Nước Anh có gì: The best of Sheldon’s obsession

Nước Anh có gì: The best of Sheldon’s obsession

Disclaimer: Các thông tin chính xác về lịch sử phát triển và nguồn gốc của ngành đường sắt, ở UK và trên thế giới, có tương đối đầy đủ trên cả Wikipedia & Quora. Nội dung bài này hoàn toàn là quan điểm chủ quan của người viết (do lười đi đối chiếu). Còn Sheldon là nhân vật chính của series phim truyền hình The Big Bang Theory (CBS) – ai chưa có dịp xem thì xem cho biết cũng được.

Một trong những lý do mình tận hưởng khoảng thời gian tại UK một cách hết sức thoải mái chính là nhờ hệ thống đường sắt & ngành đường sắt ở đây. Ý kiến của mình chắc chắn có phần thiên lệch, do những tìm hiểu đều xuất phát từ sở thích cá nhân. Nhưng dưới đây là những điểm cộng to đùng mà UK đã ghi được trong lòng mình chỉ với một đống sắt (và mấy trăm năm đầu tư vận hành).

  • Đường sắt UK bao phủ gần như từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, nối liền các thành phố, thị trấn cũng như phần lớn các địa điểm du lịch khác.
  • Người Anh thường hay than phiền việc tư nhân hóa ngành công nghiệp đường sắt, nhưng chỉ cần đi tàu hỏa ở “phần còn lại của châu Âu” nhiều một xíu, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thấy được những lợi ích của dịch vụ do tư nhân (thay vì nhà nước/ nhà nước trợ giá) cung cấp.
  • Nói thế vẫn phải thừa nhận là vé tàu ở UK đắt khủng khiếp: một vé đi về giữa Birmingham & London rẻ nhất tầm 11-12 bảng, phải đặt trước & phải đi đúng những chuyến tàu mình đã đặt. Nếu cần phải đi gấp, thì quãng đường xấp xỉ 180km đó có giá trị 30-80 bảng (một chiều) cũng là chuyện bình thường. Trước tình cảnh này, nhằm mục đích không phải đau bao tử lúc đi chơi, sinh viên nghèo vượt khó đã tập được sự ngăn nắp, khả năng lên kế hoạch và sự kiên nhẫn lục lọi các hãng tàu, các ưu đãi giảm giá và các tuyến đường khác nhau để mua vé vừa tiết kiệm tiền, vừa đến được nơi cần phải đến trong khoảng thời gian “chấp nhận được”.
  • Phong cảnh ở UK ngắm từ trong xe lửa đẹp hơn ngắm từ xe hơi và xe buýt. Lý do là đường ray đặt tách khỏi khu dân cư hơn một tý, đồng không mông quạnh, không bị nhà cửa che đi nhiều, thế là tầm nhìn tốt hơn. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa thể hiện sự khác nhau rõ mồn một ngoài đồng. Mình cứ ngồi trên tàu mà ngắm cho sung sướng.
  • Một từ thôi: viaducts (cầu cạn đường sắt).
Ga York
  • Nhà ga ở UK rất hay. Không phải chỉ những cái to hoành tráng như King’s Cross, Waverley hay vừa được đầu tư lại bộn tiền như New Street mới đáng được nhắc đến. Từng nhà ga, cả lớn cả nhỏ, đều một cách riêng để thể hiện cá tính và đặc trưng của vùng/ thành phố/ thị trấn mình. Cái hoa hồng gắn lên vách lên cột, cầu thang nối giữa các sân ga, cũng rất riêng (xấu đẹp đủ hết nha). Nhà ga mình thích nhất vẫn là Moor Street ở Birmingham và lý do chính là nó chỉ có 4 sân ga, vừa đủ “đa dạng”, nhưng bảo đảm có đi nhầm cũng hiếm khi trễ tàu được.
  • National Railway Museum, York: bảo tàng miễn phí vé vào & như nhiều nhiều bảo tàng khác ở UK, cung cấp vô vàn thông tin hay ho (ví dụ như tuyến tàu chạy từ London lên Edinburgh đã phát triển như thế nào, những đầu tàu nào đã chạy tuyến đó) & các hiện vật trưng bày thì … <nhớ lại vẫn thèm thuồng>.
  • Xe lửa hơi nước: được sử dụng chủ yếu để phục vụ du lịch; mọi người có thể thử ở Lake District hoặc North Yorkshire đều có nhiều tuyến rất đẹp. Việc họ giữ lại được những thứ hay và đẹp của lịch sử, quá khứ và quá trình phát triển, cho nó một vị trí phù hợp, hiệu quả trong xã hội và môi trường hiện tại, theo mình là hết sức đáng học hỏi và trân trọng.

P.s: Mọi người đi chơi bằng tàu đừng quên mang theo railcard nhé; không thì lại phải ngậm ngùi mua thêm một vé giá chuẩn trong trường hợp bạn soát vé nghiêm túc làm đúng luật. Nhớ lại vẫn xót xa mấy chục đồng vé từ Edinburgh về Brum năm đấy quá.

Ảnh đại diện: Ga Stratford-upon-Avon.

Bài và ảnh: Khanh Nguyễn

Học giả Chevening 2015-2016