Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 3)

Tiếp theo bài trước, bài viết này tiếp tục nói về các nguyên nhân khiến cơ hội được học bổng giảm đi.

6. Không biết cách tham khảo ý kiến

Về mặt này, ứng viên thường hay mắc 2 lỗi: không tham khảo ý kiến sớm, hoặc tham khảo ý kiến không đúng người đúng việc.

Về việc không tham khảo ý kiến sớm: Trong thời đại thông tin và kết nối này, thông tin rất nhiều và dễ tìm. Ứng viên có thể liên lạc với các alumni dễ dàng thông qua mạng facebook. Ứng viên hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến của họ trước khi apply học bổng một vài tháng. Tôi ước tính 50 – 80% học giả mới của các học bổng chính phủ đều tham khảo ý kiến của alumni.

Về việc tham khảo ý kiến không đúng người, đúng việc: Đa số alumni chỉ giải đáp được thông tin về điều kiện cần để duyệt học bổng và thông tin phụ khác như học tập, sinh hoạt, ăn ở. Không phải ai trong số họ cũng cung cấp được thông tin sâu về tiêu chí của học bổng. Nhiều khi chính họ cũng không biết tại sao họ đạt nên không thể nói chắc cho ứng viên được. Nếu muốn biết tiêu chí học bổng ra sao, ứng viên phải quan sát và tìm hiểu nhiều alumni xem họ là người thế nào, chứ đừng nghe những điều alumni tự nói.

Ngoài ra, ứng viên không nên mặc định là alumni nào cũng cần giúp đỡ nhận xét bài luận. Không phải alumni nào cũng giỏi kĩ năng này, và họ cũng chưa chắc có thời gian. Cho nên, ứng viên không nên trông mong rằng họ sẽ cho ứng viên thông tin đặc biệt giá trị nào về cách viết luận hay phản biện được bài luận cho bạn. Hãy tham khảo thông tin từ chỉ 1, cùng lắm là 2 người mà ứng viên thấy thực sự có tư duy phản biện tốt.

7. Không nghiêm khắc với bản thân

Thái độ này mới chính là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề kể trên.

Không khiêm tốn

Vấn đề chung của rất nhiều người chưa hoặc đã đạt học bổng là “bệnh tưởng”.

  • Tưởng mình đã dùng tiếng Anh tốt lắm, tỉ mỉ cẩn thận trong câu từ lắm. Nói thật, xưa nay tôi chỉ thấy nhóm các bạn học ngành luật mới thật sự đáng được gọi là chính xác tỉ mỉ về câu từ tiếng Anh. Còn lại, hiếm vô cùng.
  • Tưởng mình đã điều tra được nhiều thông tin tốt lắm. Thực ra, phàm thứ gì có sẵn trên mạng, mình tìm ra thì người ta cũng tìm ra.
  • Tưởng mình đã có động lực và kế hoạch đủ tỉ mỉ. Kiểm tra kế hoạch này thực ra khá dễ, cứ dùng tiêu chuẩn SMART mà xét.
  • Tưởng được học bổng là chứng chỉ chứng nhận tài năng cá nhân. Thực tế là: học bổng phần nhiều chứng nhận mình may mắn hơn vài trăm người khác, chứ không chứng nhận cho những gì mình đóng góp được cho cộng đồng.

“Liều ăn nhiều”

Cứ nộp hồ sơ, thậm chí nộp hồ sơ nhiều lần trong khi biết rõ rằng kinh nghiệm mình chưa đủ. Hoặc biết trình độ ngôn ngữ của mình tầm thường, kĩ năng tư duy, động lực và kế hoạch của mình cũng chẳng có gì vượt trội mà vẫn tặc lưỡi “thôi kệ cứ nộp, liều ăn nhiều”.

Vấn đề là, với thái độ và cách chuẩn bị như vậy, việc đạt được học bổng hoàn toàn dựa vào may mắn. Ngay cả khi được học bổng, việc “cố đấm ăn xôi” như vậy không thể gọi là “hard work pays off” hay “resilience” được. Về lâu dài, thái độ như vậy cũng không thể khiến một người đi xa được, và anh ta sẽ nhanh chóng phí phạm cơ hội mà thôi.

Lười và thụ động

Lỗi này là vấn đề chung của người Việt Nam rồi. Biết bao nhiêu thứ cần chuẩn bị như ở trên kia tôi đã nói, nhưng không đủ quyết tâm để làm. Ban xét duyệt đủ sắc sảo để phát hiện ra tất cả những thái độ trên. Hiển nhiên là bất đắc dĩ lắm họ mới phải trao học bổng cho các trường hợp như vậy.

(Còn tiếp)

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015 – 2016