Tag: studyintheuk

CHEVENING CHINWAG #01: HỌC TẬP VÀ DỰ DẠ TIỆC “KIỂU HARRY POTTER” TẠI CAMBRIDGE, YOGA VỚI CHEVENING, VÀ “GẶP GỠ MÙA COVID” CÙNG GIA ĐÌNH CHEVENING VIỆT NAM

CHEVENING CHINWAG #01: HỌC TẬP VÀ DỰ DẠ TIỆC “KIỂU HARRY POTTER” TẠI CAMBRIDGE, YOGA VỚI CHEVENING, VÀ “GẶP GỠ MÙA COVID” CÙNG GIA ĐÌNH CHEVENING VIỆT NAM

Chevening Chinwag* là một chuỗi những buổi trò chuyện với các học giả Chevening Việt Nam. Các Cheveners sẽ chia sẻ về chặng đường Chevening sinh động, thách thức và đáng nhớ của họ. Theo dõi series bài viết này, bạn sẽ nhận được: Chia 

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Đón tết xa nhà cùng các Cheveners

Tết xa nhà, tạm xa không khí  sum họp gia đình như ở Việt Nam, những buổi học vẫn diễn ra, những bài luận vẫn cần phải nộp, nhưng không vì thế mà ở UK không có Tết. Hãy cùng xem các học giả Chevening 

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Rong ruổi trên những nẻo đường Skye

Bất chấp deadline ngập đầu (còn 2 tuần nữa phải xong dissertation project) mình cũng phải tìm Tour Isle of Skye để đi cho trọn trải nghiệm ở Scotland.
  • Hỏi: Có đáng không?
  • Xin trả lời: CỰC KỲ XỨNG ĐÁNG!!!
Trước khi đi chỉ biết đây là một trong những điểm Must-visit vì là đảo đẹp nhất của Scotland, không ngờ trên cung đường xe chạy lên vùng Highlands mới biết có rất nhiều cảnh đẹp gắn bó với phim ảnh và văn học Anh.
Vì là tour nên mình sẽ chỉ review các điểm đã đi qua. Mình chỉ post 1 vài ảnh thôi, không phải vì tour không nhiều cảnh đẹp, mà vì mặt mình to quá làm xấu cả cảnh, vì thế đừng ai nghi ngờ tính “xứng đáng” của tour này vì bài ít ảnh nhé.
Chi tiết book tour và đơn vị vận hành tour ghi ở cuối bài.

