Tag: Chevening Vietnam

Có một London rất xanh

Có một London rất xanh

Tôi đặt chân xuống London vào đầu tháng 9, khi cái nắng hè đã bớt chói chang nhưng vẫn đủ tỏa sáng một bầu trời xanh trong. Khi còn ở nhà với vô vàn những tưởng tượng về nước Anh và thủ đô London, tôi 

[Chevening Orientation 2019] Ra biển lớn cùng Chevening

[Chevening Orientation 2019] Ra biển lớn cùng Chevening

Tháng mười hàng năm là một dịp rất đặc biệt đối với các học giả Chevening, khi gần 1800 học giả từ khắp nơi trên thế giới cùng tụ họp tại trung tâm hội nghị triển lãm ExCeL, London để tham gia Chevening Orientation. Đó 

Những người “Con gái bà Triệu thế kỷ 21”* đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Những người “Con gái bà Triệu thế kỷ 21”* đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Những người “Con gái bà triệu thế kỷ 21”* đưa hình ảnh việt nam ra thế giới

Một năm sống ở London – đối với nhiều người, sẽ là cơ hội để được gặp gỡ với rất nhiều người nổi tiếng, những chính trị gia, những nhà khoa học, những ngôi sao điện ảnh, thời trang… hàng đầu thế giới. Còn đối với tôi, một trong những trải nghiệm đầu tiên và vô cùng đáng nhớ tại đây lại là được gặp gỡ, được lắng nghe câu chuyện và chia sẻ của những người “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21” – những người phụ nữ đã có nhiều đóng góp cho xã hội, cũng như đã góp phần quảng bá hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Họ là những người trực tiếp tham gia và làm nên thành công cho buổi “Panel Discussion: Vietnam – A story of Opportunity, Development and Potential “ (tạm dịch là buổi thảo luận về chủ đề “Việt Nam – Câu chuyện về Cơ hội, Phát triển và Tiềm năng”), tổ chức vào ngày 02/10/2019 tại The South Bank Center. Sự kiện do Mạng lưới hữu nghị Việt Anh tổ chức với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau như tài chính, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, y tế, giáo dục… đến từ cả 2 nước, Anh và Việt Nam.

(Ảnh minh họa 1: Sự kiện được tổ chức ngày 02/10/2019 cạnh London Eye)

Nếu không tham gia sự kiện này chắc tôi sẽ không thể nào biết được có những người phụ nữ vẫn đang miệt mài quảng bá nền kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chị Phạm Bảo Hà, thành viên Ủy Ban Việt Nam-UK đã có phần mở màn ấn tượng với những  hình ảnh, con số thống kê, thực tế và cơ hội của nền kinh tế Việt Nam khiến bạn bè quốc tế phải thán phục. Tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam thuộc một trong những nước cao nhất thế giới với 73%. Với tăng trưởng GDP tăng 7.1% so với năm trước, nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực. Và một trong những đóng góp quan trọng đó, không thể không kể đến vai trò của những người phụ nữ.

Hai diễn giả chính của buổi tọa đàm hôm đó là bà Irene Ohler, đồng tác giả cuốn sách “Con gái Bà Triệu thế kỷ 21”*phác họa về 20 người phụ nữ Việt Nam với những dấu ấn riêng biệt, cùng với chị Thao Griffith hiện đang là Cố vấn chính sách cho Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hà Nội. Hiếm có người phụ nữ nước ngoài nào lại có góc nhìn mới mẻ và ấn tượng sâu sắc về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam như bà Irene Ohler. Theo bà, điều ấn tượng nhất về những người phụ nữ Việt là nghị lực, và sự cố gắng không mệt mỏi trong cuộc sống cũng như trong con đường tìm kiếm hạnh phúc của bản thân mình.

Chị Thao Griffith- cũng là một nhân vật tiêu biểu trong cuốn sách của Irene Ohler. Tôi đặc biệt ấn tượng với sự tự tin trong cách chị trình bày và câu chuyện mà chị chia sẻ. Sinh ra ở tỉnh miền núi Hà Giang, tuy nhiên điều đó không làm cản trở khao khát được học tập và phát triển quê hương của chị. Chị đã giành được học bổng Fulbright và đảm nhận những vị trí đầy thách thức ở độ tuổi còn rất trẻ. Ở chị, tôi tìm thấy một niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể làm được những điều mà bản thân tưởng chừng như không thể.

