CHEVENING CHINWAG #8: Mang nghệ thuật vào các dự án giáo dục

CHEVENING CHINWAG #8: Mang nghệ thuật vào các dự án giáo dục

Trong số CHEVENING CHINWAG #8 lần này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Dương Oanh, Chevening Scholar 2020/2021. Oanh cũng là Founder (Sáng lập viên) của Dự án Giáo dục nghệ thuật cộng đồng “Art For Education” (Nghệ thuật trong em là) đồng tổ chức với Bảo tàng Quảng Nam dành cho học sinh THCS tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam từ tháng 10/2019. Đây là một trong các dự án vinh dự được góp mặt trong mạng lưới những sáng kiến cộng đồng về thực hành giáo dục nghệ thuật hiệu quả có kết hợp các phương pháp giảng dạy sáng tạo được vinh danh trên website của UNESCO trong Tuần lễ quốc tế về Giáo dục Nghệ Thuật (25-31/05/2020).

Hãy cùng đón xem quá trình học tập tại Trường Nghệ thuật – Đại học Brighton, UK và những dự định tương lai của Dương Oanh với khát vọng mang nghệ thuật vào những dự án giáo dục tại Việt Nam nhé.

  1. Chào Oanh, mình được biết bạn theo học ngành Inclusive Arts Practice tại University of Brighton. Bạn có thể chia sẻ một chút về ngành học của mình và vì sao bạn lại quyết định đến Brighton để học không?

Chào độc giả của Mind The Gap, thông thường mình phải mất khá nhiều thời gian để giải thích về ngành học của mình, kể cả khi mình được các bạn ở Brighton/Anh hỏi. Ngành học còn khá lạ và chưa thực sự có một cách dịch sang tiếng Việt tương đương nào biểu đạt hết ý nghĩa của nó, tuy nhiên, cách dịch tạm được cô Alice Fox chấp nhận – người sáng lập  ra khóa học này ở Trường Nghệ thuật – Đại học Brighton, UK từ năm 2008 thì Inclusive Arts Practice tạm hiểu là Thực hành Nghệ thuật dành cho mọi người. Cho tới hiện tại thì đây là course đầu tiên và duy nhất có ở UK. Ở khóa học này, chúng mình được học những kiến thức, triết lý, kỹ năng thực hành, nghiên cứu, và điều phối cần thiết để khởi xướng và quản lý các dự án nghệ thuật dành cho mọi người (Inclusive Arts Projects) với đa dạng các nhóm nghệ sĩ bị lề hóa hay yếu thế, ví dụ như nhóm nghệ sĩ gặp khó khăn học tập (learning difficulties), tự kỷ, nhóm bị xã hội lề hóa do lý do sức khỏe hoặc kinh tế. 

University of Brighton

Mình không xuất thân từ một người học hay nghệ sĩ có nền tảng đào tạo Arts trong trường Đại học, tuy nhiên, trong quá trình thực hành cá nhân và làm việc với đối tượng học sinh, mình đã ứng dụng nghệ thuật thị giác (chủ yếu là các hình thức vẽ, craft, tư duy hình ảnh) vào việc giảng dạy. Mình thấy bước ngoặt lớn nhất giúp mình dũng cảm theo đuổi con đường học tập về nghệ thuật là sau khi mình khởi xướng dự án Art For Education đồng tổ chức với Bảo tàng Quảng Nam dành cho học sinh cấp 2 ở Tam Kỳ, Quảng Nam năm 2019-2020. Từ quá trình làm dự án, mình nhận thấy còn rất nhiều thiếu sót về năng lực chuyên môn và kỹ năng quản lý dự án có sự tham gia của nhiều bên và để thực hành nghệ thuật một cách chuyên sâu tạo tác động xã hội sâu rộng hơn nữa. Vì vậy, mình quyết định theo đuổi con đường học lên Thạc sĩ ngành “Inclusive Arts Practice”. Mình được biết Giáo sư Alice Fox, Phó khoa Nghệ thuật Trường ĐH Brighton – người sáng lập ra khóa học này đầu tiên ở Anh, đã thực hiện và tham gia nhiều dự án làm việc với các cộng đồng người khuyết tật, các nhóm yếu thế, lề hóa trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam nên mình muốn được trải nghiệm học hỏi trực tiếp và tìm những cơ hội để hợp tác và phát triển ngành được cho là còn rất lạ ở Việt Nam sau này. Vì thế, mình đến với Brighton ban đầu là vì chỉ ở đây mới có khóa học mình muốn học. Mà đến rồi, thì mình nhận ra lựa chọn của mình là vô cùng đúng đắn, vì đây được coi là một “inclusive city” nơi rất tôn trọng và cởi mở với sự đa dạng. Đặc biệt, Brighton lại là một thành phố biển ấm áp, nhiều nắng, an toàn, và sống động vừa đủ lý tưởng với mình. 

