Những điều “tưởng bở” khi du học Anh (Phần 1)

Những điều “tưởng bở” khi du học Anh (Phần 1)

Nhiều tân du học sinh nước Anh đã phải ngỡ ngàng khi nhận ra mọi chuyện ở vùng đất này không giống những gì mình vẫn tưởng. Dưới đây là 18 điều “tưởng bở” phổ biến mà bạn dễ mắc phải:

Dưa bở #1

Sau khi đi du học về tiếng Anh sẽ trở nên thật pro, về nhà sẽ loè được nhiều người, nhất là có được giọng Anh Quốc nghe thật ‘chất’.

Thời gian lên lớp ít, không phải giáo viên nào cũng là người bản xứ, không chịu tiếp xúc, chỉ chơi với người Việt, bạn nghĩ tiếng Anh mình sẽ có khác gì so với các bạn ở Việt Nam chuyên tâm học tiếng Anh không?

Đặc biệt đối với các anh chị học PhD chỉ gặp một số đồng nghiệp ít ỏi trong văn phòng, và chỉ gặp súp (supervisor – giáo viên hướng dẫn) vài lần trong năm, hay các bạn học ngành engineering/computer science thì suốt ngày đối diện với màn hình vi tính hoặc các thuật ngữ chuyên ngành, chỉ phải tự thân vận động ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội hoặc đi làm thêm mới cải thiện được tiếng Anh hơn lúc ở Việt Nam thôi. Những bạn nào muốn tiếng Anh của mình thực sự được nâng cấp thì để ý điều này nhé.

Về vấn đề ‘giọng chuẩn’, tất nhiên sẽ tuyệt vời nếu bạn luyện được cho mình có được giọng của địa phương (giống như ngày xa xưa nổi lên hiện tượng nhái giọng của nhiều ca sỹ), nhưng nếu có chất giọng riêng của bản thân thì cũng chẳng có gì đáng xấu hổ. Với tớ, mỗi người có một chất giọng (accent) riêng, hà cớ gì bạn phải ép mình bắt chước thật chuẩn giọng của một người nào đó mới được gọi là giỏi? Các bạn Singapore có Singlish, Ấn Độ có Inlish, tại sao bạn lại sợ bị ‘quánh giá’ khi mình nói giọng Vietnamese-lish? Miễn các bạn chịu khó trau dồi ngữ pháp (ai nói ngữ pháp không quan trọng thì suy nghĩ lại đi nhé), vốn từ vựng, và quan trọng là ý tưởng và nghệ thuật diễn đạt làm sao để đối phương hiểu, hoặc có cảm tình là được. Với tớ, ngôn ngữ đối chỉ là phương tiện dùng trong việc giao tiếp, không phải là thước đo trình độ con người.

Hoạt động iCafe của sinh viên trường Southampton 12/2016

Dưa bở #2

Mình có điểm IELTS đủ yêu cầu của trường, các bạn trong lớp hoặc cũng vậy, hoặc phải qua khoá tiếng Anh tại trường mới được học chính thức, cho nên vấn đề ngôn ngữ không phải là rào cản nữa…

Dù IELTS bạn có là 8 hay 9 chấm đi chăng nữa, việc bỡ ngỡ trong cách sử dụng tiếng Anh vào những ngày tháng đầu ở xứ người không thể nào tránh khỏi, bởi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ phổ thông ở nước ta. Đồng thời, nhiều bạn cùng lớp đến từ Trung Quốc hoặc các nước châu Á không sử dụng tiếng Anh thì việc giao tiếp ban đầu sẽ rất hạn chế. Qua đây bạn phải gồng tai nghe đủ thứ giọng tiếng Anh mà bạn không bao giờ có thể học trên sách vở nào. Đổi ngược lại phản xạ tiếng Anh của bạn có thể cải thiện trông thấy theo thời gian. Nếu như mấy ngày đầu còn ú ớ ‘luôn luôn lắng nghe, nhưng lâu lâu mới hiểu’, mãi mới thốt nên vài từ do nghe tiếng đực tiếng cái, thì sau một thời gian tớ tin rằng bạn có thể “bắn” tiếng Anh một cách đầy tự tin.

Dưa bở #3

Học thạc sĩ ở Anh chỉ một năm, tốn ít thời gian học hơn ở những nước khác, nghe nói dễ hơn nữa.

Chắc dưa bở này nghe từ các bạn súp pơ xì ta (super star) quá, chớ tớ bơi lặn ngập mặt, nhất là học kỳ một chưa quen với cách học ở bên đây, học kỳ hai cũng chẳng thảnh thơi là bao, rồi bấn loạn trong thời gian viết luận văn, viết xong vẫn chưa hoàn hồn. Không tin à, thử nhìn vào lịch thi học kỳ liên tục dày đặc của các bạn học bậc Thạc sỹ (hay ngay cả Đại Học), các bạn sẽ phải khóc ngất lên luôn đấy chứ.

Còn đây là danh sách các bài đọc thêm sau MỘT tiết học của tớ. Học thạc sĩ, thời gian lên lớp chỉ có vỏn vẹn tầm 20-24 tiếng cho mỗi môn học (module), còn thời gian tự học gấp ít nhất 5 lần thời gian lên lớp mới đảm bảo chất lượng. Các bạn cần chuẩn bị tâm lý về vấn đề này nhất nhé!

Thế đó, một năm ở Anh trôi qua nhanh lắm cơ, chớp mắt một cái là đến Lễ Giáng Sinh là thi học kỳ 1, rồi Lễ Phục Sinh là thi học kỳ 2, hè ư? Là đến lúc phải bắt tay vào viết bài khoá luận 15,000 chữ. Chưa gì là phải đến lúc đặt vé máy bay về lại Việt Nam rồi.

