Tag: studyintheuk

Chọn theo đuổi Kinh doanh tạo tác động, chọn học bổng Chevening

Chọn theo đuổi Kinh doanh tạo tác động, chọn học bổng Chevening

Xin chào, Mind the Gap xin gửi tới bạn những chia sẻ của bạn Mè Quốc Lương, học giả Chevening 2023/2024 về lý do bạn chọn học bổng Chevening và thông điệp ban muốn gửi gắm tới độc giả của Mind the gap. Hiện Lương 

Kỳ nghỉ hè ở UK

Kỳ nghỉ hè ở UK

Nộp xong luận văn cuối khóa, những tháng ngày miệt mài bài vở trường lớp đã lùi về phía sau. Trong lòng có đến 1001 cảm xúc sau khi nộp bài, lâu lắm rồi mới có lại mùa hè của đời sinh viên mộng mơ 

Đi tìm “Home Sweet home” khi đi du học ở UK

Đi tìm “Home Sweet home” khi đi du học ở UK

Tìm nhà là một vấn đề khá nan giải trước khi đi du học. Nhiều học giả Chevening cũng công nhận rằng, sau khi nhận kết quả thì niềm vui tột cùng nhưng nỗi lo bỗng chốc lại ập tới, có thể gầy cả người. “Tôi sẽ ở đâu” là một trong những nỗi băn khoăn đó.

Kinh phí thuê nhà

Kinh nghiệm khi mới đi du học là đừng nhân tiền bảng với tỷ giả để xem thuê nhà mất bao nhiên tiền một tháng, không thì lòng sẽ thấy bồn chồn bâng khuâng. Tiền thuê nhà chiếm khoảng 50% chi phí sinh hoạt/ tháng của bạn cho một căn nhà hết sức cơ bản: 1 giường đơn, 1 tủ, 1 bàn học 1 giá sách xinh xinh, phòng có sẵn đèn và lò sưởi. Phòng ensuit (nhà tắm riêng) sẽ đắt hơn một chút, và phòng studio (bếp riêng trong phòng) thì đắt hơn. Càng chia sẻ không gian chung nhiều thì lại càng rẻ.

Nhà ở London trung bình sẽ giao động từ 600-1500 bảng tùy thuộc vào vùng bạn ở (gọi là Zone). London được chia thành 09 zone. Zone 1, 2 là trung tâm nên chi phí thuê sẽ đắt hơn các zone còn lại. Bên cạnh đó, underground chỉ thuận tiện khi ở Zone 1,2,3 còn các khu vực ngoài giao thông chủ yếu đi lại bằng DLR, Overground, xe bus và rail.

Các thành phố khác London chi phí sẽ rẻ hơn, tầm 400 bảng/ tháng trở lên là bạn đã có thể tìm được nhà.

Giá nhà trên các trang tìm nhà thường để theo tuần. Ví di: 155pw, bạn nhớ nhân với 52 tuần (nếu hợp đồng nhà 52 tuần) rồi chia 12 để biết mỗi tháng mình cần trả bao nhiêu tiền nhé. Trước mình đọc qua cứ nghĩ 155 bảng/tháng thì rẻ quá mà lại mừng hụt.

Những kiểu nhà cho sinh viên ở UK

Mỗi loại hình nhà thuê đều có ưu nhược điểm khác nhau, và “tiền nào của nấy”.

  • Ký túc xá của trường /flat

Đây là lựa chọn an toàn và là phương án chúng ta nghĩ đến đầu tiên, phù hợp khi mình không có nhiều kinh nghiệm thuê nhà, không muốn suy nghĩ nhiều.

Ưu điểm của ký túc xá trường là thường nằm ngay trong khuôn viên trường, xuống tầng là thư viện, hợp đồng rõ ràng, môi trường an toàn, lành mạnh, nội thất, dịch vụ đầy đủ, có thể chọn giữa ký túc xá tự nấu ăn hoặc có bữa ăn sẵn. Ngoài ra, đi du học thì giao lưu cũng là một phần quan trọng. Do đó, ở ký túc xá là môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế đồng trang lứa.

