MÓN NGON NƯỚC ANH

MÓN NGON NƯỚC ANH

Nước Anh vốn có nhiều tai tiếng về ẩm thực, bạn cứ thử hỏi tất cả những ai đã từng có thời gian sinh sống ở Anh thì rõ, chắc chắn sẽ không ai khen đồ ăn ở xứ này ngon. Tuy nhiên, gạn đục khơi trong thì có rất nhiều món đồ ăn đồ uống nước Anh đáng thử. Dưới đây là danh sách một số món ăn mình đã kịp thử và rất thích, ghi lại để sau này có bạn nào tới Anh thì khỏi phải thử những món khác.

Cream tea

Trà là một trong những niềm tự hào của nước Anh. Họ có không biết bao nhiêu là loại trà: Grey tea, Breakfast tea, Yorkshire, nhiều không kể hết, cũng không nhớ hết được tên. Quý tộc Anh trước đây có văn hóa uống trà chiều (afternoon tea – không biết giờ còn không). Cứ chiều chiều các bà các cô áo váy trang điểm đến nhà nhau uống trà chiều đàm đạo. Trà chiều ở đây chính là uống Cream tea. Cấu tạo của món cream tea này như sau:

Trà có thể có rất nhiều loại, tùy mình chọn. Thường phục vụ cùng bánh scone, là loại bánh làm từ bột mỳ, có thể có thêm các loại hạt như hạt dẻ, hạnh nhân, hoặc đệm hoa quả khô như nho hay dâu khô. Bánh scone dùng với cream tea thường là bánh nóng, kiểu vừa làm xong, hoặc không thì cũng phải được giữ ấm thế nào đó, để bánh khi ăn mềm và thơm. Ngoài ra, có hai thứ không thể thiếu trên bàn cream tea. Thứ nhất là kem (đương nhiên). Kem clottish là loại kem đặc biệt ở Anh, mình chả biết làm từ cái gì, chắc là sữa bò với các kiểu bột đánh trộn lên. Đưa một miếng kem clottish vào miệng thấy tan chảy vị béo của sữa, thoang thoảng ngọt lại thơm. Ôi, mình cứ ngồi ăn cả hộp cũng được. Thứ hai là mứt dâu. Mứt dâu ngọt lừ, đương nhiên là toàn vị dâu rồi. Thỉnh thoảng ăn lại cắn phải cái hột dâu xần xật.

Khi ăn + uống cream tea, quy trình như sau: Bạn phải cắt cái bánh scone ra là 2 hoặc 4 phần (tùy xem bánh to nhỏ ra sao), sau đó phết kem clottish lên (phết thật nhiều luôn) rồi phết tiếp một lớp mứt dâu lên, úp mẩu bánh scone còn lại lên trên. Cắn một miếng, thấy vị mềm, thơm của bánh scone, trộn với vị béo ngòn ngọt của kem clottish và mùi dâu thoang thoảng. Ôi, nhấp một ngụm trà đã pha thêm chút sữa đúng kiểu Anh. Thật không còn thứ cảm giác sảng khoái nào sánh bằng.

Mình thỉnh thoảng cũng tụ tập với lũ bạn đi uống trà ở một vài teashops, nơi họ phục vụ cream tea với nhiều loại trà khác nữa, và thông thường họ trang trí giống kiểu Fairfax – kiểu quý tộc trước đây. Nhưng cố gắng mấy cũng không thể giống phong cách quý tộc nước này được. Hôm nọ mình đi uống trà với một bạn người Indonesia. Bạn đấy ban đầu bảo: “Xem đây, tao sẽ uống trà đúng kiểu British”. Xong cũng cắt bánh, bỏ kem, bỏ mứt vào. Cái bánh trở nên to đùng. Thế là nó bảo: “Hey, look at my hamburger.” Quả thật đâu có dễ gì mà làm quý tộc được.

