Chuyện mẹ bỉm apply học bổng du học và 10 vạn câu hỏi vì sao?

Chuyện mẹ bỉm apply học bổng du học và 10 vạn câu hỏi vì sao?

Cứ mỗi dịp thu sang, Chevening lại chào đón thêm một khóa học giả mới nhận học bổng toàn phần để sang UK học tập. Từ đó, mình lại được nghe thêm rất nhiều những câu chuyện đầy cảm hứng. Dưới đây là những lời tâm sự của Diệu Linh, một người mẹ của 2 công chúa nhỏ và hành trình bạn ấy chinh phục học bổng Chevening 2022/2023.

29 TUỔI, cuối cùng, sau bao nhiêu ưu tiên khác, mình đã làm được điều mình muốn. Mình đã đặt chân lên nước Anh nhờ học bổng du học thạc sỹ toàn phần của Chính phủ Anh – Chevening. Cũng nhờ cái tuổi 29, mình được chất vấn nhiều câu rất hóc búa khi đi học.

IMG_2528

10 vạn câu hỏi vì sao

Mình viết những điều dưới đây dựa trên trải nghiệm, góc nhìn, và hoàn cảnh của riêng mình, không đại diện cho bất kì ai.

Câu hỏi 1: Đi Anh bằng đường gì, hết bao nhiêu tiền?

Đây là câu mình được hỏi nhiều nhất những ngày qua dù là ở quán gội đầu hay đang la cà uống nước. Điều đấy cũng dễ hiểu vì ở quê mình nhà nào xây nhà tầng đều có con đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Bố mẹ mình nuôi mình ăn học lắm đâm ra lại thiệt thòi. Giờ mình bảo mình được tài trợ toàn phần đi du học ở Tây không ai tin.

Câu hỏi 2: Sao lại học nhỉ? Hay là đi diện du học để kiếm tiền, một tháng kiếm được bao nhiêu, làm nghề gì?

Thực ra nếu không đi học ở nhà còn có lương để mua trà sữa, cafe í. Còn đi Tây làm sinh viên tính ra là thất nghiệp. Cơ mà mình thích thì mình làm thôi, chỉ có mình biết mình cần gì. Hỏi hoài!!

Câu hỏi 3: Không thương con à?

Câu hỏi này ngắn gọn nhất, 4 chữ, mà thật là sắc nhọn.  Có 1 người bạn còn inbox hỏi mình là có trục trặc hôn nhân hay sao bỗng nhiên đi học.

Đi tìm câu trả lời…

Người ta hỏi nhiều quá, mình túm lại được mấy điều sau:

Có gia đình là trước mỗi quyết định, bạn sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn, nghĩ cho con, nghĩ cho chồng, nghĩ cho 2 bên gia đình. Đôi khi, nghĩ cho bản thân là mình điều nghĩ đến cuối cùng. Mình đã phải rất cố gắng để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình, vừa theo đuổi ước mơ, mục tiêu nghề nghiệp vừa chăm sóc cho gia đình nhỏ. Mình phải tính toán, suy nghĩ, cân đo giữa việc khi nào, và làm sao để vẫn thoả mãn khát khao của tuổi trẻ, vẫn chăm sóc được con, gia đình vợ chồng vẫn yên ấm.  Cuối cùng, mình nhận ra là nếu không thể giỏi đều 3 môn: làm mẹ, làm vợ, làm chính mình, thì chỉ cần điểm trung bình vừa phải. Sự động viên, chia sẻ từ chồng đã giúp mình rất nhiều trên hành trình chinh phục ước mơ.

IMG_1727
Gia đình là động lực để mình thêm cố gắng.