Ngày 1: Tham quan vùng Highlands

Khởi hành từ Edinburgh đi lên vùng highlands của Scotland.
Điểm dừng chân đầu tiên là Loch Lomond – hồ nước ngọt lớn nhất Scotland. Loch trong tiếng Scotland có nghĩa là hồ (lake). Ở Scotland có duy nhất 1 lake, nhưng có cả nghìn loch. Lần trước mình tới đây là mùa đông, cảnh vật đìu hiu âm u bao nhiêu thì mùa hè Loch Lomond nhộn nhịp và đông khách bấy nhiêu. Điểm trừ là vì đông khách nên thường phải “xếp hàng” để vào góc đẹp chụp ảnh.
Loch Lomond – View from the pier
Lên tiếp phía bắc là cung đường với những dãy núi trập trùng, một trong những đoạn đường ấy là nơi quay cảnh James Bond chạy xe tới dàn trận bắt trùm cuối (ngày hôm sau xe chạy về Edinburgh mình có được xem lại phim này – đã được kiểm chứng haha). Bác tài rất có tâm khi vừa đi cung đường đó vừa bật bài Skyfall, ngồi hàng đầu ngắm cảnh phiêu phải biết.
Đoạn này chủ yếu xe sẽ dừng ở 1 số điểm có view đẹp hoặc có tính lịch sử, bao gồm:
  • View ngắm Loch Tulla – nơi nổi tiếng vềnuôi cá hồi Scotland. Gia tộc của Ian Flemming – tác giả của series truyện James Bond – Điệp viên 007 cũng sở hữu cả một vùng đất rộng lớn ở khu vực này (không rõ có bao gồm cả hồ nuôi cá hồi không). Thế mới biết làm nhà văn ở Anh phát tài làm sao, vừa có nhà đẹp rừng núi mênh mông lại có cá ngon ăn hàng tuần chứ
  • Glencoe: Glencoe nổi tiếng lại hơi làm mình thất vọng, có lẽ vì ở những điểm trước đó đã có quá nhiều cảnh núi non hùng vĩ nên ngắm nhiều quá mình bị … ngợp, không cảm nhận được gì nữa. Đây là nơi diễn ra trận thảm sát nhà Macdonald do nhà Campbell thực thi theo lệnh của vua William. Nghe tourguide giới thiệu ngày nay người ta vẫn có thể thấy quán pub ghi No Campbell ý nói tới trận này.
Đoàn nghỉ trưa tại Fort William, thị trấn lớn thứ 2 của vùng Highland, chỉ sau Inverness – thủ phủ của vùng này.
Trước khi tới điểm dừng chân ở Skye, đoàn còn đi qua Eilean Castle để chụp ảnh từ xa. Eilean Caslte nằm ở nơi giao nhau của 3 hồ lớn: Loch Alsh, Loch Long và Loch Duich. Đây là một trong những nợ được chụp ảnh nhiều nhất Scotland (dù thật lòng mình không quá ấn tượng với điểm này).
Eilean Castle
Tới chiều tối xe dừng tại Kyleakin, 1 trấn nhỏ ở rìa Isle of Skye, ngay dưới chân cầu Skye Bridge. Cây cầu này được xây dựng năm 1992 và mở cho xe đi qua lần đầu vào năm 1995. Trước đó để đến được Skye người dân hoàn toàn phải đi tàu (ferry). Ban đầu khi cầu được đưa vào sử dụng người ta có thu phí. Mãi về sau mới mở miễn phí cho xe cộ qua lại, cũng nhờ sự kiện này mà rất nhiều cây cầu trên Scotland sau đó cũng ngừng thu phí, để người dân qua lại tự do.
Nếu bạn cũng dừng ở Kyleakin như đoàn mình thì xin giới thiệu quán Castle Moil. Quán khá đông vào buổi tối nhưng đồ ăn rất ngon. Lên đây đừng quên gọi hải sản nhé, vừa tươi ngon vừa rẻ hơn nhiều so với ở England.

Ngày 2: Khám phá Isle of Skye

Lên tới Skye lại nhớ tới chuyến đi Iceland. Cả hai đều là những hòn đảo vắng người, thiên nhiên vẫn còn hoang sơ với những thảm thực vật phong phú. Iceland vào mùa hè chắc cũng có những khung cảnh na ná như vậy. Nếu nói chán đời, rủ nhau lên Skye trốn khỏi những bộn bề của cuộc sống đô thị cũng không sai chút nào.
Hành trình khám phá Skye của tour bao gồm:
  • Cầu Sligachan Bridge and Cuillins: Ở điểm này mình thấy view bình thường nhưng có hai truyền thuyết khá thú vị. Nghe đồn nếu bạn cầm đá ở dưới sông lên và cầu nguyện thì điều ước sẽ thành hiện thực. Một truyền thuyết khác là nếu bạn ngâm mặt vào nước sông trong 7 giây, bạn sẽ có vẻ đẹp vĩnh hằng. Đoàn mình có mấy bạn nam người Nhật và Ấn Độ đã thử chống đẩy để ngâm mặt vào nước, tiếc là mình không có cơ hội được biết sau này vẻ đẹp của các bạn ấy sẽ thay đổi thế nào.
  • Old Man of Storr & Trotternish Peninsula: Đây là điểm iconic nhất của Skye. Old Man of Storr là tên một người khổng lồ sống ở Trotternish. Khi hắn chết ở đây, mấy ngón tay vẫn còn để lại trên đỉnh núi, tạo thành những cột đá cao quanh năm bị mây mù bao phủ như bây giờ. Trèo lên đỉnh núi có thể ngắm toàn cảnh Loch Fada, view khá đẹp. Mình đi chơi đúng hôm trời âm u, nhìn lên khá huyền bí. Không rõ nếu đi vào một sáng trời trong thì cảnh này sẽ thế nào haha.

