Cách nhà báo kiểm chứng tin giả trên mạng xã hội

Cách nhà báo kiểm chứng tin giả trên mạng xã hội

 

Tác giả (phải) cùng hai sinh viên người Mỹ và Ghana nhận học bổng báo chí truyền thông châu Âu Erasmus Mundus trong chuyến tham quan trụ sở BBC tại London.

Trong vụ đánh bom ga tàu điện ngầm London năm 2005 làm 52 người chết, đài BBC nhận được hơn 1.000 ảnh, hơn 20.000 email người dân gửi về. Bản tin phát trên truyền hình đăng nhiều video quay bằng điện thoại của những người đi tàu điện ngầm. Ban đầu, BBC dẫn thông báo của cảnh sát rằng tuyến tàu điện ngầm gặp tình trạng “điện áp tăng vọt”. Nhưng những thông tin từ người dùng mạng cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác. Dựa trên email gửi về và một bức ảnh tại hiện trường, phóng viên BBC biết vị trí của 4 quả bom chỉ một giờ sau khi quả bom đầu tiên phát nổ.

Tận dụng nội dung từ khán giả là nhiệm vụ của trung tâm xử lý nội dung người dùng tự tạo (user generated-content, gọi tắt là UGC). Dự án bắt đầu được thí điểm vào năm 2005 với chỉ ba phóng viên thuộc các bộ phận khác nhau của BBC News. Họ có nhiệm vụ thu thập những hình ảnh, video, thông tin tốt nhất khán giả, độc giả gửi đến qua email và chia sẻ trên BBC.

Ban đầu, trung tâm của BBC tập trung chủ yếu vào hình ảnh, video, lời kể nhân chứng được gửi tới đài này qua email. Khi đó, Facebook mới chỉ có hơn 5 triệu người sử dụng (nay là hơn 2,3 tỷ người), còn YouTube và Twitter chưa ra mắt. Ngày nay, mỗi phút trong ngày, 500 giờ nội dung được đăng tải lên YouTube, hàng trăm nghìn thông điệp được đăng trên Twitter và hàng triệu nội dung được chia sẻ trên Facebook.

Khi thói quen chia sẻ thông tin của khán giả thay đổi, nhiệm vụ của một trong những trung tâm xử lý UGC trên thế giới này chuyển hướng sang thu thập tin tức bán truyền thống như sử dụng từ khoá tìm kiếm, xem điều gì đang nóng trên Twitter, đánh giá hình ảnh, video những nguồn đáng tin cậy đang chia sẻ trên Twitter.

UGC bao gồm ảnh, câu chuyện, video, audio gửi từ hiện trường một sự kiện báo chí, có thể được gửi trực tiếp đến toà soạn hoặc được chia sẻ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter. Nó đem đến lợi ích lớn cho nhà báo trong việc đưa tin nhanh, kịp thời trong thời đại khát thông tin, nhưng cũng đi kèm nguy cơ gây mất uy tín cho toà soạn vì nó có thể là tin tức giả, dù cố tình hay vô ý.

Nguồn gốc tin giả: từ trang web nặc danh đến các mạng xã hội đóng hoặc nửa đóng, đến cộng đồng thuyết âm mưu, tới mạng xã hội và cuối cùng là các báo, đài truyền hình tin chính thống. Nguồn: Claire Wardle, First Draft

Trong những thời điểm cần phát tin nóng, một số hãng tránh trách nhiệm kiểm chứng bằng cách đăng thông điệp: “Thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập” bên cạnh nội dung trên mạng xã hội, nhưng về lâu dài, uy tín của toà báo và điểm khác biệt giữa báo chí và mạng xã hội phải dựa trên khả năng kiểm chứng, lọc tin và “gác đền”.

Dựa trên những điều đã học và đọc được trong khoá học thạc sĩ báo chí ở trường City, London, tôi đúc rút ra một số bước kiểm chứng nội dung trên mạng xã hội nhằm tránh nguy cơ trở thành “con vẹt”. Việc kiểm chứng thông tin từ UGC phải bao gồm kiểm chứng cả người tạo ra nội dung và chính nội dung đó.

 

Kiểm chứng người đóng góp nội dung

Một số câu hỏi cần trả lời bao gồm:

