KỲ GIÁNG SINH CUỐI CÙNG Ở ANH
Vào những ngày tháng 12 ở bên Anh, trời lúc nào cũng đã buông màn đêm từ tầm 4 giờ chiều, mọi người chỉ mong được về nhà sớm, chui vô chăn, nhâm nhi tách trà bên quyển sách yêu thích hay đơn giản cùng nhau chia sẻ bữa cơm tối. Tháng 12 còn là tháng Giáng sinh khi mọi người cùng gửi đi những tấm thiệp mang lời chúc yêu thương và quây quần trong đêm giáng sinh. Đối với các học giả Chevening chúng tôi, tháng 12 ý nghĩa lắm vì những kí ức đầu tiên về giáng sinh thực sự với cái lạnh run người, con turkey chính hiệu hay đơn giản là trò chơi crackers. Và với mỗi thành viên Chevening Vietnam những ký ức về giáng sinh cũng rất đa dạng và nhiều màu sắc, hãy để Chevener Vân chia sẻ với bạn về kỉ niệm trong kỳ giáng sinh cuối cùng ở Anh nhé.
———————————————-
Chiều Chủ Nhật ngày 24 đêm trước Giáng Sinh, tôi bắt chuyến tàu đến Chichester, nơi tôi sẽ đón giáng sinh tại một gia đình người Anh.
Tôi vẫn luôn thích các chuyến tàu ở Anh, tôi thích ngồi tàu, ngắm thiên nhiên. Cho dù mùa đông ở phía Nam có xuống tới 0 độ, cây cối trụi lá, thì những bãi cỏ vẫn xanh ngắt. Và dường như, ở Anh, cứ chỗ nào không phải là đường, và không phải là nhà, thì sẽ là bãi cỏ xanh ngắt và cây cối, tôi ít khi nào thấy mặt bê tông. Tôi còn thích ngắm các ngôi nhà, những con đường nhỏ xinh được bao bọc bởi những ngôi nhà cổ. Dường như, người Anh thích chơi trò ú tìm, họ thường để số nhà và tên đường rất nhỏ, khó mà tìm được dễ dàng. Tôi nghĩ cũng thương các bác giao hàng thời chưa có công nghệ google map. Những khoảnh khắc đơn giản thế thôi, nhưng sẽ làm tôi rất nhớ.
Sau gần 1 tiếng trên chuyến tàu Southernrailway, tôi đã tới Chichester. Mới có 4 giờ hơn, mà mặt trời đã không chịu nổi cơn buồn ngủ, và nhường lại cho bóng tối. Nhiều người bạn chia sẻ với tôi rằng, hai tháng mùa đông ở Anh khiến họ buồn phiền, và dễ thất vọng, do thiếu ánh nắng. Tôi thì ngược lại, tôi thấy sự thay đổi bốn mùa ở Anh rất thú vị. Trong hơn một năm qua, tôi đã có bao nhiều lần háo hức vì mùa hè mặt trời rực rỡ tới 10 giờ đêm, rồi 4 rưỡi sáng phải mò dậy kéo rèm cửa vì mặt trời dậy quá sớm. Rồi khi, những bông hoa nhỏ xíu li ti, nở rộ khắp các bãi cỏ sân trường, ở công viên trước cửa nhà, là mùa xuân tới. Tôi và lũ bạn cũng háo hức với sự thay đổi của màu lá khi thu sang. Mùa đông tuy tối, lạnh, và mưa nhiều hơn, nhưng những lễ hội cuối năm lại làm cho mùa đông có vẻ đẹp đặc biệt. Trời tối sớm nhường chỗ lại cho những ánh đèn Giáng Sinh, năm mới được thỏa sức lấp lánh. Cái lạnh cũng khiến các bạn nam thanh, nữ tú tha hồ diện các bộ cánh thời trang đẹp và thanh lịch, áo dạ, áo măng tô, mũ len, những đôi bốt thời trang. Rồi trong cái lạnh ấy, nếu được tạt vào một quán nào đó, mà thưởng thức miếng bánh nóng hổi, cốc chocolate đậm đặc nóng thì có niềm vui nào hơn thế. Ôi, những thời gian ấy, tôi biết tôi không thể lấy lại.