Old Man of Storr & Trotternish Peninsula
  • Kilt Rock & Mealt Fall: ở điểm này có thể ngắm thác nước Mealt Fall khép mình bên bờ biển. Đây cũng là nơi tìm ra dấu chân khủng long từ 170 triệu năm trước.
So dấu chân mình với dấu chân khủng long haha.
Đoàn nghỉ ăn trưa ở Portree, thủ phủ của Isle of Skye. Đây là một trấn khá nhỏ, còn nhỏ hơn trấn đoàn nghỉ chân qua đêm hôm trước, lại dừng lại có 1h để ăn trưa nên tụi mình quyết định vào quán Fish&chips như gợi ý của tourguide. Quán có từ năm 1995, nghe đồn là nơi bán món fish&chips ngon nhất Scotland. Không biết là sự so sánh này đặt trong tệp các nhà hàng nào, chỉ biết là vừa cầm đĩa fish&chips ra ngoài, còn đang loay hoay tìm chỗ ngồi ăn mình đã bị tụi hải âu cướp toi miếng cá to đùng.
Fish and Chips trước khi chia sẻ bữa trưa với đàn hải âu
Sau Portree xe đi về Edinburgh. Trên đường về còn 1 đoạn nghỉ chân nhỏ, rất tiếc là không phải đoạn nghỉ chân có tiệm kem Whiskey như mình mong mỏi (Điểm có Whiskey ice cream: Scotch Corner of Pitlochry). Thay vì ăn kem Whiskey mình đành chọn ăn 4 que kem sô-cô-la thay thế vậy :(((
Chocolate ice cream – bought at Spar supermarket nearby
Trên xe còn bật phim để đoàn xem cho đỡ chán, trong đó có Skyfall với cảnh quay của James Bond tại Skye ( giờ mới biết hoá ra Bond quê ở Scotland mọi người ạ.
Có xem phim và so sánh với cảnh quan thực tế mới thấy màu phim tối truyền thống khi quay ngoại cảnh ở Anh cũng có lí do của nó. Những đoàn du lịch lên Skye có tới 90% khả năng gặp mưa, thời tiết tối tăm mịt mùng quanh năm. Phim tất nhiên cũng phải theo hoàn cảnh mà blend màu cho hợp rồi.
Điều mình thích ở tour này là tour chỉ đi trong 2 ngày cuối tuần, hoàn toàn phù hợp với các bạn sinh viên. Nếu đi thêm hôm nữa chắc mình cũng chán không chịu nổi vì thời gian ngồi trên xe khá nhiều.

#Tip 1: Book tourThường có tour đi Skye vào tháng 7,8,9,10. Nếu có thể nên xem trước lịch để đặt vé đi Scotland cho rẻ (nếu bạn học ở England). Có 2 chỗ chạy tour này là Student tour Scotland và International Student tour Scotland. Không rõ hai chỗ có liên hệ gì với nhau không nhưng cả hai có rất nhiều day trip và 2-day trip tour cho sinh viên vào cuối tuần, giá cả vô cùng ổn so với đi tour thương mại. Tour thương mại thường có giá trung bình £170/tour 3 ngày chưa bao gồm chỗ ở trong khi tour mình đi là £120/2 ngày đã bao gồm student hostel (thường là £100 thôi, ko hiểu sao đúng ngày mình chọn đi lại tăng giá huhu).
Đây là facebook của hai nhóm tổ chức tour mình biết:

– Student Tours Scotland: https://www.facebook.com/studenttourssco/

– International Student Tours UK: https://www.facebook.com/istours.uk/

Các bạn ý thường để link bán vé trên Eventbrite.

#Tip 2: Seating Hôm khởi hành bạn nên cố gắng đi sớm xếp hàng để được ngồi ngay ghế đầu tiên chéo với bác tài, view ngắm cảnh vô cùng đẹp, lại dễ dàng nghe tourguide thuyết minh. Mình ngắm ngay chỗ này từ đầu haha, vừa lên cô tourguide với bác tài đã bảo “You’ve got the best seats in the house.”. Thích nhất là khi xe bật bài Skyfall cho cung đường James Bond từng đi qua là có thể giơ máy lên quay tha hồ.

