Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 4)

Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 4)

Tiếp theo bài trước, phần cuối của loạt bài “Chuẩn bị du học 4” sẽ bao gồm những hậu quả của việc không chuẩn bị nghiêm túc và một số gợi ý để chuẩn bị kĩ càng hơn.

8. Hậu quả

Tự tạo cho ban xét duyệt cơ hội từ chối mình

Đã xin học ngành không liên quan chút nào đến ngành học ở bậc đại học, mà lại không có kinh nghiệm phù hợp thì tại sao chúng tôi (ban xét duyệt) không chọn người có kinh nghiệm phù hợp hơn?

Kinh nghiệm làm việc của bạn không đủ chất và lượng thì tại sao chúng tôi không chọn người có kinh nghiệm tốt hơn?

Tiếng Anh của bạn còn non kém, tại sao chúng tôi không chọn người cùng ngành, cùng kế hoạch và động lực làm việc, nhưng tiếng Anh tốt hơn bạn? Với tiếng Anh tốt hơn, họ rõ ràng dễ thành công trong khóa học sắp tới hơn bạn mà.

Bài luận của bạn còn hời hợt, tại sao chúng tôi không chọn người có tư duy và chuẩn bị kĩ càng hơn bạn?

Đam mê và động lực của bạn cũng chân thật đấy, nhưng người khác cũng chả kém hơn bạn đâu. Sao tôi phải chọn bạn?

Bạn không nói được rằng mình sẽ đem lại lợi ích gì cho chúng tôi, vậy tại sao chúng tôi không chọn người đem lại nhiều lợi ích cho chúng tôi hơn bạn.

Những thứ trên không thể bù trừ cho nhau. Bởi vì, làm sao có thể nói một người có kinh nghiệm tốt đáng được học bổng hơn một người có đam mê lớn? Hơn nữa, trong hàng trăm hàng nghìn hồ sơ ứng tuyển, sẽ chẳng thiếu gì những hồ sơ tốt trên tất cả các mặt: bằng cấp, kinh nghiệm, tư duy, động lực, kế hoạch. Hiển nhiên, bằng cấp không bằng người, kinh nghiệm cũng ngắn ngủi không chất lượng bằng người, chỉ có đam mê nhưng lại là thứ chả so sánh hơn kém được, thì chỉ có trông vào may mắn mới được học bổng chứ sao nữa.

Tự giới hạn khả năng phát triển kiến thức và kĩ năng

Với kĩ năng tiếng Anh chỉ ở dạng vừa đủ, tư duy phản biện kém, khả năng viết luận kém, ứng viên, ngay cả khi đã có học bổng, sẽ làm thế nào để tận dụng các tài nguyên con người, vật chất và phi vật chất ở khóa học thạc sỹ sắp tới? Chuyện ứng viên học hành không nghiêm túc không phải chuyện hiếm. Những ai đã từng đi Úc theo học bổng AAS đều biết cộng đồng sinh viên ở Úc, bao gồm cả các học giả AAS, phân chia rất rõ ràng. Một nhóm những sinh viên chăm chỉ và chuẩn bị tốt sẽ dành nhiều thời gian cho việc học và đạt được kết quả rất tốt, hầu như High Distinction. Nhóm còn lại là những người trình độ tự học và nghiên cứu thấp, tiếng Anh yếu, dù có học bổng cũng chỉ đi học để lấy điểm Pass rồi dành thời gian còn lại đi làm thêm. Không có lựa chọn nào là sai hay đúng, nhưng con đường nào tạo được lợi ích dài hạn hơn hẳn rất rõ.

9. Làm sao để nổi bật giữa hàng trăm hàng nghìn bộ hồ sơ?

Để nổi bật, việc đầu tiên là làm sao để ban xét duyệt không có cơ hội từ chối mình, là loại bỏ tất cả những lỗi trên.

Một bộ hồ sơ tốt cần phải hội tụ tất cả mọi yếu tố thì người ta mới không có cơ hội từ chối mình. Năm ngoái tôi có hướng dẫn cho 12 bộ hồ sơ khác nhau cho nhiều học bổng hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam, trong đó có 7 bộ hồ sơ thành công. Trong những hồ sơ thành công đó, những bộ nào không cực kì may mắn thì lại có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng và đầy đủ, từ kinh nghiệm, kĩ năng cho đến thái độ.

Ngay cả khi mắc tất cả các lỗi trên, người ta vẫn hoàn toàn có khả năng lấy được học bổng. Tuy nhiên khả năng đó rất thấp, và khi đó việc được học bổng hoàn toàn do may mắn. Dĩ nhiên, chọn chuẩn bị kĩ lưỡng hay trông vào may mắn là lựa chọn cá nhân. Nhưng sự “ngây thơ” và thái độ hời hợt không thể giúp con người tiến xa được. Chỉ có sự chịu khó dành thời gian tìm hiểu và rèn luyện bản thân mới thực sự khiến cơ hội được học bổng tăng lên, bất kể ứng viên lựa chọn ứng tuyển học bổng nào.

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015 – 2016

Ảnh: Hans Braxmeier