Làm gì sau khi đã nộp hồ sơ học bổng Chevening?

Làm gì sau khi đã nộp hồ sơ học bổng Chevening?

Lời đầu tiên, mình xin chúc mừng bạn đã hoàn thành xong 1/2 chặng đường chinh phục học bổng Chevening năm nay. Bây giờ chúng ta cùng điểm qua một vài điều bạn có thể làm trong thời gian tới nhé.

  1. Nghiên cứu kỹ Timeline chính thức của Chevening để không bỏ qua những mốc thời gian quan trọng

Bạn hãy tham khảo các mốc quan trọng trong hành trình chinh phục học bổng Chevening tại trang tin chính thức của Chevening tại đường dẫn sau:

https://www.chevening.org/scholarships/application-timeline/

Như vậy, hiện tại bạn đã vượt qua cột mốc của ngày 7/11 đó là nộp hồ sơ. Tòan  bộ quá trình lựa chọn các ứng viên phù hợp nhận học bổng Chevening kéo dài ít nhất 8 tháng từ khi các ứng viên hoàn thành hồ sơ cho đến khi cần kết quả, bởi vậy bạn sẽ cần phải rất kiên trì nhé.

Hội đồng xét duyệt của Chevening sẽ đọc hồ sơ của ứng viên từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12, sau đó gửi các hồ sơ được chọn về Đại sứ quan/ Lãnh sự quán của các nước. Tại Việt Nam, nhóm phụ trách chương trình học bổng Chevening của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ của các ứng viên, và chọn ra những ứng viên phù hợp tiếp tục đi tiếp vào vòng phỏng vấn. Các bạn sẽ nhận kết quả vòng hồ sơ vào đầu tháng 2/2020.

Ngay sau đó, nếu như được chọn vào vòng phỏng vấn bạn cần gửi 2 thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp cho Chevening theo hướng dẫn. Vòng phỏng vấn sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/ 2020 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào đầu tháng 6/2020.

Mình biết chờ đợi là cảm giác không mấy dễ chịu, nhưng bạn hãy kiên nhẫn, bởi vì hàng năm Chevening nhận được hơn 50 ngàn hồ sơ trên khắp nơi trên thế giới và nhóm phụ trách học bổng Chevening của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng rất khẩn trương đọc và chọn ra những ứng viên phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, bạn không nên gửi mail hỏi “Khi nào sẽ có kết quả?” bởi vì trả lời email đó  sẽ vô tình làm tăng khối lượng công việc phải xử lý. Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất cố gắng để đưa thông tin đến các ứng viên đúng các cột mốc thời gian đã đưa ra.

Trong thời gian tới bạn còn rất nhiều điều quan trọng khác cần làm.

  1. Chuẩn bị thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp

Cột mốc để bạn gửi thư giới thiệu và bằng tốt nghiệp là 25/2/2020. Mình nghĩ rằng việc gì dễ thì làm trước, bạn hãy sẵn sàng một bản PDF bằng tốt nghiệp của mình trong máy tính để có thể sẵn sàng gửi đi bất cứ khi nào.

Một việc hơi khó hơn một chút đó là chuẩn bị 2 thư giới thiệu. Bạn nên đọc kỹ những yêu cầu về thư giới thiệu tại trang tin chính thức của Chevening tại đường dẫn

https://www.chevening.org/scholarships/guidance/references/.

Sau đó, hãy nói chuyện và gửi những yêu cầu những nội dung cần đề cập trong thư tới người giới thiệu của bạn để có một lá thư giới thiệu đúng yêu cầu của học bổng nhé. Người viết thư giới thiệu cho bạn có thể là thầy cô giáo hoặc lãnh đạo tại nơi bạn đang làm việc, những người hiểu rõ khả năng của bạn.

Thư giới thiệu phải viết bằng tiếng Anh và đề cập đến một số nội dung như:

  • Mối quan hệ giữa ứng viên và người viết thư giới thiệu? Gặp trong hoàn cảnh nào? Khi nào? Thường xuyên liên lạc không?
  • Nêu tóm tắt về đặc điểm của ứng viện như khả năng lãnh đạo, tạo dựng mối quan hệ, khả năng hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Anh.

Hãy nhớ rằng, thư giới thiệu là một phần rất quan trọng trong hồ sơ xin học bổng bởi nó đưa ra một cái nhìn khác về ứng viên bên cạnh những thông tin họ viết trong hồ sơ. Bởi vậy, bạn đầu tư chính đáng cho 2 lá thư giới thiệu của mình như bạn đã đầu tư cho hồ sơ của mình vậy.

