Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 2)

Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 2)

Tiếp theo bài trước, bài viết này sẽ bao gồm các nguyên nhân khiến cơ hội được học bổng giảm đi.

3. Kĩ năng thu nhập thông tin kém

Có 3 kĩ năng thu thập thông tin quan trọng gồm: literacy, computer literacy, và Internet literacy.

Literacy là khả năng đọc kĩ và hiểu trong sáng. Khi ứng viên đọc không kĩ và hiểu không trong sáng, ứng viên sẽ suy diễn ra thông tin không có thật. Ví dụ, rất nhiều người cho rằng Chevening luôn ưu tiên người đang làm cho khối nhà nước và cũng không thèm đọc quy định của Chevening để kiểm tra lại. Hoặc một số người đến giờ vẫn cho rằng Chevening có các ngành ưu tiên, trong khi quy định này đã bị gỡ bỏ từ năm 2015.

Bên cạnh đó, sự thụ động trong việc tìm kiếm thông tin sẽ giới hạn nhận thức và hiểu biết của ứng viên về các loại học bổng. Thực ra thông tin về học bổng hiện nay rất nhiều và rất kỹ (Ví dụ như blog này). Các ứng viên chỉ cần đọc các blog và đọc kỹ các thông tin trên trang chính thức của học bổng là đã đủ thông tin về điều kiện cần và đủ của học bổng rồi.

Computer literacy và Internet literacy là những hiểu biết và kĩ năng cơ bản để sử dụng máy tính và Internet hiệu quả nhằm tìm kiếm thông tin. Sự yếu kém về các kĩ năng này sẽ dẫn đến việc thông tin ứng viên tìm được chẳng có gì khác biệt cả. Khi thiếu đi sự khác biệt và sự rõ ràng, ứng viên rất khó thuyết phục được ban xét duyệt rằng lý do lựa chọn khóa học của mình chân thật.

Hãy tưởng tượng một người đi đánh trận, không hiểu rõ về đối phương mà cứ xông lên, thì dù thắng hay thua cũng đều dở cả. Thắng cũng không biết tại sao mà thua cũng không biết vì sao.

4. Chọn trường một cách hời hợt

Một lỗi cơ bản của các ứng viên khi nói lý do chọn trường: chọn trường vì thành tích của trường. Ví dụ: tôi chọn trường này vì trường có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế, có mấy giải Nobel, có bao nhiêu công trình nghiên cứu trên Nature hoặc Science.

Những thành tích đó không hề đảm bảo việc khóa học sẽ đem lại những kiến thức hay kĩ năng có ích. Và “có ích” có nghĩa là liên quan chặt chẽ tới lý do đi học và kế hoạch sau khi học. Rất nhiều hồ sơ không thể hiện được các mối liên quan chặt chẽ và riêng biệt này. Hoặc hồ sơ sẽ chỉ giải thích tại sao muốn đi học, hoặc sẽ chỉ giải thích tại sao chọn trường học đó với các lý do hời hợt.

5. Viết bài luận kém

Lỗi cơ bản thứ nhất của người Việt Nam là dài dòng. Trích một phần Long đã nói về lỗi này:

Ví dụ: Yêu cầu là “Outline why you have selected your chosen three university courses, and explain how this relates to your previous academic or professional experience and your plans for the future”

Rất thường xuyên, người viết kể lể ra một lô một lốc tình hình Việt Nam đang ra sao, mất tầm 150 từ. Sau đó các ứng viên kể lể cái ngành chung chung mình học là cái chung chung gì, mất thêm 150 từ. Sau đó kể nốt tôi học ngành đó để rồi tôi làm ra cái gì, mất nốt 150 từ. Mà bài luận giới hạn 500 từ. Cuối cùng còn chả nhắc nổi cái tên khóa học với tên trường cho ra hồn.

Lỗi thứ hai là thích dùng từ “đao to búa lớn” và học thuật. Đây thực ra là điều cần tránh trong viết, thậm chí với viết học thuật. Mục tiêu quan trọng nhất của việc viết là khiến người đọc hiểu đúng điều mình muốn họ hiểu. Và để đạt được mục tiêu đó, từ ngữ CÀNG THÔNG DỤNG và GIẢN DỊ CÀNG TỐT.

Lỗi thứ ba là hay sử dụng tính từ để nói về mình hoặc sản phẩm của mình nhưng không có dẫn chứng để chứng minh. Đây cũng là điều tối kỵ trong viết hồ sơ xin học bổng. Bởi vì đó là cách viết khoe khoang, dùng cảm giác chủ quan của mình để buộc người khác phải đồng ý với đánh giá cảm tính của mình. Một bài viết tốt và khách quan sẽ sử dụng nhiều động từ để mô tả những gì mình đã làm, còn người đọc sẽ tự đánh giá tố chất của ứng viên.

(Còn tiếp)

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015 – 2016

Ảnh: Jürgen PM