Nhược điểm của ký túc xá là đắt hơn so với thuê ngoài và diện tích phòng thường rất nhỏ chỉ từ 9-12m2/phòng đơn. Nếu bạn muốn ở ký túc xá trường cần lưu ý hạn nộp đơn xin xét duyệt. Vì quá thời hạn, bạn sẽ không được xét duyệt vào ở vì họ đã phân hết phòng cho sinh viên. 

  • Student hall, ký túc xá tư nhân

Ký túc xá tư nhân là loại nhà trọ xây dành riêng cho sinh viên, nhưng không thuộc quản lý của trường đại học nào. Do đó, bạn cùng nhà của bạn có thể học bất cứ trường nào loanh quanh. Hồi đi du học, mình thuê nhà loại hình này. Ở đây cung cấp đầy đủ mọi trang thiết bị cần thiết, nhà đẹp, mới, thậm chí ban quản lý còn tổ chức các hoạt động chung cho mọi cư dân nữa. Dù không nằm ngay trong khuôn viên trường, nhưng các khu ký túc xá này cũng ở vị trí thuận tiện đi lại.

Nhược điểm lớn nhất của ký túc xá, như đã nói ở trên, tiền nào của nấy, ở ký túc xá (student hall) sẽ có giá cao hơn so với những loại hình khác. Bù lại, bạn có thể tìm nhà một cách nhanh chóng, an toàn và sống tương đối thoải mái để tập trung vào việc học. Ngoài ra, những khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, hành lang luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

  • Thuê nhà từ người bản xứ/ homestay

Thuê nhà từ người bản xứ cũng là một lựa chọn với chi phí tiết kiệm hơn. Chủ nhà cũng là thể là người Anh, người nước ngoài hay thậm chí người Việt đã ở UK lâu năm. Tùy theo tình trạng căn nhà thì bạn có thể ở chung với chủ hoặc không. Trong thời gian ở London, sau khi ký túc xá hết hợp đồng thì mình cũng ở ngắn hạn 2 nhà, một nhà ở chung với chủ và một nhà chủ không ở cùng. Nhìn chung, ở UK cuộc sống riêng tư được coi trọng và mọi thứ được ghi rõ ràng trong hợp đồng nên không cần lo lắng nhiều.

Ở nhà người bản xứ cũng là cơ hội để tìm hiểu và trao đổi văn hóa, nên cũng là một trải nghiệm đăng cân nhắc. Ở UK, có chương trình HostUK dành cho sinh viên quốc tế trải nghiệm cuộc sống văn hóa phong cách sống người dân bản địa, đặc biệt trong các mùa lễ hội. Tuy nhiên, bạn mình ở cùng host cả năm, nên chị ấy nói chắc cũng không cần đăng ký HostUK nữa.

  • Thuê nhà nguyên căn và ở chung một nhóm

Mình thấy đây là lựa chọn phổ biến nhất. Có thể là một căn nhà đã thuê trước, vừa có người chuyển đi còn trống một phòng, hoặc bạn chủ động tìm một căn nhà nguyên căn và tìm người ở cùng. Với cách chủ động thuê nguyên căn nhà, bạn có một đặc quyền mà 3 lựa chọn trên không có là được chọn người mình muốn ở cùng và chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên, để có được những đặc quyền đó thì bạn cũng phải tự mình “gánh vác” những nỗi lo khác như tiền điện nước, internet, tự mình dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, nếu như ở một nhóm người Việt Nam trong cùng một nhà, dù có nhiều cái tiện, nhưng bạn cũng sẽ bỏ lỡ một cơ hội của cuộc sống du học đó là được đắm mình hoàn toàn trong môi trường quốc tế.

