[Chat with Alumni #2] Học giả Chevening phát triển kiến trúc công nghệ cao tại Việt Nam

[Chat with Alumni #2] Học giả Chevening phát triển kiến trúc công nghệ cao tại Việt Nam

Trong series Chat with Alumni, Mind the Gap sẽ trò chuyện cùng với những cựu học giả Chevening, để cùng tìm hiểu về con đường phát triển sự nghiệp của họ sau khi hoàn thành khóa học Thạc sĩ tại UK và trở về. Từ đó, Mind the Gap hi vọng những câu chuyện được chia sẻ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn độc giả khi apply học bổng Chevening cũng như phát triển sự nghiệp của riêng mình.

Nhân vật: Nguyễn Xuân Mẫn – Chevening Scholar 2017/2018

1) Chào anh, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân với độc giả của Mind the Gap không?

Mình vinh dự nhận được học bổng Chevening cho năm học 2017-2018 cho khóa học thạc sĩ ngành Thiết Kế Kiến Trúc Tiên Tiến (Advance Architectural Design), tại trường The Bartlett School of Architecture, trực thuộc hệ thống University College London (Đại học tổng hợp London). Công việc hiện tại thì mình đang là Giám Đốc / Kiến Trúc Sư Trưởng của văn phòng kiến trúc XMArchitect (XMA) do mình thành lập vào năm 2020.

2) Tại sao anh lựa chọn trường đại học The Bartlett, UCL khi tham gia học bổng Chevening? 

Trường Bartlett, UCL là trường kiến trúc duy nhất của Anh được xếp hạng 1 thế giới trong nhiều năm liền theo hệ thống xếp hạng của The Guardian. Vì thế UCL  là lựa chọn số 1 của mình khi apply học bổng Chevening. Khi học đại học tại đại học Newcastle ở Anh theo diện học bổng 322 mình đã có cơ hội tiếp xúc với các đồ án xuất sắc tại trường UCL và mình đã luôn ấp ủ mong muốn được vào học thạc sĩ tại ngôi trường danh giá này. Đồng thời các giảng viên tại UCL cũng là những kiến trúc sư đầu ngành với những nghiên cứu tiên phong góp phần định hình nền kiến trúc thế giới. Cơ sở vật chất của trường cũng rất hiện đại và tạo điều kiện cho sinh viên được nghiên cứu sáng tạo ra những giải pháp mới. Và thành phố London cũng là nơi có mật độ các văn phòng kiến trúc nổi tiếng thế giới cao nhất. Vì vậy mình đã “aim for the best” khi lựa chọn UCL và may mắn được lựa chọn.

3) Em được biết hiện nay đang điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc xanh / kiến trúc công nghệ cao, vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với lựa chọn này? 

Mình đã làm việc ở nhiều văn phòng kiến trúc tại Việt Nam và UK như công ty kiến trúc của KTS. Võ Trọng Nghĩa, Group8asia, Zaha Hadid, LAVA trước khi mở văn phòng riêng. Các định hướng về phong cách và triết lý thiết kế trước hết được hình thành qua quá trình học tập và công tác cũng như những sở thích và quan tâm cá nhân.

Kiến trúc cũng là một ngành xã hội, vì vậy càng thực hành kiến trúc lâu mình càng nhận thấy trách nhiệm của kiến trúc với việc giải quyết các vấn đề của xã hội hiện tại. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chất lượng sống đô thị thấp, sự mở rộng tràn lan của đô thị gây ảnh hướng đến thiên nhiên cần đến những giải pháp thiết kế kiến trúc tiên phong sử dụng các công nghệ mới và hòa hợp với môi trường tự nhiên để giảm thiểu và giải quyết từng phần các vấn đề trên. Đồ án nghiên cứu thạc sĩ của mình tại UCL về lĩnh vực kiến trúc công nghệ cao cũng đã được giải vàng cho đồ án xuất sắc nhất khóa, điều này cũng củng cố niềm tin của mình trong các nghiên cứu và thực hành kiến trúc liên quan đến lĩnh vực này về sau.

4) Theo anh, kiến trúc xanh / kiến trúc công nghệ cao tại Việt Nam đã phát triển ra sao và cần thiết như thế nào? Những kế hoạch tiếp theo của anh để tiếp tục phát triển lĩnh vực này ra sao?