#Tip 3: Other option– Một lựa chọn khác là đi tàu lên Inverness, thủ phủ của vùng highlands và đi tour Skye 1 ngày thôi, sẽ đỡ mệt hơn cho các bạn hay say xe.
– Nếu biết lái xe, mình nghĩ đi lên Inverness rồi thuê xe lên Skye đi chơi cũng không tồi chút nào. Đường đi khá bằng phẳng so với vùng đồi núi ở nhà. Lại có thể tự do đi lại, tuỳ chỉnh thời gian nghỉ giữa giờ rồi ngắm cảnh. Trên đường vừa chạy xe vừa bật mấy bài nhạc road trip hẳn là thú vị phải biết (một người ngồi đầu xe ngắm cảnh và ước gì mình lái được xe cho hay 😀 ).

Tour có 2 ngày nên mình cũng chém được vậy thôi, hi vọng hữu ích  cho các bạn.

Mùa hè nước Anh, 2019

Ảnh: Phạm Nguyễn Anh Thư – Chevening Scholar 2018/2019

Bài viết: Phạm Nguyễn Anh Thư – Chevening Scholar 2018/2019

Link bài viết gốc: Facebook Note

 

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Tôi đã chọn một khóa học thật “kỳ lạ”

Gregory dẫn chúng tôi đi dọc con đường Thame River từ Tower Bridge đến Greenwick Park vừa đi vừa giới thiệu về lịch sử của từng địa điểm và hỏi thăm về kỳ nghỉ Giáng sinh của chúng tôi. Đó là vào một ngày cuối 

Chút hoài cổ ở Bath yên bình

Chút hoài cổ ở Bath yên bình

Nếu đã trót yêu nét đẹp cổ kính của nước Anh qua ngòi bút của nữ nhà văn Jane Austen, bạn nhất định phải ghé chơi Bath một lần! Ngược dòng thời gian Một buổi sáng thứ 7 vào cuối tháng 10, chuyến xe lửa 

Làm gì sau khi đã nộp hồ sơ học bổng Chevening?

Làm gì sau khi đã nộp hồ sơ học bổng Chevening?

Lời đầu tiên, mình xin chúc mừng bạn đã hoàn thành xong 1/2 chặng đường chinh phục học bổng Chevening năm nay. Bây giờ chúng ta cùng điểm qua một vài điều bạn có thể làm trong thời gian tới nhé.

  1. Nghiên cứu kỹ Timeline chính thức của Chevening để không bỏ qua những mốc thời gian quan trọng

Bạn hãy tham khảo các mốc quan trọng trong hành trình chinh phục học bổng Chevening tại trang tin chính thức của Chevening tại đường dẫn sau:

https://www.chevening.org/scholarships/application-timeline/

Như vậy, hiện tại bạn đã vượt qua cột mốc của ngày 7/11 đó là nộp hồ sơ. Tòan  bộ quá trình lựa chọn các ứng viên phù hợp nhận học bổng Chevening kéo dài ít nhất 8 tháng từ khi các ứng viên hoàn thành hồ sơ cho đến khi cần kết quả, bởi vậy bạn sẽ cần phải rất kiên trì nhé.

Hội đồng xét duyệt của Chevening sẽ đọc hồ sơ của ứng viên từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12, sau đó gửi các hồ sơ được chọn về Đại sứ quan/ Lãnh sự quán của các nước. Tại Việt Nam, nhóm phụ trách chương trình học bổng Chevening của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ của các ứng viên, và chọn ra những ứng viên phù hợp tiếp tục đi tiếp vào vòng phỏng vấn. Các bạn sẽ nhận kết quả vòng hồ sơ vào đầu tháng 2/2020.

Ngay sau đó, nếu như được chọn vào vòng phỏng vấn bạn cần gửi 2 thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp cho Chevening theo hướng dẫn. Vòng phỏng vấn sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/ 2020 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào đầu tháng 6/2020.