Chales Dicken

Một số điều cần cân nhắc

Theo kinh nghiệm của mình, một đứa con gái chưa bao giờ đi thuê nhà khi ở Việt Nam, và cũng sợ đủ thứ, không muốn suy nghĩ nhiều thì mình rút ra được chút kinh nghiệm thế này:

  • Bill included hay excluded

Phần này cần xác định rõ khi bạn thuê nhà. Bill included thì mọi chi phí điện nước, ga, internet đã bao gồm. Bạn chỉ cần trả tiền nhà hàng tháng đúng ngày là xong. Nếu bạn nghĩ mình có thể tiết kiệm điện, nước, không nấu cơm nhiều thì có thể cân nhắc tiết kiệm chi phí này. Hãy cân nhắc kỹ vì giá năng lượng ở Châu Âu cũng đang là điều nhức nhối.

  • Thuê nhà qua agent hay không

Agent cũng là một kênh an toàn để tìm nhà. Có 2 kiểu agent: 1) agent là chủ bất động sản. Ví dụ các ký túc xá tư nhân, họ xây với mục đích kinh doanh, có website, địa chỉ liên lạc và bộ phận marketing, quản lý riêng; 2) agent chỉ là bên trung gian kết nối người thuê và người cho thuê. Tuy nhiên, qua agent kiểu này sẽ mất thêm một khoản phí hoa hồng nhưng kênh của họ nhiều thông tin, và nếu bạn có vấn đề gì với chủ nhà, ví dụ như chủ nhà không chịu trả tiền cọc thì bạn cũng sẽ có một liên hệ để đòi. 

  • Thời gian thuê nhà

Có loại hợp đồng là 44 tuần hoặc 51 tuần. Mình nghĩ hợp đồng 51 tuần sẽ tốt hơn vì nếu bạn bắt đầu từ kỳ tháng 9, mà ở 44 tuần thì trả nhà tầm tháng 7. Đây là mùa thi, mùa khóa luận mà lại quay lại nỗi lo tìm nhà thì hơi vất vả.

  • Đọc kỹ hợp đồng và kiểm tra tình trạng nhà

Trước khi thuê nhà bạn sẽ phải đặt cọc 1 khoản từ 300 bảng. Bạn có thể chuyển tiền từ Việt Nam qua các ngân hàng, hoặc nhờ người quen ở UK chuyển khoản giúp.

Khi đến nhận phòng, quản lý nhà sẽ phát 1 danh sách các đồ đạc được cung cấp (tủ,  bàn, ghế, chăn ga…) và đề nghị xem xét tình trạng phòng. Đoạn này với mình cũng có khá nhiều từ tiếng Anh lạ lạ nên phải search Google hình ảnh. Hãy kiểm tra kỹ xem đồ đạc có thiếu, hỏng hóc, tường bong tróc, nứt hay bẩn gì không rồi hãng hoàn tất nhận nhà, để tránh trường hợp bị trừ tiền đặt cọc.

  • Riêng hay chung

Shared-kitchen, shared-bathroom, ensuit hay studio? Tùy vào điều kiện, nhu cầu và tính cách cá nhân bạn có thể cân nhắc kiểu nhà sẽ thuê. Như đã nói ở trên, càng chung nhiều không gian, giá thuê nhà càng rẻ. Tất nhiên là có không gian riêng thì tốt nhưng đôi khi cũng không tuyệt vời cho lắm.

Với cá nhân mình, mình không thích ở phòng studio (nhà bếp, nhà tắm riêng trong phòng), vì studio tầm 1000 bảng/tháng trở xuống diện tích khá nhỏ. Ngoài ra, mình không thích mùi đồ ăn ở chỗ học và phòng ngủ. Dùng chung là bếp là lựa chọn tốt, vì nhà bếp chung thường rất rộng, tủ lanh to. Hơn nữa, các bạn nước ngoài cũng không nấu ăn nhiều đâu, hoặc các bạn ấy thường ăn bánh mì cũng không dùng nhiều đến bếp. Bạn có thể mời bạn bè đến ăn uống thoải mái sau khi nói trước với bạn cùng nhà.

