Chuẩn bị du học 3: Tính toán cơ hội khi xin học bổng

Chuẩn bị du học 3: Tính toán cơ hội khi xin học bổng

Bài này sẽ chỉ ra các nguyên tắc cơ bản cần xem xét trước khi xây dựng chiến lược săn học bổng.

*Chú ý: Đây là những phân tích để cung cấp góc nhìn rất thực tế về việc săn học bổng, chứ không phải để ngăn cản hay làm nhụt chí các bạn. Ngôn từ và quan điểm tôi viết ra sẽ đi ngược lại ý thích hay quan điểm của nhiều người. Nhưng mọi câu chuyện tôi nói đều là có thực.

Người chưa được học bổng nên đọc để hiểu hơn về cơ hội và khả năng của mình.

Người vừa mới được học bổng cũng nên đọc để hiểu hơn tại sao mình đạt học bổng, tránh việc đưa ra những thông tin hay quan điểm thiếu cơ sở khiến cho nhiều người khác tốn công sức vô ích.

*Các học bổng được nhắc đến ở đây là học bổng bậc thạc sỹ do các chính phủ hoặc quỹ đa chính phủ cấp.

Nguyên tắc 1: Mỗi học bổng có một bộ tiêu chí riêng

Các tiêu chí năng lực bên trong: là các yếu tố bên trong mà ứng viên hoàn toàn có thể trau dồi và thay đổi để đạt các tiêu chí này

Trình độ và kinh nghiệm chuyên môn
Nền tảng kiến thức và khả năng nghiên cứu (ở ngành ứng tuyển)
Khả năng tư duy và giao tiếp
Các kĩ năng, phẩm chất đặc thù mà học bổng yêu cầu. Ví dụ: động lực cá nhân, khả năng lãnh đạo, kĩ năng tạo mối quan hệ, khả năng làm đại sứ văn hóa.
Trong đó, 3 yếu tố chuyên môn, học thuật, và tư duy là có thể so sánh được tương đối rõ ràng giữa ứng viên này với ứng viên khác dựa trên số năm kinh nghiệm, thành tích học và ngành học, và các bài luận xin học bổng. Tuy nhiên, nếu các ứng viên có ngành ứng tuyển khác nhau, việc so sánh cũng tương đối khó.

2 yếu tố động lực và phẩm chất cá nhân rất khó có thể so sánh và hoàn toàn dựa trên đánh giá cảm tính.

Các tiêu chí bên ngoài: là các yếu tố bên ngoài được mặc định từ khi sinh ra hoặc ứng viên ít có khả năng thay đổi.

Đa dạng quốc tịch, đa dạng văn hóa, đa dạng miền địa lý (3 tiêu chí): nhiều chương trình học bổng không công khai điều này, nhưng chắc chắn họ luôn hướng tới sự đa dạng quốc tịch, đa dạng văn hóa, và đa dạng về miền địa lý. Erasmus Mundus là một trong những chương trình hiếm công khai việc họ sắp xếp các geographical windows (các suất học bổng cố định cho các vùng địa lý ngay cả khi ứng viên không hoàn toàn đạt yêu cầu về học thuật)
Quan hệ ngoại giao giữa các nước: các học bổng cho phép ứng viên quốc tế, bất kể quốc tịch, ứng tuyển đều có tính chất ngoại giao nhất định. Ví dụ: trong suốt 10 năm từ 2006 đến 2015, người Việt Nam luôn nằm trong nhóm 2 nước được nhiều học bổng Endeavour nhất, thậm chí còn thường xuyên giành nhiều nhất. Nếu chỉ xét các yếu tố chủ quan, thì không thể nào người Việt Nam có nhiều suất như vậy. Chúng ta chắc chắn không thể giỏi tiếng Anh hay có trình độ học thuật tốt hơn ứng viên Ấn Độ được.
Ưu tiên cho các vùng khó khăn. Ví dụ: Việt Nam là một “vùng trũng” của thế giới về học thuật. Vì thế các sinh viên Việt Nam chắc chắn luôn được ưu tiên một số suất nhất định trong học bổng Erasmus Mundus (tôn chỉ của Erasmus Mundus là trao đổi học thuật, đặc biệt là đào tạo học giả cho các vùng còn đang kém phát triển).
Ưu tiên ngành. Ví dụ: học bổng BBS ưu tiên ứng viên học ngành quản lý và xử lý nước. Ứng viên có thể không hẳn giỏi chuyên môn hay tư duy tốt hơn ứng viên ngành khác, nhưng anh ta là ứng viên khá nhất dự định học ngành xử lý nước, vậy thì anh ta phải được học bổng thôi.
Các tiêu chí ưu tiên khác về profile: là người khuyết tật, đang làm việc cho cơ quan nhà nước cấp Bộ, đang hoặc sẽ làm việc cho NGO, người thân làm chính trị – ngoại giao.
May mắn.
Mỗi học bổng có một cách quy định riêng biệt về trọng số của các tiêu chí trên. Ví dụ: Chevening coi trọng tiêu chí lãnh đạo, Fulbright coi trọng tiêu chí đại sứ văn hóa, AAS coi trọng profile và triển vọng đóng góp cho nhà nước, Erasmus Mundus coi trọng khả năng học thuật, Endeavour lại có tính ngoại giao cực mạnh. Đặc biệt, không phải lúc nào tiêu chí năng lực cũng là tiêu chí quan trọng nhất.

