Chuẩn bị du học 1: Bảng xếp hạng không phải la bàn vàng (Phần 1)

Chuẩn bị du học 1: Bảng xếp hạng không phải la bàn vàng (Phần 1)

Tôi đích thị là một đứa ưa danh vọng phù phiếm. Thế nên khi Archdaily đăng lại Bảng xếp hạng 100 trường kiến trúc tốt nhất thế giới của Quacquarelli Symonds, tôi phải vào ngay xem Đại học Nottingham đứng ở đâu.

No. 80, lại giảm thứ hạng?

Điều này, nhìn qua, có vẻ có lý. University of Nottingham được ít người biét, làm sao so với Columbia University hay Stanford University chễm chệ ở vị trí 12 với 23. Dưới Top 50 còn đó New York University hơn trường Nottingham cả chục bậc. New York nổi tiếng hơn Nottingham là chuyện không phải bàn cãi.

Nhưng sự thật không phải như vậy.


Cả Columbia University, Stanford University, và NYU đều không có Trường Kiến trúc hay Khoa Kiến trúc. Columbia không có khóa học kiến trúc bậc cử nhân, chỉ có Thạc sỹ Kiến trúc. NYU cũng chỉ có duy nhất 1 khóa dính dáng đến kiến trúc là Thạc sỹ Thiết kế Đô thị và Nghiên cứu Kiến trúc. Bi hài nhất, ở Stanford, chương trình duy nhất có liên quan đến kiến trúc là Bachelor of Science in Engineering with a specialization in Architectural Design.

Chuyện gì đã xảy ra với QS rankings?

Theo Telegraph, 3 bảng xếp hạng trường đại học thế giới được nhiều lượt theo dõi nhất là QS World University Rankings (QS), THE World University Rankings (THE), và Academic Ranking of World Universities (ARWU). 3 bảng này có phương pháp thu thập dữ liệu và đánh giá rất khác nhau. [1]

Về dữ liệu:

QS và THE đều thu thập thông tin về đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu, cơ sở vật chất, số lần được trích dẫn nghiên cứu và một số chỉ số khác, do các trường cung cấp. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng thu thập dữ liệu từ các cuộc khảo sát uy tín (reputation survey) với người tham gia khảo sát là các học giả và nhà tuyển dụng.

ARWU chỉ thu thập các dữ liệu liên quan đến thành tích nghiên cứu như: số lượng cựu sinh viên được giải Nobel và Fields, số lượng giải Nobel và Fields của trường, số lượng nhà nghiên cứu thường xuyên được trích dẫn, số lượng bài báo khoa học được đăng trên Nature và Science, chỉ số bài báo khoa học và một số chỉ số khác.

QS và THE thường được sinh viên quan tâm hơn hẳn ARWU. Nguyên nhân rất dễ hiểu: việc nghiên cứu không phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các sinh viên. Mục tiêu quan trọng nhất của nhiều người vẫn là thu thập kiến thức và kĩ năng để đầu quân trong công nghiệp.

Về trọng số trong đánh giá:

QS ưu tiên uy tín của trường. Uy tín đối với giới học thuật và nhà tuyển dụng chiếm tới 50% trọng số khi xếp hạng. [2]

THE ưu tiên khả năng giảng dạy và nghiên cứu được đánh giá qua thông tin trường cung cấp. Các chỉ số như số lượng trích dẫn nghiên cứu, thu nhập từ nghiên cứu, hoặc số lượng nghiên cứu được công bố tính trung bình trên mỗi thành viên của khoa, chiếm tới 57% trọng số. [3]
ARWU chia khá đều trọng số cho các tiêu chí, nhưng tóm lại đều chỉ xoay quanh khả năng nghiên cứu. [4]

Như vậy, THE có vẻ sẽ đưa ra kết quả chính xác hơn về mặt khả năng truyền đạt kiến thức và nghiên cứu. Trong khi đó, QS thể hiện được chính xác hơn “sức nặng” của một cơ sở đào tạo trong mắt nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo khác. Còn ARWU chỉ hoàn toàn thể hiện sức mạnh nghiên cứu của các trường trong mối tương quan so sánh. Thấu hiểu sự khác biệt này là rất cần thiết nếu ai đó muốn tìm được khóa học thật sự phù hợp với các tiêu chí và sự ưu tiên riêng.

Các ưu điểm ngoài hệ thống xếp hạng chính

QS có các bảng xếp hạng riêng lẻ theo 42 bộ môn (subject), 5 khoa (faculty), vùng (region), và khả năng được tuyển dụng (employability). Vì vậy việc tra cứu phục vụ nghiên cứu ngành hẹp hoặc tìm cơ hội việc làm rất tiện.

THE cũng có bảng tra theo bộ môn nhưng chỉ là đưa bộ môn thành một filter trong bảng xếp hạng chung, chứ không xếp hạng theo chất lượng đào tạo bộ môn đó.
THE cũng đưa ra các bảng xếp hạng chi tiết như xếp hạng khả năng được tuyển dụng, hoặc Alma Mater Index, tuy số lượng trường được đưa vào bảng khá hạn chế (khoảng 150 trường).

(Còn tiếp)

Bài: Hoàng Đức Long, học giả Chevening 2015 – 2016

Ảnh: Sidgarg

Tài liệu tham khảo

[1] A. Marszal, “University rankings: which world university rankings should we trust?,” 4 October 2012. [Online]. Available: http://www.telegraph.co.uk/education/universityeducation/9584155/University-rankings-which-world-university-rankings-should-we-trust.html. [Accessed December 2016].

[2] QS Staff Writer, “QS World University Rankings Methodology,” Quacquarelli Symonds Ltd., September 2016. [Online]. Available: https://www.topuniversities.com/qs-world-university-rankings/methodology. [Accessed December 2016].

[3] Times Higher Education, “World University Rankings 2016-2017 methodology,” Times Higher Education, September 2016. [Online]. Available:
https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/methodology-world-university-rankings-2016-2017. [Accessed December 2016].

[4] L. Bridgestock, “World University Ranking Methodologies Compared,” Quacquarelli Symonds, September 2016. [Online]. Available: https://www.topuniversities.com/university-rankings-articles/world-university-rankings/world-university-ranking-methodologies-compared. [Accessed December 2016].

[5] M. B. Gokcen Arkali Olcay, “Is measuring the knowledge creation of universities possible?: A review of university rankings,” Technological Forecasting & Social Change, 2016.

[6] M. Frot, “5 Common Mistakes to Avoid When Using University Rankings,” Quacquarelli Symonds Ltd., August 2016. [Online]. Available:
http://www.topuniversities.com/blog/5-common-mistakes-avoid-when-using-university-rankings. [Accessed December 2016].