Trước khi đi du học, mình cũng ngại dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh khi ký túc xá chung cả nam nữ. Ký túc xá mình ở có 10 người, chung 2 nhà tắm, 2 nhà vệ sinh, nhưng sau khi ở thì mình thấy không có vấn đề gì cả. Đừng lo chuyện xếp hàng đi tắm mỗi ngày vì mình nhận ra là giờ tắm của các bạn nước ngoài thường là sáng sớm hoặc trưa, hoặc tối muộn cũng không trùng giờ với mình. Bên cạnh đó, ở ký túc xá có người dọn dẹp không gian chung hàng tuần, refill nước rửa bát, giấy vệ sinh thường xuyên. Dọn dẹp cũng là một lợi thế cần cân nhắc, vì mình biết rất nhiều trước hợp, “tình bạn đổ vỡ” vì chuyện chia nhau đánh rửa nhà tắm.

  • Nên ở nhà gần trường

Gần ở đây có nghĩa là bạn có thể đi bộ đến trường nếu như hôm đó phương tiện công cộng có vấn đề. Trong bán kính 2km quanh trường, đi bộ khoảng 30 phút mình nghĩ là ổn. Mình nghĩ đi học vẫn là việc chính nên chúng ta thường xuyên lên lớp và đến thư viện. Do đó, ở gần trường là một lợi thế, cũng là động lực để chăm chỉ đi học hơn. Ngoài ra, bạn có muốn một buổi sáng thanh thản, không cần phải chen qua tàu địa ngầm, xe bus giờ đi làm và giờ tan tầm, không phải chờ xe bus. Chưa kể, cũng có những ngày đình công cũng chẳng bắt được tàu. Đi xa vừa tốn thời gian, và cũng tốn chi phí tàu xe. Khu quanh trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn.

Kinh nghiệm của mình ở London, thực sự là có những hôm mùa đông, mình chuẩn bị sẵn sàng sách vở, cơm trưa để lên trường nhưng mở cửa ra, tuyết rơi, lạnh quá, thế là cơn lười cũng lên cao, và mình ở nhà. Mà ở nhà dù thế nào cũng không thể tiện bằng lên thư viện được.

  • Cân nhắc ở gần ga tàu

Để tiết kiệm thời gian, và cũng để hạn chế việc phải đi bộ một mình đoạn quá dài nếu về muộn buổi tối thì nhà gần bến tàu cũng là điểu cần cân nhắc. Ở đây, mình bao gồm bến xe/ tàu đi lại trong thành phố và bến tàu (rail) để đi sang thành phố khác.

Một số nguồn tìm nhà cho sinh viên

Các nguồn tìm nhà bao gồm:

  • Trang web chính thức của trường, nếu bạn ở ký túc xá trường
  • Website của các agent, ký túc xá tư nhân
  • Lên hội nhóm sinh viên tại thành phố bạn học, cũng có nhiều bạn share phòng trống
  • Nhờ người quen đã ở UK giới thiệu. Ví dụ, bạn có thể liên hệ với một bạn Chevening khóa trước giới thiệu, hoặc đi xem nhà giúp. Đây là lúc khả năng networking được phát huy tác dụng.

Các trang web tìm nhà phổ biến:

Một cách khác, cũng nhiều bạn làm đó là bạn đặt Airbnb ở 1 tuần đầu tiên khi sang UK, rồi sau đó đến tìm và xem trực tiếp căn nhà. Mình cũng nghe nhiều chuyện drama với chủ nhà. Nhưng cũng may, mình chỉ nghe thôi chứ chưa bao giờ gặp. Theo kinh nghiệm của mình, hãy tìm một nơi mà bạn cảm thấy yên tâm, ở những nguồn uy tín.