Mình biết chờ đợi là cảm giác không mấy dễ chịu, nhưng bạn hãy kiên nhẫn, bởi vì hàng năm Chevening nhận được hơn 50 ngàn hồ sơ trên khắp nơi trên thế giới và nhóm phụ trách học bổng Chevening của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng rất khẩn trương đọc và chọn ra những ứng viên phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, bạn không nên gửi mail hỏi “Khi nào sẽ có kết quả?” bởi vì trả lời email đó  sẽ vô tình làm tăng khối lượng công việc phải xử lý. Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất cố gắng để đưa thông tin đến các ứng viên đúng các cột mốc thời gian đã đưa ra.

Trong thời gian tới bạn còn rất nhiều điều quan trọng khác cần làm.

  1. Chuẩn bị thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp

Cột mốc để bạn gửi thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp là 25/2/2020. Mình nghĩ rằng việc gì dễ thì làm trước, bạn hãy sẵn sàng một bản PDF bằng tốt nghiệp của mình trong máy tính để có thể sẵn sàng gửi đi bất cứ khi nào.

Một việc hơi khó hơn một chút đó là chuẩn bị 2 thư giới thiệu. Bạn nên đọc kỹ những yêu cầu về thư giới thiệu tại trang tin chính thức của Chevening tại đường dẫn

https://www.chevening.org/scholarships/guidance/references/.

Sau đó, hãy nói chuyện và gửi những yêu cầu những nội dung cần đề cập trong thư tới người giới thiệu của bạn để có một lá thư giới thiệu đúng yêu cầu của học bổng nhé. Người viết thư giới thiệu cho bạn có thể là thầy cô giáo hoặc lãnh đạo tại nơi bạn đang làm việc, những người hiểu rõ khả năng của bạn.

Thư giới thiệu phải viết bằng tiếng Anh và đề cập đến một số nội dung như:

  • Mối quan hệ giữa ứng viên và người viết thư giới thiệu? Gặp trong hoàn cảnh nào? Khi nào? Thường xuyên liên lạc không?
  • Nêu tóm tắt về đặc điểm của ứng viện như khả năng lãnh đạo, tạo dựng mối quan hệ, khả năng hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Anh.

Hãy nhớ rằng, thư giới thiệu là một phần rất quan trọng trong hồ sơ xin học bổng bởi nó đưa ra một cái nhìn khác về ứng viên bên cạnh những thông tin họ viết trong hồ sơ. Bởi vậy, bạn đầu tư chính đáng cho 2 lá thư giới thiệu của mình như bạn đã đầu tư cho hồ sơ của mình vậy.

  1. Nộp đơn xin thư nhập học vào các khóa học bạn mong muốn

Mãi đến tháng 7/2020 bạn mới cần nộp thư nhập học từ các trường, nhưng đó là khoảng thời gian mà hội đồng tuyển sinh của các trường vô cùng bận rộn dể xét duyệt hồ sơ của các sinh viên nhập học cho kỳ tháng 9. Do đó, thời gian để nhận được thư nhập học có thể kéo dài đến 2 tháng. Bởi vậy, bạn nên chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào khóa học từ sớm, tránh thời gian cao điểm. Bộ hồ sơ xin nhập học vào các trường cũng cần có đơn xin nhập học, thư giới thiệu, bằng đại học, bảng điểm và một số yêu cầu khác tùy khóa học. Với mình thì đó không phải là quá trình nhanh gọn đâu, vậy nên bạn sẽ chuẩn bị sớm nhé. Khi đã có trong tay thư mời nhập học của ít nhất 1 khóa học bạn mong muốn rồi, bạn sẽ thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của mình, một số khóa học đòi hỏi chuyên môn sâu hoặc chuyên ngành bạn học đại học khác với chuyên ngành đang ứng tuyển, khóa học sẽ yêu cầu tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, một số khóa học còn yêu cầu các chứng chỉ chuyên môn. Vậy nên, bạn nên nộp hồ sơ sớm để biết khả năng trúng tuyển của mình. Nếu không đủ điều kiện nhập học, bạn có thể chuyển sang các khóa học khác phù hợp hơn.

