, tháng 10 khi có nhiều sinh viên quốc tế sang Anh học).
Cú sốc thứ hai là về thời tiết, mình đến Anh vào cuối tháng 9. Ở Vương quốc Anh, hiện tượng Daylight Saving Time (DST) sẽ kết thúc vào tầm cuối tháng 10 thì mọi người ở đây cũng hiểu là trời sẽ tối mù mịt vào 4g chiều. Mình cũng được báo trước về việc này nên cũng không quá bất ngờ. Tuy nhiên, mình lại đánh giá thấp sự ảnh hưởng của sự thay đổi này đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần (mental health) của mình nên giai đoạn đầu thấy hơi sốc khi ngày thì ngắn và đêm thì dài. Sau này mình mới tìm hiểu đến một cái thuật ngữ là trầm cảm theo mùa (seasonal affective disorder), sự ảnh hưởng của nó và cách thích nghi. Đến tầm 4g khi trời tối là mình ít có động lực để học tập hay làm việc tiếp. Do đó, mình tập thích nghi bằng việc sắp xếp các cuộc họp/công việc san sát nhau, xong việc ở nơi này là phải chạy đến nơi khác, lâu lâu cứ tưởng như mình đang phải chạy đua với mặt trời để một ngày của mình được hiệu quả hơn. Sau 4g thì mình sẽ tập thể dục hoặc làm việc gì đó khiến mình có động lực làm việc hay hoạt động tiếp. Một tips nữa thường mọi người không nghĩ đến là nên tận dụng dịch vụ tham vấn tâm lý (counselling service) hay hỗ trợ sức khỏe tinh thần (mental health service) tại trường ĐH của các bạn, thường những hỗ trợ này đã có trong tiền học phí nên tại không mình lại không tận dụng :))). P/s: mình tận dụng triệt để những tiện ích này và thấy rất hữu ích (đặc biệt các counsellor ở trường là những người được đào tạo bài bản và đều là certified counsellor cả)
Cú sốc tiếp theo là về con người và văn hóa. Ở Anh, đặc biệt London là một thành phố đa văn hóa bậc nhất trên thế giới nên mọi người sẽ tiếp xúc với rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Mình sẽ không khái quát hóa về mọi thứ, nhưng với sự đa văn hóa, tính chất bận rộn ở thành phố lớn như London và nơi sinh sống của mọi người đa phần sẽ khá xa với nhau nên cuộc sống của người dân ở đây nhìn chung rất bận rộn, mang tính cá nhân và riêng tư nhiều hơn so với cuộc sống của mình trước đây ở Việt Nam. Mình thích nghi bằng việc tìm cho mình một vòng tròn bạn bè thân thiết (các học giả Chevening khác, bạn thân chung lớp, khoa, etc..), và tham gia tích cực vào các hoạt động ở trường, các sự kiện thú vị khác ở London để có thể làm quen với nhịp sống ở đây. Khía cạnh này có thể khác nếu như bạn sống ở thành phố khác hay vùng khác ở Anh, do đó bạn cần xem xét kĩ tính cách và nhu cầu của bản thân mình để lựa chọn môi trường sống cho phù hợp.
Dù mình cũng có kinh nghiệm du lịch và sinh sống ở nhiều quốc gia ở Châu Á, nhưng ở Anh, và ở London là một nền văn hóa khác biệt nên mình cũng mất 1-2 tháng đầu mới dần quen với nó. Đương nhiên là mình luôn giữ thái độ lạc quan và cởi mở mới có thể thích nghi được, đồng thời mình may mắn có một vòng tròn bạn bè khá tốt ở trường, các bạn trong cộng đồng Chevening khá thân nên mọi người cũng an ủi và hỗ trợ tinh thần cho nhau rất tốt ở giai đoạn đầu.
8. Điều bạn trân trọng nhất khi được là một phần của cộng đồng Chevening.
Mình rất tự hào khi là một phần trong cộng đồng Chevening rất nhiều người xuất sắc ở các lĩnh vực và quốc gia khác nhau (do Chevening là một học bổng rất cạnh tranh, không phân biệt ngành nghề và có tính mở rất cao cho nhiều quốc gia). Mình tiếp xúc khá nhiều bạn Cheveners quốc tế nên có thể dùng 3 từ sau đây để miêu tả cộng đồng này: talented, passionate và visionary. Điều này cũng dễ hiểu vì trong quá trình tuyển chọn của Chevening thì mọi người cũng đã thể hiện tiềm năng lãnh đạo, khả năng kết nối, kế hoạch học tập và nghề nghiệp rõ ràng của mình rồi.