“Think bigger themselves” là cụm từ được nhắc đến trong buổi tọa đàm ngày hôm đó khi nói về những người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Tôi trở về nhà với niềm tự hào và một niềm hy vọng rằng một ngày nào đó mình cũng có thể đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như những thế hệ đi trước đã làm.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác rưng rưng khi bài hát “Hello Việt Nam”, cùng với hình ảnh của những người lao động, nụ cười và vẻ đẹp Việt Nam, hiện lên bên cạnh London Eye – biểu tượng của London, một trong những trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu.

Tâm Bùi & Linh Luyện

London, 18/10/2019

*“Con gái Bà Triệu thế kỷ 21” là tiêu đề cuốn sách cùng tên phác họa về 20 người phụ nữ Việt Nam với những dấu ấn riêng biệt của tác giả Irene Ohler và Đỗ Thùy Dương, được xuất bản cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Tâm Bùi là học giả Chevening khóa 2019/2020, ngành Thạc sĩ Khoa học Phát triển tại SOAS, University of London.

Linh Luyện là học giả Chevening khóa 2019/2020, ngành Thạc sĩ về Doanh Nghiệp Hợp Tác và Sáng Tạo tại University College London.

How I won the Chevening Scholarship (and How you can, too), Part 1: Building a Profile

How I won the Chevening Scholarship (and How you can, too), Part 1: Building a Profile

In July 2019, I was honored to receive the Chevening Scholarship to get my Master’s Degree in Digital Media, Culture and Society at the University of Brighton, UK. If you don’t know, Chevening is a prestigious scholarship funded by the UK Foreign and Commonwealth Office. Every year for the past 

[Thông tin] Chevening scholarships 2020/2021

[Thông tin] Chevening scholarships 2020/2021

Greetings from Chevening Scholarships Team of the British Embassy Hanoi! We are delighted to announce that the Chevening scholarship applications for academic year 2020/2021 are now open. Some highlights of Chevening scholarships: Chevening scholarships programme in Vietnam, managed by the British Embassy Hanoi, provides a 

8/3 Ở XỨ SƯƠNG MÙ – TUYẾT MÀU TRẮNG VÀ SOCOLA MÀU ĐEN

8/3 Ở XỨ SƯƠNG MÙ – TUYẾT MÀU TRẮNG VÀ SOCOLA MÀU ĐEN

Hãy cùng làm tách trà nhâm trì trải nghiệm 8/3 của bạn Phương Anh – Chevener năm nay nhé. Có những chuyến đi đến bất ngờ nhưng hằn sâu mãi trong ký ức chúng ta, gợi nhớ về một thời còn trẻ và sẵn sàng cho mọi thử thách.

——————————–

Hôm 8/3, anh bạn nhắn tin hỏi “8/3 có hoa không em”. Tôi buồn cười nhắn lại “Snow flower, too much snow flower”.

UK kỷ niệm 8/3 theo một cách rất khác ở VN, chẳng mấy ai tặng hoa, tặng quà ngày đó cả. Cũng tình cờ, tôi lại tự tặng cho mình một trải nghiệm, câu chuyện để kể, để nhớ về cái trò “nghịch dại nhất từ bé đến giờ”.

Đến giờ tôi cũng chẳng hiểu sao tôi lại nhận lời đi Fort William với anh chị Chevening để leo lên đỉnh núi cao nhất UK-Ben Nevis. Trong những tiểu thuyết hay phim lãng mạn tôi thích như Notting Hill, Me before you, Kiêu hãnh và định kiến, nhân vật nam chính hay tên là William. UK còn có hoàng tử William nữa chứ. Vậy nên, cứ mỗi lần nhắc đến William trái tim tôi lại “rộn ràng” khó tả.

Đến hôm chính thức để tâm đến việc chuẩn bị đi, tôi nhìn vào google map mới hoảng loạn. Fort William cách London cả một gang tay. Xa quá xa. Trước khi đi, anh chị nói tập thể lực trước vì leo núi khá vất vả. Tôi cũng thử đứng lên ngồi xuống 20 cái, xong thì ê ẩm toàn thân hết cả tuần. Rồi mọi người lại gửi tin dự báo thời tiết, gì mà -20 độ C. Tôi lại còn vướng lịch học kẹp 2 tuần đầu chuyến đi. William này không được lãng mạn cho lắm. Tôi bắt đầu thấy chùn, lười và sợ. Nhưng cũng vì cái thể diện, đâm lao phải theo lao, tôi đặt vé tàu, đi mua áo ấm và găng tay chống tuyết.