Kinh nghiệm cá nhân và chút nhắn nhủ

Sống trong môi trường tập thể không chỉ cho mình thêm nhiều người bạn, cuộc sống ấy cũng cho mình nhiều bài học, là một lần khiến mình soi chiếu lại bản thân mình. Ở nhà, mình là đứa rất hay than và kêu ca. Mình cũng không phải đứa ngăn nắp lắm. Khi đến London, ở chung phòng đôi, tự nhiên mình nhận ra sự than thở thật thừa thãi và mình cũng không muốn lan tỏa sự tiêu cực. Mình đã học được cách kiềm chế cảm xúc, chia sẻ những điều tích cực với một người mà mình mới chỉ quen 1 tuần trước khi quyết định ở chung.

Chuyện bạn cùng nhà cũng đủ chuyện drama mình từng nghe: ồn ào, mất vệ sinh, xấu tính này nọ. Cũng có hôm bọn mình phát dồ cả lên vì xoong nồi ai dùng xong chưa rửa, hay ai đó nhét vải vào bồn cầu nước lênh láng hành lang. Nhưng rồi, mình nhận ra đó cũng chẳng phải vấn đề lớn để mình than vãn khi mình học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo của người khác và của chính mình.  Mình chỉ cần làm tốt phần của mình thôi, cuộc sống sẽ đáp lại bạn những gì bạn trao đi, trao đi chân thành bạn sẽ nhận lại những chân thành. Giờ mình chỉ nhớ, những người bạn tíu tít trong bếp những ngày cả nhà nấu ăn chung, hay những hôm cậu bạn cùng tầng tìm được deal trên “Too Good Too Go” và mang về nhà một cái bánh socola gọi cả nhà ra xử lý. Mình chỉ nhớ những điều tốt đẹp ở căn nhà đó thôi.

Một lời nhắn nhủ khi bạn tìm nhà hay trong bất cứ một quyết định nào khi đến một đất nước xa lạ là “Cứ gõ, cửa sẽ mở, đừng sợ”. Trong 15 tháng ở UK, mình ở tất cả 5 chỗ, ngắn hạn thì 1 tuần đến 1 tháng, dài hạn thì 2 tháng đến 1 năm. Và mỗi lần, đi trên con đường đến ngôi nhà mới mình đều sợ, sợ rất nhiều thứ: bắt cóc, cướp giật, bạo hành, lừa đảo, buôn người… Có lần mình trả phòng ký túc xá zone 1, để thuê nhà người bản địa ở khu Hackney, bạn mình dọa “Khu đó là khu nhiều trộm cắp và các anh liều nhất London”. Lúc đó, mình đã trả tiền nhà 1 tháng và cũng lo. Tuy vậy, bước qua cánh cửa một ngôi nhà trước đây hoàn toàn xa lạ ấy là một thế giới rất ấm áp. Tất cả mọi chủ nhà, các cô chú quản lý ký túc xá, hay các bạn cùng nhà đều tốt với mình hơn cả những gì mình kỳ vọng.

Người ta nói “Home is not a place, that’s a feeling”. Mình nghĩ cảm giác về nơi mình ở rất quan trọng bởi đó là nơi bạn có thể ngủ ngon giấc sau những ngày dài, nơi bạn sẽ gắn bó trong một quãng đời sau khi bạn đã phải cố gắng rất nhiều để có thể đi du học.  Chúc bạn tìm được một nơi khiến bạn thấy ấm áp và bình an để những tháng ngày du học thêm trọn vẹn những niềm vui và bài học ý nghĩa.

My room
Đây là căn phòng ký túc xá của mình

Bài viết: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019.