Muốn xin học bổng, trước hết phải tìm hiểu được chính xác bộ tiêu chí của học bổng.

Nguyên tắc 2: Người được học bổng là người phù hợp nhất, chứ không phải người giỏi nhất

Chính xác hơn, người được học bổng là người thể hiện được rằng họ là lựa chọn phù hợp nhất với học bổng.

Phù hợp nhất tức là sao? Ví dụ nhé:

Là ứng viên giỏi lãnh đạo nhất cho học bổng ưu tiên lãnh đạo tương lai.
Là ứng viên “naïve” nhất cho học bổng ưu tiên các đại sứ văn hóa.
Là ứng viên khá khẩm nhất đến từ vùng Đông Nam Á.
Là ứng viên DUY NHẤT ứng tuyển một chương trình thuộc Erasmus Mundus mà đến từ Châu Á.
Có nghĩa là họ KHÔNG NHẤT THIẾT phải người giỏi nhất về chuyên môn, hay học giỏi nhất, hay có động lực lớn nhất, hay giỏi lãnh đạo nhất.

Ví dụ:

Đỗ Hữu Chí được học bổng Fulbright với GPA vừa đủ điểm tốt nghiệp.
Một số học giả Chevening năm 2015 được học bổng với điểm loanh quanh 7.0 – 7.6
Một bạn được học bổng Erasmus Mundus ngành lâm nghiệp, mặc dù ngành học và kinh nghiệm làm việc chẳng liên quan gì đến lâm nghiệp.
Chúng ta thường tìm hiểu học bổng thông qua profile, hoặc may mắn hơn là bài luận của những người đã dành được học bổng. Nhưng những việc đó sẽ không giúp ích được nhiều cho việc chuẩn bị hồ sơ, nếu như chúng ta không biết được TẠI SAO họ giành được học bổng (hay họ được chọn do đáp ứng được tiêu chí nào), và NHỮNG ỨNG VIÊN CẠNH TRANH là ai để so sánh hồ sơ dựa trên hệ quy chiếu của học bổng.

Tóm lại, mục đích của việc tìm hiểu hồ sơ thành công là xem người ta có gì phù hợp với tiêu chí, có gì vượt trội so với những người cạnh tranh, chứ không phải xem người ta giỏi như thế nào. Nói cách khác, “giỏi” là phải được so sánh với đúng hệ quy chiếu của học bổng, chứ không phải “giỏi” vì anh ta được học bổng.

Nguyên tắc 3: Muốn thành công cần cả năng lực và rất nhiều may mắn

3 yếu tố năng lực, tiêu chí học bổng, và may mắn có vai trò rất khác nhau trong mỗi trường hợp săn học bổng thành công (hoặc không thành công). Sẽ rất hàm hồ khi dựa vào việc một người được học bổng mà khái quát ra quy luật, kiểu như: Anh ta được học bổng toàn phần vì anh ta năng lực và phẩm chất cá nhân tốt, hay coi nhẹ vai trò của may mắn trong học bổng.

Để hiểu hơn về vai trò của các yếu tố này, hãy xét các trường hợp sau.