  1. Nộp đơn xin thư nhập học vào các khóa học bạn mong muốn

Mãi đến tháng 7/2020 bạn mới cần nộp thư nhập học từ các trường, nhưng đó là khoảng thời gian mà hội đồng tuyển sinh của các trường vô cùng bận rộn dể xét duyệt hồ sơ của các sinh viên nhập học cho kỳ tháng 9. Do đó, thời gian để nhận được thư nhập học có thể kéo dài đến 2 tháng. Bởi vậy, bạn nên chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào khóa học từ sớm, tránh thời gian cao điểm. Bộ hồ sơ xin nhập học vào các trường cũng cần có đơn xin nhập học, thư giới thiệu, bằng đại học, bảng điểm và một số yêu cầu khác tùy khóa học. Với mình thì đó không phải là quá trình nhanh gọn đâu, vậy nên bạn sẽ chuẩn bị sớm nhé. Khi đã có trong tay thư mời nhập học của ít nhất 1 khóa học bạn mong muốn rồi, bạn sẽ thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của mình, một số khóa học đòi hỏi chuyên môn sâu hoặc chuyên ngành bạn học đại học khác với chuyên ngành đang ứng tuyển, khóa học sẽ yêu cầu tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, một số khóa học còn yêu cầu các chứng chỉ chuyên môn. Vậy nên, bạn nên nộp hồ sơ sớm để biết khả năng trúng tuyển của mình. Nếu không đủ điều kiện nhập học, bạn có thể chuyển sang các khóa học khác phù hợp hơn.

Nếu bạn muốn thay đổi khóa học đã đăng ký trong hồ sơ Chevening cũng không có vấn đề gì cả, trong vòng phỏng vấn hội đồng sẽ hỏi vấn đề này và bạn có thể được thay đổi, bạn chỉ cần nói rõ lý do tại sao mình thay đổi là được.

Một số khóa học sẽ có yêu cầu đọc phí nộp hồ sơ. Theo chia sẻ của một số bạn đã nhận học bổng Chevening năm trước, các bạn ấy có thể gửi mail cho trường, đề cập đến việc đang trong quá trình ứng tuyển học bổng Chevening và có khó khăn về tài chính để nhà trường hỗ trợ. Bạn cũng thử cách này xem sao nhé.

  1. Thi chứng chỉ IELTS

Bạn cũng cần chứng chỉ IELTS để hoàn thành hồ sơ xin nhập học tại các trường nữa. Lượng thí sinh đăng ký thi IELTS có những thời điểm rất đông. Bởi vậy, mình nghĩ các bạn nên chuẩn bị ôn luyện và đăng ký thi sớm.

Chứng chỉ IELTS có thời hạn 2 năm, nếu không dùng được năm nay thì bạn vẫn có thể dùng cho năm tiếp theo, và cũng có thể dùng cả trong CV xin việc của bạn nữa, nên mình nghĩ đó là khoản nên đầu tư cẩn thận.

Bạn chỉ cần đạt số điểm IELTS để đạt tiêu chuẩn nhập học khóa học bạn mong muốn. Một số khóa học thạc sĩ như Luật, Báo chí các trường có thể yêu cầu điểm cao hơn. Nếu như bạn đã đủ yêu cầu Tiếng Anh của khóa học bạn muốn, bạn không cần phải thi lại để điểm cao hơn làm gì, vừa mất thời gian và mất chi phí nữa. Điểm IELTS cao cũng không giúp hồ sơ đẹp hơn đâu. Bạn chỉ cần đủ. Hãy nâng cao khả năng tiếng Anh của mình bằng những cách thú vị hơn như đọc sách, xem phim chẳng hạn, sằn sàng để có thể giao tiếp, đọc sách, viết luận trong môi trường học thuật.

Ngoài IELTS, tùy yêu cầu của trường bạn cũng có thể thi lấy các chứng chỉ khác như Pearson PTE Academic, TOEFL iBT, C1 Advanced (formerly Cambridge English: Advanced [CAE]), Trinity ISE II (B2). Hãy tham khảo kỹ yêu cầu của trường để chuẩn bị nhé.

  1. Dành thời gian cho những dự định khác và đừng quên nghỉ ngơi

Mình vẫn nhớ quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ Chevening, đọc đi đọc lại bài luận rồi sửa không biết bao nhiêu lần. Thực sự khi đó mình đã rất lo lắng, căng thẳng. Mình hiểu cảm giác mà các bạn đã trải qua. Nhưng không sao cả, giờ đây, bạn đã đi một chặng đường khá dài, bạn nên dành một chút thời gian cho bản thân. Hà Nội đang bước vào những ngày mùa thu đẹp nhất trong năm rồi đó, hãy thư giãn, tận hưởng vì bạn xứng đáng với điều đó. Bạn cần năng lượng để tiếp tục hành trình dài phía trước và cuộc sống của bạn còn vô vàn những đích đến khác cần chinh phục.

Dù kết quả ra sao, mình tin rằng với hành trình đã qua, những lúc suy nghĩ về kế hoạch tương lai, khả năng lãnh đạo, kỹ năng tạo dựng mối quan hệ, những lúc miệt mài bên bàn phím để viết bài luận, đó là một lần bạn nhìn lại bản thân và sẽ giúp bạn hiểu hơn về chính mình.

Bạn đã cố gắng, bạn đã cho chính mình một cơ hội và bạn có lý do để hi vọng.

Chúc các bạn may mắn.

Bài viết: Nguyễn Phương Anh – Học giả Chevening 2018/2019

Ảnh: Red Keep Calm and Carry On Wallpaper – https://hdwallsource.com/