Mình đã viết bài luận về #leadership như thế nào khi apply học bổng Chevening

Mình đã viết bài luận về #leadership như thế nào khi apply học bổng Chevening

Có thể các bạn đã biết, hồ sơ nộp học bổng Chevening bao gồm 4 bài luận, trong đó có một bài về tố chất lãnh đạo (leadership). Thường các bạn chưa có cơ hội làm các vị trí lãnh đạo thường thấy đây là câu hỏi khá khó để viết, vì vậy mình viết bài này hi vọng có thể chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm của mình trong quá trình tự vấn, nhìn nhận và đánh giá lại bản thân để tìm ra những ‘chất liệu’ phù hợp cho bài luận này.

TÌM ĐỊNH NGHĨA ‘LÃNH ĐẠO’ CHO RIÊNG MÌNH

Đầu tiên, để tìm ra được các ‘chất liệu’ cho bài luận về tố chất lãnh đạo, bạn cần trả lời được câu hỏi “Lãnh đạo là người như thế nào? Lãnh đạo cần có tố chất gì?” theo định nghĩa của bạn . Mình tin là mỗi người có một cách định nghĩa và nhìn nhận nó khác nhau. Năm của mình có rất nhiều bạn (trong đó có mình) không làm ở vị trí lãnh đạo tại thời điểm tụi mình nộp hồ sơ và phỏng vấn sau đó nên tụi mình đều phải tự định nghĩa “lãnh đạo” theo cách bọn mình hiểu, trong bối cảnh công việc của bọn mình, và trong những công việc tụi mình đã từng làm để thể hiện mình có tố chất hoặc có tiềm năng trở thành lãnh đạo trong ngành của mình trong tương lai.Nếu bạn cảm thấy “lãnh đạo” là một từ quá mơ hồ, mình gợi ý mọi người tham khảo cuốn “Tâm thư nhà lãnh đạo” của Alphabooks, trong đó có rất nhiều câu chuyện về những nhà lãnh đạo khác nhau, cách họ nhìn nhận về vị trí lãnh đạo cũng như vai trò của mình trong công việc của họ. Thời điểm nộp hồ sơ học bổng, mình khá may mắn vì trước đó có tham gia dịch cuốn sách này và được truyền cảm hứng rất nhiều từ những câu chuyện lãnh đạo khác nhau trong cuốn sách, đặc biệt là câu chuyện về những người làm việc trong khối Nhà nước như mình, từ đó mình có thể khám phá bản thân cũng như định vị bản thân đúng hơn trong lĩnh vực mà mình tham gia cống hiến.Chuyện định nghĩa đúng “lãnh đạo” theo cách của mình này cũng giống như khi bạn đi làm và muốn được thăng chức vậy. Trước khi bạn được thăng từ vị trí nhân viên lên vị trí quản lý thì bạn đã phải có những tố chất của quản lý rồi. Và để có những tố chất đó, mình tin là mỗi người đều phải có quá trình tự khám phá, hiểu mình để rồi tìm cho mình cách riêng để tiến tới vị trí đó.

TÌM ‘CHẤT LIỆU’ CHO BÀI LUẬN

Sau khi bạn tìm ra được “lãnh đạo” đối với mình là gì rồi thì việc cần làm chính là liệt kê các công việc/hoạt động để chứng tỏ được tố chất hay tiềm năng lãnh đạo của bạn. Mỗi người sẽ có cách liệt kê và đánh giá các trải nghiệm khác nhau. Mình gợi ý các bạn nên dành khoảng 1 vài ngày để ‘tự vấn’ xem bản thân đã làm gì, liệt kê các trải nghiệm đã có, những gì bạn làm được, học được từ trải nghiệm đó, và kết luận xem trải nghiệm đó có đủ ‘sức nặng’ để chứng minh tố chất của bạn không.Bạn cũng có thể hỏi từ bên ngoài, nghĩa là gặp gỡ và trò chuyện với những người hiểu bạn và công việc của bạn để tham vấn ý kiến của họ về cống hiến, biểu hiện của bạn trong công việc. Nhiều khi mình nhìn bản thân ‘khiêm tốn’ nhưng trong mắt mọi người lại rất ‘sáng láng và tiềm năng’ nên mình nghĩa đây cũng là một cách khá hay để khám phá bản thân.

CẤU TRÚC VÀ VIẾT BÀI LUẬN

Sau khi đã có chất liệu, bạn sẽ cần phải sắp xếp các ý thành một bài luận hoàn chỉnh. Hãy nghĩ rằng bạn đang kể một câu chuyện về bản thân thay vì viết luận. Mỗi người sẽ có cách kể chuyện khác nhau nhưng phải đảm bảo bài viết rõ ý, mạch lạc.Các bạn có thể tham khảo cấu trúc STAR như sau:

  • Situation: Mô tả tình huống của bạn
  • Task: Nhiệm vụ/trách nhiệm của bạn
  • Action: Bạn đã làm gì để giải quyết tình huống đó
  • Result: Kết quả của hành động của bạn

Đây là một cách tiếp cận khá phổ biến khi viết luận, nhưng bạn cũng lưu ý là khi nói về phần Action, cần viết rõ bạn đã làm gì, không phải là tập thể đã làm gì (một lỗi rất nhiều bạn châu Á thường hay mắc). Và cũng cần thể hiện được ‘sức nặng’ trong kết quả của bạn, rằng việc đó đã giúp bạn thể hiện tố chất/tiềm năng lãnh đạo thế nào.

ĐỌC VÀ SỬA

Sau khi đã ‘soạn thảo’ những bản nháp đầu tiên của bài luận, bạn nên dành khoảng một vài ngày không đọc nó nữa (để quên hẳn những gì đã viết) rồi đọc lại với một tư duy hoàn toàn mới mẻ xem bài viết của mình đã thuyết phục chưa, mạch lạc và rõ ràng chưa.Cá nhân mình thì đề cao nhất là tính mạch lạc, rõ ràng, câu chữ có thể đơn giản nhưng chân thành. Vì vậy hồi mình viết bài xong, mình đã đọc lại câu chuyện của mình cho bố nghe bằng cách dịch thô sang tiếng Việt (nghĩa là nhìn tiếng Anh nhưng dịch sang tiếng Việt ngay thời điểm mình đọc bài luận tiếng Anh đó chứ không chuẩn bị trước). Lý do dịch thô là để đảm bảo không cần câu từ hoa mỹ thì bố mình vẫn hiểu được sự mạch lạc của bài luận và quan trọng hơn hết, là bố mình nghe xong bài luận ấy vẫn thấy đó là mình và nỗ lực của mình trong hành trình tìm kiếm và định vị bản thân chứ không phải một người được dàn dựng bởi ngôn từ.

KẾT

Mình nghĩ mỗi người sẽ có cách riêng của mình để viết bài và sửa bài, vì vậy mọi người cứ tự do khám phá và làm những gì mình thấy là phù hợp với bản thân, không nhất thiết phải đi theo khuôn mẫu nào cả.Học bổng Chevening năm nay đã bắt đầu mở, các bạn nên bắt đầu quá trình viết luận này thật sớm để có thời gian chau chuốt, chỉnh sửa nhé. Chúc các bạn may mắn và thành công ^^


Tác giả: Phạm Nguyễn Anh Thư – Học giả Chevening 2018/2019