“Liên hoàn cước” Durham, Newcastle, và Edinburgh trong học kỳ đầu của mình (Phần 1)

“Liên hoàn cước” Durham, Newcastle, và Edinburgh trong học kỳ đầu của mình (Phần 1)

Một điều thú vị khi làm thành viên của cộng đồng Chevening là bạn sẽ có cơ hội tham gia rất nhiều sự kiện ở nhiều nơi khác nhau. Bạn sẽ được biết thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm văn hóa mới và quen được nhiều người hay ho. Tất cả đều có sự kết nối với cuộc sống trước đây và sau này của bạn.

Tháng 11, sắp kết thúc học kì đầu tiên ở University College London, mình đi một số sự kiện của Chevening và tranh thủ du lịch bụi luôn.

Mình đã thực hiện được ước mơ đặt chân đến xứ sở Scotland từ lúc đọc truyện tranh hồi nhỏ như thế nào?

Mình đã nghe (lỏm) những gì từ cách nói chuyện đầy tính giáo dục của bố mẹ và trẻ em ở một Bảo tàng Khoa học?

Chính phủ Scotland giáo dục nhận thức về chính trị cho trẻ em và thanh niên như thế nào?

Mình được biết thêm gì về việc sử dụng túi nhựa và bán thuốc lá ở Scotland?

Và mình đã ăn nhờ ở đậu như thế nào để tiết kiệm tiền?

Tất cả sẽ được kể sau đây.

PHẦN 1: DURHAM, NEWCASTLE

5 giờ sáng, trời tối hù, mưa lắc rắc rét buốt, gió thốc vào mặt tê tái. Mình đến bến xe Durham – một thành phố phía Đông Bắc England. Mình run rẩy cầm điện thoại dò Uber để về nhà một gia đình cho mình ở nhờ miễn phí qua Couchsurfing. Mình thường du lịch bụi tiết kiệm nên hay dùng trang này. Nhưng cái gì thế này? Mũi tên chỉ đường của Uber xẹt ngang England và… chạy thẳng xuyên Đại Tây Dương đến North Carolina, Mỹ. Thôi ăn hành rồi. Hóa ra mình mắt nhắm mắt mở thế nào xin ở nhờ tận Durham Mỹ mà không biết. Lạy các thánh châu Âu ngày xưa khai phá châu Mỹ, các vị nhớ quê nên đặt địa danh ở quê xưa lên tân lục địa (Cambridge, Exeter, Durham, và nhiều tên khác nữa) nhưng thế này thì “troll” con quá.

College of St Hild & St Bede, Durham University

Mình vội leo lên mạng, cấp tốc xin thêm vài Couchsurfers Durham UK nữa và hỏi một người anh từng du học Anh trên facebook nhờ giới thiệu giùm ai đó. Tra phòng trên Airbnb và vài hostel, cái nào cũng giá trên trời, thậm chí có nơi 130 bảng/đêm! Cơ bản là do mình đi ngay dịp lễ hội. Mình nhất quyết lì lợm xin xỏ nhờ vả hết chỗ này tới chỗ kia chứ không xì tiền thuê phòng đâu.

Trời sáng, mình bắt xe bus đến trường St Hild & St Bede thuộc Đại học Durham để ghi danh cho sự kiện của Chevening. Đó là buổi thuyết trình của một nghệ sĩ trong lễ hội ánh sáng Lumiere nổi tiếng của Durham: khoa học khô khan đã biến thành nghệ thuật biểu diễn ánh sáng đầy mê hoặc như thế nào. Tụi mình đã dự buổi thuyết trình ở campus St Hild & St Bede cổ kính này đó.

Lễ hội Lumiere của Durham ở Nhà thờ chính tòa Durham

Đêm lễ hội Lumiere, mình đến nhà thờ lớn Durham. Cánh đồng hoa lung linh đổi màu này nằm trong sân nhà thờ – một cái sân hấp dẫn với đứa cuồng Harry Potter như mình. Đây là chỗ quay một cảnh trong phim tập 1 “Harry Potter và Hòn đá Phù thủy”: sân trường Hogwarts đầy tuyết trắng, nơi Harry thả con cú tuyết Hedwig bay lên. Bạn có thể xem ở link này, đoạn 1:13 – 1:15.

Một trong những lý do nghiêm túc mình nộp hồ sơ Chevening đi Anh học là để khám phá thế giới Harry Potter phong phú kỳ bí. Ban giám khảo có vẻ khoái khi mình nói điều đó trong vòng phỏng vấn.