Chi tiết hơn về căn nhà mình từng sống khi ở London, bạn có thể xem trên blog cá nhân của mình dưới đây: Ngôi nhà của tôi ở London

[Chat with Alumni #2] Học giả Chevening phát triển kiến trúc công nghệ cao tại Việt Nam

[Chat with Alumni #2] Học giả Chevening phát triển kiến trúc công nghệ cao tại Việt Nam

Trong series Chat with Alumni, Mind the Gap sẽ trò chuyện cùng với những cựu học giả Chevening, để cùng tìm hiểu về con đường phát triển sự nghiệp của họ sau khi hoàn thành khóa học Thạc sĩ tại UK và trở về. Từ 

Những ngày đầu tiên đi học ở UK

Những ngày đầu tiên đi học ở UK

Đã gần 3 tháng kể từ khi khóa Chevening 2021/2022 bắt đầu năm học mới. Nước Anh bắt đầu đón những đợt tuyết trắng đầu tiên, cũng là lúc các bạn chuẩn bị kết thúc học kỳ 1 và chuẩn bị nghỉ lễ giáng sinh. 

KINH NGHIỆM CHỌN TRƯỜNG DU HỌC UK

KINH NGHIỆM CHỌN TRƯỜNG DU HỌC UK

XSự đa dạng về ngành học chính là điểm mình thích nhất ở học bổng Chevening. Các ứng viên có thể lựa chọn bất cứ ngành học nào được cung cấp bởi các trường Đại học ở UK, chỉ cần đó khóa học full-time, bắt đầu vào kỳ mùa thu, tháng 9 hoặc tháng 10. Vậy nên bạn có thể chọn bất cứ khóa học nào bạn thích mà không cần nhìn “giá” (Riêng khóa học về MBA, Chevening hỗ trợ mức học phí tối đa là £22,000).Để chọn trường, điều đầu tiên, bạn cần xác định mình muốn học ngành gì, và tìm cho mình một số từ khóa liên quan đến ngành học đó.

1. CÁCH MÌNH TÌM ĐƯỢC KHÓA HỌC MÌNH MONG MUỐN:

– Cách thứ nhất: Gõ từ khóa liên quan đến khóa học mình cần tìm trên Google theo cú pháp “Master in – tên ngành học –UK”. Ví dụ, khi mình tìm khóa học về quản trị hàng không, mình sẽ tìm kiếm “Master in Air transport management in UK”, hoặc “Master in Aviation management in UK”. Sau đó, dựa trên các kết quả trả về, bạn sẽ thấy câu trả lời mình muốn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lọc thông tin trên các trang web sau https://www.masterstudies.com/https://www.studyin-uk.com/ , https://www.postgrad.com/.

– Cách thứ 2: Với cách này thì bạn có thể chốt ngay trường mình muốn học mà không cần so sánh nhiều. Mình đọc một số cuốn sách chuyên ngành, và xem tác giả cuốn sách mình thích dạy trường nào, khóa học nào.

2. SO SÁNH, LỰA CHỌN GIỮA MUÔN VÀN KẾT QUẢ:

Có nhiều khóa học có vẻ giống nhau ở các trường khác nhau, vậy điều gì khiến bạn lựa chọn 3 khóa học mong muốn và xếp nó theo thứ tự ưu tiên?

– Sự phù hợp với khả năng của bản thân

Bạn cần đọc kỹ yêu cầu của khóa học đó để xem mình có khả năng được nhận vào học hay không. Một số khóa học yêu cầu có bằng đại học phù hợp, kinh nghiệm làm việc, một số khóa học chỉ nhận part-time, và có những khóa đầu vào rất cạnh tranh.Chevening cho bạn 3 lựa chọn, nên ứng viên có rất nhiều cơ hội để suy ngẫm. Một kinh nghiệm khác của mình, là hãy apply để nhận admission của trường sớm. Mình xin admission của trường cùng lúc với thời gian viết hồ sơ Chevening, vì tiện một công viết luận, làm giấy tờ. Có một vài khả năng, bạn có thể không đạt yêu cầu để nhập học của khóa học bạn mong muốn thì còn có phương án khác thay thế kịp thời.

