Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 1)

Chuẩn bị du học 4: Các “cách” làm giảm cơ hội được học bổng (Phần 1)

Săn học bổng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đọc và phản biện cho hàng trăm hồ sơ xin học bổng, cả đạt và không đạt, tôi nhận thấy vẫn có nhiều trường hợp tạm gọi là “thiếu hụt về nhận thức” khiến cho cơ hội đạt học bổng giảm đi. Bài viết này được viết ra với mục đích xóa đi nhiều ảo tưởng kì cục của nhiều người. Bởi vì tôi cho rằng, những người đi tìm học bổng không nên làm bất cứ việc gì với thái độ chỉ cầu may mắn. Không ai muốn trao cơ hội cho người không đủ nghiêm túc như vậy cả.

1. Du học khi kinh nghiệm chưa đủ về chất và lượng

Những người chưa đủ kinh nghiệm rất khó xin được học bổng. Bởi vì không có kinh nghiêm thì không thể biết được mình cần kiến thức gì, cần chọn khóa học nào cho chính xác. Mà khi chính mình còn không biết thì làm sao thuyết phục được ban xét duyệt học bổng.

Du học khi kinh nghiệm chưa đủ lượng

Một điều thường thấy là các bạn muốn du học thạc sỹ ngay sau khi tốt nghiệp đại học mà lại muốn có cả học bổng toàn phần nữa. Những trường hợp này đương nhiên không có chút kinh nghiệm làm việc nào nên không biết chọn khóa học phù hợp.

Những ứng viên có thể chọn được khóa học phù hợp để học tiếp luôn bậc thạc sỹ hầu như đều theo hướng nghiên cứu khoa học chứ không phải thực hành. Họ đã có kinh nghiệm cộng tác nghiên cứu hoặc tự nghiên cứu ở bậc đại học, nên nắm rõ ngành mà họ muốn tiếp tục nghiên cứu ở bậc cao hơn. Hầu hết những học bổng thạc sỹ không yêu cầu kinh nghiệm làm việc toàn thời gian (full-time) cũng dành cho những ứng viên như vậy.

Du học khi kinh nghiệm chưa đủ chất

Những người này thường có khoảng 1-3 năm kinh nghiệm, nhưng chỉ có 1 năm kinh nghiệm liên quan đến ngành dự định học. Hoặc có nhiều hơn 1 năm kinh nghiệm nhưng vị trí làm việc chỉ là thực tập sinh, hoặc tình nguyện viên bán thời gian.

Với kinh nghiệm như vậy, khả năng ứng viên xác định được một khóa học phù hợp, hoặc xây dựng được một kế hoạch làm việc hợp lý sau khi kết thúc khóa học là rất thấp. 1 năm kinh nghiệm không đủ để đảm bảo ứng viên sẽ tiếp tục được với ngành đã chọn. Vị trí thực tập sinh cũng có áp lực trách nhiệm và mức độ đóng góp khác hẳn, không thể so với những người làm việc chính thức toàn thời gian. Mà ban xét duyệt là những người phỏng vấn rất sắc sảo. Họ dễ dàng khai thác những điểm không chắc chắn ở ứng viên.

Tóm lại, nếu ứng viên không có định hướng nghiên cứu, cũng chẳng phải người có nhận thức thiên tài, thì cứ đi làm trong một ngành suốt 2 năm, ở vị trí toàn thời gian đã, rồi hãy tính đến xin học bổng toàn phần. Ứng tuyển học bổng ở trạng thái kinh nghiệm chưa đủ chất hay lượng là một trong những hành động ngớ ngẩn, phí phạm thời gian nhất của người đi học.

2. Không chuẩn bị kĩ càng

Không lên kế hoạch từ trước

Một kế hoạch săn học bổng hoàn chỉ thường được thực hiện trong tầm 5 – 7 năm mới có thể tạm đảm bảo sức cạnh tranh tối đa. Thời gian này bao gồm 2 – 4 năm học tiếng Anh, 2 năm vừa học tư duy và viết luận, vừa suy nghĩ thật kĩ về công việc mình muốn theo đuổi trong tương lai, 1 năm làm hồ sơ.

