Chuẩn bị du học 2: Thái độ
Nghĩ đi nghĩ lại mới dám viết cái này. Mấy năm nay, đứng giữa và chứng kiến nỗi khổ của cả hai bên “xin” và “cho” học bổng thạc sỹ toàn phần, tôi thấy có những thứ không nói ra thì rất bức bối.
Bài viết này dành cho các ứng viên chưa nộp hồ sơ (nhưng rồi sẽ nộp) xin học bổng, đã xin học bổng (nhưng sẽ không thành công), và (sắp) xin được học bổng.
Nói trước:
Thứ nhất, đây là tôi viết dành cho đa số. Bạn nào có ý định phản biện kiểu “nhưng có đứa bạn tôi thế này thế kia mà vẫn được” thì trước hết hãy nghĩ mình nhìn được vấn đề từ mấy chiều và trên bao nhiêu trường hợp.
Thứ hai, câu chuyện ngôn từ trong này sẽ không dễ chịu. Có câu sẽ như vỗ thẳng vào mặt. Quan niệm của tôi về coaching – mentoring là: để sự thât đập vào mặt thật đau rồi vượt qua nó. Chứ không phải cố gắng né tránh hay trì hoãn nó.
Thứ ba, tôi có bằng chứng cho những phát ngôn ở đây. Để tốt cho nhiều người, tôi sẽ không công khai.
Ở Việt Nam, tính đến năm 2016, có 360 người từng được học bổng toàn phần Chevening. 180 người trong số đó đến từ Hà Nội. Không ít người sẽ nghĩ sự thiên vị nào đó.
Thực ra lời giải thích (từ một nguồn đáng tin cậy) khá ngắn gọn: “Có lẽ ứng viên từ Hà Nội chuẩn bị tốt hơn.”
Chữ “chuẩn bị” được dùng ở đây cực kì chính xác. Sau khi đọc hàng trăm bộ hồ sơ cho các học bổng khác nhau, tôi phải nói thật, đa số các ứng viên từ lúc chưa apply đến lúc đã apply đều chuẩn bị thái độ như … thôi mượn lời bà chị đồng nghiệp của tôi: “Giá có cái siêu năng lực invisible punch để đấm vào mặt đứa viết ra cái này”.
Thái độ với kiến thức và thông tin
Cái tôi thấy kì cục nhất là lúc nào các ứng viên cũng “tưởng”. Tưởng mình hiểu về bản thân rồi. Tưởng mình hiểu về ngành mình rồi. Tưởng mình hiểu về công việc sẽ làm sau khi học thạc sỹ rồi K Hoặc tệ hơn thì CỨ APPLY ĐÃ RỒI NGHĨ SAU
Kiến thức về công việc mình đang làm
Ứng viên đều có các kinh nghiệm hay thông tin nhất định rút ra được từ công việc mình đang làm nhưng lại không đối chiếu nó với nguyên lý để rút ra kiến thức.
Mô hình giáo dục ở Việt Nam có thể khiến mọi người coi thường lý thuyết và nghiên cứu. Nhưng thật ra chỉ có nghiên cứu (ở mức đơn giản là đối chiếu thực tế với lý thuyết) mới biết được mình cần học cái gì, hay tại sao lại phải học nó ở bậc thạc sỹ. Chuyện này thuộc chuyên môn mỗi người, tôi không bàn sâu.
Quan trọng là việc này phải được thực hiện thường xuyên liên tục trong nhiều năm. Chứ không phải đến lúc chán làm rồi mới nghĩ đến việc đi du học và xin học bổng, rồi đến trước deadline 2 tháng mới nghĩ xem tại sao mình cần đi học.
Thông tin về trường và khóa học sẽ học
Nếu không có người chỉ dẫn, hầu hết các ứng viên sẽ điều tra thông tin về khóa học một cách hời hợt, kiểu “Em chỉ nghĩ được đến thế”, hoặc “Trường nó chỉ cho thông tin đến thế”. Cuối cùng thông tin về trường chỉ dừng lại ở mỗi cái ranking, trường nằm ở London phồn hoa, trường có bề dày lịch sử – toàn những thông tin phụ.
Ít ra cũng phải tìm hiểu xem: Ai dạy ở khóa học đó? Research focus của giáo viên đó là gì? Có các tiết học nào? Chủ đề học nào? Bao nhiêu % thực hành? Bao nhiêu % lý thuyết và thảo luận? Cách học có phù hợp với mình không? Cựu sinh viên (người Việt) học xong khóa học đó giờ đang làm công việc gì? Họ thấy khóa học có ích thế nào?