Thư viện
  1. Điều gì bạn thấy thú vị và ấn tượng nhất trong những tiết học của mình?

Thực sự rất khó để lựa chọn điều thú vị nhất nên mình sẽ kể về hai điều mà mình thấy trân quý từ khóa học này. Đầu tiên là về môi trường học tập, nó rất đa dạng và an toàn, mặc dù chúng mình đến từ nhiều background khác nhau (về nền tảng học thuật, thực hành, cũng như về giới) nhưng lại được hỗ trợ và tôn trọng không phân biệt vùng miền. Mình là sinh viên châu Á duy nhất trong lớp học, các bạn và các giảng viên vô cùng quan tâm, khích lệ và giúp đỡ để mình có thể hòa nhập tốt vào lớp học. Trong các tiết học, điều mà các cô giáo luôn nhấn mạnh với chúng mình là “there’s no right or wrong”, tất cả đóng góp của mọi người đều được trân trọng, và vì thế mà chúng mình được trao cơ hội để phát triển năng lực bản thân với màu sắc cá tính riêng, và với nguồn lực mà chúng mình có.

Điều thứ hai là về module học, với cái tên lạ lùng như “Working Together” hay “Looking Ahead”, mình khá ấn tượng với cách đặt tên môn học này. Chúng mình có cơ hội học tập trong các workshop thực hành nghệ thuật cùng với nhóm nghệ sĩ của Rocket Artists Studios – một studio thực hành nghệ thuật dành cho các bạn nghệ sĩ có gặp khó khăn học tập do các cô giáo của khoa mình quản lý. Trong các workshop này, chúng mình được trao đổi sự sáng tạo, thực hành kỹ năng điều phối, tham gia hoạt động, và hợp tác sáng tạo (collaborative creativity) với nhau. Đó là một cơ hội quý giá để thực hành thực tế và giúp chúng mình có một cái nhìn sâu sắc hơn về cả ethic (đạo đức) và cách làm việc với nhóm đối tượng yếu thế. Trong môn học “Looking Ahead”, chúng mình được trang bị kỹ năng và nguồn hỗ trợ từ nhà trường để xây dựng kế hoạch phát triển bản thân và xây dựng một bộ portfolio chuẩn bị cho hành trình tương lai của mỗi người trên con đường phát triển sự nghiệp. Dù khá là khó và căng thẳng, nhưng mình không thể phủ nhận được rằng nó rất hữu ích vì đã tạo cho chúng mình cơ hội để chiêm nghiệm, nhìn lại hành trình thực hành cá nhân, và suy nghĩ, lên kế hoạch, mở rộng network, nguồn lực hỗ trợ cho các bước tiến của sự nghiệp sau này.

  1. Tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng gì đến việc học tập và cuộc sống của bạn? Bạn đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Mình may mắn vì có một tháng đầu được học trực tiếp ở một theatre trong trường nhưng do những quy định về giãn cách xã hội phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau 2m, chúng mình gặp khá nhiều khó khăn trong các hoạt động vẽ chung hay thảo luận. Tuy nhiên, các cô giáo đã linh hoạt thay đổi cách thức và tính chất hoạt động để chúng mình vẫn có thể trải nghiệm hết ý nghĩa của mỗi hoạt động trong workshop. Sau đó, toàn bộ phần còn lại của năm học là chuỗi những lớp học online kéo dài và khá căng thẳng. Mình học vào mỗi thứ tư hàng tuần từ 10h sáng đến 5h chiều với một tiếng nghỉ trưa và một vài khoảng nghỉ ngắn giữa các môn học. Chúng thực sự rất căng, nên đôi khi cảm giác bị quá tải. Tuy vậy, có một điểm rất đáng quý của lớp học mình đó là trước giờ học các cô giáo luôn check-in xem mọi người có ổn không, gặp khó khăn gì và nếu không thể tham gia lớp học thì có thể xem phần recording về sau. Các cô cũng dành 30 phút trước khi bắt đầu lớp học để trực email hoặc là Teams nếu ai muốn trò chuyện riêng để có thể sẵn sàng học sau đó. Bản thân mình thì luôn quan sát và tự hỏi “Mình có sẵn sàng cho tiết học hôm nay không?, nếu không thì vì sao”, và từ đó mình thả lỏng hơn, bớt kỳ vọng và đặt những mục tiêu nhỏ cho mỗi buổi để trải nghiệm buổi học một cách nhẹ nhàng hơn. 