Tất nhiên, học dồn vậy mệt và căng thẳng thật. Tuy nhiên, sau 1 năm quay trở về nước vẫn có thể ‘đuổi kịp’ bạn bè ở nhà. Xong đống ‘assignment’ 3,000-5,000 chữ của từng môn học (module), và bài tốt nghiệp 15,000 chữ, bây giờ kêu viết báo cáo 1,000 từ tớ chỉ xem như trò con nít (chứ lúc mới qua, rặng mãi mới ra được bài…500 chữ). Công nhận, học xong vẫn thấy lợi J

Dưa bở #4

Đi du học về chắc sẽ khác lắm…

Ừ, kim đồng hồ của cái cân sẽ không nhận ra mình nè, tóc rụng nè, da nứt nẻ nè, xui nữa thì mặt nổi bông hương ngát trời xanh. Thức đêm thức khuya viết bài, đọc sách, uống nước cứng, tóc rụng như lá mùa thu rơi.

Nhưng đối lập với khác biệt về hình thức thì bản thân mình cũng thấy mình “lớn” hơn nhiều, độc lập hơn và cả bản lĩnh hơn nữa. Cái xấu của vẻ bề ngoài không bao giờ là vĩnh cửu cả. Nét đẹp bên trong thì dần dần hoặc cuối cùng rồi thì cũng sẽ được bộc lộ ra bên ngoài thôi J

Dưa bở #5

Ở nhà chán quá, tìm cách đi du học cho bằng bạn bằng bè.

Đi du học không phải là con đương duy nhất dẫn đến thành công. Bạn đi một năm tức chi phí cơ hội trong một năm ấy, khi bạn bè ở nhà được thăng chức lên lương, lập gia thất sinh con, nếu không có mục tiêu học hành rõ ràng, bạn sẽ rất dễ rơi vào tâm trạng tự kỷ, thấy mình bị bỏ lại ở đằng sau. Một buổi sáng bất chợt nghĩ vẩn vơ tại sao mình lại ở đây, thậm chí có thể nghĩ tiêu cực mình thật bất hiếu tốn tiền bố mẹ mà chưa làm được tích sự gì.

Mác du học sinh chẳng có gì hay ho nếu bản thân người đó chẳng có gì ho hay hoặc không có kế hoạch học tập rõ ràng, bạn nhớ rõ nhé.

Dưa bở #6

Chọn trường chọn ngành có Ranking càng cao càng tốt, mặc kệ những yếu tố khác

Lời khuyên của mình là nếu muốn thực sự biết chất lượng của trường thì hỏi cựu du học sinh học trường đó và ngành bạn đang muốn học. Ranking không phản ánh hết thực chất chất lượng dạy và học của một trường đại học.

Dưa bở #7

Đi học thạc sĩ mình sẽ gặp được rất nhiều bạn Anh ở trong lớp.

Sĩ số lớp mình là 90 mống, chỉ có một mống duy nhất người bản xứ thôi, chúng nó chui hết ở xó nào hay sao ý. Chiếm đại đa số là các bạn Trung Quốc, Nigerian, Đài Loan, Thái Lan, Châu Âu… Cũng tùy ngành, tùy nghề sẽ thu hút sinh viên tùy nước. Chính nhờ sự đa dạng chủng tộc trong cùng một lớp học này đã giúp tớ học được cách làm việc với những con người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau.

Vì vậy, khi các bạn chọn trường thì cần nghiên cứu kĩ cả học sinh của trường để tránh bị sốc vào buổi học đầu tiên nha (có thể email, điện thoại hỏi cán bộ tuyển sinh quốc tế của trường – thường là những người làm trong phòng International Office).

Dưa bở #8

Đến Anh phải chụp được tấm hình với booth điện thoại màu đỏ, London’s eyes, tháp chuông đồng hồ Big Ben

Tớ cũng ráng chụp cho bằng bạn bằng bè nhưng mà nói thật, không đẹp như bạn nghĩ đâu (vừa xấu lại vừa vô dụng, hè hè). Chẳng ai dùng booth điện thoại này nữa, chỉ để làm cảnh hoặc biểu tượng là chính.

Edinburgh – 07/2016
Kingston – 01/2017

Nói vậy chứ lên ảnh vẫn lung linh các bạn nhỉ hì hì.

Dưa bở #9

Trời lạnh, chụp hình với áo ấm mùa đông, khăn choàng, bao tay da, nhìn thật ‘kool’.

Khổ lắm, đôi lúc trời rét đến nỗi không đưa nào dám bỏ bao tay ra để chụp hình luôn đấy chứ… Cái lạnh mà chỉ những ai đã từng trải qua mới biết đáng sợ như thế nào… Thời gian mới qua, có lần tớ phải quấn cả…cái mền mới mua trong lúc chờ xe buýt. Lạnh lắm, khổ lắm, ngố lắm!

Dưa bở #10

Thấy hình ảnh các bạn du học sinh gửi hình về đăng Facebook dưới nắng ấm thật lung linh

Bạn có nghe nói nghệ thuật là ánh trăng lừa dối chưa? Bọn tớ chỉ tranh thủ chụp hình khi ánh nắng le lói 1, 2 giây chứ mặt trời ở Anh cứ suốt ngày chơi trốn tìm với bọn tớ. Cái xứ mà ‘mưa rồi chợt nắng’ ‘sương mù giăng khắp cả nẻo đi lối về’, câu cửa miệng mà tớ hay nói là ‘British weather is unpredictable!’ (Thời tiết ở Anh là vô đoán!)

(còn tiếp)

Bài: Nguyễn Như Ngọc  Học giả Chevening 2015-2016

Ảnh: Nguyễn Như Ngọc, Beate Bachmann