Có các thông tin khác biệt một chút như vậy thì mới xin được học bổng chứ!
Thông tin về công việc tương lai
Rất nhiều ứng viên viết trong hồ sơ những tuyên bố không thể nhàm chán hơn như: “Đi học, (sau đó học PhD tiếp) về nước thực hành, một thời gian sau đi vào trường đại học làm giảng viên.”
Ý tưởng này có thể xuất phát từ việc các ứng viên đã đi làm thực tế, nhận thấy những kiến thức sách vở đang được người ta dạy ở trường đại học là không phù hợp. Sau đó cho rằng phải có “kiến thức” thực tế như ứng viên ấy đang có, cộng thêm trang bị bằng cấp từ nước tiên tiến, mới làm giảng viên được.
Nhưng tôi luôn đặt câu hỏi với những ứng viên đó như thế này: “Em có hiểu giảng viên (và PhD) đúng nghĩa là phải làm gì không?”
Khi học càng cao, từ bậc thạc sỹ rồi sau đó là tiến sĩ và sau tiến sĩ, hàm lượng kiến thức và kĩ năng tự nghiên cứu càng lúc càng nhiều. Bậc của bằng cấp càng cao, khả năng tự tạo ra kiến thức chuyên sâu càng tốt.
Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là nếu không xác định sẽ phải tự làm các nghiên cứu to nhỏ song song với thực hành trong suốt quãng đời còn lại, thì các bạn đừng xin học bổng đi học master ở nước ngoài làm gì.
Giảng viên đại học không chỉ biết giảng dạy mà còn phải biết chuyển đổi thông tin thực tế thành kiến thức và ngược lại. Cái nhiều bạn gọi là “kiến thức thực tế” mới chỉ là thông tin thôi. Để trở thành kiến thức, nó cần có sự nghiên cứu với trình độ nhất định. Không chỉ có thế, còn phải nghiên cứu cả đời. Nhiều người cả đời còn chưa làm nổi literature review ra hồn để viết một bài luận, chứ chưa nói đến việc tham gia vào việc nghiên cứu.
“Thì thế nên tôi mới phải đi học để có khả năng nghiên cứu”. Dạ xin thưa, nếu bạn chưa bao giờ làm việc gì đến gần mức chuyên nghiệp nhất định, làm sao bạn biết mình có đủ sức và đủ đam mê với nó không? Có ai muốn cấp học bổng toàn phần cho người không biết chắc về đam mê và/hoặc (chí ít) sở trường của mình không?
Thái độ đúng:
Thứ nhất, không được quyết định khi chưa có thông tin. Trước khi làm hồ sơ khoảng 1-2 năm, tự tìm hiểu thông tin, tự nghiên cứu rồi trả lời các câu hỏi phía trên. Tự trả lời được hết thì tức là đã có thông tin và kiến thức tàm tạm. Lúc này hẵng tìm hiểu thông tin về học bổng. Có thêm thông tin về học bổng rồi mới quyết xem có đầu tư thời gian, công sức, và tiền bạc cho học bổng không.
Thứ hai, lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân: “Mình biết chưa đủ.” Các ứng viên càng care-free thì hồ sơ của các ứng viên có chất lượng càng thấp, và đi phỏng vấn người ta càng không thích. Học bổng hỗ trợ phát triển (cái mà các ứng viên sẽ ngắm đến nhiều nhất) nhắm tới mục đích hết sức nghiêm túc và thực tế: sinh lợi cho nước cấp học bổng. Càng “mindful” về các lợi ích này càng tốt.
Thái độ đối với kĩ năng tư duy và ngôn ngữ
Ưu điểm của các ứng viên là luôn nghĩ được rằng mình tư duy còn non nớt, diễn đạt bằng tiếng Anh còn chưa ổn.
Nhược điểm là sự nóng vội: chả bao giờ chờ được đến khi mình hoàn thiện được kĩ năng, mà cứ phải mau mau chóng chóng làm hồ sơ.
Điều này dẫn đến sự quanh co tù mù từ hiểu đến diễn đạt như ở dưới đây.