Sunday roast

(hình ảnh mang tính chất minh họa)

Sunday roast cũng là một thứ mà người Anh khá tự hào. Món ăn này có nguồn gốc như này: ngày xưa thời nước Anh cách mạng công nghiệp thì các gia đình không có điều kiện ăn uống tưng bừng hàng ngày, nên buổi tối họ chỉ về ăn qua loa cho xong bữa rồi đi ngủ để hôm sau đi làm. Ngày chủ nhật là ngày cả gia đình được nghỉ ngơi và xum họp nên thường cả nhà sẽ cũng ngủ muộn rồi dậy nấu một bữa ăn (không phải sáng, chẳng phải trưa, gọi là brunch) thật thịnh soạn để cùng ăn uống với nhau. Mà món quay thì thường là rất ngon, vì thịt gì mà cứ ướp đủ gia vị rồi quay lên mà chẳng thơm phưng phức, vậy nên các gia đình Anh thường làm món Sunday roast để ăn với nhau vào ngày chủ nhật. Thường là quay cả con gà lên rồi cả nhà cùng đánh chén.

Bây giờ thì Sunday roast phục vụ tại nhà hàng cả tuần. Có tiền thì cứ mời vô thưởng thức. Món roast ở nhà hàng thì có nhiều loại. Thích thì bạn có thể ăn gà quay, bò quay, bê quay, cừu quay tùy chọn theo thực đơn của nhà hàng. Ngoài thịt, họ sẽ phục vụ khá nhiều rau ăn kèm, thường là khoai tây, bắp cải, đỗ, súp lơ – rau có thể xào, hoặc luộc tùy chọn. Có hai thứ đặc biệt ở món roast – thứ nhất là một cái bánh pudding. Mấy lần mình ăn thử Sunday roast thì cái bánh pudding này rất ngon, thường là bánh vẫn còn ấm, và vỏ rất giòn. Thứ hai là nước sốt gravy – nước sốt màu nâu nâu, tưới đều lên cả thịt cả rau, cả bánh, vị đậm đà ngon dã man. Cream tea thì mình còn có tí tự tin là tự làm được ở nhà (vì mua kem clottish, mua mứt dâu, mua trà, mua bánh scone còn được) chứ Sunday roast thì chịu luôn.

Elderflower juice

Cái thứ nước từ cái loại hoa này không có gì là đặc sản cả, lần đầu tiên mình uống là từ cái máy bán hàng tự động ở trường vì có thằng bạn bảo: Uống đi ngon lắm, tao mua cho một chai mà uống thử. Từ đấy nghiện luôn. Nước này làm từ một loại hoa rất phổ biến ở miền Southdown miền Nam nước Anh, tới mùa xuân tháng 3 tháng 4 về, đi đường bạn sẽ thấy hoa trắng nhỏ mọc đầy trên những cây thân gỗ cao, có mùi thơm dìu dịu. Đó là hoa elderflower.

Nước hoa elderflower ngọt ngọt, thơm thơm. Mấy đứa bạn mình uống xong phát biểu cảm nghĩ bảo: “Taste like a flower!” – Đương nhiên rồi, vì nó làm từ hoa mà lại. Ở nhà, mình mua một chai cordial (tức là nước cốt, khi uống phải pha ra với nước lọc theo tỷ lệ 1 cordial: 4 nước thì mới uống vừa miệng) vị elderflower để uống dần dà…

Thời gian này mình đang sống ở Mỹ, một hôm vào siêu thị chợt nhìn thấy chai nước Elderflower này mà lòng xôn xao, buộc phải mua về uống dù giá cũng không rẻ chút nào. Vẫn vị hoa cũ đây mà người cũ không còn thấy đâu nữa.