Vừa bước xuống tàu, tôi đã thấy bác Mary và con trai bác đứng đợi tôi ở lối cửa ra vào ga tàu. Bác ôm tôi thật chặt. Tôi biết tới bác Mary thông qua chị gái tôi, người đã ở tại nhà của bác trong quá trình chị học và làm việc ở Anh. Bác Mary là một người phụ nữ nhỏ nhắn, thanh lịch, cởi mở, và hiểu biết rộng. Tôi nói bác cởi mở vì bác luôn lắng nghe, và yêu thích tiếp xúc với các nền văn hóa khác mà không đưa ra các đánh giá, nhận xét chủ quan.
Mùa hè trước, tôi và chồng đã tới thăm bác, nhưng tôi chưa có cơ hội gặp Joshua. Joshua là một thanh niên mới 22 tuổi, đang học ngành khảo cổ học ở trường Đại học Portsmouth. Tôi nghĩ điểm mạnh và cũng là điểm yếu của cậu ấy, là khi mà cậu ấy có cơ hội được nói về đam mê và lĩnh vực cậu ấy hiểu biết thì cậu ấy nói rất nhiều, và nói lớn.
Thực ra tôi đã được trải nghiệm giáng sinh ở một gia đình người Anh vào năm ngoái thông qua chương trình Host Family UK rồi. Tuy nhiên, năm nay khi bác Mary gửi lời mời, tôi vẫn rất háo hức. Phần vì tôi cũng chưa có kế hoạch nào cho Giáng Sinh này, và phần lớn vì tôi là đứa thích được trò chuyện với những người đến từ các tầng lớp khác nhau, phông nền văn hóa khác nhau. Tôi không bao giờ tính toán rằng tôi được lợi gì từ những cuộc gặp gỡ như thế. Đơn giản là tôi thấy cuộc sống này thật thú vị, mỗi người có một góc nhìn khác nhau về một vấn đề, một người một tính cách, một vẻ riêng đặc biệt. Tôi chỉ đơn giản là háo hức khi thấy những điều như vậy.
Hoạt động đầu tiên của chúng tôi là đi sắm một chú gà tây. Khác với ở Mỹ nơi mà người ta chỉ ăn gà tây vào lễ tạ ơn, người Anh không có lễ tạ ơn và gà tây là món không thể thiếu trong lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, với giá giao động khoảng 100 bảng Anh cho một chú gà tây tầm từ 7kg-10kg, chắc chắn sẽ có nhiều gia đình không khá giả lắm phải tính toán kĩ lưỡng hoặc đợi cho tới sát đêm giáng sinh mới mua với hi vọng được giảm giá phần nào.
Cũng giống như Tết ở Việt Nam, dịp này là dịp người ta dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Nhưng không phải ai cũng vui. Cũng giống như ở Việt Nam, người ta cố gắng làm thật nhiều, kiếm tiền thật nhiều vì “sắp tới Giáng sinh rồi”. Công việc có thể sẽ căng thẳng và bận rộn trước dịp lễ. Rồi những người vô gia cư sẽ cô đơn và khó khăn hơn vì các cửa tiệm đóng cửa. Bác Mary nói với tôi rằng, sau Christmas tỉ lệ các cặp đôi chia tay và li hôn tăng cao vì dịp giáng sinh cùng nhau là cơ hội họ nhìn lại mối quan hệ của bản thân, và nhận ra rằng họ không thể tiếp tục được nữa. Tôi hiểu rằng, ở một xã hội mà họ ít hoặc không chịu nhiều áp lực từ cái nhìn xã hội, họ hàng, làng xóm, thì những quyết định như vậy lại càng được đưa ra nhanh chóng và đôi khi có thể là vội vã.
Người Anh uống trà mọi lúc, khi tôi vừa vào nhà, bác mời tôi một tách trà, sáng tôi thức dậy, bác mời tôi một tách trà, trước lúc ăn tối, bác hỏi tôi có muốn uống trà không. Cách uống trà của người Anh, theo tôi được biết, là độc nhất. Một li trà nóng, cho thêm chút sữa tươi, và một chút đường. Người nào không uống được sữa bò và đường sẽ thay thế bằng sữa đậu nành và maple syrup. Tôi cũng mê trà Anh lắm.
