THANK YOU, LONDON

THANK YOU, LONDON

Tôi theo học tại trường chuyên ngành nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo  tại khu vực Đông Nam London, nơi mà tôi luôn khoe khoang là “the coolest part of the city”. Theo báo cáo của thành phố, Đông Nam London là một khu vực cực kỳ đa dạng sắc tộc, nhưng cũng là một trong những khu vực có nhiều vấn đề xã hội và tội phạm nhất. Thế nhưng trong con mắt của đám sinh viên đầy chất “nghệ” và “phá (cách)” chúng tôi thì Goldsmiths và Đông Nam London là khu “hip” nhất, “ngầu” nhất, không đâu bì được. Này là những quán bar nằm sâu dưới đường tàu điện ngầm, này những tiệm cà phê nhỏ xinh phong cách rất nghệ, này những công viên xinh xắn, những nhà hàng của đủ người Thổ, Trung Đông, Caribbean, Đông Phi, Thái, Nhật, Việt. Sinh viên Goldsmiths thì sành điệu, triết lí và “phi chính thống” khỏi nói (“ạt” mà)! Tôi nghĩ cách mạng và sự thay đổi xảy ra được trên thế giới này ắt phải nhờ có những con người như ở nơi đây!

Một góc Goldsmiths về đông

Đến với London và đến với Goldsmiths, tôi được sống với cả thế giới. London là một thành phố mà người da trắng là thiểu số, ở London tôi không cảm thấy mình là người nước ngoài, không cảm thấy bị phân biệt đối xử. Ở đây tôi cảm thấy mình là một phần của thế giới đa màu sắc, đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo. Và đối với một “con nghiện” nhạc sống và “world music” như tôi thì London là chốn thiên đường. Tôi đi xem đủ cả các buổi trình diễn của các nghệ sỹ hàng đầu từ Jamaica, Cuba, Venezuela, Syria, Ai Cập, Ấn Độ, Senegal, Sudan, hòa cùng đám đông nhảy múa theo những giai điệu Latin, Ả Rập đầy quyến rũ, buông trôi cùng những bản reggae hay phấn khích tột độ cùng những bữa tiệc jungle, dubstep. Ở London tôi không bao giờ cảm thấy mình là kẻ lạc loài vì những sở thích âm nhạc mà ở nhà tôi bị cho là “kỳ quặc”.

Buổi biểu diễn của các nữ nghệ sỹ Ai Cập và Sudan

Và cũng chính giữa thành phố vĩ đại này, tôi đã học được cách trân trọng sự cô độc. Ở những nơi đã từng sống trước đây, tôi chưa từng biết rằng, nếu muốn, mình có thể lựa chọn sự cô độc này.

Trước khi đi Anh ít lâu, tôi được biết đến bộ phim “Dreams of a Life” kể về câu chuyện một người phụ nữ trẻ qua đời tại căn hộ của mình ở London và mãi 3 năm sau người ta mới phát hiện ra. Ngày đó, tôi đã không hiểu tại sao có thể có một chuyện như vậy xảy ra và mãi cho đến khi đến với nước Anh tôi mới hiểu được điều đó. Con người nơi đây coi trọng sự riêng tư tới mức tuyệt đối, và giữa thành phố 10 triệu dân này, nếu muốn, bạn có thể được yên tĩnh hoàn toàn. Suốt hơn 1 năm ở đây, một trong những điều tôi yêu thích nhất là những ngày dài thảnh thơi dạo bộ trong những công viên không một bóng người, những khoảng thời gian lặng yên ngồi nhìn khung cảnh lướt vun vút qua cửa sổ xe lửa, hay rất nhiều giờ đồng hồ vừa nhâm nhi tách cà phê vừa đọc sách vừa ngắm nhìn sắc hoa xuân rực rỡ phía ngoài hàng rào căn hộ tôi ở. Tôi có nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc sống, về thế giới, về bản thân mình, về những điều mình đã biết và chưa biết. Tôi biết ơn sự cô độc mà London đã mang lại. Đã 3 năm nay, kể từ khi trở về, tôi chưa bao giờ có lại được cảm giác cô độc đến an nhiên và tĩnh tại như vậy…