Trước đây mình làm ở lĩnh vực tư nhân nên không có nhiều kiến thức hay kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác ngoài khối tư nhân. Chevening cho mình cơ hội được gặp những bạn làm việc ở các khu vực công, các tổ chức phi chính phủ hay tổ chức đa phương quốc tế. Mình học được thêm những kiến thức tổng quan ở các khu vực khác nhau, giúp xóa bỏ những định kiến trước đây. Đồng thời, mình gặp, tiếp xúc và chơi thân với các bạn ở các ngành nghề khác nhau và nhận ra rằng mọi vấn đề cần được giải quyết bằng sự hợp tác liên ngành và liên khu vực thì mới bền vững. Đây là một trải nghiệm đáng quý mà nếu không có cộng đồng Chevening thì mình khó có thể đạt được. Mình hay nói nôm na cộng đồng Chevening như một nồi lẩu với các nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng (hơi thô nhưng đúng đấy các bạn ạ :D)
Ví dụ: trong các sự kiện hay các buổi họp mặt với các học giả Chevening, mình gặp và nói chuyện với bạn làm ở Bộ Tài chính ở Chile, bạn làm ở một Ngân hàng quốc doanh lớn ở Peru, bạn là phát thanh viên ở đài truyền hình Brazil, bạn làm Liên Hiệp Quốc ở Bosnia, giáo sư trường đại học ở Bangladesh, nhà ngoại giao, doanh nhân, luật sư, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học hàng không, nghệ sĩ v…v… Mỗi bạn có những câu chuyện đặc biệt, truyền cảm hứng và khơi mở cho mình những góc nhìn và cách nhìn cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. Điều đó giúp mình có góc nhìn đa chiều hơn cho mọi vấn đề.
9. Quan điểm của bạn về Leadership là gì? Và kỹ năng này giúp ích thế nào cho bạn trong cuộc sống, và sự nghiệp. Mình nghĩ rất nhiều bạn ứng viên Chevening mỗi năm đều rất trăn trở với câu hỏi này. Bạn đã thể hiện tiềm năng lãnh đạo của mình và phát huy nó ra sao?
Thật ra sẽ không có một định nghĩa cố định về leadership vì chính bạn sẽ là người tự định nghĩa dựa vào trải nghiệm cá nhân và phong cách lãnh đạo của bản thân. Tuy nhiên, dù là định nghĩa như thế nào thì mình nghĩ leadership luôn luôn sẽ có một hoặc các biểu hiện sau đây: 1/lãnh đạo bản thân 2/truyền cảm hứng cho những người xung quanh vì mục tiêu chung và 3/tạo ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng liên quan.
Lãnh đạo bản thân thể hiện ở việc bạn hiểu bản thân và những giá trị mình theo đuổi, đặt ra những mục tiêu và có kỷ luật cá nhân để theo đuổi và hoàn thành những mục tiêu đó. Từ đó, bạn sẽ có những dự án hoặc sáng kiến ở trường đại học, nơi làm việc mà có thể nhận được sự hỗ trợ/ủng hộ từ những người xung quanh. Trong quá trình làm việc với những người khác, bạn đã thể hiện khả năng thuyết phục và quản lý con người như thế nào, bạn sẽ xử lý ra sao khi gặp khó khăn hoặc những lúc có mâu thuẫn. Cuối cùng, kết quả mà bạn mang lại cho những người khác, cho cả đội nhóm và cộng đồng của bạn là như thế nào.
Cách mình thể hiện về tiềm năng lãnh đạo rất đơn giản là nêu định nghĩa về leadership của cá nhân mình, rồi dùng 1 ví dụ ở trường đại học và 1 ví dụ tại nơi làm việc để minh họa, sử dụng mô hình S.T.A.R để triển khai cho 2 ví dụ đó và kết thúc bằng việc liên kết với việc tiềm năng lãnh đạo này sẽ giúp đỡ mình được những gì cho con đường sắp tới, và cho cộng đồng Chevening.
10. Nếu được nhắn nhủ 1 điều với “Tùng Sơn của 2 năm trước đây, trước khi đặt chân đến nước Anh”, bạn muốn nhắn nhủ điều gì?