Ví dụ: Yêu cầu là “Outline why you have selected your chosen three university courses, and explain how this relates to your previous academic or professional experience and your plans for the future”
Rất thường xuyên, người viết kể lể ra một lô một lốc tình hình Việt Nam đang ra sao, mất tầm 150 từ. Sau đó các ứng viên kể lể cái ngành chung chung mình học là cái chung chung gì, mất thêm 150 từ. Sau đó kể nốt tôi học ngành đó để rồi tôi làm ra cái gì, mất nốt 150 từ. Mà bài luận giới hạn 500 từ. Cuối cùng còn chả nhắc nổi cái tên khóa học với tên trường cho ra hồn. Ý chính người ta hỏi là: Tại sao phải là trường đó mà không phải trường khác? Tại sao phải là khóa học đó mà không phải khóa học khác? Nó liên quan thế nào đến cái mình đã biết và cái mình sẽ làm? Thế cơ mà!
Một câu hỏi khác “Why are the skills and knowledge you have described important to your country’s development?”
Tương tự như trên, các ứng viên ấy sẽ liệt kê ra tình hình VN ra sao blah blah. Sau đó nói rằng nhất quyết phải giải quyết vấn đề to to này này. Xong rồi tôi học cái này này. Xong rồi … hết.
Muốn giải thích tại sao cái gì đó quan trọng, thì phải chứng minh nó khó có thể được thay thế bởi một thứ khác (How irreplaceable it is) và kết quả nó có thể mang lại/vấn đề nó có thể giải quyết. Nêu ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề mới chỉ là một phần của mệnh đề thôi. Phần còn lại là giải pháp. Giữa một đống giải pháp, tại sao chỉ có giải pháp của ứng viên là quan trọng nhất, là không thể thay thế được?
Thứ hai, kĩ năng diễn đạt bằng tiếng Anh của các ứng viên rất chán. Mất mấy tháng cho cái IELTS 6.5 vớ vẩn, trong khi đáng ra apply học bổng là phải thoải. Đi phỏng vấn xin một cái học bổng cả tỷ đồng mà run lập cập, hoặc không thì nói năng như con robot. Thái độ phỏng vấn thì đơ như *poker face* hoặc ỉu xìu. Nội dung thì quanh co lòng vòng, hoặc tìm mãi không biết dùng từ nào để diễn đạt. Ban phỏng vấn phải “kêu dời kêu đất” vì hỏi một đằng các ứng viên trả lời một nẻo, hoặc trả lời quanh co không vào trọng tâm vấn đề, hoặc bị “vặn” thì “đánh trống lảng”.
Thái độ đúng: Nghĩ xem mình đã đạt được những thứ dưới đây chưa:
Viết được academic essay dài tầm 3000 từ. Sang nước ngoài học, viết mấy cái bài luận kiểu này là chuyện rất bình thường. Nếu ứng viên không chuẩn bị trước thì không thể đủ kĩ năng để đi học cao học ở nước ngoài được chứ chưa nói đến xin học bổng.
Ngôn ngữ phải ngắn gọn, chính xác. Học ngoại ngữ đừng có chăm chăm mấy cái IELTS hay TOEFL. Không có chuyện học IELTS càng sớm càng tốt mới xin được học bổng. Cái IELTS nó chỉ là cái hình thức (form) thôi. Cái ứng viên cần là khả năng tạo ra ý tưởng mạch lạc, chính xác. Sau đó là hình thức ngắn gọn, chính xác (cả về viết và nói) bằng tiếng Anh. Đạt đến trình độ đó mới chắc tay vào phỏng vấn được. Mà đã đạt đến mức đó thì IELTS 6.5 là “muỗi”.
Từ thái độ đến giọng nói phải tích cực và truyền cảm. Có những người bạn của tôi, tuy sống rất hướng nội, nhưng vào phòng phỏng vấn mà được đụng chạm đến đúng công việc họ mê là họ “tả xung hữu đột” nói hăng say như lên đồng. Thái độ hay biểu cảm đó đến tự tinh thần thực sự học hỏi liên tục, đam mê, và sự tích lũy kiến thức thật. Chứ không phải đến tận lúc nghĩ tới học bổng mới lôi sách vở ra. Ngoài ra phải luyện tập điều khiển giọng nói của mình mỗi ngày, để lúc cần là nói ra được theo đúng ý. “Di sản” từ tiếng Việt có thể khiến giọng các ứng viên không có stress & intonation. Nhưng khi nói chuyện với người Anh, người Mỹ thì đó là những thứ tối quan trọng. Muốn có cái đó phải chăm chỉ chứ không có chuyện “một bước lên dời”.