Nếu bạn muốn thay đổi khóa học đã đăng ký trong hồ sơ Chevening cũng không có vấn đề gì cả, trong vòng phỏng vấn hội đồng sẽ hỏi vấn đề này và bạn có thể được thay đổi, bạn chỉ cần nói rõ lý do tại sao mình thay đổi là được.

Một số khóa học sẽ có yêu cầu đọc phí nộp hồ sơ. Theo chia sẻ của một số bạn đã nhận học bổng Chevening năm trước, các bạn ấy có thể gửi mail cho trường, đề cập đến việc đang trong quá trình ứng tuyển học bổng Chevening và có khó khăn về tài chính để nhà trường hỗ trợ. Bạn cũng thử cách này xem sao nhé.

  1. Thi chứng chỉ IELTS

Bạn cũng cần chứng chỉ IELTS để hoàn thành hồ sơ xin nhập học tại các trường nữa. Lượng thí sinh đăng ký thi IELTS có những thời điểm rất đông. Bởi vậy, mình nghĩ các bạn nên chuẩn bị ôn luyện và đăng ký thi sớm.

Chứng chỉ IELTS có thời hạn 2 năm, nếu không dùng được năm nay thì bạn vẫn có thể dùng cho năm tiếp theo, và cũng có thể dùng cả trong CV xin việc của bạn nữa, nên mình nghĩ đó là khoản nên đầu tư cẩn thận.

Bạn chỉ cần đạt số điểm IELTS để đạt tiêu chuẩn nhập học khóa học bạn mong muốn. Một số khóa học thạc sĩ như Luật, Báo chí các trường có thể yêu cầu điểm cao hơn. Nếu như bạn đã đủ yêu cầu Tiếng Anh của khóa học bạn muốn, bạn không cần phải thi lại để điểm cao hơn làm gì, vừa mất thời gian và mất chi phí nữa. Điểm IELTS cao cũng không giúp hồ sơ đẹp hơn đâu. Bạn chỉ cần đủ. Hãy nâng cao khả năng tiếng Anh của mình bằng những cách thú vị hơn như đọc sách, xem phim chẳng hạn, sằn sàng để có thể giao tiếp, đọc sách, viết luận trong môi trường học thuật.

Ngoài IELTS, tùy yêu cầu của trường bạn cũng có thể thi lấy các chứng chỉ khác như Pearson PTE Academic, TOEFL iBT, C1 Advanced (formerly Cambridge English: Advanced [CAE]), Trinity ISE II (B2). Hãy tham khảo kỹ yêu cầu của trường để chuẩn bị nhé.

  1. Dành thời gian cho những dự định khác và đừng quên nghỉ ngơi

Mình vẫn nhớ quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ Chevening, đọc đi đọc lại bài luận rồi sửa không biết bao nhiêu lần. Thực sự khi đó mình đã rất lo lắng, căng thẳng. Mình hiểu cảm giác mà các bạn đã trải qua. Nhưng không sao cả, giờ đây, bạn đã đi một chặng đường khá dài, bạn nên dành một chút thời gian cho bản thân. Hà Nội đang bước vào những ngày mùa thu đẹp nhất trong năm rồi đó, hãy thư giãn, tận hưởng vì bạn xứng đáng với điều đó. Bạn cần năng lượng để tiếp tục hành trình dài phía trước và cuộc sống của bạn còn vô vàn những đích đến khác cần chinh phục.

Dù kết quả ra sao, mình tin rằng với hành trình đã qua, những lúc suy nghĩ về kế hoạch tương lai, khả năng lãnh đạo, kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, những lúc miệt mài bên bàn phím để viết bài luận, đó là một lần bạn nhìn lại bản thân và sẽ giúp bạn hiểu hơn về chính mình.

Bạn đã cố gắng, bạn đã cho chính mình một cơ hội và bạn có lý do để hi vọng.

Chúc các bạn may mắn.

Bài viết: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019

Ảnh: Red Keep Calm and Carry On Wallpaper – https://hdwallsource.com/