Ngày lên đường, London lên đèn dưới cơn mưa xuân nặng hạt. Chuyến tàu đêm kéo dài 13 tiếng dọc chiều dài nước Anh đưa “Harry Porter” rời London náo nhiệt đến vùng núi cao xa xôi Fort William. Tôi gặp mọi người khi tàu tạm dừng ở Edinburgh lúc 4h sáng. Rồi sau đó, con tàu bắt đầu đi lên cung đường quanh co sườn núi, vùng cao nguyên Scoland hiện lên hùng vĩ dưới bình minh. Tôi tỉnh giấc rồi cứ ngồi đó nhìn ra những bông tuyết trắng xóa bay vút qua cửa sổ tàu. Sống ở đất nước “nhiệt đới gió mùa”, chủ yếu là nóng, tôi vẫn mong ước được thấy tuyết trắng xóa. Tôi còn ghen tị với các bạn Chevening khác post ảnh tuyết rơi dày đặc, còn tôi ở trung tâm London tuyết rất hiếm, nếu có rơi thì chỉ lất phất, li ti. Tuyết trên cao nguyên Scotland hôm ấy đẹp đến mê mẩn.

Những bông tuyết trắng xóa bên khung cửa sổ tàu

Tàu dừng bến cuối khi trời đang mưa. Fort William là thị trấn nhỏ với những ngôi nhà gỗ trắng xinh xắn vắt vẻo bên những con đường dốc thoải quanh co. Thị trấn nằm bên hồ lớn, xa xa thấp thoáng những đỉnh núi tuyết trắng sừng sững. Đi dạo trong thị trấn dưới trời mưa xuân lất phất, cái lạnh thoáng qua trên má khiến tôi nhớ những ngày ở Đà Lạt. Chúng tôi check in vào căn Airbnb rất rộng. Điều khiến tôi thích nhất là tầng áp mái, có ban công, cửa kính lớn nhìn hướng ra hồ rộng mênh mông, có giá sách to và nhiều ghế sô pha. Chúng tôi “rã đông” bằng cà phê nóng, ngồi đọc sách và nghe album của Celine Dion.

Thị trấn nhỏ với những ngôi nhà gỗ trắng xinh.

Chiều muộn, bạn hướng dẫn tour đến kiểm tra đồ đạc, quần áo, đưa chúng tôi đi thuê giày và dặn dò cho chuyến đi ngày hôm sau. Chúng tôi có chút lo lắng bởi dự báo thời tiết ngày mai mưa, khá xấu. Do tối chơi bài bị thua, tôi là 1 trong 4 đứa phải dậy chuẩn bị đồ ăn sáng và đồ ăn trưa mang đi. Qua cửa sổ nhà bếp, tôi nhìn thấy nắng sớm ửng vàng chiếu rọi màu trời xanh nhạt trên đỉnh núi tuyết trắng xóa phía xa. Tôi bảo anh chị nắng rồi, mọi người bảo “trộm vía, nói nữa mưa xuống bắt đền”.

9h sáng, hành trình lên đỉnh núi Ben Nevis bắt đầu. Đoạn đầu tiên khá dễ thở. Tôi thích nhất mỗi lần dừng chân ngước lên trời thấy nắng vàng thênh thang trên bầu trời xanh thẳm.

Nắng thêm thang trên bầu trời xanh thẳm.

Đi được 1/4 chặng đường, tuyết bắt đầu bay nhẹ. Anh bạn đi cùng bảo “Phương Anh cầu được ước thấy nhé, tuyết của em kìa”. Tôi thử cái trò mà em cùng nhà bảo, há mồm ra để tuyết chạm vào đầu lưỡi xem có giống ăn kem không. Tôi bắt đầu nhìn thấy những nhúm tuyết nhỏ rải rác trên đường, rồi đến những thảm tuyết mỏng và càng lên cao tuyết càng dày lên cho đến khi đôi giày của tôi ngập trong tuyết.

Sức đuối, tôi bắt đầu mệt lừ đừ. Đôi giày đi tuyết nặng trịch, cứng đờ khiến chân chẳng muốn bước tiếp. Xung quanh một màu trắng xóa, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng gió rít, tiếng những hạt tuyết lộp bộp tạt vào áo khoác và tiếng thở của chính mình. Mà đó là đá cục chứ chẳng còn là bông tuyết nữa. Có một nỗi khổ chắc chỉ những đứa cận mới hiểu là khi tôi đeo khẩu trang để giữ ấm mũi và miệng, kính của tôi mờ đi vì hơi nước, tôi đành bỏ kính cận và chấp nhận đi không có kính. Rồi gió vẫn thổi, có đoạn gió mạnh, hạt tuyết va vào gò má tê cóng đau rát và bay vào mắt cay xè.