Chưa đạt được điều gì thì dành thời gian mà học cho được đi rồi hãy nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần.
Thái độ với việc lên kế hoạch
Tất cả những thái độ thiếu nghiêm túc với kiến thức và kĩ năng dẫn đến việc các ứng viên không nghiêm túc với kế hoạch cá nhân. Thường thì các ứng viên chả có kế hoạch ngắn hạn nào.
Thái độ đúng: Sử dụng backward mapping
Đó là phương pháp lập kế hoạch: đặt ra mục tiêu cuối cùng trước, sau đó mới lập ra các mốc thời gian và công việc cần làm để đạt được nó. Áp dụng vào việc săn học bổng, nó sẽ thế này:
Mục tiêu cuối cùng là đạt học bổng. Trước khi học bổng mở khoảng 6 tháng đã phải dần dần lên ý tưởng. Lúc đó khả năng brainstorm, viết luận và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh đã phải rất “cứng”.
Muốn có ý tưởng và khả năng viết thư xin học bổng, phải có kiến thức về nghề nghiệp sẽ làm và phải đi học viết. Tính ngược lại, trước lúc bắt đầu lên ý tưởng khoảng 2 năm đã phải đi làm ở một nghề nghiệp cố định, và gắn bó với nó trong ít nhất 2 năm. Như vậy mới có tạm đủ thông tin để tìm ý tưởng mà viết (trong đó có thông tin về công việc sẽ làm sau khi du học). Bắt đầu học viết luận cho ra hồn từ khoảng thời gian này cũng là vừa.
Tính ngược lại xa hơn nữa, trước lúc bắt đầu học viết luận 3 – 5 năm, phải bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc và kiên trì gắn bó với nó trong suốt thời gian đó. Như vậy mới đảm bảo khả năng giao tiếp bằng cả văn bản lẫn lời nói bằng tiếng Anh.
Tóm lại mất khoảng 5-7 năm để thật sự “cứng cáp” cho việc xin học bổng. Còn nếu không chuẩn bị kịp, đơn giản hãy dừng việc xin học bổng lại và bắt đầu kế hoạch cho thật chắc chắn.
Đừng tự tạo cho mình sức ép kiểu “em chán lắm rồi, em muốn phải được đi du học ngay”. “Good things come to those who wait” – Sự tự tin của tôi ngày xưa khi apply Chevening không đến từ không khí. Ngày đó tôi chờ đợi cơ hội, mài miết kĩ năng viết lách và tiếng Anh cho thật kĩ. Đến khi tung hồ sơ ra là phải chắc chắn 99% ở cùng ngành không ai cạnh tranh (được) với mình trong thời điểm đó.
Thái độ quyết định kết quả ra sao?
Thái độ kém thường sẽ dẫn đến mấy hồ sơ dạng này:
Tiếng Anh trên giấy thì có vẻ đẹp đẽ nhưng hóa ra đến khi phỏng vấn mới vỡ lẽ. Câu cú lủng củng sai lên sai xuống. Có mỗi cái IELTS 6.5 mà chật vật ôn thi mất cả tháng hoặc hơn.
Ngành học giúp giải quyết vấn đề cụ thể nào cũng không biết. Thông tin về trường quanh đi quẩn lại chỉ nằm trong mấy cái ranking.
Bài luận trình bày dài dòng, không biết cách ngắt câu ngắn đoạn cho rành mạch. Một đoạn văn có khi dài tới 300 – 400 từ (???). Nhiều lúc tôi còn phải dở khóc dở cười khi đọc phải mấy hồ sơ “xin” luôn template rồi thậm chí ngôn từ trong bài luận của chính tôi. Mà trong các trường hợp đó có cả hồ sơ được học bổng toàn phần to đùng của nước nọ chứ.
Các ứng viên không hề biết rằng những hồ sơ như vậy khiến cho những người xét duyệt hồ sơ căng thẳng như thế nào. Câu chuyện nào chỉ đơn giản là lấy theo điểm số từ cao xuống thấp.