  1. Bạn đã có quan hệ trước đó với nguồn tin này chưa? Nếu nguồn tin từng cung cấp thông tin cho bạn và bạn từng sử dụng nó, thì bạn có thể nhanh chóng đánh giá liệu nội dung có thể có ích hay không.
  2. Người này có cộng tác với các báo hay hãng tin khác hay chưa? Một số nguồn tin tốt nhất là các mạng lưới công dân làm báo, với điều kiện bạn biết họ đáng tin cậy.
  3. Liêu họ có danh tính ổn định và nhất quán trên mạng hay không? Hãy cẩn thận với những tài khoản mạng xã hội: có thể họ tạo tài khoản để tránh bị trừng phạt, hoặc để phản ứng trước một sự kiện cụ thể, nhưng cũng có thể để tạo tin giả.
  4. Liệu họ từng đăng các video từ một địa điểm hay họ tổng hợp video từ nhiều nguồn khác nhau? Liệu bạn có thể liên lạc với người thực sự quay video được không?
  5. Bạn có kiểm chứng được họ sống ở đâu hay không? Kiểm tra định vị bức ảnh hoặc thông điệp trên mạng (geotag), hỏi số điện thoại và kiểm tra địa chỉ, xem xét múi giờ và các thông tin xác định danh tính khác.
  6. Bạn có nói chuyện được với họ hay không? Kiểm tra dựa trên giọng nói luôn tốt hơn văn bản, bạn có thể biết được nhiều điều từ người đó dựa trên chất giọng, ngữ điệu vùng miền. Một người từ chối nói chuyện trực tiếp có thể là người khả nghi.
  7. Những người khác có biết họ hay không? Hãy hỏi mạng xã hội liệu có ai khác có thể chứng thực về họ hay không? Ở đây, việc duy trì mối quan hệ với mạng lưới cộng tác viên và mạng lưới cộng đồng có ý nghĩa quan trọng kể cả khi chưa có sự kiện xảy ra.

Kiểm chứng nội dung thông tin

 Có một số chiến thuật kiểm chứng nội dung, bao gồm nội dung hình ảnh được gửi đến toà soạn

  1. Kiểm tra metadata

Với file ảnh, ta có thể kiểm tra dữ liệu Exif thông qua một số phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop, trang web chia sẻ ảnh như Flickr. Tuy dữ liệu Exif có thể sai lệch (bị chỉnh sửa, xoá hoặc thời gian chụp không đúng do cài đặt thời gian sai lệch trên máy ảnh), nhưng nếu nó không khớp với những điều bạn biết về người chụp hay về tấm ảnh, đây có thể là lý do để bạn phải nghi ngờ. Ví dụ như loại máy ảnh phải khớp với thông tin người chụp cung cấp cho bạn về máy ảnh đó. Dữ liệu Exif có thể cho bạn biết liệu ảnh có bị chỉnh sửa hay không

 

  1. Kiểm tra hình ảnh trong đó có khớp với các nguồn tin khác về vị trí đó không. Đây là lúc Googlemaps và Street View có thể hữu ích. Google có thể cung cấp bức ảnh chi tiết về vị trí những bức ảnh khác được chụp, và bạn có thể kiểm tra liệu nội dung thông tin khớp với những gì bạn thấy trong ảnh hay không. Năm 2011, khi quân đội bắt đầu đàn áp biểu tình ở Syria, các báo nhận được vô vàn video người dùng từ những thị trấn xa xôi vắng bóng phóng viên phương Tây gửi về. Storyful đã dùng Googlemaps để kiểm chứng đối chiếu các đặc điểm địa hình và kiến trúc xuất hiện trong video họ nhận được, bao gồm những toà nhà, đặc trưng, khung cảnh trong video và trên hình ảnh vệ tinh của Google, xác minh xem thông tin chính xác hay không.

 

  1. Liệu những yếu tố trong video hay hình ảnh khớp với những điều bạn đã biết về địa điểm (ký hiệu ngôn ngữ)? Liệu bạn có thể thấy cờ hay biển số xe cho thấy đất nước hay địa điểm? Liệu ánh nắng chiếu thẳng hay nghiêng, góc bao nhiêu độ, có khớp với thời điểm trong ngày mà đoạn video được cho là quay vào lúc đó? Thời tiết trong video có khớp với thông tin đưa ra hay không?

 

  1. Có giọng nói nào trong video khớp với điều bạn đã biết về nó không? Ngôn ngữ địa phương? Giọng vùng miền có đúng với vùng đó không?

 

  1. Gọi điện hỏi chuyên gia. Nhiều khi cách nhanh nhất là xin lời khuyên từ nguồn tin đáng tin cậy, các chuyên gia và học giả.

Ngoài ra còn có chiến thuật khác để kiểm chứng là crowdsource quá trình này (giao công việc đó cho một cộng đồng, một nhóm người), đồng nghĩa với việc nhà báo sẽ công khai, minh bạch hoá quá trình làm báo trên mạng xã hội. Đây là điểm khác biệt của báo chí hiện nay so với báo chí cách đây tầm 20 năm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Verification handbook: An Ultimate guideline on digital age sourcing for emergency coverage
  2. Social media for journalists: principles and practice
  3. Mobile and social media journalism: a practical guide

Một số trang web miễn phí giúp kiểm chứng ảnh, video:

  1. Kiểm tra thời tiết một địa điểm nào đó trong quá khứ: https://www.wolframalpha.com/
  2. Tìm xem ảnh đã được đăng ở trang nào khác hay chưa: Google reverse image search (https://images.google.com/?gws_rd=ssl), Tineye (https://www.tineye.com/)
  3. Tìm những ảnh có dán geotag: Flickr.com
  4. Xem dữ liệu Exif: http://exif.regex.info/exif.cgi
  5. Xem thời điểm chính xác đoạn video được upload lên YouTube: https://citizenevidence.amnestyusa.org/

Bài: Nguyễn Trọng Giáp, University of London, International Journalism