– Sự phù hợp trong định hướng học tập.

Có những khóa học tên giống nhau, nhưng khi đọc kỹ bạn sẽ thấy nội dung từng module trong chương trình có sự khác nhau. Ví dụ, trong học ngành hàng không mình học có rất nhiều khía cạnh sân bay, hãng hàng không, không lưu, kỹ thuật, chính sách, luật, quản trị du lịch… Mỗi trường sẽ có một thế mạnh riêng. Đôi khi bạn chọn 1 trường chỉ vì một module bạn muốn học mà trường khác không có.Nếu như đọc giới thiệu khóa học và các module trong chương trình chưa đủ để bạn tìm thấy sự khác biệt rõ rệt thì hãy tìm hiểu kỹ hơn về các dự án nghiên cứu của khoa và profile của giảng viên khóa học. Chắc chắn thông tin khóa học sẽ có tên Course Leader, xem thầy chủ yếu nghiên cứu lĩnh vực nào. Theo mình thấy 1 năm học, 6 modules nhanh lắm, nên hãy xác định thật rõ mục tiêu học tập, những vấn đề bạn muốn tìm hiểu, và nếu thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn thích thì họ sẽ giúp bạn tìm hiểu được kỹ hơn.

– Sự đồng điệu về cuộc sống ở thành phố nơi bạn chọn

Đây cũng là yếu tố quan trọng, bởi thực tế là học cũng chỉ là một phần trong một điều lớn lao hơn, đó là Sống. Bạn sẽ khó mà học tốt được nếu như bạn không thể sống vui vẻ được ở thành phố bạn chọn.Nếu bạn sợ trời lạnh, hãy cân nhắc kỹ nên muốn học ở Scotland.Nếu bạn thích giao lưu, hồi hè thì cân nhắc nếu trường ở một ngôi làng nhỏ xinh biệt lập.Hãy tưởng tượng những ngày mùa đông lạnh giá, nhìn ra bầu trời xám xịt, mù mịt, bài tập bù đầu nghĩ mãi chẳng biết làm sao, lại còn nhớ nhà, xong lên Facebook tự nhiên thấy bạn bè post bát phở mà bụng đói cồn cào 🙁 … Sẽ có lúc như vậy đấy, nhưng cùng đừng lo lắng quá, vì UK với thân thiện lắm, và nhà trường cũng có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Điều quan trọng là chúng ta luôn cần biết cách tự tạo niềm vui cho chính mình.Mỗi trường có một thế mạnh và mỗi thành phố sẽ có một sự độc đáo riêng. Hãy xác định 1 năm đó là cuộc sống tự lập ở một nơi bạn vừa mới đặt chân đến nhưng bạn đã gọi đó là NHÀ.

“HOME is not a PLACE, that’s a FEELING”.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mọi thứ sẽ trở lên xa lạ những ngày đầu tiên, nhưng mảnh đất ấy là nơi sẽ lưu giữ một phẩn cuộc đời đẹp đẽ với bao nhiêu kỉ niệm thân thương, một phần cuộc sống mà bạn đã phải cố gắng rất nhiều để dành học bổng đi học, vậy nên cũng đáng để cân nhắc kỹ lắm.

3. KẾT

Khi lựa chọn mình luôn tự đặt câu hỏi Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao?- Tại sao lại là ngành ngày? Tại sao lại là khóa học này? Tại sao là ngôi trường này? Tại sao phải là ở UK? -Và khi có thể có thể trả lời hết những câu hỏi tại sao một cách rõ ràng, thì ý tưởng cho bài luận “Outline why you have selected your chosen three university courses, and explain how this relates to your previous academic or professional experience and your plans for the future” sẽ tuôn trào ra thôi. Trước khi thuyết phục hội đồng, bạn phải thuyết phục được bản thân mình trước đã.

Chúc các bạn may mắn và vững tin trên con đường mình chọn.


Tác giả: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019