VỀ NHÀ THÔI, VỀ SOUTHAMPTON!

VỀ NHÀ THÔI, VỀ SOUTHAMPTON!

2.30 chiều ngày 31/12/2018, khi ngồi đếm ngược thời khắc qua năm mới, những kỷ niệm về Southampton trôi bồng bềnh trong tôi. Một năm có lẻ ở Soton (cụm từ thân thương cho Southampton) nhanh thật nhanh!

Đó là ngày 22/09/2017, một con bé không còn trẻ nhưng chưa từng đặt chân ra nước ngoài như tôi, sau khi mất hơn một ngày để đến Heathrow và tiếp tục thêm 2 tiếng trên coach, cập bến Soton vào một buổi chiều. Đó là trạm Southampton University of Health Science. Hàng cây phong chào đón tôi bằng một chiếc lá rụng..vào chân.

Tay xách nách mang, đúng nghĩa, với valy 30 kí và túi laptop, tôi vừa cố gắng kết nối wifi for guest của trường, vừa lo connect với thằng em không-quen-biết để xin ngủ nhờ một đêm. Số là, ngày 23/09 university hall accommodations mới mở cửa, mà tôi lại đến trước một ngày, nên nhờ hội Vietnamese society at Soton tôi tìm được em trai này và xin ngủ ké một đêm. Đi tìm đường một hồi cũng đến được nhà, trái với tâm lý phòng vệ của tôi khi đến xin ngủ ở nhà một thằng con trai, cả nhà em này vô cùng tốt bụng, chở tôi đi Saintsbury và chợ Việt để làm quen, nấu bún bò huế cho tôi ăn, và còn rủ tôi karaoke cả đêm để tôi không bị jetlag (giờ VN và Anh lúc đó là cách nhau 7 giờ). Sáng hôm sau, một cậu bé điển trai sáng láng trong nhà, giúp tôi xách hành lý đến Wessex Lane Hall, ký túc xá của tôi. Và cuộc sống của một sinh viên bắt đầu!

Southampton University có 2 campus chính: Highfield và Avenue. Highfield là nơi bọn tôi hay học, có các dãy nhà có đánh số thứ tự cho mỗi ngành và thư viện chính. Thường thì bọn business school hay học ở nhiều dãy nhà khác nhau và tập trung ở khu Highfield.

Highfield, đặc biệt Highfield library là nơi gắn bó với tôi suốt hơn cả năm qua. Thư viện có kiến trúc rất đẹp, có nhiều tầng, mỗi tầng có một theme riêng, có kèm Art gallery, rất nhiều computers, phòng học nhóm và bàn ghế tự học thiết kế ngộ nghĩnh. Cho cả học kỳ hè 3 tháng làm dissertation, tôi rất hay lên tầng cao nhất để viết và truy cập số liệu ở máy Datastream của trường, in và copy, hoặc chạy xuống lầu 2 để nhờ tư vấn cách viết văn học thuật của các cô chú thư viện, còn khi cần hỗ trợ kiếm số liệu thì chạy đi kiếm cô thư viện phụ trách ngành. Đôi khi đang ngồi làm không biết trời trăng mây đất, lúc giờ ăn trưa, anh supervisor người Ai Cập lại ghé chỗ tôi để hỏi tôi làm tới đâu rồi và có cần hỗ trợ gì không..Lầu 5 là lầu cao nhất, nên mỗi chiều, khi đang căng thẳng trước màn hình máy tính, chợt thấy một tầng mây hồng là tôi và vài bạn nữa lại chạy lại gần cửa sổ để ngắm hoàng hôn.

Trước cổng thư viện có một cây dâu tằm mà tôi không biết. Đợt dissertation cũng là đợt hè, một ngày đi làm ra sớm, tôi thấy một bác đứng kế cái cây đang ăn cái gì đó. Tôi hỏi mới biết đó là cây dâu tằm, và trái dâu rất to.. Sau đợt đó, mỗi lần làm luận căng thẳng là tôi lại phi xuống để tìm vài trái dâu lấp bụng.. Do Highfield campus là compact design, nên các dịch vụ hỗ trợ khác nằm gần kề nhau. Ngoài chuyện tìm dâu ăn, khi mệt tôi cũng hay ghé các khu trên, đặc biệt là phòng gym để bơi và Faith and Reflection house để ăn bánh, uống trà và kiếm người nói chuyện. À, trong khu Highfield có một khu vườn bí mật, nơi mà chỉ cần vào đó ngồi thả hồn là sẽ quên trời quên đất. Có một vị trí rất đặc biệt trong khu vườn này, đó là một cái ghế gỗ ở trên đồi, dưới tàng thông xanh và trước mặt là một đồi hoa. Mùa hè ngọn đồi có màu trắng, màu của cúc dại, và mùa xuân thì màu hồng, màu của loại hoa mà tôi không biết tên. Vị trí này rất là đắt chỗ, nên lúc nào tôi lại cũng thấy ai đó đang occupy ngồi đọc sách.