Tôi tự trách mình “Mình đang làm cái quái gì thế này? Tại sao lại rời London yên ấm để tự hành xác thế này nhỉ? Mà sao tôi lại đầu tư nhiều tiền và thời gian cho một chuyến chẳng có trong kế hoạch của mình khi đến UK?”… Giữa những suy nghĩ linh tinh, ông anh đi trước quay lại nói với tôi “Cố lên, Chevening còn đỗ được”. Tôi phì cười “uhm, Chevening đỗ rồi thì làm gì tiếp. Tôi tiêu tiền nữ hoàng chẳng nhẽ lại chỉ làm những việc tôi vẫn làm như khi ở Hà Nội”. Ít ra lúc đó, tôi chợt nhận ra một cái tôi thật khác, khác nhất sau 6 tháng đặt chân đến UK.

Chúng tôi qua các cột mốc rồi dừng lại để nghỉ 1 phút, không nghỉ lâu vì sẽ không kịp quay về trước khi trời tối. Cứ đến một đoạn nghỉ, chân tôi lại khụy xuống ngồi trên tuyết vì quá mỏi. Chẳng biết ngoài trời bao nhiêu độ, người tôi nóng bừng.

Đến khi tôi mệt lắm rồi, cô bạn đi cùng cho tôi một thanh socola ăn để lấy sức. Đó là thanh socola ngon nhất tôi từng ăn. Nó cứng đơ trong cái lạnh âm độ C giữa sườn núi tuyết, nhân caramen ngọt lịm dẻo quẹo bọc trong lớp socola đen thơm lừng phủ lạc bùi bùi giòn tan, còn có cả cái vị tê lạnh của bông tuyết tan dần trên môi tôi. Từ bé mỗi lần bố đi công tác về socola xếp đầy tủ lạnh tôi chẳng bao giờ động đến nhưng chẳng hiểu sao từ khi ở London tôi nghiện Socola. Đặc biệt là sau khi ăn cây kem vị Windsor Castle Chocolate hôm đến thăm cung điện Buckingham, cây kem lạnh mát trong trẻo vị mùa thu ngon đến sửng sốt. Cái cảm giác nhai viên socola chip giòn tan đắng ngắt trước khi kem ngọt lịm mềm mịn tan dần trong miệng khiến tôi thích mê. Và từ đó tôi ăn bánh phải tripple chocolate, mỗi khi có lý do đặc biệt (hoặc không đặc biệt lắm) tôi lại mua kem que phủ socola về ăn. Thanh socola đó thực sự cứu tôi khi tôi chỉ muốn nằm yên một chỗ. Tôi đã thề là khi về tôi sẽ mua nó ăn cho bỏ thèm. Tôi hiểu rằng lúc sắp lăn đùng ra giữa trời không hiu quạnh này thì béo hay gầy có nghĩa lý gì chứ, bạn sẽ chỉ nghĩ làm sao yêu bản thân nhất có thể.

Tuyết ngập đến đầu gối, gió vẫn thổi tuyết bay mù mịt. Nhìn quanh 360 độ, không thể tin nổi tôi đang ở giữa cái khung cảnh mà tôi thỉnh thoảng vẫn thấy trên Discovery Channel. Đầu tôi lại bắt đầu nghĩ đến socola nóng, ngâm bồn nước nóng hay mình sẽ làm 1 nồi lẩu vào tối nay rồi lại nghĩ đến cái đầu gối mỏi nhừ và trận tuyết càng ngày càng nặng. Tôi nhìn thấy đỉnh núi trước mặt. Thật gần. Tôi gần như bò ra lên đường, đi hai bước, dừng thở 10 hơi. Tuyết mềm xốp, giày tôi cứng nặng ngập sâu trong tuyết, bước chân như buộc tạ. Sao mà nhìn ngay kia mà nó xa thế không biết.

Đoạn đường vẫn còn rất xa và gai góc.

Và với tốc độ sánh ngang rùa, cuối cùng tôi cũng lết được lên đỉnh núi. Điều đầu tiên tôi làm là bỏ gậy xuống rồi nằm ra dưới chân cột mốc, ôm cái cục tuyết trắng tinh như ôm cái gối ôm ở nhà. Vừa nằm chưa được một phút, các anh chị lại kéo dậy để chụp ảnh. Ơn trời tôi vẫn đủ sức cho một nụ cười thỏa mãn.