“Giường” của tôi ở Durham an bình và uể oải

Về chỗ ở, may nhờ anh bạn trên facebook gợi ý liên hệ với Vietsoc Durham nên mình mới có chỗ trú thân. Người cho mình ở nhờ là Linh – sinh viên Luật bậc Đại học. Mình còn được lên giảng đường học ké một buổi với em ấy nữa. Và hình trên là chỗ ngủ của mình – một chiếc ghế bành ở phòng khách. Thiên đường cho đứa rơi vào tình huống tuyệt vọng hồi sáng.

Mình vẫn còn ngày trống ở Durham sau lễ hội. Linh bảo hôm sau Vietsoc Durham và Vietsoc Edinburgh sẽ du hí Newcastle và rủ mình đi. May thế.

Ở Newcastle, mình đến thăm International Centre for Life, nói chung là bảo tàng khoa học. Mình học Giáo dục nên chỉ thích đi chỗ nào có tính giáo dục. Bọn mình vào phòng coi phim 4D về chuyến tàu tốc hành lên Bắc cực với những pha di chuyển, rung lắc, cua quẹo nghẹt thở và bay bổng diệu kì.

Xem phim 4D: The Polar Express to the North Pole

Sau đó, tụi mình vào một phòng tối gọi là Planetarium, nằm ngẩng đầu lên mái vòm ngắm Trái Đất từ không gian. Quan trọng là tụi mình được học về cách mà kỹ thuật định vị toàn cầu GPS đã được hình thành từ quân sự cho tới cuộc sống hàng ngày như thế nào. Khi đã biết công nghệ đã tiến hóa thế nào, chúng làm được những gì cho con người qua chương trình đó, từ đó về sau, mỗi lần mình dùng GPS để tìm đường đi, mình rất trân trọng và biết ơn bao nhiêu người đã tạo ra GPS – thứ đang nằm trên tay mình. Mình không còn vô tư xem đó là một công cụ đơn thuần và coi rằng đó là cái đương nhiên nữa.

Mô hình khủng long Euoplocephalus ở The International Centre for Life, Newcastle upon Tyne

Khi ở khu triển lãm khủng long Euoplocephalus, mình nghe một người cha nói chuyện với hai thằng con tầm 5 – 7 tuổi thế này:

– Em khủng long này có gì hay nhỉ?

– Cái đuôi có hai cục bự chảng ở cuối đó ba.

– Ờ đúng đó, cho nên tụi con phải cẩn thận. Cái cục đó thiệt nặng và cứng đúng hông? Nó quật cho một phát là tiêu tùng. Đừng lộn xộn với em khủng long đó nghen.

Còn ở một góc khác, đây là một tấm dĩa câu hỏi về loài khủng long bạo chúa: Một ngày em ấy ăn bao nhiêu thịt?

Người xem phải suy nghĩ và đoán, rồi mới xoay dĩa qua trái để thấy kết quả.

Kết quả hiện ra đây: Một ngày khủng long bạo chúa ăn 75 kg thịt. Nhưng vì khách đến thăm đa phần là trẻ em nên phải biến 75 kg thành thứ gì đó dễ hiểu hơn: 1.500 miếng xúc xích. Bên cạnh mình, một người mẹ “dò bài” cô con gái tầm 6 tuổi trước khi sang khu vực khác.

– Em ấy ăn bao nhiêu xúc xích?

– 1.500 miếng ạ.

– Giỏi quá.

Cậu bé đang khám phá bảng tương tác: “Có phải các nhà khảo cổ đào xương khủng long không?

Còn cậu bé này thì đang một mình chơi với tấm bảng tương tác, trò làm nhà khảo cổ. Bạn phải chọn đúng dụng cụ để đào bới, đục đẽo hay phủi quét để tìm được mẫu vật nguyên vẹn. Và phải nhanh tay lên kẻo trời mưa là công toi hết.

Mình đã từng đi một số bảo tàng khoa học ở Indonesia, Malaysia và Singapore nên rất ấn tượng với cách người ta truyền niềm yêu thích tri thức, khoa học rất hồn nhiên và sáng tạo cho trẻ em. Tiếc là Việt Nam chúng ta vẫn chưa có bảo tàng nào như vậy.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: Tôn Nữ Tường Vy – Học giả Chevening 2017-2018