“Liên hoàn cước” Durham, Newcastle, và Edinburgh trong học kỳ đầu của mình (Phần 2)
Tiếp theo phần trước, phần này kể về chuyến thăm của mình đến thủ phủ của Scotland.
Phần 2: EDINBURGH
Một tuần sau khi đi Durham thì mình lại đi tiếp, lên Edinburgh cho chuyến thăm Quốc hội Scotland – một chương trình khá thu hút của Chevening.
Vì ban tổ chức đã nói là không được chụp ảnh khi vào trong tham quan nên mình răm rắp nghe lời. Sau đây là vài ảnh trong phòng thông tin. Quốc hội Scotland rất coi trọng giáo dục nhận thức chính trị cho người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh niên, nên họ thường có những tour tham quan cho các trường học. Các phương tiện thông tin như mô hình, tờ rơi, video, màn hình câu đố tương tác, hoặc thông tin tương tác đều được đầu tư rất kỹ lưỡng.
“Chính trị tác động tới hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta” – họ viết như thế trên bảng thông tin về bầu cử: lịch sử bầu cử Quốc hội Scotland, những gì đại biểu Quốc hội sẽ làm cho bạn, bạn ký đơn kiến nghị thế nào, bạn có thể lập hoặc tham gia một nhóm vận động, tạo áp lực ra sao, bạn có thể yêu cầu đại biểu Quốc hội tài trợ một sự kiện để người dân nêu được tiếng nói, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc đưa ra bằng chứng nào đó để đại biểu Quốc hội thu thập, và có cả hướng dẫn cách bạn tự ứng cử.
Ai chán “tương tác” điện tử thì chơi với các tấm bảng trên. Năm 1792, chính trị Scotland chúng ta có sự kiện gì lớn? Đoán xong trúng trật gì thì cũng lật ra mặt sau kiểm tra nhé.
Mô hình phòng họp Quốc hội Scotland – nơi người ta đề xuất ý kiến và tranh biện dữ dội để có những chính sách tốt. Thành viên các đảng sẽ ngồi gần nhau (được đánh dấu cùng màu) để dễ hỗ trợ lẫn nhau.
Một tấm poster ở Quốc hội Scotland làm mình nhớ đến buổi đi siêu thị tối hôm trước với gia đình cho mình ở nhờ. Ở London khi đi siêu thị, mình đã biết một bịch nylon sẽ tốn 0.5 bảng. Nhưng giờ mình mới biết, nếu mua loại “Bag for life”, được làm từ 100% nhựa tái chế với số tiền cao hơn chút, thì khi bịch nylon đó bị rách hỏng, bạn tới quầy đổi cái mới miễn phí. Coi như chỉ cần mua một bịch thôi là cứ xoay vòng đổi hoài.
Tiền bán bịch nylon sẽ được các siêu thị tài trợ cho các quỹ từ thiện. Chính vì nó đánh vào túi tiền người dân nên người ta (trong đó có mình) mỗi lần đi siêu thị là mang theo một túi sẵn để đựng. Vừa khỏi tốn tiền vừa hạn chế thải nylon ra môi trường.
Buổi đi siêu thị hôm trước còn cho mình điều mới nữa: ở Scotland từ năm 2013, thuốc lá không được trưng bày công khai trên quầy để hạn chế thanh thiếu niên nghĩ tới rồi tập tành hút thuốc, cũng như ủng hộ người muốn bỏ thuốc. Đương nhiên nếu bạn muốn hút thì cứ tới mua, nhưng mọi loại lấy ra đều có bao bì y như nhau, không có logo hay bất cứ thứ gì thể hiện thương hiệu. Và bạn phải tự hỏi thông tin loại thuốc lá bạn cần, như giá tiền chẳng hạn, chứ không để giá lên sản phẩm.
Thế sao không cấm hẳn luôn cho đỡ lằng nhằng? Không, thuốc lá là một nguồn thu thuế vô cùng dồi dào cho chính phủ mà.