Trong khi các ứng viên chỉ phải thấp thỏm nghĩ đến hồ sơ hay màn phỏng vấn của mình, thì ban xét duyệt đang rơi vào hàng trăm thứ sức ép. Bao nhiêu công sức làm truyền thông, mang các thông tin học bổng rất tốt đến cho các ứng viên mà lượng hồ sơ quá hẻo. Sang năm giải trình với chính phủ người ta để xin kinh phí promote tiếp thế nào đây?
Tiếp đến là chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ”: vừa phải đảm bảo chất lượng finalists, vừa phải duy trì được số lượng suất học bổng nhất định để đem lại lợi ích tốt nhất cho cả nước cấp học bổng và Việt Nam.
Rồi thì cân nhắc ứng viên bại hết cả não. Người chuyên môn tốt thì chỉ lại tốt … mỗi chuyên môn, không năng động. Người tự tin năng động thì tư duy lại quá hời hợt, ngây ngô. Người vừa có kiến thức chuyên môn ổn, vừa năng động, vừa có tư duy tốt, thì lại … “xôi thịt”, chả có ý thức hành động vì cộng đồng mà chỉ lấy học bổng làm bàn đạp cho mục đích cá nhân. Chuyện phải linh hoạt để “vớt vát” không hề hiếm.
Quyết định xong cũng đâu đã xong. Trao học bổng cho ứng viên rồi, nó lại bỏ để chạy sang học bổng khác. Thậm chí có khi đến đứa ở trong danh sách dự bị, đôn nó lên danh sách chính mà nó vẫn bỏ. Coi như công sức cân nhắc vớt vát nó đổ sông đổ bể.
“Sức ép không tự dưng sinh ra hay mất đi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác”. Ứng viên càng hồn nhiên phơi phới với cái hồ sơ của mình, thì sức ép tiêu cực ứng viên chuyển cho ban xét duyệt càng lớn. Mà phàm là con người chẳng ai thích đứa nào cho mình thêm sức ép tiêu cực cả. Ứng viên bớt đi cho ban xét duyệt một chuyện để nghĩ, thì cơ hội của ứng viên lại cao lên một nấc.
Tóm lại, thái độ nghiêm túc thể hiện thế nào?
Trước khi đợt nhận hồ sơ bắt đầu, đã phải chuẩn bị trước các kĩ năng và kiến thức cần thiết như tôi đã nêu trên.
Khi người ta bắt đầu cung cấp thông tin về yêu cầu hồ sơ, đề bài luận xin học bổng, thì phải bắt đầu ngay vào tìm ý tưởng và viết những dòng đầu tiên.
Tìm một người làm mentor giúp mình nhận xét, chỉnh sửa ý tưởng và viết lại mỗi tuần.
Không bao giờ được cho rằng hồ sơ của mình đã đủ tốt. Phải sửa đến sát ngày cuối cùng.
Trước khi phỏng vấn phải học cách chuẩn bị câu trả lời và kĩ năng phỏng vấn sao cho mọi thứ súc tích, chính xác, logic. Ứng viên có 1-2 phút cho mỗi câu trả lời, tương đương với 60 – 180 từ. Làm sao để nói thẳng vào vấn đề và gắn chặt với vấn đề.
Phải làm mock-interview với người có kinh nghiệm phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
Sau khi hết đợt học bổng, dù được học bổng hay không, cũng phải phân tích cho khách quan và kỹ càng tại sao mình được hoặc không được học bổng. Để sau đó rút ra đúng thứ mình và người khác cần.
Phải khiêm tốn. Khiêm tốn không phải thể hiện bằng mồm, kiểu lúc nào cũng oang oang “Tôi chưa bao giờ cho rằng tôi giỏi.” Khiêm tốn phải bằng hành động. Thật sự thấy mình chưa giỏi thì phải ưu tiên thời gian cho việc học. “Không có thời gian” là một “lame excuse”.
Chuẩn bị chắc chắn được bước nào, ứng viên càng ít phải lệ thuộc vào may mắn bước đó. Làm được tất cả những điều trên, ứng viên chỉ cần thần may mắn mỉm cười là được học bổng. Còn không thì các ứng viên sẽ cần thần may mắn bắt tay, ôm hôn, hoặc thậm chí nhận làm họ hàng mới vớ được học bổng -_-
Tái bút: Nhớ rằng mình đang xin một khoản đầu tư rủi ro trị giá 1 – 2 tỷ. Không nghiêm túc thì đứa nghiêm túc hơn mình nó sẽ giành mất.
Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015-2016
Ảnh: Samuel Francis Johnson