THÁNG 11 VÀ MÀU HOA POPPY
Những ngày này, trên đường phố UK, bạn dễ dàng nhận ra trên áo những người qua đường xuất hiện thêm một bông hoa đỏ thắm. Đó là poppy, những bông hoa cứ đầu tháng 11 hàng năm lại “nở” khắp các ngả đường và trong lòng người dân UK, nhắc họ không quên quá khứ đau thương từ những cuộc chiến tranh và trân trọng giây phút thanh bình hiện tại.
Armistice Day (Ngày Đình Chiến) được kỷ niệm vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, kể từ sau khi Chiến tranh thế giới I kết thúc. Tại một vài thành phố ở UK, khi đồng hồ điểm 11 giờ sáng ngày 11/11, toàn bộ các hoạt động, bao gồm cả phương tiện giao thông, sẽ ngừng lại trong vòng hai phút. Bởi vào thời khắc đó của năm 1918, các nước đồng minh và quân đội Đức tuyên bố ngừng cuộc chiến.
Armistice Day vì thế có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng đối với người UK. Một lễ tưởng niệm quy mô quốc gia được tổ chức vào buổi tối ngày 11 tháng 11 hàng năm (gọi là Festival of Remembrance), và được tường thuật trực tiếp. Một trong những nghi thức quan trọng và xúc động trong buổi lễ này là hàng trăm ngàn cánh hoa đỏ được thả rơi, mỗi cánh hoa là một người lính đã mất trong hai Thế chiến (mình không chắc lắm về số lượng cánh hoa). Năm nay, lễ tưởng niệm được tổ chức tại Royal Albert Hall (London). Mình cũng lần đầu được xem vì năm trước không có TV, cũng không biết ngày 11/11 lại đặc biệt như thế.
Xuất phát từ Armistice Day, ngày Chủ nhật gần nhất với ngày 11/11 hàng năm được chọn làm ngày Remembrance Sunday. Không chỉ tưởng niệm những người đã hy sinh trong hai Thế chiến, Remembrance Sunday còn hướng về những cuộc chiến sau năm 1945 có quân đội UK tham dự, những người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và quốc gia, gồm cả cảnh sát, lính cứu hỏa… Vào ngày này, một buổi lễ long trọng khác được tổ chức với sự có mặt của Hoàng gia, Chính phủ, quân đội, các cựu binh và gia đình. Mọi năm, Nữ hoàng đều đặt vòng hoa tại Cenotaph – đài tưởng niệm chiến tranh ở Whitehall, London. Năm nay, lần đầu tiên Hoàng tử Charles thay mặt Nữ hoàng thực hiện nghi thức này. Cùng với đó, tất cả nhà thờ ở UK cũng làm lễ tưởng niệm.
Gần 100 năm qua, màu hoa đỏ cứ đều đặn xuất hiện trên áo những người dân UK mỗi khi tháng 11 đến, để gợi nhớ những tang thương của chiến tranh. Màu đỏ chỉ đơn giản là màu của máu. Chiến tranh chẳng đem lại gì ngoài máu. Những bông poppy được lấy cảm hứng từ bài thơ “In Flanders Fields” – được sáng tác trong Chiến tranh thế giới I. Ngày đó, poppy mọc đầy trên những cánh đồng ở Flanders, nơi những người lính hành quân qua, và nằm lại.
A Cross of Remembrance around the Tower of London – Credit to Flickr@Mike
Một điều thú vị là poppy ở Scotland không giống poppy của England, Wales hay North Ireland. Trong khi ba người anh em kia đều thiết kế poppy với hai cánh và một chiếc lá, thì poppy của Scotland có bốn cánh và một cuống hoa, không có lá. Mình đã hỏi quanh một hồi thì nhận được lời giải thích khá “racist”, rằng Scotland đơn giản là muốn một design khác biệt mà thôi (ý là mấy anh khác, tôi khác, chúng ta chẳng liên quan gì nhau). Các cô các bác ở nhà ga còn đùa rằng “bọn mình là different country mà”. Mình nói “racist” là cho vui vậy, thật ra Scotland kiêu kỳ của mình lúc nào cũng muốn khác biệt với phần còn lại của UK. Bạn có thể mua poppy ở bất cứ nơi đâu: nhà ga, bưu điện, trung tâm mua sắm, siêu thị, bệnh viện, trên đường phố… Bạn có thể trả nhiều hơn mức giá đưa ra, vì đây không phải mua bán, mà là đóng góp. Đôi khi, khó mà thờ ơ bước qua một chàng đẹp trai trong bộ quân phục, với nụ cười sáng ngời, mời bạn mua một bông hoa đỏ. Nói vậy thôi chứ mình chẳng mua của anh đẹp trai nào cả. Số tiền thu được từ poppy sẽ được dùng để giúp đỡ những cựu binh chiến tranh và những người lính bị thương tật hoặc lâm vào cảnh khó. Và dĩ nhiên là dùng trong nội bộ Scotland thôi, không cho, cũng không nhận từ mấy người anh em kia, haha.
Poppy bốn cánh và một cuống hoa – Credit to Flick@Charlie Clark
Poppy không chỉ xuất hiện ở UK. Các quốc gia thuộc khối Commonwealth cũng có Remembrance Day và cũng cài poppy trên áo. Các bạn ở VN có thể thấy Thủ tướng Canada những ngày gần đây cũng mang một đóa hoa đỏ thắm trên ngực.
* Bên dưới là hình ảnh tại lễ tưởng niệm Armistice Day ở Edinburgh, nhiều người đã khóc khi đặt lên thảm cỏ cây thánh giá có tên người thân đã hy sinh trong chiến trận. Hơn một ngàn cây thánh giá đã được đặt sáng nay, và sẽ còn nhiều hơn trong những ngày tới. Những dòng nhắn gửi đến người thân trên thiên đường được treo lên một cây lớn. Đối với bất kỳ quốc gia nào, chiến tranh cũng đau thương. Có khác chăng là cách chuyển hóa đau thương của những người hiện tại mà thôi.
Bài: Ngô Lê Ngữ Anh (University of Stirling) – Học giả Chevening 2016-2017
Ảnh: Ngô Lê Ngữ Anh, Walter Scott Monument, Edinburgh Franz.