“Enjoy the process, don’t take everything seriously”
Đây là điều mình nhận ra được rõ ràng nhất sau 2 năm kể từ khi mình đặt chân đến Anh lần đầu tiên. Mình là tuýp người thích sự hiệu quả nên những cú sốc giai đoạn đầu khi mới sang Anh khiến mình hơi khó chịu một tí (túm lại là hơi khó ở đấy ạ :D). Tuy nhiên, những trải nghiệm này là cần thiết để mình phát triển và trưởng thành, chỉ là mình học cách chấp nhận, thích nghi và biết tận hưởng quá trình thì mọi chuyện sẽ ổn định và sẽ đâu vào đấy.
11. Hiện tại, Học bổng Chevening đang mở đơn cho năm học 2024/2025. Bạn có lời khuyên gì cho các bạn đang ứng viên muốn học Tài Chính tại Anh không?
“Believe in yourself, you deserve it”
Hồi chưa biết đến Chevening thì mình cũng được mọi người bảo đây là một học bổng danh giá, chỉ dành cho những cá nhân cực kỳ xuất sắc hoặc cho những đối tượng làm việc trong những lĩnh vực nhất định. Mình cũng từng nghi ngờ về khả năng và sự phù hợp của bản thân mình khi nộp đơn ứng tuyển. Tuy nhiên, sau khi trải qua toàn bộ quá trình ứng tuyển, học tập và làm việc trong ngành tài chính ở Anh, tiếp xúc với các Cheveners khác và trải nghiệm nhiều hơn thì mình muốn chia sẻ một thông điệp duy nhất như trên thôi.
Hãy thực hành phản tư thật nhiều về bản thân để có nên một câu chuyện chân thực và thuyết phục về việc tại sao bạn lại muốn theo con đường này, tại sao bạn muốn học ở Anh và tại sao lại là Chevening. Khi bạn dành thời gian đủ nhiều cho bản thân, để tìm hiểu, nghiên cứu và nói chuyện với các anh chị Cheveners/du học sinh tại Anh, hoặc các anh chị dày dặn kinh nghiệm trong ngành, bạn sẽ có cho mình một câu chuyện thật sự phù hợp và thuyết phục. Điểm cực kỳ quan trọng là nó phải thể hiện con người chân thực của bạn, tạo mối liên kết với những hoạt động/chính sách của nước Anh tại Việt Nam và những đóng góp của bạn trong tương lai cho mỗi quan hệ giữa hai nước. Cuối cùng là bạn phải tự thuyết phục bản thân mình bằng chính câu chuyện đó. Tại sao ư? Vì nếu chính bạn cũng không thấy thuyết phục về câu chuyện của bản thân thì rất khó để ban xét tuyển học bổng Chevening có thể tin tưởng và được thuyết phục để trao học bổng trị giá hàng tỷ đồng cho bạn.
Mình gặp nhiều Cheveners có background và chuyên môn khác nhau, nhưng tựu trung lại là họ đều có đam mê, tài năng về một lĩnh vực nào đó và mong muốn tạo ra giá trị tích cực cho xã hội hoặc cộng đồng liên quan. Do đó, bất kể bạn đến từ lĩnh vực nào hay nhóm đối tượng nào, miễn là bạn có thể chứng minh được những điều đó và phù hợp với các tiêu chí cơ bản của Chevening thì mình cực kỳ khuyến khích các bạn nên ứng tuyển.
Mình biết các anh chị người Việt ở Anh rất giỏi giang, chiếm các vị trí quan trọng trong các quỹ đầu tư lớn, các ngân hàng và các công ty dịch vụ chuyên nghiệp ở London và ở các thành phố khác ở Anh. Các anh chị Cheveners trong mảng tài chính đều là những người dày dặn kinh nghiệm và chiếm vị trí quan trọng ở các tổ chức khác nhau ở Việt Nam và trong khu vực nên mình được truyền cảm hứng khá nhiều. Do đó, mình mong muốn các bạn có background về tài chính nên ứng tuyển học bổng Chevening để cộng đồng Cheveners tài chính ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành viên nữa 😊
Cám ơn Sơn, và chúc bạn nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.
Tham gia group Facebook chính thức của Học bổng Chevening Việt Nam để thảo luận và hỏi đáp: https://www.facebook.com/groups/cheveningvn
Học bổng Chevening 2024/2025 chính thức mở đơn vào ngày 12/9/2023. Apply tại https://www.chevening.org/apply/