Khoai tây chiên ăn kèm mù tạt

Khoai tây chiên ở đây có hai loại – chip và French fries. Chip là loại khoai tây chiên cắt miếng to dài như cái đũa; còn French fries là loại khoai tây miếng nhỏ hơn, khi rán hoặc quay lên thì ăn ròn hơn. Cả hai loại này mình rất khoái chấm với mù tạt. Bên này họ có loại English mustard (mù tạt Anh) vị ít nồng hơn, đỡ hăng hơn những loại mù tạt mình được ăn ở VN. Mình ăn cay kém nên chuộng loại này của bọn Tây. Khi ăn với khoai tây chiên, mùi hăng của mù tạt sẽ làm bớt vị ngấy của khoai tây chiên, còn vị cay sẽ làm tăng sự hấp dẫn cho một món ăn “hơi” vô vị.

Bia cider và Harvey

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Nói tới nước Anh là không thể không nhắc tới bia!

Trước khi tới Anh mình không hề biết rằng có một loại bia tên là Cider. Cider xuất xứ từ vùng Normandy của nước Pháp (con bạn mình bảo thế chả biết đúng không, nó đi đến Cannes nhất quyết tìm mua cho bằng được một chai Cider có chữ – Made in Normandy), nhưng hôm trước mình đi York thấy người York cũng tự hào vì món Cider của họ lắm. Không rõ là bằng sáng chế thuộc về ai. Mà thôi, ai cũng được, miễn là giờ mình được uống thứ bia làm từ táo, vị ngọt, thỉnh thoảng có tí đắng, thỉnh thoảng có tí men, uống khoảng 2 pints thì cũng bắt đầu thấy lâng lâng hưng phấn. Nói chung cider là bia cho phụ nữ, nhẹ và rất dễ uống. Mình nghe thằng bạn người Anh ở cùng nhà mình nó bảo nó còn làm cider từ elderflower.

Harvey là loại bia đặc trưng của vùng Sussex, bạn chỉ có thể tìm thấy Harvey ở vùng này chứ đi nơi khác là không có. Bởi ở Anh có văn hóa uống bia lâu đời, nên nghề nấu bia là một trong những ngành nghề truyền thống. Trước đây, họ nấu bia theo quy mô nhỏ, hộ gia đình và không thể sản xuất được nhiều, vì thế mỗi vùng ở nước Anh thường sẽ có một vài lò nấu bia (gọi là microbrewers) cung cấp bia cho cả vùng. Tuy nhiên, dần dần công nghiệp hóa, cộng với các hãng bia quốc tế như Heniken, Tiger v.v.. du nhập vào Anh khiến cho các lò nấu bia không thể cạnh tranh được, dần làm mai một nghề nấu bia thủ công. Chính phủ Anh vì thế đã quyết định bảo tồn và có chính sách ưu đãi với các hộ gia đình vẫn theo nghề truyền thống này. Thế nên tới nay, một số hãng bia nhỏ (như Harvey) vẫn còn tồn tại được. Bia Harvey có nhiều loại – vàng, đen, đắng v.vv mình chưa thử hết. Hôm nọ mình uống phải cái loại đắng, ối trời, kinh hết cả người. Tuy nhiên lại có nhiều người cũng thích.

Ngoài ra, một lần mình nghe nói ở các quán pub của Anh còn có thể loại trộn tất thảy các thể loại bia thừa vào trong một cái thùng rồi ai hỏi thì bán tiếp. Mình cũng quên mất không nhớ tên gọi loại bia đó là gì. Nhưng như thế có nghĩa là mỗi ngày bạn sẽ được thưởng thức bia với hương vị khác nhau. Mình thì chắc không dám thử cái loại bia đó, cơ mà với bọn Tây lại vẫn ngon mới tài. Cái này thì chịu, không hiểu được.

Trên đây là vài kỷ niệm về món ngon nước Anh. Có dịp trở lại mình sẽ không thể để lỡ dịp thưởng thức tất cả những hương vị quen thuộc đó. Hay có ai đang ở Anh, hãy ăn hộ mình miếng bánh scone, thưởng ngụm trà và nhấp chút bia ở microbrewers gần nhà bạn nhé.

 

Bài viết: Phạm Thu Trang – Học giả Chevening 2013/2014

Hình ảnh: Phạm Thu Trang – Học giả Chevening 2013/2014 và sưu tầm trên mạng