Về cuộc sống sinh hoạt thì không có quá nhiều biến động lớn. Mình may mắn vì vẫn được ra đường, đi dạo công viên, đi siêu thị mua đồ ăn, gặp gỡ bạn bè sau khi hết lockdown. Thực ra, có vẻ còn sống theo lối sống “healthy” (lành mạnh) hơn vì tự nấu ăn đầy đủ và dành nhiều thời gian chất lượng chăm sóc đời sống tinh thần cho bản thân. Mình cảm nhận thấy đây là một quãng thời gian rất quý báu để quay về không gian của chính mình, trân trọng mọi niềm hạnh phúc giản đơn mà mình có, những điều trước đây đôi khi mình lãng quên hoặc không chú tâm.

Sunset in Brighton
  1. Bạn có thể chia sẻ những dự định của mình sau khi trở về nước cho các bạn độc giả của Mind The Gap được không? 

Trong thời gian đi học, mình có duy trì workshop vẽ và làm đồ thủ công hàng tuần qua Teams với một bạn tự kỷ ở Việt Nam. Vì vậy, dự định ngay sau khi về nước là sẽ thực hiện lời hứa cùng bạn ấy tổ chức buổi trưng bày tranh và các sản phẩm sáng tạo của bạn trong một năm qua, với mong muốn chia sẻ những nỗ lực và niềm vui mà bạn đã kiên trì thực hành cùng mình tới khán giả. Mình hy vọng, sự kiện đó có thể tiếp thêm sự tự tin cho bạn trên hành trình tiếp tục sáng tạo và truyền cảm hứng tới các nghệ sĩ tự kỷ khác.

Ngoài ra, với phần quỹ còn lại của dự án Art For Education, mình sẽ thực hiện giai đoạn hai của dự án với các bạn học sinh ở Quảng Nam. Sau một năm đi học, thế giới quan của mình đã thay đổi khá nhiều nên mình sẽ thay đổi cách tiếp cận một chút so với giai đoạn một. Chi tiết kế hoạch thì mình vẫn đang trong thời gian xây dựng, hy vọng khi trở về sẽ vẫn nhận được sự hỗ trợ của Bảo tàng Quảng Nam và các thầy cô, phụ huynh, học trò, cũng như các đơn vị đã ủng hộ dự án trong suốt thời gian qua.

Về dài hạn, mình vẫn nuôi ước mơ như trong kế hoạch học tập mình đã chia sẻ trước lúc đi học, đó là có thể xây dựng được một art studio thực hành nghệ thuật cùng các bạn học sinh yếu thế (các bạn tự kỷ, gặp khó khăn học tập, trải qua sang chấn tuổi thơ, khó khăn về điều kiện kinh tế,…). Mình khá may mắn vì hiện tại đang được tham gia hỗ trợ studio của khoa mình nên được làm việc trực tiếp với các bạn nghệ sĩ gặp khó khăn học tập. Mình hy vọng sẽ tích lũy được kinh nghiệm làm việc và mở rộng network để tiếp tục phát triển mục tiêu dài hạn của mình.

20210727_174118
  1. Hiện tại, Học bổng Chevening đang mở đơn cho năm học 2022-2023. Bạn có lời khuyên gì cho các bạn đang muốn ứng tuyển trong lĩnh vực Nghệ thuật và Giáo dục để có thể làm nổi bật hồ sơ của mình?. 

Chào các bạn đang có ý định ứng tuyển trong lĩnh vực Nghệ thuật và Giáo dục! Mình nghĩ điều quan trọng nhất để xem xét làm sao làm nổi bật hồ sơ của mình đó là phải biết mình đi học để làm gì (câu hỏi có vẻ quen thuộc và hiển nhiên nhưng mình nhận thấy mình nên có một câu trả lời thuyết phục bản thân mình trước nhất, cũng là một quá trình để mình hiểu mình). Bạn nên có một kế hoạch phát triển bản thân trước đó để biết mình sẽ nên đưa thông điệp hay câu chuyện nào vào bài luận. Mặc dù có yêu cầu bài luận về study plan, nhưng mình khuyến khích các bạn hãy có một folder về kế hoạch chi tiết nhất có thể cho riêng mình một cách nghiêm túc vì nó sẽ là kim chỉ nam cho bạn sau này, vì đi học rồi sẽ có rất nhiều yếu tố thay đổi, nên việc giữ một cái “core” cho mình là điều rất quan trọng.

