Chevening Chinwag #6: Trải nghiệm học tập tại trường Báo chí hàng đầu UK, tham quan toà soạn Bloomberg, Reuters và “sống, thở” hàng ngày cùng nghề báo

Chevening Chinwag #6: Trải nghiệm học tập tại trường Báo chí hàng đầu UK, tham quan toà soạn Bloomberg, Reuters và “sống, thở” hàng ngày cùng nghề báo

Chevening Chinwag* là một chuỗi những buổi trò chuyện với các học giả Chevening Việt Nam. Các Cheveners sẽ chia sẻ về chặng đường Chevening sinh động, thách thức và đáng nhớ của họ.

Theo dõi series bài viết này, bạn sẽ nhận được:

  • Chia sẻ cá nhân của từng học giả về Trường/Khóa học tại UK: phương thức học tập; cơ sở vật chất, và sự hỗ trợ giành cho sinh viên quốc tế…
  • Tips để tận dụng tối đa trải nghiệm tại UK: tham dự sự kiện của Chevening, workshops tại Trường, thực tập, tình nguyện, và du lịch…
  • Lời khuyên về việc làm thế nào và tại sao bạn nên ứng tuyển cho học bổng Chevening.

Hãy đặt câu hỏi của bạn ở comments ở dưới, và theo dõi những số tiếp theo của CheveningChinwag và rất có thể, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho thắc mắc của bạn!

Trong buổi Chevening Chinwag lần này, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Nguyễn Thị Nam Phương, học giả Chevening Việt Nam 2019/2020 ngành Báo Tài chính (Financial Journalism) tại Đại học City, University of London. Qua những chia sẻ của Nam Phương, bạn sẽ biết thêm về việc chung với các thầy cô và bạn bè giỏi “ná thở” đến từ khắp thế giới, tham quan các toà soạn danh tiếng, cũng như cơ hội được nghe các phóng viên kì cựu của Financial Times và BBC chia sẻ chuyện tác nghiệp như thế nào.

[*] Chinwag (n.) /ˈtʃɪn.wæɡ/:  một buổi nói chuyện vui vẻ giữa những người bạn.

 

Q: Chào Phương! Bạn có thể chia sẻ cảm nhận chung của mình về việc học báo chí ở UK được không? Đâu là lí do khiến bạn chọn trường City, University of London để theo học lĩnh vực rất năng động này?    

A: Xin chào Chinwag! Giống như nhiều chương trình thạc sĩ khác ở UK, khoá học của mình chỉ có 1 năm thôi, nên chương trình học khá nặng và thử thách, nhưng cũng rất thú vị.

Mình rất thích việc các khoá học Thạc sĩ Báo chí ở UK mang tính chuyên sâu cao, tức là các ngành học tập trung cụ thể vào lĩnh vực ngách mà bạn muốn theo đuổi. Ví dụ nè, khoá học của mình là Báo tài chính (độc nhất vô nhị ở UK nhé!), nhưng trường City còn nhiều lớp khác như Truyền hình, Tạp chí, Báo tương tác, Báo điều tra, Báo dữ liệu.

Ở các trường khác còn có ngành Báo thể thao và Báo thời trang nữa cơ. Vậy nên tuỳ theo lĩnh vực báo chí mà bạn thích, sẽ có khoá học ở Anh phù hợp với bạn.

Lí do nữa mình chọn trường City, là vì trường nằm ở ngay trung tâm London, cạnh khu tài chính, nên đi lại rất dễ dàng. London là một trong những kinh đô lớn của ngành truyền thông thế giới, nên đa phần các phóng viên trẻ, sinh viên trẻ rất hào hứng với nhịp sống năng động nơi đây.

 

Q: Nghe hấp dẫn quá nha! Vậy cụ thể thì chương trình học của Phương tại trường City có những điểm gì thú vị?

A: Chương trình học của mình có hai phần. Phần đầu là các môn học chung của ngành, tức là tất cả sinh viên ngành Báo đều phải học vì nó là những kĩ năng cơ bản của làm báo, như phỏng vấn, đưa tin, biên tập, hiệu đính, đạo đức báo chí, cách sử dụng truyền thông điện tử và luật báo chí.

Bên cạnh các môn học chung, thì từng lớp sẽ có các môn học riêng. Ví dụ như là môn truyền hình, báo in, tạp chí, dữ liệu, viết code, đưa tin quốc tế, ngành mình thì học môn đưa tin tài chính – kinh doanh, ngoài ra còn các môn sáng tạo, kĩ năng điều tra.

Mỗi học kì mình học 4 tới 5 môn, mỗi môn có từ 3 tới 4 giờ học trên lớp với giảng viên. Học trên lớp có thể là ở giảng đường lớn, học chung với tất cả các bạn sinh viên ngành Báo, hoặc là chia nhỏ ra học ở lớp học, mỗi lớp có khoảng 20-30 bạn.

Ngoài giờ lên lớp thì sinh viên còn phải tự học, bao gồm lên thư viện đọc sách, dùng studio của trường, làm bài tập, làm bài nhóm, tham dự sự kiện và mở rộng mối quan hệ

Tụi mình còn có giờ hẹn riêng với giảng viên. Mỗi kì, một sinh viên được hẹn riêng với giảng viên 2 lần, mỗi lần 45 phút. Trong buổi gặp, giảng viên sẽ giải đáp mọi thắc mắc về nghề nghiệp, bài tập hoặc các trở ngại khác trong chuyện học hành của sinh viên – rất là tâm lý luôn nha!