Việc lên kế hoạch này đảm bảo được 3 yếu tố:

  • Ngay cả khi không dành được học bổng, ứng viên vẫn có những kĩ năng có giá trị dài hạn, có thể áp dụng vào nhiều công việc khác nhau.
  • Ứng viên có đủ thời gian để hoàn thiện từng phần của bộ hồ sơ với chất lượng tốt, tránh tình trạng phải học tiếng Anh, thi chứng chỉ, làm giấy tờ bổ sung cùng lúc.
  • Dành được trọn vẹn thời gian từ khi cổng ứng tuyển mở cho đến hạn đóng hồ sơ để tập trung vào việc viết bài luận. Đây là phần quan trọng nhất khiến hồ sơ xin học bổng trở nên khác biệt, nhưng lại chỉ có thể bắt đầu khi cổng ứng tuyển mở.

Không chuẩn bị tốt kĩ năng ngôn ngữ

Để có thể viết được một hồ sơ xin học bổng tốt tốt, và học tập tốt ở nước ngoài, ứng viên cần khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức độ C1 trong khung tham chiếu CEFR. Vì vậy, hãy đọc can-do statement của trình độ C1 trong khung tham chiếu CEFR và đối chiếu xem mình đã đạt C1 chưa. Nếu ứng viên chưa đạt, nhất quyết phải cố học thật sự cho đạt được trình độ đó.

Hiểu sai về yêu cầu ngôn ngữ

Khá nhiều ứng viên coi điểm IELTS là thang đánh giá chính xác khả năng sử dụng tiếng Anh của mình. Rất tiếc, điều này không chính xác. Điểm IELTS sẽ phản ánh đúng khả năng sử dụng tiếng Anh chỉ trong điều kiện người đi thi chỉ cần làm thử vài bài để quen với quy cách và dạng bài của IELTS. Bài thi này sẽ không phản ánh đúng khả năng sử dụng tiếng Anh nếu như ứng viên dành vài tháng luyện thi, ứng viên phải dùng các mẹo làm bài, hoặc ứng viên chỉ cố gắng dùng các từ ngữ hoặc cách diễn đạt học thuật để ăn điểm mà không thực sự hiểu chúng. Tôi sẽ nói kĩ hơn về vấn đề này ở một bài khác với các chứng cứ khoa học phù hợp.

Coi ngôn ngữ như điều kiện cần chứ không quan trọng

Nhiều ứng viên chỉ cố mau chóng thi được IELTS 6.5, đạt điều kiện cần là xong. Thực ra, các ứng viên phải hiểu rõ mình làm sẽ làm được gì với trình độ ngôn ngữ đang có, chứ không nên dựa vào điểm số. Nhiều người, dù đã xin được học bổng, vẫn chật vật với giao tiếp hàng ngày và viết luận ở các nước nói tiếng Anh.

Không chuẩn bị kĩ năng tư duy và diễn đạt

Việc không rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện và kĩ năng diễn đạt, bằng cả văn nói và văn viết, sẽ dẫn đến 3 vấn đề:

  • Bài luận xin học bổng có chất lượng rất thấp.
  • Khi đi phỏng vấn, ứng viên không hiểu câu hỏi và không diễn đạt sao cho thuyết phục. Ban phỏng vấn luôn là những người rất sắc sảo. Họ sẽ hỏi những câu ứng viên không bao giờ nghĩ ra nổi. Chỉ có tư duy tốt và khả năng làm chủ diễn đạt mới có thể giúp ứng viên tự quyết định được số phận.
  • Ứng viên được học bổng nhưng khi đi học kết quả không tốt. Những người không có tư duy phản biện tốt và khả năng viết thật tốt thì khó có thể viết nổi những bài luận 3000 – 5000 từ. Chuyện ứng viên được học bổng chính phủ hẳn hoi mà vẫn diễn đạt kì cục trong khi nói và trong các bài luận không phải chuyện hiếm.

(Còn tiếp)

 

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015 – 2016

Ảnh: Manfred Antranias Zimmer