Kiến trúc Xanh ở việt nam là một khái niệm cũng đã dần trở nên phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng,  tuy vậy thì hiện cũng có một sự hiểu lầm nhất định của kiến trúc xanh gắn với hình tượng trồng nhiều cây xanh lên trên công trình. Kiến trúc xanh cơ bản là kiến trúc góp phần giảm thiểu tác động của con người đến với môi trường tự nhiên. Vì vậy nó là một sự tổng hòa của các giải pháp thiết kế thụ động, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải và ô nhiễm nhưng đồng thời cũng cần mang vẻ đẹp bền vững và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Những yếu tố này cũng dần được đưa vào trong các quy chuẩn thiết kế và được tôn vinh trong các giải thưởng kiến trúc của Việt Nam nên chắc chắn sẽ trở thành một xu thế tất yếu khi thiết kế các công trình mới mang tính bền vững. 

Kiến trúc công nghệ cao ở việt nam vẫn là một khái niệm khá mới. Thực tế, áp dụng công nghệ vào xây dựng tại Việt Nam hiện tại cũng vẫn còn khá tụt hậu so với thế giới. Tuy vậy, những bước tiến vượt bậc của công nghệ số và sự phổ biến của nó trên toàn cầu giúp cho các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận được với những thông tin và giải pháp tiên tiến dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, vì kiến trúc là lĩnh vực sáng tạo ở đầu chuỗi, mang tính chất định hướng cho ngành xây dựng, vì vậy những nghiên cứu sáng tạo và các kết cấu thử nghiệm cũng cần được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và nhà nước để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa để có thể tăng tốc độ phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững của các công trình mới ở Việt Nam.

Trong thời gian tới mình sẽ đào sâu và giữ vững những định hướng và triết lý trên, cố gắng phát triển văn phòng kiến trúc lớn mạnh đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra những giải pháp tiên phong và bền vững  góp phần vào sự phát triển của nền kiến trúc nói riêng và công nghiệp xây dựng nói chung của Việt Nam.

5) Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình xây dựng doanh nghiệp, anh đã trải qua những khó khăn nào? Những kiến thức, kinh nghiệm học được ở UK và cộng đồng Chevening đã hỗ trợ anh trong quá trình xây dựng sự nghiệp ra sao? 

Xây dựng một doanh nghiệp kiến trúc ở Việt Nam ở giai đoạn hiện tại thực ra cũng đang có những thuận lợi nhất định bởi đất nước đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa cao và các công trình xây dựng mọc lên liên tục. So sánh với các nước Châu Âu thì khối lượng công việc kiến trúc xây dựng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều. Tuy vậy sự phát triển này đang có rất nhiều điểm không bền vững, và thị trường các công trình xây dựng thường bị chi phối bởi lợi nhuận bất động sản nhiều hơn là quan tâm đến các yếu tố thẩm mỹ và môi trường. Vì thế khi thành lập văn phòng mình đã đề ra những mục tiêu để có thể cố gắng giữ vững những định hướng thiết kế bền vững, luôn cố gắng áp dụng các giải pháp thiết kế tiên phong sử dụng công nghệ cao mà mình đã được đào tạo ở UK trên các dự án văn phòng nhận được. Mình cũng đồng thời mở ra một trung tâm dạy phần mềm và tổ chức các workshop để truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm của mình học được ở UK cho sinh viên và kiến trúc sư trẻ tại Việt Nam.

6) Anh có bao giờ đọc lại bài luận apply cũ và nhìn lại để thấy bản thân mình đã khác trước và trưởng thành ra sao không?

Mình cũng thường đọc lại bài luận của mình khi giúp đỡ các bạn khác đăng ký học bổng Chevening, và hiện tại thì những dự định của mình cũng đang đi theo đúng hướng mà mình đã vạch ra trong bài luận, và thực tế còn có phần vượt qua mong đợi của mình. Chevening đã thực sự cho mình một nền tảng vững chắc và một đòn bẩy để có thể vươn đến những mục tiêu mới mà mình cũng không mường tượng được trước khi đăng ký. Các kỹ năng kết nối (networking) và lãnh đạo (leadership) được đề cập trong bài luận của mình cũng được trau dồi và củng cố trong suốt thời gian học tại UK và sau khi kết thúc khóa học với các hoạt động của cộng đồng Chevening Alumni. 

7) Điều anh trân trọng nhất ở cộng đồng Chevening là gì?