Giả sử phổ năng lực của các ứng viên cho một học bổng tuân theo đúng quy luật phân bố 5% thực sự kém – 90% năng lực trung bình sàn sàn như nhau – 5% vượt trội hẳn, xuất sắc.

Trường hợp 1: số suất học bổng vừa đúng bằng số lượng 5% ứng viên. Nếu tiêu chí chủ yếu của học bổng là năng lực, công việc lựa chọn sẽ rất đơn giản: trao học bổng cho đúng 5% xuất sắc. Ví dụ: có 200 hồ sơ và sau 3 vòng xét tuyển người ta lọc ra được 10 người thực sự vượt trội hơn hẳn 190 người còn lại về nền tảng kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, và phẩm chất cá nhân. Số học bổng là 10 suất => lấy đúng 10 người đó.

Trường hợp 2: số suất học bổng nhiều hơn 5% ứng viên. Ngay cả khi tiêu chí chủ yếu là năng lực, ban xét duyệt vẫn không thể chọn ra đủ số người để trao học bổng. Khi đó họ chỉ có lựa chọn: chọn thêm từ những người không thực sự đạt yêu cầu dựa trên các yếu tố ưu tiên bên ngoài hoặc bốc thăm ngẫu nhiên. Ví dụ, có 300 hồ sơ ứng tuyển, 15 người thực sự xuất sắc đạt yêu cầu, còn hơn 200 người còn lại chỉ sàn sàn như nhau. Số suất học bổng là 30. Vậy 15 người còn lại sẽ được chọn do may mắn chứ không hẳn do năng lực tốt.

Trường hợp 3: Số suất học bổng ít hơn nhiều so với 5% ứng viên. Khi đó họ buộc phải lựa chọn trên yêu tố ưu tiên bên ngoài hoặc bốc thăm ngẫu nhiên trong số 5% đó để chọn ra người được học bổng. Ví dụ, có 10,000 hồ sơ ứng tuyển mà chỉ có 10 suất học bổng. Vậy thì trong 500 người ổn nhất, vẫn phải bốc thăm ra 10 người may mắn. Hoặc, người ta phải dùng một tiêu chí không liên quan đến năng lực để lọc ứng viên ngay từ những vòng đầu tiên.

Các trường hợp trên mới chỉ xét các học bổng coi tiêu chí năng lực là quan trọng nhất. Thực tế, không phải khi nào học bổng nào cũng coi tiêu chí năng lực là quan trọng nhất, như trường hợp dưới đây.

Trường hợp 4:

Một ứng viên không học và làm gì liên quan đến lâm nghiệp được học bổng EM ngành lâm nghiệp.

Bất kể bạn này có động lực hay tầm nhìn đến mấy, chắc chắn trong hàng nghìn hồ sơ phải có hàng chục người khác có kiến thức, có kinh nghiệm nhiều hơn và cũng có động lực và tầm nhìn tốt. Vậy câu trả lời ở đây chỉ có thể là: không phải lúc nào năng lực cũng là yếu tố quyết định. Chuyện này xảy ra không chỉ với EM đâu, mà còn với nhiều học bổng quốc tế khác với số lượng hồ sơ lên tới hàng chục nghìn.

Nguyên tắc 4: Biết ưu tiên học bổng dựa trên điều kiện thực tế

Có một sai lầm rất kì cục và phổ biến: săn học bổng mà không có sự ưu tiên.

Viết một bộ hồ sơ chung để ứng tuyển cho tất cả các học bổng, không quan tâm mấy đến sự khác nhau về tiêu chí => không biết ưu tiên công sức và thời gian cho đúng học bổng phù hợp với mình, cũng không biết ưu tiên thể hiện tố chất nào cho học bổng nào.
Dành nhiều hi vọng cho các học bổng như nhau => không biết ưu tiên tâm trí cho đúng học bổng, để đến khi trượt cái học bổng không phù hợp với mình thì lại thất vọng tràn trề.
Việc ưu tiên phải dựa trên (1) sự phù hợp của tiêu chí học bổng đối với năng lực cá nhân, và (2) tỉ lệ giữa số suất học bổng và số lượng hồ sơ.

Ưu tiên thế nào?