Xác định định hướng mình muốn đi học về các kiến thức – kỹ năng cụ thể nào để phục vụ công việc sau đó, hay mình muốn phát triển năng lực nghiên cứu, năng lực tự học và mở rộng network, sẽ dẫn bạn đến với việc lựa chọn nhánh nhỏ trong ngành học của bạn rất khác nhau. Ví dụ mục tiêu của mình là muốn phát triển năng lực quản lý dự án nghệ thuật với nhóm đối tượng yếu thế nên mình tìm khóa học có chương trình học cung cấp cho mình các kỹ năng điều phối, có trải nghiệm thực tế về cả thực hành lẫn nghiên cứu về hoạt động nghệ thuật với nhóm đối tượng mà mình hướng tới. Vì thế mình chọn Brighton mà không phải là London – nơi được cho là có rất nhiều trường top và mạnh về Nghệ thuật. Nhưng mình lại không hợp với các ngành Art management hay curating nên đó không phải là lựa chọn phù hợp. Vì vậy, xác định được mục tiêu – ngành học – kế hoạch phát triển tương lai sẽ giúp mình soi chiếu lại những gì mình có, trải nghiệm cũ – thành tựu cũ để đưa câu chuyện vào hồ sơ của mình.

Sau quá trình có đọc luận giúp nhiều bạn, mình nhận ra ai cũng có những câu chuyện rất riêng nhưng đôi khi mọi người chưa đưa được những điều “kỳ diệu” mà mọi người đã làm được vào đó mà thường tập trung việc kể và diễn giải sự kiện. Vì thế, mình chia sẻ với mọi người về lưu ý nên chọn ra “thông điệp” mình muốn truyền tải trước rồi mới dùng câu chuyện hay thành tựu để minh chứng cho các thông điệp đó. Bởi, nếu là mình, mình muốn hiểu về con người này trước khi nghe chi tiết diễn biến sự kiện hơn. Chúc các bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong quá trình hiểu mình và biểu đạt mình này.

  1. Mình được biết, bạn vừa kết thúc khóa học và chuẩn bị về Việt Nam. Có điều gì bạn thấy nuối tiếc không? Bạn có nhắn nhủ gì cho các bạn đang chuẩn bị sang học theo học bổng Chevening năm nay?

Điều mà mình thấy nuối tiếc nhất chắc là “Ôi sao tôi không đi học sớm hơn!” vì chỉ có một năm thôi mà đã quan sát được rất nhiều sự chuyển hóa bên trong mình về cách nhìn nhận mọi sự việc, cách mình đặt mục tiêu cho công việc và cân bằng cuộc sống. Mình đùa một chút thôi, chứ bây giờ sắp về rồi lại cảm thấy tiếc nuối vì đã không sắp xếp đi trải nghiệm nhiều nơi hơn. Ngày trước lúc lên đường có nghe các anh chị alumni khuyên nên lập kế hoạch du lịch trải nghiệm vòng quanh UK từ sớm, mà mình thì lại hay tùy hứng nên đã không nghiêm túc chuẩn bị. Mỗi khi đến một nơi khác nhau, mình đều cảm thấy rất hạnh phúc, thích thú về thiên nhiên và con người ở đây. Vì vậy, vẫn là một lời khuyên cũ “hãy đi nhiều nhất có thể các bạn nhé!”.

Ngoài ra, với các bạn dự định học art thì việc tìm cơ hội volunteer hay internship trong các bảo tàng, gallery hay studio sẽ rất hữu ích. Mình có trải nghiệm volunteer ở một Gallery khá vui và học hỏi được nhiều điều về cách họ vận hành, quản lý khi có triển lãm. Còn lại thì mình nghĩ, chỉ cần chuẩn bị một tâm thế cởi mở và đón nhận sự thay đổi, lạc quan và trí tò mò để lên đường.

Mình thích câu này của chị Phương Mai trong Tôi là một con lừa: “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi.

Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay.”

Hy vọng “tờ giấy trắng” của các bạn sẽ có thật nhiều màu sắc rực rỡ và tim bạn sẽ được lấp đầy sau một năm trải nghiệm nhé!