Mình thật sự rất trân trọng cơ hội được là một thành viên của cộng đồng học giả Chevening tại Việt Nam. Mình biết ơn Chevening vì đã cho mình một cơ hội thứ 2 được quay lại nước Anh và được tiếp tục những giấc mơ dang dở như khóa thạc sĩ ở The Bartlett, UCL và cơ hội làm việc tại văn phòng danh tiếng Zaha Hadid Architect. Những cơ hội đó đã giúp mình hoàn thiện bản thân hơn . Những mối quan hệ bền vững với các Chevener khác đến từ nhiều ngành nghề cũng giúp cho mình có những góc nhìn và ý tưởng mới mẻ , tạo ra những điều kiện để có thể chung sức tiếp tục phát triển những dự định trong tương lai. 

8) Anh có lời khuyên nào đối với các bạn muốn dành học bổng Chevening để học ngành Kiến trúc tại UK cũng như các bạn trẻ muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này?

Số lượng các học bổng cho ngành Kiến Trúc thực tế là khá hạn chế, và học bổng Chevening là học bổng chính phủ toàn phần duy nhất cho các ứng viên được tự do chọn trường và khóa học mình mong muốn. Sinh viên có cơ hội được lựa chọn các trường top đầu thế giới tại Anh, đồng thời cũng được chi trả mức sinh hoạt phí phù hợp cho 1 năm học thạc sĩ tại Anh.

 Sinh viên Kiến Trúc ở Việt Nam hiện đang khá e dè trong quá trình xin học bổng bởi 1 hạn chế khá lớn so với các ngành nghề khác chính  là kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng viết luận. Vì vậy lời khuyên lớn nhất của mình cho sinh viên Kiến Trúc muốn đạt được học bổng thì ngoài trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và tìm hiểu thông tin chi tiết trên các nguồn học bổng chính thống thì cần tích cực trau dồi kỹ năng ngôn ngữ và viết luận để có thể thuyết phục các nguồn học bổng .
Với các bạn sinh viên và kiến trúc sư trẻ muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này thì mình cũng khuyên là các bạn cũng nên tìm cơ hội để có thể ra nước ngoài , có thể bằng đi du học hoặc có thể chỉ cần là dành dụm để đi du lịch thăm thú các công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới, vì kiến trúc cần có những trải nghiệm trực tiếp để có thể hiểu sâu và cảm nhận được những chi tiết mà không gian kiến trúc đó mang lại cho con người.

9) Ngoài cơ hội học tập tại UK, các học giả Chevening cũng có cơ hội được Đại sứ quán Anh hỗ trợ thực hiện các dự án cộng đồng. Anh có thể chia sẻ về chương trình Waste Into Art : Plastic to Creative mà anh khởi xướng cùng đại sứ quán Anh?

Dự án “Waste into Art” ra đời với mục tiêu nhân rộng ý tưởng thiết kế tái chế – biến rác thải thành những công trình nghệ thuật ứng dụng – kiến trúc – sản phẩm của mục đích sử dụng cụ thể.

Một trong những vấn đề môi trường lớn nhất ở Việt Nam là vấn đề rác thải nhựa. Đặc biệt là với đại dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với các loại nhựa sử dụng một lần như khẩu trang, găng tay và tấm chắn giọt bắn, khiến lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương tăng vọt. Vì vậy, trước thềm hội nghị COP 26 mình đã cùng Đại học Xây dựng Hà Nội khởi xướng chương trình này, và nhận được sự đồng hành của Đại sứ quán Anh, Quỹ Đổi mới và Sáng tạo Kiến trúc (AIF), Tổ chức UNESCO và Đại sứ quán Italia. Chương trình năm 2021 được khởi động với cuộc thi “Biến rác thải nhựa thành sáng tạo”. Rất nhiều bài dự thi chất lượng đã được gửi về, thể hiện sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều mặt: sáng tạo – thẩm mỹ, công nghệ – kỹ thuật, vật liệu hiệu quả, sức ảnh hưởng – bền vững và tính khả thi. Trong thời gian tới các chương trình workshop hiện thực hóa ý tưởng cuộc thi và các hoạt động seminar sẽ tiếp tục được diễn ra, với mục tiêu biến đây trở thành chương trình thường niên của các trường đại học nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi thế hệ trẻ tích cực hành động hơn nữa vì môi trường.

Cám ơn những chia sẻ của anh, chúc anh năm mới nhiều sức khỏe và những thành công mới.

Các độc giả có thể tìm hiểu thêm về kiến trúc xanh/ kiến trúc cao và chương trình Waste Into Art tại các trang tin sau:

Nguồn ảnh : Nguyễn Xuân Mẫn – Học giả Chevening 2017-2018