Chú và mình đi siêu thị Asda sau 7 giờ tối. Sau giờ này, họ sẽ giảm giá mạnh rất nhiều mặt hàng thành đồng giá 10 pence (1/10 bảng). Chú mua hai chai sữa. Thay vì 3 bảng thì giờ chỉ còn 20 pence! Chú nói ở Anh, tất cả các siêu thị đều có giờ giảm giá mạnh trong ngày. Chỉ là mỗi siêu thị mỗi giờ khác nhau tùy lượng hàng tiêu thụ hôm ấy, và họ có nói cho mình biết để canh hay không.
Chú dẫn mình đi siêu thị, chỉ cho mình vụ túi nylon và thuốc lá, là chồng của cô trong ảnh. Đây là nơi mình xin ở nhờ qua Couchsurfing. Mình ngủ trên chiếc ghế bành cùng em mèo rất sang rất chảnh. Đây là một gia đình kỳ lạ về phong cách sống, với những chấn thương tâm lý rất lớn của cả hai cô chú trước đây. Nói chung toàn chuyện buồn nên mình sẽ không nói ở đây.
Nhưng mình học được nhiều từ họ. Cô đi lại khó khăn nên thường nhờ chú làm việc nhà, lấy cái nọ dẹp cái kia. Chú luôn làm một cách nhanh nhẹn, đầy chú ý và cẩn thận. Hơn nữa, chú làm việc nhà như con thoi nhưng xem đó là chuyện bình thường của mình, chứ không phải với tâm lý “giúp vợ”. Còn cô nghiêm khắc, thẳng tính và tốt bụng.
Mình đi chợ Giáng sinh với chiếc khăn choàng poncho đan bằng tay, của cô chủ nhà cho.
Bộ trang phục truyền thống của đàn ông Scotland với hoa văn ca rô tartan có màu sắc tùy từng bộ tộc ở đây. Kia là kèn ống bagpipe âm thanh réo rắt mình đã nghe lần đầu trong phim “Joyeux Noël” (2005) về Thế chiến thứ I. Khi một cha xứ Scotland thổi bài “I’m dreaming of home” đêm Giáng sinh giữa tiền tuyến, bên kia chiến hào, lính Đức và Pháp im lặng nghe và rồi ba bên quyết định đình chiến hôm đó. Họ hát cùng nhau, trao đổi chocolate, rượu, khoe ảnh của vợ, đá bóng và cùng chôn lính tử trận. Scotland trong mình ấn tượng hơn là nhờ phim này.
Nhưng thật ra mình đã mơ ước đến Scotland từ lớp 6, lúc mình đọc bộ truyện tranh “Candy Candy” (Kyoko Mizuki) ở quê.
Nhờ bộ truyện này, mình mới biết đến bộ đồ truyền thống của Scotland, các bộ tộc, chiến tranh thế giới, lễ hội mùa xuân May Day, Michigan, Chicago… Ước mơ được đặt chân đến Anh và Mỹ của mình cũng được nuôi dưỡng từng ngày từ đó.
Và 15 năm sau, con bé Vy ngày đó giờ đã được đặt chân tới Scotland thật rồi, tận mắt sờ mấy tấm vải ca rô tartan, nghe tiếng kèn ống bagpipe thật rồi.
Thế nên qua hai chuyến đi Durham-Newcastle và Edinburgh này, mình rút ra ba điều:
– Luôn coi kỹ thông tin khi xin ở nhờ
– Hãy đầu tư giáo dục cho thế hệ trẻ, từ những cuốn sách, chuyến đi bảo tàng, cuộc nói chuyện của bố mẹ và con, cho tới những hình thức giáo dục chính trị – xã hội biến cái khô khan thành hấp dẫn, thực tế
– Đừng cấm con em đọc truyện tranh. Hãy chọn lọc truyện có ý nghĩa, đọc cùng chúng và trò chuyện cùng chúng. Biết đâu trong số đó sẽ có nhiều điều theo chúng suốt cuộc đời đấy.
Bài: Tôn Nữ Tường Vy
Ảnh: Tôn Nữ Tường Vy, Jason Studio