Có nhiều con đường để thành công, nhưng mình luôn nghĩ không ngừng học hỏi là điều then chốt của mọi con đường. Có bạn chỉ tốt nghiệp cấp 3, nhưng bạn đang là chủ của một nhà hàng. Bạn ấy không học nhiều trong trường lớp nhưng học từ thực tiễn, vẫn phải học quản lý tài chính, học cách đào tạo nhân viên, học cách đọc vị khách hàng. Chúng ta học mỗi ngày từ cuộc sống xung quanh. Học nghề, học kĩ năng, học văn, học võ, học cách chăm con, học chăm sóc gia đình, học nữ công gia chánh,… Tất cả đều là học, chỉ có điều mỗi chúng ta có cách học và môn học khác nhau để thực hiện những mục tiêu sống khác nhau. Bởi thế, dù ở độ tuổi nào, dù hoàn cảnh ra sao, mình muốn bước qua những định kiến đã và đang đặt lên vai những người phụ nữ để được đi học, được thực hiện ước mơ của mình.

Mình là người sống cuộc đời của riêng mình, và mình muốn làm điều khiến mình thấy hạnh phúc. Với mình, được biết điều mình chưa biết, được đến nơi mình chưa đến, được trải nghiệm điều mình chưa có… làm mình luôn thấy năng lượng dồi dào, tươi vui, và hạnh phúc. Chồng mình bảo là mình vốn thích đi lại, không thích sự ổn định, đang sướng thì lại thích khổ, lúc chưa có con cứ đi công tác tít mù khơi. Sự ủng hộ của chồng khiến cho niềm hạnh phúc của mình trở nên trọn vẹn.

Người mẹ nào cũng thương con và sẽ nghĩ cho con mình nhiều nhất. Mình tin, với một người mẹ, được yêu, được hôn, được ôm con là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời. Nhưng vì ước mơ này, mình mượn của các con 1 năm, cùng hứa cả gia đình sẽ cùng nhau cố gắng. Mình tin rằng sau này với những trải nghiệm tại nước Anh, mình sẽ có thể thảo luận cùng các con những góc nhìn rộng mở hơn, vượt qua những giới hạn, cho các con hiểu hơn về thế giới rộng lớn và đầy màu sắc. Và khi mẹ biết cách biến nhữngước mơ của mẹ thành hiện thực, mẹ cũng có thể tự tin cũng con vun đắp những ước mơ của con. Đặc biệt, khi mình làm mẹ của 2 công chúa nhỏ, mình muốn các con sau này không còn phải e dè về những định kiến về giới mà có thể sẽ tự tin làm điều mình muốn.

Mình từng khóc khi nghe câu hát:

“Con hỏi ước mơ của mẹ thế nào

Đã quá lâu, chẳng còn ai hỏi mẹ như thế

Suýt chút nữa, mẹ cũng quên mình từng thế nào.

Cũng có ước mơ, mơ được sống cuộc đời riêng mình.

Mẹ cũng quên dần quên, ước mơ của mẹ là gì…”

Ước mơ của mẹ – Trung Quân AP

Thế rồi, chồng mình sáng tác lại khiến mình tâm đắc hơn, đại ý là “con cùng mẹ vẽ lên ước mơ đời mình”.

Tóm lại, từ câu chuyện đầy những trăn trở của bản thân, mình muốn gửi lời động viên tới các mẹ bỉm hãy tự tin thực hiện những điều bạn muốn. Dù là đi nước ngoài, khởi nghiệp làm bánh, hay trở thành vũ công… Bạn và những người bạn yêu thương đều xứng đáng được hạnh phúc. Nếu mẹ bỉm nào muốn apply học bổng du học, mình rất vui có thể thảo luận và hỗ trợ trong khả năng.


Đừng quên nộp hồ sơ Chevening trước ngày 1/11/2022.

>> Hãy ứng tuyển tại: www.chevening.org/apply

>> Tham gia nhóm Chevening Việt Nam – Học bổng Chính phủ Vương quốc Anh

https://www.facebook.com/groups/cheveningvn

Tác giả: Diệu Linh – Học giả Chevening 2022/2023