Avenue campus nằm cạnh Southampton Common, national park ở rìa Southampton. Dù mất tầm 15 phút đi bộ từ Highfield, Avenue trong tôi rất đặc biệt. Avenue không nhiều người và ồn ào như Highfield, mà rất yên tĩnh. Đây là campus cho sinh viên ngành ngôn ngữ và các ngành trong xã hội học. Các đợt Easter hay Summer vacation, Avenue hay tổ chức dạy ngoại ngữ miễn phí cho sinh viên, và bọn cùng nhà tụi tôi rủ nhau đi học ngoại ngữ: cùng bắt bus, đi bộ, ăn trưa và về cùng với nhau. Cuối đợt Easter đầu xuân, Avenue dịu dàng trong sắc hồng của hoa anh đào. Mùa hoa chỉ có tầm 1 tuần, và chỉ nở 1 lần duy nhất trong năm, nên nếu không tinh ý sẽ không kịp thưởng hoa. Lúc đó, đi đâu cũng gặp cánh anh đào bay lả tả. Một lần khi đang ngồi trong lớp, ngước mặt lên cả trời hoa màu hồng, làm tôi quên mất đang học gì, chỉ biết đắm chìm trong sắc hồng dịu dàng lơ lửng đó.

Cách vài bước chân là Southampton Common, nơi mà người Anh và sinh viên quốc tế rất hay ra đây đi dạo. Mùa đông, khi tuyết vừa phủ xuống Soton, nơi này như một thiên đường, khi các bạn trẻ chơi trò trượt tuyết từ dốc xuống, (có bạn mang cả khay nướng bánh để ngồi lên mà trượt), gia đình thì nặn tuyết.. Jonas, một người bạn người Đức đã chỉ cho tôi trò nặn tuyết, là từ một nắm tuyết lăn qua lăn lại để to hơn. Mùa hè, nơi này cũng không khác thiên đường, khi người người nhà nhà ra tắm nắng, nướng BBQ và chơi các trò chơi ngoài trời. Như trò đi trên dây, là một sợi dây thừng căng giữa hai gốc cây, rồi mình đi bộ từ đầu này qua đầu kia. Emily và tôi chơi trò thăng bằng trên dây cùng với nhau, nắm tay hỗ trợ nhau.

Gym ở đây rất tốt và nhiều hoạt động. Sinh viên quốc tế cũng rất thích vào phòng gym ở Highfield. Một thẻ gym 165 bảng/năm nhưng tôi được tham gia gần như tất cả các hoạt động ở đây. Có những trò trước đây chưa thử ở Việt Nam như leo núi trong nhà, bắn súng ngoài trời, trượt ván,.. tuy nhiên bơi là môn tôi yêu thích nhất. Có một lần, lúc 8g sáng, tôi hỏi một cụ bà bơi cùng, cụ cho hay là 93 tuổi rồi và thường bơi 1 lần 20 vòng. Nghe xong tôi choáng váng, vì sức tôi chỉ tầm 6-7 vòng là hết nổi rồi. Sau đợt đó động lực tập thể thao của tôi tăng vùn vụt, không như hồi còn ở VN chỉ đi tập Aerobics và yoga.

Faith and Reflection house là một nơi rất nhiều kỷ niệm với tôi. Trong một lần đi bộ cùng nhóm Friends International, mọi người dừng lại ở đây để dùng creamy tea. Và bức tranh Where is tea, where is love ám ảnh tôi nhiều nhất, nên tôi lại đây rất thường xuyên và kết bạn với rất nhiều bạn quốc tế ở đây. Đúng theo nghĩa đen, mỗi khi thấy lạnh, buồn, nhớ nhà hay đơn giản là khát nước, tôi hay lại đây để pha trà và ăn bánh. Reflection house (tôi hay gọi nhà này như vậy) mục đích chính để cho các tôn giáo sinh hoạt, nhưng với tôi đây là nhà. Mọi người (các chaplain và sinh viên quốc tế) đối xử với tôi như người nhà, dạy cho tôi phải trái đúng sai, dạy cho tôi cân bằng cuộc sống và lắng nghe tôi nói. Ở đây tôi học được cách pha trà, uống trà của người Anh, chơi piano, nấu Pasta, và đôi khi thưởng thức international food do các bạn sinh viên đem đến ở các buổi café do Reflection house tổ chức. Như là ăn há cảo kiểu tàu phải ăn cùng giấm đen với tỏi sống, hoặc uống trà kiểu ả rập thì đăng đắng thì nên ăn cùng với mứt chà là ngọt ngọt.. còn tôi thì tôi giới thiệu cà phê sữa Việt Nam phiên bản UK J.

Một năm ở UK trôi qua rất nhanh, và bọn bạn tôi cũng hay kháo nhau là, Southampton is the most friendly city, khi người bản xứ rất tốt, thầy cô thân thiện, sinh viên quốc tế đa dạng. Ngoài ra, tôi rất thích ở đây, vì Southampton là một trong những nơi gần như ấm nhất nước Anh, cho một đứa ở miền Nam Việt Nam quanh năm chỉ biết hai mùa mưa nắng, không biết mùa đông, có thể thích nghi. Tôi nhớ một lần, khi Yanyi, bạn flatmate đi du lịch và bị cướp từ tiền đến điện thoại, nên trong chuyến đi em chỉ có khóc và khóc. Vậy mà, khi vừa về đến nhà, em nói với tôi rằng: “Tao thấy yên tâm rồi, về nhà rồi.” Đúng rồi, về nhà, về Southampton, về nơi yên bình.

Long Xuyên, 6pm ngày 31/12

A young wild bird

Bài: Tô Lê Ánh Nguyệt – Học giả Chevening 2016/2017