Ưu tiên số 1: học bổng có nhiều tiêu chí phù hợp với năng lực cá nhân, số suất học bổng nhiều hơn 5% tổng số hồ sơ.
Ưu điểm: với những học bổng này, khi có năng lực thực sự vượt trội (thuộc nhóm 5%), bạn chắc chắn sẽ được học bổng.

Nhược điểm: phải nằm trong số 5% mới tự quyết định được số phận, không thì hoàn toàn chỉ cầu may.

Ưu tiên số 2: học bổng có nhiều tiêu chí phù hợp năng lực cá nhân, số suất học bổng xấp xỉ 5% tổng số hồ sơ.
Ưu điểm: với những học bổng này, khi có năng lực thực sự vượt trội (thuộc nhóm 5%), bạn chắc chắn sẽ được học bổng.

Nhược điểm: phải nằm trong số 5% mới được học bổng.

Ưu tiên số 3: các học bổng có nhiều tiêu chí phù hợp năng lực cá nhân, số suất học bổng nhiều hơn 5% tổng số hồ sơ.
Ưu điểm: không cần quá giỏi, may mắn hơn người khác một chút nữa là được học bổng.

Nhược điểm: không tự quyết định được số phận, đỗ cũng chẳng biết tại sao mình đỗ.

Không ưu tiên: các học bổng có số suất học bổng ít hơn nhiều so với 5% tổng số hồ sơ, các học bổng không đặt tiêu chí năng lực lên hàng đầu. Lý do không ưu tiên: giỏi đến mấy cũng chỉ kiểm soát được 30% cơ hội (thông qua viết hồ sơ và bài luận), phần còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự may mắn (ứng viên cạnh tranh có xuất sắc không, ban xét duyệt bốc trúng mình không, có ai cạnh tranh cùng vùng miền không)
Kết luận: Săn học bổng đòi hỏi những tìm hiểu và tính toán chiến lược, cơ hội kĩ lưỡng dựa trên thông tin thật chứ không phải quan điểm kiểu: “Tôi cho rằng/Tôi nghĩ rằng…”. Tức là phải tìm hiểu rất nhiều trường hợp khác nhau, nhất là những trường hợp trượt học bổng, chứ không phải cứ nhìn vào những trường hợp thành công. Không kém phần quan trọng: cần liên tục nâng cao năng lực của bản thân để vào nhóm 5%, thậm chí 2%. Càng có kiến thức nền tảng tốt, kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu dày dạn, tư duy và khả năng đặc biệt tốt, càng có nhiều khả năng quyết định số phận hồ sơ. Ngược lại, thiếu đi một thứ trong những thứ trên, phần trăm may mắn cần thiết sẽ lại phải tăng lên một phần.

Trước khi ứng tuyển, hãy tự hỏi mình có kiến thức chuyên ngành phù hợp không (không nhất thiết phải có bằng cấp)? Có kinh nghiệm phù hợp không? Tư duy đã ở trong nhóm 5% chưa hay vẫn mù mờ cảm tính, thiếu phản biện như hàng triệu người Việt Nam khác?

Trả lời được các câu trên, các bạn sẽ có cái nhìn thực tế hơn về bản thân và cơ hội của bản thân, bất kể đã được học bổng hay chưa.

Bonus: hồi tôi làm hồ sơ ứng tuyển Chevening, tôi tính toán thế này:

Background: bằng đại học về kiến trúc, phù hợp với ngành Environmental Design định ứng tuyển.
Kinh nghiệm và năng lực công việc: 3 năm, đã có kinh nghiệm thiết kế công trình nhỏ lẫn thi công công trình siêu cao tầng.
Tư duy và khả năng trình bày bằng tiếng Anh (viết và nói): ổn, tự tin không mấy người cùng ngành có thể cạnh tranh.
Khả năng lãnh đạo: lãnh đạo được cái đời mình *kidding* suốt 2 năm làm giám sát liên tục phải “huých” các đội nhà thầu đảm bảo chất lượng, giữ tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Số lượng hồ sơ và số suất học bổng Chevening: vô tình tìm được ở đâu đó số lượng hồ sơ xấp xỉ 200, mà số lượng suất học bổng sẽ khoảng 30.
Kết luận: hoàn toàn có quyền tự quyết định số phận :v

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015-2016

Ảnh: Dariusz Sankowski