Nụ cười thỏa mãn của cả đoàn trên đỉnh núi.

Chúng tôi ra một góc khuất để ăn nốt gói đồ ăn trưa mang đi từ sáng. Chai nước suối tôi lấy bên đường uống lạo xạo băng lạnh buốt. Nghỉ một lát, chúng tôi lại đi xuống. Nhưng đường về còn tệ hơn đường lên. Thời tiết càng lúc càng xấu, gió mỗi lúc một to cảm giác như có bão. Tôi chỉ ước mình biến thành một quả cầu tuyết và lăn xuống cho lẹ. Có những lúc tôi hoảng sợ khi trời bụi mù mà mắt ko đeo được kính nên tôi không thấy anh chị đi trước. Có lúc tuyết vào mắt cay xè khó lắm mới mở lại được. Có một đoạn gió to quá, tôi hét ré lên và bị ngã bệt xuống tuyết ngồi ôm gối, quay lưng lại để tuyết đập vào lưng thay cho vào mặt. Tóc tô

i tuột ra khỏi mũ đóng đá cứng đơ. Và tệ nhất là có khúc cua, vì sợ trượt xuống dốc, tôi đi sát vào đoạn tuyết dày phía bên trong đường, tuyết lún sâu, khi chân tôi dẫm xuống, ống đồng tôi đập ngay vào hòn đá đau điếng. Nhìn cảnh lúc đó sợ kinh hồn, nhờ ơn trời đất, chỗ tuyết tôi dẫm lên và số những bông tuyết tát vào mặt tôi hôm nay đủ bằng 25 mùa đông qua cộng lại. Thôi thì giấc mơ tuyết trắng thành hiện thực, con cũng chẳng dám ước thêm.

Tuyết ngớt dần khi chúng tôi đi xuống thấp hơn. Khi thấy ánh mặt trời vàng ươm lấm lem trên đỉnh núi màu cỏ úa trước mặt, màu xanh cây cỏ và màu xanh của bầu trời dần thay cho màu tuyết trắng mênh mông, tôi nhẹ cả người. Đi xuống đi qua những dốc đá, tôi thậm chí còn chẳng có ký ức nào về đoạn đường mà sáng nay đã đi qua. Trời xanh trên đầu và đỉnh núi tuyết xa dần phía sau lưng. Chúng tôi xuống chân núi khi ánh chạng vạng bắt đầu buông xuống nhuộm vàng những đồng cỏ xanh ướt đẫm sau cơn mưa.

Năm tiếng để đi lên đỉnh núi và ba tiếng để đi xuống. Tôi nghĩ về rất nhiều điều. Thực lòng vẫn không hiểu tại sao mình lại bắt đầu chuyến đi này. Một chuyến đi có quá nhiều điều xa lạ và trời cho tôi “nghịch” tuyết đã đời. Giờ nghĩ đến tuyết tôi còn rùng mình. Một phút nào đó trên chặng đường lên Ben Nevis, tôi thấy tôi của những ngày xưa, không phải tôi lúc ở văn phòng, không phải bên lò nướng bánh, hay lúc ngồi dạo phím đàn…mà là một câu chuyện rất cũ. Cái hồi ấy, khi ngây ngô, chẳng biết gì, chẳng có gì nhưng luôn nói với bản thân rằng “Tôi sống hết tôi từng khoảnh khắc”.

Người ta sinh ra con trâu để cày, con muỗi để vo ve, và không sinh ra tôi để leo núi tuyết. Lần đầu và tôi tin đó là lần cuối. Nhưng cuộc sống này còn nhiều đỉnh núi khác phải vượt qua. Tôi lại nghĩ đến câu hỏi 8/3 mà nhiều người hỏi đến lạ. Để leo lên đỉnh núi ấy, con gái không cần hoa tươi. Điều tôi cần nhất là lời động viên và một thanh socola đen đắng ngắt để có thêm năng lượng đi qua những con đường tuyết lạnh trắng xóa.

Sáng chủ nhật, chúng tôi còn định đi cao nguyên Glen Coe nhưng chân đau rã rời, nên dành 1 ngày lười biếng dậy muộn, ăn sáng no nê và cà phê đến khi lên tàu về nhà.

Đoàn chinh phục Fort William.

20h 10/3/2019
Kỷ niệm tròn 6 tháng đặt chân đến nước Anh.

Bài viết: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019

Link bài gốc: https://callmeviolet.com/uk-diary-thu-thach-ngay-8-3-chinh-phuc-ben-nevis/

Hình ảnh: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019