Chuẩn bị cho Chevening: Hãy thông minh một cách thật thà!

Chuẩn bị cho Chevening: Hãy thông minh một cách thật thà!

Ba tháng vừa rồi hẳn là một thời gian khá khó khăn cho các ứng viên của học bổng Chevening. Những bạn làm hồ sơ thường xuyên rơi vào tình trạng “đuối như trái chuối” mà vẫn phải cố. Nhưng nhờ họ, tôi rút ra thêm được một số mẹo nho nhỏ.

 

1. Nếu cần sự giúp đỡ, hãy nói sớm

Nhiều bạn liên lạc với mình quá muộn. Có những bạn muốn nhờ mình nhận xét bài luận trước hạn nộp hồ sơ có 2 tuần.

Vấn đề là những bạn liên lạc muộn như vậy lại thiếu rất nhiều kĩ năng và ý tưởng để có thể viết được một bộ hồ sơ tốt. Chỉ đến khi liên lạc với mình, họ mới nhận ra hồ sơ của họ còn nhiều vấn đề như thế nào, mà 2 tuần là hoàn toàn không đủ để xử lý tất cả.

2. Tìm cho kỹ và hiểu cho trong sáng trước khi hỏi

Thông tin về Chevening rất nhiều và rất đầy đủ, đến mức nhiều khi mình nói với bạn bè rằng 3 năm nay mình hình như “nuông chiều” các bạn ấy quá.

Nhưng, nhiều hỏi liên lạc với mình qua mạng để hỏi những điều hoàn toàn có thể “google” được, hoặc những điều mà chính các bạn có trách nhiệm trả lời chứ không ai trả lời cho được. “Liệu học xong mà em nhận được việc làm, hoặc được học PhD thì Chevening có thể xem xét cho em một ngoại lệ, không phải trở về Việt Nam 2 năm không?” Hoặc “Có mẹo nào hay làm thế nào để chọn trường cho khôn ngoan?”

Gặp những trường hợp như vậy, 90% người được hỏi sẽ né tránh chứ chẳng muốn nhẫn nại trả lời. Nói suồng sã là “té cho mau”. Có người vẫn bình tĩnh trả lời theo cách nào đó, nhưng chắc chắn trong bụng đã muốn tăng-xông lắm rồi đấy ạ.

Hãy đọc và hiểu những quy định của học bổng với tâm thế của một người văn minh và chính trực. Và trước khi hỏi, hãy tìm hiểu thật kỹ. Thật sự, ứng viên ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng luôn được mang thông tin đến tận răng và gần như chả mất một xu để được thông tin.

3. Hãy biết cách ưu tiên thời gian

Một số người sắp xếp thời gian không hợp lý. Việc viết luận lại được dồn đến tận vài tuần cuối cùng. Thời gian còn lại được dành cho những việc như xin thư nhập học từ trường, đi tìm cảm hứng, hoặc chần chừ.

Tất cả những việc trên có cùng một nguyên nhân: ứng viên chưa hiểu bản thân. Chưa hiểu nên mới không chắc mình sẽ được mời nhập học. Chưa hiểu nên mới phải mãi đi tìm cảm hứng. Chưa hiểu nên chần chừ.

Thực ra, càng chưa hiểu, càng phải ngồi vào tìm hiểu và viết. Chính việc viết và có một người hướng dẫn viết mới khiến chúng ta hiểu rõ mình.

4. Khẩu súng Chekhov

Chekhov có một nguyên tắc nổi tiếng trong viết văn: “Nếu ở Hồi 1 (trong vở kịch), bạn treo một khẩu súng trên tường, thì ở hồi tiếp theo nó phải bắn. Nếu không, ngay từ đầu đừng có đặt khẩu súng ở đó.” (*)

Vấn đề của nhiều người viết nằm ở chỗ không biết cách ưu tiên đúng vấn đề và nghèo nàn ý tưởng.

Ví dụ, đề bài là nêu kế hoạch dài hạn trong 500 từ. Nhiều ứng viên sa vào việc diễn giải vấn đề như “Tại sao tôi lại vẽ ra cái kế hoạch này”, hay “tình hình ở Việt Nam đang ra sao”. Toàn bộ kế hoạch chỉ được gói trong 100 – 200 từ.

Nếu ứng viên thật sự hiểu rõ những việc cần làm trong tương lai, 500 từ không bao giờ là đủ. Việc dành ra 1 từ để nói về những vấn đề kia cũng là phí phạm. Người viết tinh ý sẽ nhận ra cách phù hợp hơn để viết về chúng.

 

Trên đây là 3 gợi ý cho các bạn vừa nộp hồ sơ xong nhìn lại để rút kinh nghiệm cho rất nhiều cơ hội tiếp theo. Đích đến, cái học bổng, thực ra chỉ là một cơ hội chứ hoàn toàn không phải thành tích lớn lao gì để cho vào làm tài sản cá nhân của bạn cả. Chính quá trình săn học bổng mới giúp mọi người nhận ra được nhiều giá trị dài hạn hơn.

Tái bút: tương lai mình sẽ làm như gợi ý của thầy mình: yêu cầu các bạn muốn có thông tin phải quyên góp số tiền bằng 2 ly trà sữa vào dự án cộng đồng.

(*) Năm 1889, Ilia Gurliand ghi lại những lời này từ một cuộc nói chuyện của Chekhov’s conversation: “Nếu một khẩu súng lục được treo trên tường ở hồi đầu tiên, nó phải được bắn ở hồi cuối cùng”. Donald Rayfield, Anton Chekhov: A Life, New York: Henry Holt and Company, 1997, ISBN 0-8050-5747-1, 203.

Ernest. J. Simmons nói rằng Chekhov cũng lập lại những lời này, nhưng theo một cách khác. Ernest J. Simmons, Chekhov: A Biography, Chicago: University of Chicago Press, 1962, ISBN 0-226-75805-2, 190.