Một con phố gần căn hộ của tôi tại Honor Oak Park

Tại London, tôi cũng được những người bạn của mình dắt bước ra khỏi cái thế giới nhỏ bé đầy đặc quyền đặc lợi tôi đã sống suốt gần 30 năm cuộc đời mà không hề biết quý trọng. Một cô bạn đến từ Bờ Tây Palestine kể chuyện bom đạn càn quét Gaza và người dân Bờ Tây không thể làm gì, chỉ có cách nhìn đồng bào bị thảm sát qua truyền hình trực tiếp. Một cậu bạn người Iran lo ngại nếu trở về nước sau khi học ở Anh sẽ bị chính quyền quân đội theo dõi và bắt giam. Một cô bạn người Serbia đã trải qua chiến tranh vùng vịnh và là một người theo trường phái “vô chính phủ” (anarchism). Một cậu bạn người Venezuela stressed vì việc nên trở về với đất nước hỗn loạn của mình hay chuyển hẳn sang Canada, nhưng cuối cùng cậu đã mất vì bệnh động kinh, một mình trong phòng ngủ, một vài đêm trước khi nộp luận án tốt nghiệp. Một người phụ nữ vô gia cư lang thang gần trạm tàu điện ở trường tôi xin ăn, đã nhiều năm nay bà ngày ngày chờ đợi con mình ở Arab Saudi tới đón về. Và một cô bạn người Syria trầm cảm luôn nhớ về thủ đô Damascus của cô trước chiến tranh. Tôi vẫn chưa quên cái ngày chúng tôi cùng học trong thư viện, cô quay qua phía tôi, chỉ một bức hình trên Facebook và nói tỉnh bơ: “Bạn tao nè, vừa chết sáng nay cùng với con trai trong nhà hàng ở Damascus. Bị đánh bom”. Phải chăng cô đã sống với tiếng bom đạn quá lâu để có được sự thờ ơ đến lãnh đạm như vậy?

Những người bạn Chevener tại Goldsmiths đến từ Palestine, Cuba, Indonesia và Serbia

Tôi đã từng nghĩ mình hiểu về thế giới. Thật vậy, trước London tôi đã đọc, đã xem, đã đi, đã gặp, và đã nắm được các con số, nhưng ở London tôi được nghe, được thấy và được sống, và tôi nhận ra thế giới không chỉ có các con số. Ở London, tôi đã gặp những người bạn của mình, và họ đã chỉ cho tôi thấy thế giới.

Tôi đến London với kế hoạch sau này sẽ xây dựng thị trường mỹ thuật “triệu đô” tại Việt Nam, và sau một năm, tôi trở về nước với một tâm thế hoàn toàn khác và với một câu hỏi nhỏ nhoi mà có lẽ cùng là câu hỏi khó nhất của cuộc đời: “What can I do with this life to be of use?” Đã 3 năm nay, ngày qua ngày tôi vẫn đi tìm kiếm câu trả lời. Tôi vẫn chưa tìm thấy và tôi cũng không rõ đến bao giờ mới tìm được hoặc liệu có bao giờ tìm thấy hay không.

Nhưng bạn thấy đó, hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống không bao giờ là dễ dàng, bạn có thể thành công hay thất bại, nhưng bạn còn sống nghĩa là bạn còn cơ hội. London đã dạy tôi bài học đắt giá đó.

Tôi đã phải trả giá bằng những cơn trầm cảm, những cú sốc tinh thần của chính bản thân, nhưng tôi biết ơn tất cả. Nếu bạn không bước ra ngoài kia, không giang tay đón nhận nỗi đau, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội hiểu được, dù chỉ là một phần nhỏ, về thế giới này.

Thank you, London

Bài viết: Phạm Hoàng Miên – Học giả Chevening 2015/2016

Hình ảnh: Phạm Hoàng Miên – Học giả Chevening 2015/2016