Các giờ học của tụi mình có rất nhiều khách mời – đều là các nhà báo kì cựu, chuyên gia truyền thông hoặc đại diện cơ quan quản lí báo chí. Họ đến lớp học của tụi mình để chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm cá nhân trong nhiều chủ đề khác nhau, như làm freelance, mạng xã hội, sáng tạo cách làm báo, kiểm duyệt thông tin và“tin giả”.

Cuối cùng, khi đi học, tụi mình có nhiều cơ hội được tham quan các toà soạn báo nổi tiếng của Anh. Năm của mình, tụi mình tới tham quan Bloomberg, Reuters, bạn bè mình còn đi thêm toà soạn của The Telegraph và BBC nữa. Mình thích các buổi tham quan này lắm, vì tụi mình được thấy toà soạn cụ thể là như thế nào, lại được gặp các phóng viên và biên tập viên nữa. Tuyệt cú mèo luôn!

Q: Việc thi cử của sinh viên trường báo có gì khác những ngành học khác không nhỉ?

A: Bài tập và thi cử ở trường mình, và mình tin là ở nhiều trường báo chí khác ở UK, đều rất thực tế và liên quan đến công việc làm báo trong tương lai. Những bài tập nhỏ bao gồm “patch stories”, tức là cứ thứ 6 hàng tuần là phải nộp 1 bài viết 250 từ, có phỏng vấn ít nhất 2 nguồn tin. Và bắt đầu mỗi lớp học, tụi mình phải làm bài kiểm tra nhỏ về các sự kiện đang “hot” trong ngày, hoặc trong tuần. Ai không chịu đọc báo hàng ngày là khỏi biết làm! Các bài kiểm tra quan trọng hơn bao gồm bài viết chuyên sâu dài 1.000 hoặc 2.000 từ hoặc bản tin truyền hình 2 phút.

Ngoài ra tụi mình còn làm mạng xã hội, làm website, viết bài cảm nhận về những gì đã học, viết bài luận về vấn đề rủi ro đạo đức nghề báo. Những môn như Luật báo chí hoặc Hiệu đính thì tổ chức thi cuối kì nữa.

Về bài tập nhóm, thì tụi mình có nhiều bài thuyết trình nhóm gồm 2-3 sinh viên. Nói về bài nhóm, thì bài kiểm tra mình thích nhất là Ngày Sản xuất. Tức là cả lớp phải cùng tác nghiệp từ 8h sáng đến 4h chiều, làm sao để sản xuất kịp một tờ báo in hoặc một bản tin truyền hình hoàn chỉnh vào cuối ngày. Rất căng thẳng nhưng đúng tính chất “chạy deadline” của nghề báo.

Q: Trong quá trình học, Phương đã trải qua những khó khăn gì – và bạn làm sao để vượt qua điều đó?

A: Đầu tiên, vấn đề lớn nhất mà nhiều sinh viên gặp phải chính là khối lượng bài tập đồ sộ và rất nhiều bài còn phải nộp cùng ngày. Vì chương trình học chỉ có 1 năm, nên lượng kiến thức bị nén lại, dễ bị “ngộp” lắm. Cách mình giải quyết là điều chỉnh thời gian biểu hợp lí hơn, ưu tiên các bài quan trọng và hỏi kinh nghiệm của thầy cô, bạn bè và dùng các nguồn trợ giúp khác của trường. Chỉ cần bạn hỏi thì sẽ có người giúp bạn.

Mình cũng phải giảm bớt tính cầu kì, không đòi hỏi bài mình nộp phải hoàn hảo nữa bởi trường học cũng là “vùng an toàn” để mình mắc lỗi sai và học hỏi.

Vấn đề thứ hai mình gặp phải là cạnh tranh. Vì tất cả các bạn cùng ngành đều học giỏi và tài năng theo cách của họ – mình được học chung với các “ngôi sao sáng” của toàn thế giới. Và cạnh tranh công việc rất khốc liệt, nên nhiều lúc mình hay so sánh mình với các bạn khác – rồi lo lắng là tại sao mình không giỏi bằng họ. Sau một thời gian thì mình học cách tập trung vào chuyện học của mình, về điểm mạnh điểm yếu của bản thân và bớt quan tâm đến chuyện người khác. Không phải là mình bỏ lơ bạn bè nhé, mà ý mình là mình để ý xem mọi người có thành tích gì để học hỏi, chứ không phải là so đo thành tích của mình với họ.

Mình nhận ra là mỗi người có một con đường riêng, nên mình tập trung vào con đường riêng của mình sẽ tốt hơn là tự ti, ghen tị với các bạn khác. Đấy là cách suy nghĩ tích cực mà mình học được.

 

Q: Cảm ơn Phương vì cuộc trò chuyện thú vị này nhé!

Ngoài việc là một nhà báo tài chính nhiều kinh nghiệm, Nam Phương còn tham gia sáng tạo nội dung trên Youtube kể về những trải nghiệm của bạn ấy trong 1 năm học tập tại UK. Mời các bạn xem video mà Nam Phương thực hiện về trải nghiệm học ngành Báo chí tại UK nhé!