Cái cách người Anh chuẩn bị cho bữa ăn giáng Sinh, bữa ăn chính của ngày 25 (người ta sẽ ngồi ăn với nhau từ khoảng 3 giờ chiều, cho tới tối luôn) cũng bận bịu như người Việt Nam chuẩn bị bữa ăn cho ngày 30 tết. Nhưng có lẽ hai phát minh vĩ đại khiến cho công việc chuẩn bị của người Anh, hay các nước phương tây nói chung, đỡ vất vả, là lò nướng, và máy rửa bát. Tôi phụ bác phết bơ và nhồi gà tây trước khi cho vào lò, chuẩn bị món pig and blanket cũng trước khi cho vào lò, khoai tây nướng, và nước sốt.
Một thứ đồ uống không thể thiếu trong ngày lễ giáng sinh là rượu mulled wine. Không biết ai đã phát minh ra một thứ rượu rất hợp với màu sắc của Giáng sinh, và làm ấm lên mùa đông giá lạnh. Đây là một thứ rượu vang đỏ nhẹ, được hâm nóng mà không được để sôi, cùng với một chút quế, một chút quả cam khô và một vài thứ thảo mộc khác mà tôi không biết. Một đứa không có mấy hứng thú với đồ có cồn như tôi mà còn cảm thấy mê, thì chắc chắn đây là món rượu phải thử rồi.
Hoạt động truyền thống vào chiều Giáng sinh là lắng nghe bài phát biểu của nữ hoàng trên tivi. Sự tồn tại của gia đình hoàng gia ở Anh là một chủ đề gây tranh cãi. Những người bảo thủ cho rằng gia đình hoàng gia chỉ sống dựa vào tiền thuế của dân, và đang chẳng mang lại lợi ích gì cho chính trị hay kinh tế rõ rệt. Và đúng là nữ hoàng và gia đình của bà không có quyền gì trong các vấn đề chính trị quốc gia. Ngược lại, người cởi mở hơn nói gia đình hoàng gia thu hút một lượng khách du lịch khổng lồ tới Anh, và người Anh phải nhớ về lịch sử, thời mà đất nước này được cai trị bởi gia đình hoàng gia.
Bữa tối của chúng tôi kéo dài từ 3 giờ chiều tới tận 10 giờ tối. Tôi không thể nhớ nổi chúng tôi đã nói về bao nhiều chủ đề. Từ hệ thống y tế của Anh, về mấy bộ phim, về khảo cổ học, về dân chủ, về Nhật Bản, về những trải nghiệm của tôi trong năm qua, về những điều làm bác Mary phiền muộn, về niềm tin của bác bị đổ vỡ như thế nào. Tôi học được rất nhiều điều từ những cuộc trò chuyện như thế, với những người trẻ tuổi và những người nhiều năm kinh nghiệm sống. Tôi học từ những trải nghiệm của họ.
Tôi học và rèn luyện sự tôn trọng mọi quan điểm khác biệt. Từ lâu tôi đã không còn tranh luận gay gắt, cố gắng bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, tôi lắng nghe hơn vì tôi biết xã hội này quá đa dạng, và mỗi người có một xuất phát điểm, từ đó hình thành nên giá trị mà họ theo đuổi trong cuộc đời. Và được lắng nghe, được hiểu, và được chia sẻ những khác biệt đó là một quà tặng của cuộc sống cho tôi.
Năm 2017 kết thúc trong tôi chắc chắn có điều tiếc nuối nhưng hơn tất cả tôi biết ơn những cơ hội mà tôi đã có, những con người tôi đã gặp, những thử thách tôi đã vượt qua, những vùng đất tôi đã đặt chân tới.
Bài: Trương Thanh Vân (University of Sussex) – Học giả Chevening 2016-2017
Ảnh: Trương Thanh Vân & Trần Nguyễn Kim Ngân – Học giả Chevening 2016-2017